Hy vọng mới cho người Palestine

Thứ Ba, 17/05/2011, 14:05

Hai phái chính của người Palestine là Hamas ở Dải Gaza và Fatah ở khu Bờ Tây sông Jordan vừa thông báo đã đạt được thỏa thuận tái hợp vào ngày 27/4 vừa qua. Đối với những ai mong muốn người Palestine sớm có nhà nước riêng và Trung Đông có được nền hòa bình vĩnh viễn thì điều đó là tất yếu, là hy vọng mới cho người Palestine. Nhưng Mỹ và Israel lại phản ứng một cách tiêu cực. Tại sao?

Tuyên bố của các phái người Palestine được đưa ra tại cuộc họp báo chung ngày 27/4 tại Cairo, ngay sau khi cuộc họp kín giữa phái đoàn Hamas và Fatah do Ai Cập làm trung gian vừa kết thúc, rằng 2 bên đã đạt được thỏa thuận hòa giải. Theo đó, 2 phái sẽ tiếp tục cùng nhau thương thảo để đi đến việc ký kết một giao ước chia sẻ quyền lực, thành lập Chính phủ hòa hợp dân tộc. Tiến trình thương thảo chia sẻ quyền lực này có thể sẽ kéo dài trong 1 năm, nhưng không lâu hơn. Như vậy, sau 4 năm chia cắt, người Palestine đang có cơ may sẽ lại đoàn kết một nhà. Những người ủng hộ một Nhà nước Palestine và nền hòa bình ở Trung Đông tin rằng đây là dấu hiệu cho một hy vọng mới, một tương lai đoàn kết dân tộc để tạo nên sức mạnh trong công cuộc đấu tranh thành lập nhà nước độc lập.

Sự kiện này diễn ra ngay vào thời điểm có những biến động về chính trị trong khu vực Trung Đông. Ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người Palestine ở Dải Gaza là việc chính quyền mới ở Ai Cập đã thay đổi quan điểm cứng rắn trước đây đối với Hamas. Hôm 30/4, ông Nabil al-Araby - Bộ trưởng Ngoại giao mới của Ai Cập đã tuyên bố với báo chí rằng, nước ông sẽ nới lỏng kiểm soát biên giới với Dải Gaza, vĩnh viễn mở lại cửa khẩu Rafah - một điều kiện thuận lợi để Gaza thoát khỏi ách kìm kẹp của Israel.

Sau 4 năm kiểm soát Dải Gaza, Hamas ngày nay cũng đã thay đổi nhiều so với trước đây. Tổ chức này bây giờ không chủ trương dùng bạo lực, đánh bom để đạt mục tiêu "tiêu diệt" Nhà nước Do Thái nữa mà đã chuyển sang sử dụng các hình thức mới: chính trị, văn hóa, xã hội. Đây cũng là một yếu tố làm thay đổi cách nhìn của cộng đồng Arập và thế giới đối với hình ảnh Hamas, ngoại trừ Mỹ và Israel.

Tuy nhiên, một ngày sau khi các phái Palestine ra thông báo nêu trên, ngày 28/4, Hạ viện Mỹ đã "nổi giận" và ra tuyên bố nếu người Palestine thúc đẩy kế hoạch tái hợp nhất và hòa giải dân tộc thì Mỹ sẽ trừng phạt bằng cách cắt viện trợ hàng năm cho chính quyền Palestine (PA). Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Ileana Ros-Lehtinen đã phát biểu rất gay gắt trong tuyên bố của mình rằng, đồng tiền Mỹ sẽ không được chi viện cho PA nếu trong cơ cấu quyền lợi mới có sự hiện diện của Hamas - tổ chức chủ trương không công nhận Nhà nước Israel. Ngay sau tuyên bố của Hạ viện Mỹ, Chính phủ Israel cũng đã có hành động tiêu cực là ngưng chuyển số tiền thuế và phí trị giá 89 triệu USD mà cơ quan thuế Israel thu hộ Palestine.

