Hy Lạp hân hoan vì thủ tướng đeo cà-vạt

Thứ Hai, 02/07/2018, 12:37
Một cột mốc quan trọng đã được xác lập vào hôm 22-6 vừa qua, khi các quốc gia trong khu vực đồng euro đạt được thỏa thuận cuối cùng cho kế hoạch quản lý khoản nợ khổng lồ của Hy Lạp, chấm dứt chương trình cứu nợ đồng nghĩa với chấm dứt khủng hoảng nợ kéo dài suốt 8 năm qua.

“Tôi phải nói rằng Chính phủ Hy Lạp vui mừng với thỏa thuận này” - Bộ trưởng Tài chính Euclid Tsakalotos phát biểu sau khi Hy Lạp và các nước Eurozone đạt được thỏa thuận.

Ông Tsakalotos cũng khẳng định, chính phủ của ông cũng sẽ không quên những khó khăn mà người dân Hy Lạp đã trải qua trong 8 năm qua. Trong khi đó, người phát ngôn Chính phủ Hy Lạp Dimitris Tzanakopoulos đã hân hoan gọi thỏa thuận đạt được là một “quyết định lịch sử”, đồng nghĩa với việc người dân Hy Lạp lại có thể nở nụ cười. Và thông tin về thỏa thuận chấm dứt khủng hoảng cũng khiến các thị trường tài chính sôi động hẳn lên.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras phát biểu trước Quốc hội ngay hôm 22-6 rằng “Hy Lạp đang trở lại là một quốc gia bình thường, đã lấy lại sự độc lập về chính trị và tài chính”. Sự hân hoan đã thể hiện rõ trong phong thái của nhà lãnh đạo cánh tả: lần đầu tiên kể từ khi Tsipras lên nắm quyền lãnh đạo Hy Lạp vào tháng 1-2015, người ta thấy ông mang cà-vạt - bởi vì ông vừa thực hiện được lời hứa với cử tri Hy Lạp rằng ông sẽ chỉ mang cà-vạt khi Hy Lạp đã giải quyết xong các vấn đề liên quan đến nợ công.

Lần đầu tiên từ khi ông Alexis Tsipras lên nắm quyền, người ta thấy ông mang cà-vạt khi làm việc.

Kế hoạch cho phép Hy Lạp dãn thời gian và hoãn trả các khoản nợ thêm 10 năm. Đồng thời, Hy Lạp cũng hy vọng sẽ được cấp thêm khoản tín dụng trị giá 15 tỉ euro. Kế hoạch này sẽ tạo thuận lợi cho Hy Lạp tự đứng trên đôi chân của mình để giải quyết các vấn đề về nợ công.

Theo kế hoạch, Hy Lạp sẽ thực hiện việc chi trả lần cuối cùng vào khoảng 10-12 tỉ euro cho gói cứu nợ 2015 trị giá 86 tỉ euro và dành ra một khoản đệm tài chính tương đương 10 tỉ euro. Sau khi hoàn tất gói cứu nợ cuối cùng vào ngày 20-8 tới, Hy Lạp sẽ quay trở lại với các thị trường tài chính thế giới để tiếp nhận những khoản vay mới.

Từ khi lâm vào tình trạng khủng hoảng nợ công, Hy Lạp luôn trong tình trạng cạn tiền mặt và mọi hoạt động của guồng máy chỉ còn được tính theo ngày. Từ năm 2010, khi khả năng tiếp cận các thị trường tài chính không còn nữa, Hy Lạp chủ yếu tồn tại nhờ vào các khoản vay cứu trợ của các quốc gia Eurozone và các chủ nợ quốc tế - gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Trong giai đoạn 8 năm, số tiền vay trong các chương trình cứu nợ đã lên đến 275 tỉ euro (318 tỉ USD). Trong khoảng thời gian đó, Hy Lạp đã 2 lần suýt bị loại ra khỏi khu vực đồng tiền chung Euro. “Đã có rất nhiều sự hy sinh. Nhưng cuối cùng rồi Hy Lạp cũng đủ khả năng tự đi tới trên chính đôi chân của mình” - Ủy viên Ủy ban châu Âu Pierre Moscovici cảm khái.

