Italy giữa cơn khủng hoảng kép

Thứ Tư, 10/02/2021, 07:56
Italy đang trong giai đoạn “khủng hoảng kép” - vừa khủng hoảng kinh tế - xã hội vì đại dịch COVID-19, vừa khủng hoảng chính trị do xung đột quyền lực giữa các chính đảng và chính trị gia hàng đầu. Tình hình này buộc Tổng thống Sergio Mattarella phải gấp rút tìm phương án mới thay thế Thủ tướng Giuseppe Conte vừa từ chức.

Phát biểu với báo chí hôm 4-2, Tổng thống Italy Sergio Mattarella cho biết ông có thể sẽ tìm kiếm một chính phủ có “bề dày thành tích” nhằm đối phó hiệu quả với tình hình khó khăn hiện nay của đất nước. Tổng thống Mattarella cho biết ông có sự lựa chọn hành động trong thời điểm hiện tại, đó là tuyên bố bầu cử sớm hoặc đề cử một chính phủ “kỹ trị”, trong đó chỉ bao gồm các thành viên thuộc thành phần bên ngoài thay vì là chính khách dân cử như truyền thống. Và Mattarella đã chọn cách thứ hai. Mattarella cho rằng mục tiêu của sự lựa chọn này chính là để giải quyết 2 vấn đề nghiêm trọng nhất của đất nước hiện nay là đại dịch COVID-19 và các khó khăn kinh tế, xã hội do hậu quả của nó.

Việc Tổng thống Mattarella mong muốn tìm kiếm một chính phủ “kỹ trị”, có “bề dày thành tích” cũng là điều dễ hiểu, xét bối cảnh khủng hoảng chính trị, kinh tế, xã hội hiện nay của Italy. Người dân Italy đang hằng ngày đối mặt với đại dịch giết chết hàng trăm người mỗi ngày. Và hệ quả kéo theo của nó khi nhà nước áp dụng các biện pháp cách ly, phong tỏa để kiềm chế dịch chính là kinh tế lâm vào khó khăn, suy thoái. Đó được xem như một cuộc “khủng hoảng kép”. Thêm vào cuộc khủng hoảng đó, khủng hoảng trong giới chính trị khiến cho nhiều dân thường cảm thấy “nhức đầu” vì không thể hiểu được động cơ nào dẫn đến cuộc khủng hoảng này.

Tổng thống Sergio Mattarella.

Sự kiện Thủ tướng Giuseppe Conte từ chức hôm 26-1 vừa qua là một động thái đã được giới phân tích dự báo từ trước, sau khi cựu Thủ tướng Matteo Renzi rút đảng nhỏ Italia Viva ra khỏi liên minh cầm quyền, khiến liên minh cầm quyền suy yếu rõ rệt, không còn đủ thế đa số trong quốc hội. Ông Conte đã cố gắng tìm nhiều cách để cứu vẵn liên minh cầm quyền nhằm duy trì quyền lực, đồng thời duy trì sự ổn định chính trị tạm thời trong khi đất nước Italy đang rơi vào khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng nhất từ sau chiến tranh thế giới do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, nỗ lực cứu vãn ấy đã không thành công. Sự rút lui khỏi liên minh của ông Renzi như nhát dao cứa đứt mọi nỗ lực và khó có thể cứu.

Ngoài ra, các thành viên trong liên minh cầm quyền có cách lý giải khác: Ông Conte từ chức là hành động phủ đầu nhằm né tránh một thất bại chính trị vốn đã được dự báo từ trước về chương trình cải cách tư pháp mà ông theo đuổi bất chấp áp lực ngăn cản từ các đối tác liên minh.

Nguyên nhân gây ra sự chi rẽ dẫn đến tan rã liên minh cầm quyền được truyền thông Italy và quốc tế lý giải là mâu thuẫn gay gắt giữa 2 ông Renzi và Conte về kế hoạch điều hành chi tiêu gói cứu trợ khôi phục kinh tế của EU dành cho Italy trị giá hơn 200 tỷ euro.

