Iran: Ló dạng “đối thủ” của ông Ahmadinejad

Thứ Tư, 01/08/2012, 16:15

Thị trưởng Tehran Mohammed-Baqer Qalibaf đang được phương Tây chú ý và đánh giá có thể sẽ là một ngôi sao mới trên bầu trời Iran, người có khả năng sẽ lên thay thế đương kim Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad sau cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới. Những gì ông Qalibaf đã làm trong 2 nhiệm kỳ Thị trưởng Tehran cho thấy sự đánh giá đó không phải là không có cơ sở. Chỉ có điều, ông Qalibaf là đối thủ chứ không phải là đồng minh của Tổng thống Ahmadinejad.

Ở  Iran hiện nay có một câu nói: “Con đường đến chức tổng thống đi qua ghế thị trưởng Tehran. Điều này đúng, bởi vì trên thực tế cũng đang có ít nhất một tổng thống Iran từng kinh qua chức thị trưởng đầy quyền lực này. Đó là đương kim Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, từng làm Thị trưởng Tehran. Còn Mohammed-Baqer Qalibaf thì đến nay đã gần hết 2 nhiệm kỳ, với hàng loạt thay đổi, cải cách, nâng cấp, mở rộng đang khiến cho nhiều người ở Tehran hài lòng, đánh giá cao.

Gần đây, một phóng viên của tờ Time (Mỹ) đã làm một chuyến du ngoạn Tehran bằng taxi - một loại phương tiện công cộng rất được ưa chuộng ở Tehran. Cánh lái xe taxi thì thích nhất là đường tốt, rộng rãi, chạy êm,… Và câu chuyện họ nói với tay phóng viên báo Time nọ chính là những lời ca ngợi Thị trưởng Qalibaf vì ông đã cho triển khai rất nhiều dự án cơ sở hạ tầng, đường xá. Nhưng Qalibaf không chỉ làm có thế. Chính là ông đã cải tổ hoàn toàn hệ thống giao thông công cộng ở Tehran, xây dựng một hệ thống xe buýt mới đầy tiện nghi, xây dựng các tuyến metro, làm thêm nhiều cầu vượt, đường trên cao, đường hầm…

Không chỉ ngành giao thông, hầu như toàn bộ đời sống Tehran đều được "thay da đổi thịt", như nâng cấp, cải tiến hệ thống hạ tầng vệ sinh, cấp thoát nước, xây dựng nhiều công viên để tăng cường mảng xanh cho thành phố. Về chính trị, Qalibaf cho mở văn phòng tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của công dân, lập nên hệ thống đường dây điện thoại nóng để công dân gọi "cầu cứu" khi có chuyện cần.

Cũng như ông Ahmadinejad, Qalibaf từng phục vụ trong quân đội và các lực lượng vũ trang Iran. Năm nay 51 tuổi (sinh năm 1961), Qalibaf là người gốc Kurd (cha là người Kurd, mẹ người Ba Tư). Là một chỉ huy không quân của lực lượng Vệ binh Cách mạng, Qalibaf đóng vai trò quan trọng góp phần vào trận đánh giải phóng thị trấn biên giới Khorranmshahr làm thay đổi cán cân, cục diện cuộc chiến Iran-Iraq.

Sau chiến tranh, và trong thập niên 90 thế kỷ trước, Qalibaf chuyển sang làm chỉ huy cảnh sát, được phong trung tướng và leo lên nắm giữ chức Tổng trưởng Cảnh sát Quốc gia. Ông từng được Tổng thống Mohammad Khatami tín nhiệm, trọng dụng trong guồng máy cải cách năng động, dẫn đầu chiến dịch chống tiền giả và buôn lậu,… Tuy nhiên, con đường cải cách có Qalibaf tham gia đã bị chặn đứng vào năm 2005 bởi việc thắng cử của ông Ahmadinejad. Qalibaf cũng tham gia trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2005 nhưng không thành công, chỉ xếp thứ 4 trong các ứng cử viên.

Qalibaf không chỉ nổi tiếng là Thị trưởng Tehran thành công, có tài quản lý giỏi, ông còn là người dám đứng ra công kích các chính sách điều hành đất nước của Tổng thống Ahmadinejad. Cũng là một nhân vật bảo thủ, nhưng so với Ahmadinejad thì Qalibaf có phần thoáng hơn, và quan điểm đối ngoại cũng như tinh thần dân tộc cải cách của ông cũng khác Ahmadinejad. Qalibaf được cho là người theo đường lối "trung dung", bảo thủ một cách cởi mở. Ông chủ trương đối thoại với Mỹ và phương Tây, đặc biệt là ủng hộ ý tưởng đối thoại ngoại giao của ông Obama ngay từ khi ông chưa đắc cử tổng thống Mỹ. Nhưng Qalibaf đồng thời cũng quyết liệt bảo lưu quyền phát triển chương trình hạt nhân của Iran, không chấp nhận lùi bước trong đàm phán với phương Tây.

Tuy nhiên, chỉ mỗi uy tín của một thị trưởng Tehran có lẽ chưa đủ để giúp Qalibaf làm nên chuyện tại kỳ bầu cử tới. Qalibaf cũng chưa hẳn là Thị trưởng Tehran giàu uy tín nhất. Thị trưởng Gholamhossein Karbaschi - một người theo trường phái Khatami, người đã đặt nền móng cho những công trình mà hiện nay Qalibaf đang mở rộng, xây thêm, đã từng là Thị trưởng Tehran được nhiều người yêu mến hơn hẳn Qalibaf hôm nay, và đã phải uống chén đắng khi bị hạ bệ một cách ê chề

Quốc Vương (tổng hợp)
.
.