Italia: Giorgio Napolitano vẫn nặng gánh quốc gia ở ngưỡng “cửu thập”

Thứ Hai, 06/05/2013, 15:00

Các đảng phái tại Italia đã gây áp lực Lên vị Tổng thống vừa rời khỏi chức vụ để ông đồng ý đảm đương nhiệm kỳ thứ hai.

Sau vòng 5 mà không có ứng cử viên nào được chọn ra, và bị thúc ép bởi các đảng lớn ngoại trừ Phong trào 5 Sao của danh hài Beppe Grillo, cuối cùng vị Tổng thống vừa mãn nhiệm đã đồng ý tái ứng cử nhiệm kỳ thứ hai. Hôm 20/4, vị chính khách kỳ cựu Giorgio Napolitano đã dễ dàng nhận được đa số tuyệt đối của 1.007 đại cử tri Italia. Khi số phiếu của ông đã đạt đến con số cần thiết, việc kiểm phiếu dừng lại và mọi người đứng lên vỗ tay hoan hô.

Ở tuổi 87, cho đến nay ông luôn từ chối tái nhiệm vì lý do tuổi tác. Nhưng cuối cùng ông tuyên bố "đã bị thôi thúc bởi cảm nghĩ rằng tôi không thể chối từ việc đảm đương trọng trách đối với quốc gia" và tin tưởng rằng "sẽ có một trách nhiệm cộng đồng tương tự" từ phía các đảng phái chính trị mà cho đến nay đã cản trở việc chọn ra một tổng thống và thành lập một chính phủ.

Romano Prodi, 73 tuổi, đã 2 lần làm Thủ tướng Italia, cựu Chủ tịch Ủy ban châu Âu, chỉ nhận được 395 phiếu trong vòng 4 vào tối 19/4, tức thiếu 100 phiếu đại cử tri của đảng Dân chủ đã đưa ông vào ứng cử. Sau đó nhiều nhân vật lần lượt “rơi rụng” khỏi cuộc đua: Pier Luigi Bersani, Bí thư đảng Dân chủ, tuyên bố sẽ từ chức sau khi tổng thống mới được bầu ra; Chủ tịch đảng là Rosy Bindi cũng từ chức và Romano Prodi rút lui khỏi cuộc bầu cử trước sự phản phúc của các thành viên trong đảng.

"Lời khuyên duy nhất mà chúng tôi có thể đưa ra cho đảng Dân chủ là phải tránh bằng mọi giá những cuộc bầu cử mới vì đó sẽ là trò trẻ con đối với đối phương để "chia nhau phần còn lại của một đảng phái luôn ngoan cố hướng đến một sự tự sát chính trị tập thể" - bài xã luận của tờ Il Fatto Quotidiano viết.

"Hôm nay là một ngày quan trọng đối với nền cộng hòa của chúng ta. Tôi cảm ơn Tổng thống Giorgio Napolitano về ý thức nghĩa vụ cũng như lòng quảng đại cá nhân và chính trị của ông đã giúp ông đồng ý tiếp tục dấn thân trong một bối cảnh khó khăn và bất định như thế này" - thủ lĩnh cánh hữu Silvio Berlusconi tuyên bố.

Là nền kinh tế đứng hàng thứ 3 trong khu vực euro, Italia tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng chính trị từ cuộc bầu cử Quốc hội vào cuối tháng 2. Cánh tả chỉ chiếm đa số tại Hạ viện, còn Thượng viện bị chia thành 3 nhóm kiềm chế lẫn nhau: cánh tả, cánh hữu của Berlusconi và Phong trào 5 Sao của Beppe Grillo. Tình hình này khiến cho Italia phải tiếp tục đi tới với một chính phủ từ nhiệm từ 4 tháng nay và không mang viễn cảnh tốt đẹp.

Tại Italia tổng thống không có quyền hành thực thụ, ông là người đảm bảo cho Hiến pháp và chủ yếu giữ vai trò "công chúng viên", ký các văn bản luật và sắc lệnh. Nhưng ông Napolitano đã tạo được một vị thế hàng đầu nhờ uy tín cá nhân mà toàn thể giới chính trị và quần chúng thừa nhận, đặc biệt là vào tháng 11/2011 khi Italia đang sắp sửa suy sụp. Lúc ấy Silvio Berlusconi bị chỉ trích là phá hoại uy tín của đất nước nên từ chức.

Có nhiều chọn lựa đặt ra cho tổng thống, từ việc giải tán Quốc hội cho đến việc thành lập một chính phủ mới. Ông Napolitano quyết định không mở cuộc bầu cử và bổ nhiệm cựu ủy viên châu Âu Mario Monti làm thủ tướng của một chính phủ kỹ trị. Nhờ động thái đó và nhằm trấn an các thị trường, Quốc hội Italia, vốn có tiếng là "con rùa", đã phê chuẩn trong thời gian kỷ lục những sự cải cách kinh tế từng hứa hẹn với EU và nhiều lần bị hoãn lại.

Chống phát xít và là cựu thành viên đảng Cộng sản Italia, Tổng thống Napolitano được bầu lên năm 2006 không phải lần đầu tiên đối mặt với khủng hoảng chính trị. Vào năm 2008, ông đã đối phó với sự khủng hoảng sau khi chính phủ Romano Prodi giải tán.

Được biết đến nhờ tính ôn hòa, sự cẩn trọng và ý thức quốc gia, từ năm 17 tuổi ông Giorgio Napolitano đã gia nhập một nhóm kháng chiến trước khi vào đảng Cộng sản năm 1945 và được bầu vào Quốc hội năm 1953. Là luật gia, trong giờ rảnh rỗi ông còn sáng tác thơ và đóng kịch tại vài nhà hát trong thời niên thiếu, trong thập niên 50, Napolitano lãnh đạo đảng Cộng sản Italia tại vùng Mezzogiorno miền Nam Italia.

Được tái đắc cử dân biểu, năm 1962 ông vào ban lãnh đạo đảng lo về kinh tế (1976-1979), đối ngoại (1986-1989). Được bầu làm Chủ tịch Hạ viện năm 1992, ông làm Bộ trưởng Nội vụ năm 1996 rồi trở thành dân biểu Quốc hội châu Âu từ năm 1999-2004.

Từ khi giữ chức vụ Tổng thống năm 2006, ông Napolitano không ngừng kêu gọi đất nước tin tưởng vào tương lai và giới chính trị gia phải hiện đại hóa các định chế. Ông thường có cơ hội chứng tỏ là một nguyên thủ có trách nhiệm và sáng suốt. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua dường như ông không đủ khả năng để cho nước Italia một chính phủ xứng tầm với các vấn đề đang phải đối mặt.

Hệ thống chính trị của  Italia đang bị trì trệ: các định chế không thỏa đáng, nhất là một lưỡng viện bị tê liệt; tầng lớp chính trị không thoát khỏi trò chơi quyền lực. Cũng không phải là nghiêm trọng lắm nếu Italia không phải là nền kinh tế thứ 3 trong khu vực euro, một đất nước chủ chốt cho tương lai của châu Âu, một trong các đầu tàu của sự thịnh vượng tại lục địa.

Italia là trọng tâm của sự vực dậy đồng tiền chung châu Âu nhưng lại yếu ớt. Tuy tình trạng tài chính công và cán cân thương mại tốt hơn của Pháp nhưng nợ công của Italia gần đến ngưỡng khó chấp nhận: 120% GDP. Người ta mong mỏi sự khôn ngoan sáng suốt của ông Napolitano sẽ đưa Italia ra khỏi tình trạng bế tắc

M.L. (tổng hợp)
.
.