Iraq sau ngày 30/6

Thứ Tư, 08/07/2009, 17:35
Sáu năm sau khi đưa quân sang Iraq để lật đổ chế độ Saddam Hussein, ngày 30/6/2009 quân đội Mỹ đã rút khỏi các thành phố và thị tứ để dồn về các căn cứ ở ngoài các khu dân cư, giao quyền kiểm soát hoàn toàn lại cho quân đội Iraq. Điều khiến dư luận Iraq và quốc tế quan tâm nhất vào lúc này là điều gì sẽ xảy ra sau sự kiện trên khi mà trước đó vài ngày, bạo động tại Iraq đã gia tăng đột biến?

Thi hành thỏa hiệp đã ký kết trước đây với chính quyền Iraq, kể từ nay, khoảng 500.000 cảnh sát và 250.000 quân nhân Iraq sẽ đảm trách bảo vệ an ninh cho các thành phố. Còn quân đội Mỹ sẽ chỉ còn giữ vai trò yểm trợ và huấn luyện cho đến khi triệt thoái hoàn toàn khỏi Iraq vào cuối năm 2011.

Thỏa hiệp rút quân trên được ký kết giữa Chính phủ Iraq và chính quyền Bush và khi Tổng thống Obama lên nắm quyền vẫn tiếp tục tôn trọng lịch rút quân bất chấp một số sức ép từ phía quân đội. Theo một cuộc thăm dò do Đài Truyền hình Mỹ CNN công bố ngày 30/6, có đến 73% người dân Mỹ ủng hộ việc triệt thoái ra khỏi các thành phố Iraq.

Chính phủ Iraq tuyên bố ngày 30/6 là Ngày Chủ quyền quốc gia. Các đoàn xe tăng và thiết giáp của quân đội và cảnh sát được trang hoàng bằng hoa và quốc kỳ, đã trấn giữ các đường phố. Loa phóng thanh phát liên tục những bài hát cổ động lòng yêu nước...

Cũng nhân dịp này, Hãng Thông tấn Pháp AFP đưa ra những con số thống kê chi tiết: 157 căn cứ quân sự Mỹ tại các thành phố và thị tứ của Iraq được di dời; hiện Mỹ còn 131.000 binh lính tại Iraq; 4.313 lính Mỹ đã bị chết kể từ khi nước này phát động cuộc chiến Iraq, Chính phủ Iraq cho biết có 1.844 cảnh sát và binh lính của nước này tử trận. Vẫn theo AFP, số thường dân Iraq bị giết trong giai đoạn này là 100.867 người.

Điều gì sẽ thay đổi tại Iraq sau ngày 30/6? Nhà phân tích chính trị Michael Knights, ngày 26/6 đã đăng một nghiên cứu mang tên "Iraq Withdrawal Deadline: Subtle Shift in U.S. Mission" trên trang web của Viện Nghiên cứu chính trị Trung Đông có trụ sở tại Washington (tổ chức vận động hành lang Mỹ thân Israel), chỉ rõ: Lịch trình thực hiện hiệp ước rút quân đã được thực thi.

Từ khi thỏa thuận này được phê chuẩn, lực lượng Mỹ đã bắt đầu chấp hành các quy định: xin phép người Iraq khi muốn tiến hành các cuộc bố ráp bên trong các thành phố và thị tứ; chuyển toàn bộ những nghi can mới bị bắt cho chính quyền Iraq trong vòng 24 giờ đồng hồ; các khu vực trước đây do quốc tế kiểm soát và việc kiểm soát không lưu đã được chuyển giao cho chính quyền Baghdad từ ngày 1/1/2009 (...).

Michael Knights cho biết mặc dù những thay đổi như vậy nhưng mọi thứ dường như vẫn ở trong trạng thái cũ. Lực lượng Mỹ vẫn sẽ đồn trú bên ngoài vành đai các thành phố của Iraq. Các cố vấn Mỹ vẫn sẽ có thể tham gia vào các chiến dịch bên trong các thành phố của quân đội Iraq.

