Indonesia: Vận hội mới của “người con từ khu ổ chuột”

Thứ Tư, 13/08/2014, 14:15

Sau hai tuần khẩn trương tiến hành kiểm đếm 135 triệu phiếu từ 480.000 điểm bỏ phiếu trên toàn quốc, Ủy ban bầu cử Indonesia ngày 23/7 chính thức ra thông báo: Ứng viên Joko Widodo đã đắc cử Tổng thống Indonesia và ông Jusuf Kalla, người đứng cùng liên danh tranh cử sẽ là Phó Tổng thống.

Với tổng số phiếu hợp lệ là 53,2% mà ông Widodo đạt được, đối thủ Prabowo Subianto phải chấp nhận thua cuộc với số phiếu đạt được chỉ là 46,9%. Trước chiến thắng thuyết phục này, các nhà phân tích đều kỳ vọng ông Joko Widodo sẽ giúp Indonesia trở thành nền kinh kế đứng thứ 5 ở châu Á và đem lại luồng sinh khí mới cho một chính trường bấy lâu nay đều bị những nhân vật từ thành phần quân đội hoặc những chính khách tài phiệt khuynh đảo.

Tân Tổng thống có biệt danh Jokowi vốn sinh trưởng trong một khu ổ chuột ở ngoại vi thành phố Surakarta thuộc tỉnh Jawa Tengah, sẽ bắt đầu nhiệm kỳ lãnh đạo 5 năm vào ngày 20/10 tới. Gia đình Joko từng mưu sinh bằng nghề đóng đồ gỗ gia dụng cho cư dân địa phương trong những năm 60 của thế kỷ trước giờ hoàn toàn có thể ngẩng cao đầu tự hào.

Trong hơn 7 năm là người đứng đầu chính quyền Surakarta, J. Widodo đã góp phần biến đổi mạnh mẽ bộ mặt của thành phố quê hương, khiến Surakarta được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào năm 2006. Đến đầu năm 2012, Thị trưởng J. Widodo được xếp thứ 3 trong danh sách 10 thị trưởng tiêu biểu nhất thế giới do tạp chí Time uy tín của Mỹ bình chọn, về thành tích "đã biến một thành phố vốn là hang ổ của tội phạm thành một trung tâm văn hóa nghệ thuật giàu tính dân tộc".

Còn khi giữ chức Đô trưởng thủ đô Jakarta, J. Widodo từng được ca ngợi là anh hùng của  cuộc chiến chống đói nghèo và nạn tham nhũng. Đầu năm nay, ông lại được tạp chí Fortune của Mỹ xếp hạng là một trong 50 nhà lãnh đạo hàng đầu trên thế giới. Khác với hầu hết chính trị gia tại Indonesia, ông Jokowi thường đột xuất đi đến nhiều khu vực của Jakarta chỉ để kiểm tra tiến độ các dự án của chính phủ và trực tiếp lắng nghe những nguyện vọng của nhân dân cũng như những mối lo ngại của họ về tình trạng lũ lụt, ách tắc giao thông hay nhà ở cho người nghèo.

Ông Joko Widodo trả lời phỏng vấn báo giới ngay tại dự án hồ chứa nước ở thủ đô Jakarta ngày 22/7.

Tuy vậy, đất nước có số người Hồi giáo đông nhất thế giới này có nhiều chỗ yếu làm người ta e ngại. Nổi bật nhất là hạ tầng cơ sở: đường sá, bến cảng… cũng như các phương tiện chuyên chở đường hàng không, đường thủy… rất yếu kém, không đáp ứng được nhu cầu phát triển ngày càng lớn. Bên cạnh đó là vấn nạn hành chính, quan liêu, với hệ quả tất yếu là tham nhũng. Mức chênh lệch giàu nghèo ngày càng sâu rộng, bất bình đẳng ngày một rõ hơn: 12% người Indonesia phải sống với 1,25 USD/ ngày, và gần 40% dân chúng phải sống với chưa đầy 2 USD/ ngày, với công ăn việc làm tạm bợ.

Vấn đề công ăn việc làm sẽ là một thách thức lớn đối với tân Tổng thống nước này. Tỷ lệ tăng trưởng bình quân 6%/năm của Indonesia, tuy rất đáng khích lệ, nhưng không đủ để tạo thêm công ăn việc làm cho lượng dân số trẻ đang trên đà tăng nhanh.

Ngoài ra, tân Tổng thống Indonesia cũng đứng trước những thách thức đối ngoại, nhất là vấn đề Biển Đông khi mà các nước như Mỹ, Nhật, Australia, Philippines đang nỗ lực ngăn chặn tham vọng làm thay đổi nguyên trạng của Bắc Kinh. Năm 2009, khi Trung Quốc trình lên Liên Hiệp Quốc (LHQ) bản đồ 9 đoạn lấn vào một phần đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Indonesia thì giới lãnh đạo đảo quốc này không thể hiện thái độ mạnh mẽ chống đối.

Nhưng vài tuần trước khi diễn ra Hội nghị ARF (Diễn đàn An ninh khu vực của ASEAN tại Hà Nội), Jakarta đã nộp văn kiện lên LHQ xác định chủ quyền để sau này khi có tranh chấp thì có bằng chứng… Các nhà quan sát nhận định, Indonesia không phải là đồng minh thân cận của Mỹ như Philippines nhưng cũng luôn dè chừng Trung Quốc.

Ngày 22/6 vừa qua, trong cuộc tranh luận trên sóng truyền hình giữa ông và đối thủ Prabowo Subianto, ông Joko Widodo phát biểu rằng, nếu đắc cử, ông sẽ thực thi một bước lùi nhỏ trong chính sách của Jakarta về Biển Đông. Ông nhìn nhận, Indonesia không nên can thiệp vào xung đột trừ khi có thể đóng vai trò tích cực giúp giải quyết tranh chấp qua con đường ngoại giao.

"Đây là vấn đề giữa một nước này với nước khác. Sẽ tốt hơn nếu chúng ta đóng vai trò nào đó, nhưng đồng thời cũng phải xem xét liệu việc này có làm xấu đi quan hệ với Trung Quốc hay không, rằng chúng ta có tìm ra được một giải pháp cho xung đột hay không. Nếu như chính sách ngoại giao của chúng ta không hiệu quả và không tìm được hướng đi đúng, thì sự can thiệp cũng chẳng mang lại ích lợi gì".

Trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh đều muốn giành ảnh hưởng ở châu Á - Thái Bình Dương, việc các bên lôi kéo Jakarta vào phạm vi ảnh hưởng của mình là điều dễ hiểu. Với Mỹ, việc tăng cường hợp tác an ninh và kinh tế với Indonesia giúp củng cố và kết nối thành một nhóm các nước gồm: Nhật Bản, Philippines và Ấn Độ, cảnh giác với sự trỗi dậy và các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.

Tuyên bố chủ quyền gần đây của Trung Quốc với vùng biển Natuna, vốn là một phần quần đảo Riau của Indonesia, có thể thuyết phục một số nhà hoạch định chính sách Indonesia nghiêng về phía Washington, và tạo thành trở lực không thể xem thường trước thái độ lấn lướt, coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông.

Như vậy, nếu Indonesia theo lập trường sử dụng diễn đàn khu vực để giải quyết vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, thì tân Tổng thống sẽ phải thể hiện mình có vai trò và tiếng nói thuyết phục hơn trong cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.