Hy Lạp: Nữ Chủ tịch Quốc hội và sách lược mới của tân chính phủ

Thứ Bảy, 28/02/2015, 08:45
Điều khiển các phiên họp của Quốc hội Hy Lạp do đảng đương quyền Syriza kiểm soát từ tối 9/2 vừa qua tại Athens là nữ Chủ tịch Zoi Konstantopoulou - người vừa được toàn thể Quốc hội bầu vào ngày 6/2 với 235/298 phiếu ủng hộ. Là thành viên thuộc đảng Syriza cánh tả cấp tiến, bà Zoi Konstantopoulou là người phụ nữ thứ hai giữ chức Chủ tịch Quốc hội Hy Lạp.

Năm nay 38 tuổi, Zoi Konstantopoulou là luật sư và là con gái của cựu Chủ tịch đảng Syriza (giai đoạn 1993-2004), lần đầu tiên được bầu vào Quốc hội Hy Lạp trong cuộc bầu cử hồi tháng 5/2012, bà đã thay thế người tiền nhiệm Evangelos Meimarakis và trở thành vị Chủ tịch Quốc hội trẻ nhất của Hy Lạp.

Trước đó, vào ngày 5/2/2015, tại cuộc gặp đầu tiên nhằm tìm kiếm một thỏa hiệp với các chủ nợ của Hy Lạp, Bộ trưởng Tài chính Varoufakis và người đồng cấp Đức Wolfgang Schaeuble đã "không đạt được đồng thuận" về các gói viện trợ của "Bộ ba" cho Hy Lạp vay. Schaeuble cho rằng việc giảm nợ cho Hy Lạp "hiện không còn quan trọng", đồng thời nhắc lại đề nghị hỗ trợ Hy Lạp củng cố hệ thống thuế của nước này.

Hiện Đức vẫn một mực yêu cầu Hy Lạp thực hiện mọi cam kết đã đưa ra để nhận cứu trợ tài chính. Chính phủ Hy Lạp hiện đang tích cực thể hiện quyết tâm thực hiện các cam kết tranh cử là chấm dứt các năm "thắt lưng buộc bụng", dù tỷ lệ nghèo và khó khăn ở nước này đã lên mức cao nhất so với các nước Tây Âu. Tân Thủ tướng mới Tsipras cũng đang nỗ lực vận động các nước thành viên trong Eurozone ủng hộ chiến dịch do ông đề xướng, kêu gọi các định chế tài chính nước ngoài xóa một phần nợ cho nước này.

Tân Chủ tịch Quốc hội Zoi Konstantopoulou.

Chính phủ mới của Hy Lạp đã xúc tiến chiến dịch thuyết phục các đối tác trong Eurozone chấp nhận thỏa thuận cứu trợ vỡ nợ mới dành cho Xứ sở Thần thoại, đồng thời bắt đầu giảm dần các biện pháp "thắt lưng buộc bụng".

Phát biểu tại cuộc họp báo chung ở thủ đô Paris của Pháp cùng người đồng cấp nước chủ nhà Michel Sapin, Bộ trưởng Tài chính Varoufakis nói rằng trong 5 năm qua, việc Hy Lạp phải "sống vì những phần cứu trợ tiếp theo", giống như tình trạng của "những con nghiện", vì vậy, những gì chính phủ mới muốn làm hiện nay là chấm dứt "tình trạng nghiện ngập" này.

Varoufakis cho biết, Hy Lạp cần một thời gian ngắn để giới thiệu những đề xuất cải cách của mình và hy vọng có thể đạt được thỏa thuận với các đối tác về vấn đề này trong tháng 3/2015, và khẳng định rằng muốn đàm phán trực tiếp với các đối tác châu Âu, ECB và IMF, chứ không thông qua các giám sát viên của nhóm "Bộ ba".