Các lực lượng đặc biệt của Mỹ sẽ tiếp tục giám sát từ xa những lợi ích của họ tại Iraq, sẵn sàng giúp đỡ người Iraq nếu tình hình trở nên tồi tệ. Về phía Chính phủ Iraq, bước đường cùng khi không kiểm soát nổi tình hình an ninh trong nước, chính phủ của Thủ tướng Al-Maliki có thể yêu cầu Mỹ xem xét lại việc rút quân trong thời gian từ nay tới năm 2012.

Điều khác biệt duy nhất theo Michael Knights là sự triệt thoái của quân đội Mỹ sẽ tạo điều kiện nhất thể hóa những thành phần sắc tộc và tôn giáo tại Iraq. Dù gì đi chăng nữa thì thực tế rõ ràng là tương lai phụ thuộc vào khả năng giải quyết những khúc mắc về sắc tộc và tôn giáo của Chính phủ Iraq.

Cục diện mới tại Iraq sau ngày 30/6 buộc lực lượng liên quân quốc tế phải xin phép chính quyền sở tại trước khi có hành động can thiệp bên ngoài khu đồn trú của họ. Trong lúc đó, một tuần trước thời hạn binh lính Mỹ rút quân, Iraq đã phải chứng kiến một làn sóng bạo lực mới chống lại người Shiite.

Một vụ tấn công đã làm chết 70 người ngày 24/6 tại khu ngoại ô Baghdad là vụ tấn công thứ 8 nhằm vào khu vực sinh sống của người Shiite chỉ trong vòng 4 ngày. Trước đó, ngày 20/6, một chiếc xe bom đã phát nổ phá hủy 80 căn nhà ở khu trung tâm thương mại Taza, nơi có đa phần người Shiite, đã cướp đi sinh mạng của 170 người...

Trước tình hình này, dư luận Iraq và quốc tế bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình hình an ninh tại Iraq sau ngày 30/6. Một số ý kiến nghi ngờ về khả năng của quân đội và cảnh sát Iraq trong việc bảo đảm an ninh cho người dân, một số khác thì lo ngại về cách điều hành của Thủ tướng Al-Maliki, mà người dân vẫn cho rằng có nhiều điểm tương đồng với thời Saddam Hussein... Việc quân đội Mỹ huấn luyện cho binh lính và cảnh sát Iraq theo báo The Nation (22/6) là dựa trên kinh nghiệm huấn luyện tại ColombiaSalvador.

Cuối cùng, không biết là ngẫu nhiên hay cố ý, ngày 30/6, Chính phủ Iraq đã bắt đầu cho các công ty nước ngoài vào đấu giá các mỏ dầu của nước này. Dầu lửa từ nhiều năm nay là tâm điểm của nhiều cuộc tranh luận giữa Mỹ và Iraq, và Washington chưa bao giờ đủ khả năng áp đặt một luật lệ về việc tư nhân hóa các nguồn dầu lửa của Iraq.

Đây là lần đầu tiên Iraq cho đấu giá khai thác dầu kể từ khi Iraq quốc hữu hóa ngành khai thác dầu trong năm 1972. Tuy nhiên, chương trình đấu giá đang gây tranh cãi trong Quốc hội, nhiều dân biểu đã nói rằng đây là quyết định bất hợp pháp.

Một số dân biểu khác cho rằng chính phủ đang muốn bán rẻ tài nguyên quốc gia. Thủ tướng Al Maliki và Bộ trưởng Dầu hỏa Hussein al-Shahristani đã bênh vực cho quyết định của chính phủ, nói rằng cho đấu giá khai thác là cách thức quốc tế đang dùng, chứng tỏ sự minh bạch đối với việc khai thác.

Bộ trưởng Hussain al-Shahristani nói rằng đấu giá là hình thức tốt nhất để khai thác tài nguyên, tránh phải thương lượng, điều đình với các công ty khai thác. Iraq là quốc gia hiện có trữ lượng khoảng 115 tỉ thùng dầu thô, là quốc gia có trữ lượng đứng hàng thứ 3 trên thế giới

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.