Tại sao Washington và Tel Aviv lại quá "nhạy cảm" với viễn cảnh một Palestine thống nhất thành một khối? Câu trả lời một cách khái quát là, vì trong thâm tâm cả Mỹ và Israel đều không muốn mục tiêu thành lập Nhà nước Palestine theo giải pháp "2 nhà nước" trong lộ trình hòa bình do nhóm Bộ tứ (gồm LHQ, EU, Nga, Mỹ) bảo trợ sớm thành hiện thực. Đối với Israel, việc 2 phái Palestine tái hợp chính là một đòn hiểm, đã tước đi của họ "quân bài tẩy" đang nắm trong tay để kiểm soát người Palestine suốt 4 năm qua.

Cũng cần nhắc lại, khi Hamas giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội đầu năm 2006, giữa 2 phái Fatah và Hamas đã nảy sinh mâu thuẫn nghiêm trọng và một cuộc tranh giành quyền lực cũng bắt đầu. Sau hàng loạt cuộc đối đầu ngấm ngầm, đến tháng 6/2007, Hamas bất ngờ làm một cuộc "lật đổ" hất Fatah ra khỏi Dải Gaza, để một mình nắm quyền kiểm soát tại đây, đồng thời nhường quyền kiểm soát khu Bờ Tây cho Fatah. Mỹ và Israel khi đó ra sức dùng tiền và lợi ích trước mắt để lôi kéo ông Abbas và thành phần Fatah ôn hòa nhằm mục đích chia cắt lâu dài 2 phái chính trị và 2 vùng lãnh thổ Palestine.

Hai trưởng đoàn đàm phán của Hamas và Fatah.

Với một Palestine phân 2, sẽ là không tưởng nếu cứ nói đến chuyện "hòa bình" hay thành lập Nhà nước Palestine. Đây chính là "quân bài tẩy" mà Israel muốn giữ lấy để kiểm soát người Palestine. Một mặt nói chuyện "hòa bình" với Palestine, nhưng mặt khác Israel lại tìm cách gây chiến với Hamas ở Gaza, thẳng tay đàn áp, bóp nghẹt cuộc sống 1,5 triệu dân Palestine ở Gaza để giữ cho ngọn lửa xung đột luôn cháy ở Gaza. Sự giằng co càng kéo dài thì Israel càng có nhiều thời gian để thực hiện mưu đồ chiếm đất bằng cách xây dựng nhà ở trong các khu định cư.

Còn nhớ rõ, Tổng thống Obama đã tỏ ra cương quyết thế nào khi ra tối hậu thư yêu cầu Israel phải ngưng hoàn toàn việc xây dựng nhà ở trong các khu định cư. Năm lần bảy lượt, sự dùng dằng của Israel khiến cho vấn đề các khu định cư chẳng đi đến đâu. Vì muốn được lòng Mỹ và Israel nên ông Abbas chấp nhận cắt đứt quan hệ với Hamas. Thế nhưng thực tế đang khiến ông Abbas "sáng mắt ra": Washington trước sau vẫn là đồng minh chiến lược của Israel, vì vậy sẽ không có chuyện Washington vì lợi ích của người Palestine mà ép buộc Israel thực hiện theo yêu cầu của người Palestine.

Thế giới hiện nay đang ngày càng có nhiều người ủng hộ việc thành lập Nhà nước Palestine: nhiều nước thành viên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, khu vực Nam Mỹ, các định chế World Bank, IMF và nhiều tổ chức quốc tế khác, ngay cả thành phần trí thức Israel cũng đang kêu gọi ủng hộ thành lập Nhà nước Palestine. Với việc Fatah tái hợp với Hamas, Palestine trở thành một khối thống nhất, là cơ sở tiên quyết để Tổng thống Abbas có thể yêu cầu LHQ chính thức công nhận Nhà nước Palestine. Đây chính là lý do vì sao Israel và Mỹ quyết liệt phản đối 2 phái Palestine hòa giải

Văn Trương (tổng hợp)
.
.