Riêng Sapin, ông khuyến cáo Hy Lạp không nên trông chờ các đối tác xóa nợ, mặc dù thế, ông bỏ ngỏ một số lựa chọn, bao gồm kéo dài thời hạn thanh toán nợ cho Athens, cho biết Chính phủ Pháp sẵn sàng hỗ trợ Athens tìm kiếm thỏa thuận mới với các đối tác, nhấn mạnh vị trí của Hy Lạp là ở trong Eurozone, đồng thời khẳng định rằng bất kỳ thỏa thuận mới nào với Athens đều phải tính đến quy mô cải cách cơ cấu và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Hy Lạp. Ông cho rằng việc Hy Lạp trả khoản nợ hiện tại phải gắn liền khả năng khôi phục tăng trưởng.

Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis được nhiều dân biểu ủng hộ nhất

Về các mối quan hệ với "Bộ ba" EU-ECB-IMF, tân Chủ tịch Quốc hội Zoi Konstantopoulou cũng có quan điểm cứng rắn tương tự Thủ tướng Tsipras và Bộ trưởng Tài chính Varoufakis. Sau hơn hai tuần lên nắm quyền đầy khó khăn, Chính phủ mới của Hy Lạp tuyên bố muốn chấm dứt thỏa thuận cứu trợ vỡ nợ hiện nay với nhóm "Bộ ba" khi thời điểm giải ngân phần cứu trợ tiếp theo trị giá 7,2 tỉ euro (8 tỉ USD) trong gói cứu trợ này hết hạn vào ngày 28/2/2015.

Thay vào đó, Tsipras muốn đạt "thỏa thuận bắc cầu" với "Bộ ba" để có thêm thời gian đàm phán về thỏa thuận mới nhằm giảm gánh nặng nợ công hiện không còn kiểm soát nổi, lên đến 320 tỉ (360 tỉ USD), tương đương 175% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.

Sau Pháp, Varoufakis sẽ gặp những người đồng cấp của các đối tác chủ chốt như Anh, Italia, đặc biệt là Đức -quốc gia vẫn khăng khăng đòi Hy Lạp thực hiện mọi cam kết nhận cứu trợ. Thủ tướng Tsipras cũng sẽ đến Pháp, Italia và gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker,  để tìm kiếm sự cảm thông, hy vọng sẽ đặt nền tảng cho thỏa thuận mới vì Rome và Paris đã từng kêu gọi nới lỏng chính sách khắc khổ trong Eurozone.

Gần như đa số thành viên Quốc hội Hy Lạp đều biểu quyết tín nhiệm cao đối với tân chính phủ của Thủ tướng Tsipras vốn hiện đang tích cực thể hiện lập trường quyết tâm thực hiện các cam kết trong thời kỳ tranh cử là chấm dứt nhiều năm "thắt lưng buộc bụng", dù nghèo đói và khó khăn ở nước này đã lên mức cao nhất so với các nước Tây Âu.

Athens đã dừng một loạt kế hoạch tư nhân hóa và tuyên bố kế hoạch tiếp nhận lại hàng nghìn lao động trong khu vực công từng bị chính phủ sa thải và tăng lương tối thiểu cho những người có thu nhập thấp, vốn bị cắt từ 751 xuống còn 586 euro/tháng theo thỏa thuận cứu trợ vỡ nợ năm 2012.

Bà Zoi Konstantopoulou cũng tán đồng các chủ trương của tân chính phủ, sau các phiên họp Quốc hội này, sẽ thương lượng với giới chủ và các nghiệp đoàn trong khi xúc tiến triển khai rộng rãi kế hoạch này, mong cứu nền kinh tế Hy Lạp vốn đã khó khăn, nay đang bị "Bộ ba" EU-ECB-IMF bao vây vì tân chính phủ cùng Quốc hội từng bước kết thúc chủ trương "thắt lưng buộc bụng" và muốn ra khỏi Eurozone mặc dù Bộ trưởng Tài chính Sapin cho rằng Hy Lạp không có tương lai bên ngoài Eurozone.

Lê Miên Tường (tổng hợp)
.
.