Italia: Cuộc “mặc cả” khó khăn của ông Berlusconi

Thứ Tư, 29/09/2010, 23:45
Chính trường Italia đang chông chênh hệt như chính con thuyền kinh tế nước này trong cơn bão nợ quốc gia. Một chính phủ đang có nguy cơ sụp đổ và bầu cử sớm là điều mà ông Berlusconi đang cố hết sức tránh, nhưng phải có sự giúp sức của đảng Northern League (Liên đoàn phương Bắc). Một cuộc mặc cả đang diễn ra…

Giới phân tích đánh giá chưa bao giờ sinh mệnh chính trị của ông Berlusconi lại yếu như lúc này. Cuối tháng 7 vừa qua, ông Berlusconi đã làm một động thái "tự sát" khi "chia tay" với một đồng minh hùng mạnh từng "chung lưng đấu cật" trên chính trường. Gianfranco Fini chính là người đã tự giải tán đảng Liên minh Quốc gia của mình để sáp nhập cùng đảng Forzza Italia của ông Berlusconi để thành lập đảng Dân tộc Tự do (PDL) cách đây 2 năm. Sau đó, cũng chính ông Fini là người góp sức cùng ông Berlusconi đứng ra thành lập Chính phủ liên hiệp.

Cuộc "nội chiến" giữa ông Berlusconi với ông Fini đã ngấm ngầm nhiều tháng trước khi bộc phát thành cuộc chiến công khai hồi tháng 7/2010. Trước dư luận, ông Berlusconi đã chỉ trích ông Fini là “kẻ âm mưu tạo phản” vì cho rằng việc ông Fini yêu cầu PDL ra quy định "các quan chức bị điều tra hình sự phải từ chức" là có âm mưu muốn "lật đổ" vị trí lãnh đạo của ông để sớm lên thay thế. Berlusconi thậm chí còn mạnh tay dùng thủ đoạn kỷ luật của đảng PDL để đá văng ông Fini ra khỏi đảng. Hậu quả của cuộc "nội chiến" này là một Chính phủ Italia trong tình trạng "què quặt" và có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.

Đã vậy, tình trạng bất ổn của chính phủ lại diễn ra đúng vào lúc món nợ trái phiếu nước ngoài trị giá 56 tỉ USD đang treo lơ lửng, sắp đến ngày đáo hạn, càng khiến cho sự xoay trở của ông Berlusconi trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, ông Berlusconi là người không dễ dàng thua cuộc. Hiện ông đang tìm mọi cách để cứu vãn tình hình nhưng hy vọng không nhiều. Và tình thế khó khăn của ông Berlusconi lại càng làm tăng thêm sức mạnh và tầm quan trọng của một đối tác trong liên minh cầm quyền: Đó là đảng Northern League và vị chủ tịch nhiều màu sắc Umberto Bossi. Chỉ cần một quyết định đơn giản như cái phẩy tay của Northern League thôi cũng đủ làm cho chính phủ của ông Berlusconi sụp đổ.

Sự ủng hộ của Northern League quan trọng đến nỗi các tờ báo chính của Italia như La Republica và Corriere della Sera đã đưa ra nhận định rằng Northern League và ông Umberto Bossi đang nắm trong tay "số phận" (chính phủ) của ông Berlusconi, và đảng này sẽ quyết định việc ông Berlusconi có tiếp tục tái đắc cử chức Thủ tướng Italia hay không nếu đảng của ông tiếp tục giành thắng lợi.

Ngay vào lúc này, do hậu quả từ cuộc "nội chiến" giữa ông Berlusconi với ông Fini, PDL gần như chắc chắn mất quyền kiểm soát 1 trong 2 viện của Quốc hội (nhiều khả năng là Hạ viện) nếu tổ chức bầu cử sớm. Nắm bắt được cơ hội này, Northern League đang muốn mặc cả với ông Berlusconi một số điều kiện để giành quyền lợi nhiều hơn cho miền Bắc giàu có của Italia - nơi lâu nay vẫn muốn tách ra khỏi nước Italia để thành lập nhà nước độc lập (mang tên Padania) nhưng chưa thể thực hiện được.

Chỉ mới ra đời cách đây 21 năm, đến nay đảng Northern League đã được xem là đảng mạnh nhất Italia. Với khẩu hiệu "Không tả, không hữu mà chỉ tiến tới", Northern League đã dễ dàng thu hút cử tri thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau, đặc biệt là giới công nhân, thợ thuyền. Tinh thần dân tộc, chống nhập cư lậu của Northern League đã đánh trúng tâm lý của không chỉ người Italia mà còn cả châu Âu đang vật lộn với nạn thất nghiệp và khủng hoảng tài chính. Còn chuyện cổ xúy "chính sách liên bang" về quyền quản lý nguồn thu ngân sách quốc gia và quyết liệt bảo vệ bản sắc văn hóa địa phương đã làm thỏa mãn người dân vùng Bắc Italia, nơi mà người ta thường tự gọi là "quốc gia Padania".

Sự lớn mạnh của Northern League vừa có lợi nhưng cũng vừa gây bất lợi cho ông Berlusconi. Một mặt, Northern League là đối tác liên minh lâu năm của ông; sự ủng hộ của Northern League từng giúp ông lên nắm quyền lần đầu tiên vào tháng 3/1994 cho đến những lần tái nhiệm vào các năm 2001 và 2008. Nhưng cũng chính Northern League đã từng 2 lần rút lui vào năm 1994 và 1996 khiến chính phủ của ông Berlusconi sụp đổ.

Chủ tịch Northern League Umberto Bossi.

Lần này, Northern League của ông Umberto Bossi đã đánh tiếng sẽ tiếp tục ủng hộ ông Berlusconi nhưng với một điều kiện, đó là ông Berlusconi phải chấp nhận chế độ "liên bang", tức trao quyền tự quản nguồn thu ngân sách cho các địa phương thay vì tập trung về ngân sách trung ương như lâu nay. Đây rõ ràng là một điều kiện "mặc cả" rất khó khăn mà ông Berlusconi đang phải đối mặt.

Miền Bắc và miền Nam Italia lâu nay không "hòa thuận" với nhau, miền Bắc giàu có luôn luôn chỉ trích miền Nam tham nhũng và trì trệ, muốn tách riêng ra để bảo toàn sự giàu có của mình. Nếu thuận theo yêu cầu của Northern League, Berlusconi có nguy cơ làm cho nước Italia chia rẽ và đánh mất sự ủng hộ của miền Nam; bằng ngược lại, ông không có được sự ủng hộ của Northern League, đồng nghĩa với việc giải thể chính phủ và tổ chức bầu cử sớm.

Theo giới phân tích, trong trường hợp ông Berlusconi không chấp nhận những điều kiện của Northern League và chính phủ của ông sụp đổ, thì Tổng thống Giorgio Napolitano sẽ chỉ định một chính phủ lâm thời điều hành đất nước cho tới ngày bầu cử. Điều này cũng đã từng xảy ra với chính ông Berlusconi vào năm 1995.

Nếu kịch bản này lặp lại, người được chỉ định đứng ra lãnh đạo chính phủ lâm thời lần này nhiều khả năng là Bộ trưởng Tài chính Giulio Tremonti - theo đánh giá của giới quan sát là "hậu nhân" thay thế ông Berlusconi ngồi trên chiếc ghế "luôn luôn nóng" của Chính phủ Italia

Văn Trương (tổng hợp)
.
.