Nhưng để có được sự tự chủ đó, chính phủ Thủ tướng Tsipras sẽ phải tiếp tục thực hiện các giải pháp thắt lưng buộc bụng và cải cách kinh tế, bao gồm việc tạo ra thặng dư ngân sách cho giai đoạn kéo dài 40 năm. Việc thực hiện các giải pháp này sẽ được các chủ nợ giám sát định kỳ hằng quý.

Các giải pháp thắt lưng buộc bụng sẽ vẫn nhắm vào việc cắt giảm chi tiêu công nhằm giảm thâm hụt ngân sách, đồng thời các giải pháp cải cách kinh tế sẽ hướng đến việc cải thiện hiệu quả hoạt động của nền kinh tế nhằm tạo ra tăng trưởng. Trong giai đoạn khủng hoảng vừa qua, đã có những lúc nền kinh tế Hy Lạp rơi vào suy thoái chưa từng có, với quy mô nền kinh tế sụt giảm đến 26%. Còn ngày nay, đà tăng trưởng đang bắt đầu hồi phục, dự báo sẽ tăng khoảng 1,9% trong năm nay.

Quyết tâm tiếp tục thực hiện các giải pháp thắt lưng buộc bụng và cải cách kinh tế của Chính phủ Hy Lạp đang nhận được phản hồi tích cực từ các thị trường tài chính quốc tế, với chi phí vay nợ giảm sâu và đứng ở mức 4%, so với 24% trong giai đoạn cao trào của khủng hoảng.

Bộ trưởng Tài chính các nước Eurozone thảo luận tại cuộc họp ngày 22-6.

Cuộc khủng hoảng nợ gần 10 năm qua đã khiến Hy Lạp phải thay đổi đến 4 chính phủ, vì thế buộc ông Tsipras khi lên nắm quyền phải tìm giải pháp thay đổi mạnh mẽ trong việc chi tiêu để lập lại cân bằng thu chi ngân sách. Từ năm 2010, lương ở khu vực nhà nước đã giảm khoảng 20%, các khoản hưu trí và phúc lợi xã hội khác bị cắt giảm đến 70%.

Quy mô khu vực công đã được cắt giảm 26%. Thất nghiệp bắt đầu giảm chút ít, nhưng vẫn ở mức cao, khoảng 20%, trong khi đó tỉ lệ thất nghiệp trong thanh niên vẫn rất cao, lên đến 43%. Đây là nguyên do thúc đẩy thanh niên Hy Lạp ra nước ngoài tìm kiếm việc làm.

Hiện tại, nợ công của Hy Lạp vẫn còn ở mức cao, lên đến 180% GDP, tương đương khoảng 320 tỉ euro (370 tỉ USD), biến Hy Lạp thành quốc gia có tỉ lệ nợ công cao nhất châu Âu. Giới kinh tế châu Âu đánh giá khoản nợ này là trở ngại lớn nhất cho việc hồi phục nền kinh tế Hy Lạp. Vì vậy, cắt giảm khối lượng nợ này, làm cho nó trở nên dễ giải quyết hơn, đảm bảo giảm nợ bền vững cho Hy Lạp là mục tiêu quan trọng nhất vào lúc này.

Vì mục tiêu này, IMF đã gây sức ép với các chủ nợ Eurozone bằng cách kiên quyết không ký tên vào gói cứu nợ cuối cùng nếu các chủ nợ Eurozone không đồng ý tái cấu trúc nợ cho Hy Lạp. Tuy nhiên, các nước Eurozone đã không thực hiện theo yêu cầu của IMF và kết quả là IMF rút khỏi gói cứu nợ cuối cùng ngày 20-8 tới.

Không có IMF, Hy Lạp sẽ phải đối mặt với sự giám sát gắt gao của các nước theo quan điểm cứng rắn với Hy Lạp và Thủ tướng Tsipras sẽ phải chấp nhận triển khai các giải pháp khắc khổ hơn nữa để làm vừa lòng các chủ nợ.

An Châu (tổng hợp)
.
.