Riêng đối với ông Renzi, hành động rút khỏi liên minh cầm quyền cũng mang lại cho ông nhiều lời phê phán cả trong giới chính trị lẫn trong dư luận. Ông Conte và các đối tác trong liên minh cầm quyền chỉ trích Renzi hành động “vô trách nhiệm”, còn dư luận cho rằng Renzi đang khiến cho đất nước vốn đang khó khăn càng khó khăn hơn. Renzi từng là thành viên đảng PD khi đảng này liên minh với M5S thành lập chính phủ lần đầu.

Tuy nhiên, bản thân ông Renzi cho rằng ông đã hành động đúng đắn và xuất phát từ suy nghĩ vì lợi ích quốc gia, đồng thời để bảo vệ đường lối của đảng mình. Việc không thể tìm được liên minh mới thay thế để thành lập một chính phủ đầy đủ là “câu chuyện” của chính trị Italy chứ không riêng gì ông.

Bộ trưởng Quốc phòng Italy Lorenzo Guerini (thuộc đảng PD) nhận định trên tờ La Republica rằng ông Conte hiện là người “không thể thay thế” nhưng mọi thứ đều có thể thay đổi và bây giờ là lúc để liên minh cầm quyền “tái cơ cấu”, kể cả đảng Italia Viva của ông Renzei, để cùng chung một thỏa ước chính trị mới. Debora Serracchiani, Phó Chủ tịch đảng PD, cùng quan điểm và cho rằng “Ông Conte là nhân tố cốt yếu nhất và chúng tôi cần phải mở rộng và khởi động lại chính phủ”.

Tuy nhiên, hôm 3-2, trước khi Tổng thống Mattarella ý định thành lập chính phủ “kỹ trị”, ông Renzi cho rằng sẽ không thể cứu vãn liên minh chính phủ do sự rạn nứt chính trị sâu sắc giửa đảng Italia Viva với các đối tác gồm đảng Dân chủ Italy (PD) và đảng Phong trào 5 sao (M5S), trong đó PD đã ủng hộ ông Conte. Điều đó có nghĩa là sẽ không thể có một cuộc “tái cơ cấu” trong liên minh cầm quyền như phân tích của Bộ trưởng Quốc phòng Guerini trên đây.

Một người được dư luận quan tâm dự báo có nhiều khả năng sẽ được ông Mattarella “gọi tên” cho đề cử chính phủ “kỹ trị” không ai khác chính là một người “lạ mà quen”: Mario Draghi, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Ông này là một nhà kinh tế, nhà điều hành ngân hàng nổi tiếng không chỉ ở Italy mà cả châu Âu. Ông được gán cho biệt danh là “Siêu Mario” do chính sách điều hành tài chính cực kỳ hiệu quả của ông trong giai đoạn Italy lâm vào cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng năm 2008, trong vai trò Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Italy.

Năm nay 74 tuổi, “Siêu Mario” đã trải qua sự nghiệp kéo dài trên 40 năm làm việc trong ngành ngân hàng, cả tư nhân lẫn nhà nước. Ông làm Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Italy trong giai đoạn diễn ra cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu, trong đó Italy là một trong những quốc gia có mức nợ công cao nhất nhưng đã vượt qua khủng hoảng. Năm 2011, ông làm Chủ tịch ECB và tiếp tục tạo dấu ấn trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công toàn châu lục.

Dư luận quan tâm đến ông ngay khi Tổng thống Mattarella tuyên bố tìm người ngoài giới chính trị để giao trọng trách thành lập chính phủ mới, bởi người ta tin rằng ngoài ông ra, không ai có thể giúp Tổng thống Mattarella giải tỏa được cuộc khủng hoảng của giới chính trị đồng thời nỗ lực kiểm soát và giải quyết một cách hiệu quả cuộc “khủng hoảng kép” do COVID-19.

An Châu (Tổng hợp)
.
.