Kết quả của QH Đức: Liên minh mới - thách thức mới

Thứ Ba, 06/10/2009, 23:30
Cuộc bầu cử Quốc hội Đức vừa diễn ra vào ngày 27/9 với một số kết quả đáng chú ý: đó là thất bại nặng nề của đảng Xã hội dân chủ (SPD), chiến thắng của phe Bảo thủ do bà Angela Merkel đứng đầu và thành công ấn tượng của đảng Dân chủ tự do (FDP).

Kết quả này cũng đồng nghĩa với dấu chấm hết cho chính phủ của liên minh lớn giữa phe bảo thủ Dân chủ - Xã hội Cơ Đốc giáo (CDU-CSU) với SPD - nói nôm na một liên minh "đen - đỏ" trước đây sẽ được thay thế bằng liên minh "đen - vàng" giữa CDU - FDP.

Tuy nhiên theo đánh giá của các nhà quan sát, thất bại của SPD (đồng nghĩa với việc đảng phái lớn thứ hai này sẽ chuyển sang phe đối lập) sẽ cảnh báo về một nhiệm kỳ thứ hai đầy khó khăn và phức tạp đối với Thủ tướng Angela Merkel...

Theo các kết quả kiểm phiếu sơ bộ, khối CDU-CSU đã giành được 33,4% số phiếu. So với lần bầu cử trước đó năm 2005, phe Bảo thủ giảm 1,8% số phiếu, nhưng chừng đó cũng đã đủ để họ trở thành lực lượng lớn nhất trong Quốc hội với 228 ghế.

Bước lùi nhỏ của phe CDU vẫn có thể coi là một thắng lợi, nếu đem so sánh với kết quả tồi tệ của đối thủ chính là SPD với 22,7% số phiếu (theo kênh truyền hình ZDF là 23,3%). Trong bất cứ trường hợp nào, đây là kết quả tồi tệ nhất của phe SPD  kể từ năm 1953. Còn nếu so với cuộc bầu cử năm 2005, SPD mất tới 11,2% số phiếu bầu.

Ứng cử viên thủ tướng từ SPD - Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Frank-Walter Steinmeier (tất nhiên sắp tới cũng phải rời bỏ những vị trí trên) - đã công khai thừa nhận "thất bại cay đắng", đồng thời gọi đây là một ngày nặng nề đối với SPD. Tuy nhiên, ông Steinmeier cũng "hứa hẹn", SPD sẽ chuyển sang hàng ngũ phe đối lập với những quan điểm cứng rắn (trong Quốc hội mới, đảng này sẽ nắm giữ khoảng 146 ghế).

Ở một thái cực hoàn toàn khác với SPD, đảng FDP của thủ lĩnh Guido Westerwelle đã có được kết quả tốt nhất trong lịch sử của mình (theo Hãng tin ARD là 14,8%, còn theo ZDF là 14,6%). Còn nếu so với đợt bầu cử năm 2005, FDP đã tăng tới gần 5% số phiếu, vượt qua tất cả những đảng phái nhỏ còn lại để lần đầu tiên kể từ năm 1998 có cơ hội tham gia vào chính phủ (có khoảng 94 ghế trong Quốc hội lần này). Hai đảng phái đáng kể còn lại khác là đảng Cánh tả với 12% số phiếu bầu và đảng Xanh với 10%.

Về phần bà Angela Merkel, dù đã thực hiện được giấc mơ “đổi màu” từ “đỏ - đen” sang “đen - vàng” nhưng khó khăn trước mắt còn đang chờ đón bà. Hiện bà đang đẩy nhanh việc xúc tiến thành lập một liên minh cầm quyền.

Kết quả bầu cử có thể coi là "như ý" đối với phe Bảo thủ: họ có được một đối tác tin cậy mới đã qua thử thách là FDP, đảng mà Helmut Kohl đã từng hợp tác rất thành công trong giai đoạn 1982-1998, trước khi phe SPD do Gerhard Schroeder phá vỡ "mối lương duyên" này. Merkel tuyên bố trước những người ủng hộ mình từ tối ngày 27/9 rằng, bà đã gọi điện cho Guido Westerwelle, thỏa thuận và bàn bạc về lịch trình thành lập nội các mới. 

Cơ cấu ổn định của một liên minh "đen - vàng" sẽ còn phụ thuộc vào thành công hay thất bại của chính phủ trong tương lai. Tuy nhiên giai đoạn đầu tiên này vẫn là một bài toán không hề đơn giản đối với Angela Merkel. Nguyên nhân là do ngay giữa những đối tác mới vẫn còn nhiều bất đồng nghiêm trọng, sẽ đòi hỏi không ít nỗ lực để có thể vượt qua chúng.

Đơn cử như yêu cầu chủ chốt của FDP trong chương trình tranh cử của họ là phải nhanh chóng đơn giản hóa hệ thống thuế với đề xuất về một hệ thống 3 bậc (tính toán theo 3 mức thu nhập khác nhau). Các quan chức FDP từng tuyên bố, họ không có ý định ký kết thỏa ước liên minh nếu không có được "một hệ thống thuế mới công bằng hơn".

Trong khi CDU lại gọi những đề xuất của FDP là "không nghiêm túc". Nếu FDP đòi nới lỏng đạo luật bảo vệ chống sa thải để tạo điều kiện tự do hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, CDU lại chống đối. Còn có một loạt bất đồng nữa giữa hai đối tác trong liên minh mới trong lĩnh vực quân sự, hay cải cách hệ thống y tế và bảo hiểm y tế v.v...

Chưa kể tình hình thành lập chính quyền địa phương tại các bang sẽ có tác động rất lớn tới quá trình đàm phán thành lập chính phủ liên bang giữa Merkel và Westerwelle. Trước mắt có nhiều khả năng, thủ lĩnh FDP sẽ thay thế Frank-Walter Steinmeier trên cương vị Phó thủ tướng và Bộ trưởng ngoại giao.

Rõ ràng dù theo bất cứ kịch bản nào, kết quả cuộc bầu cử quốc hội hôm 27/9 vừa qua đã tạo ra một xung động mới cho những tiến trình chính trị, dần dần có thể thay đổi toàn bộ cảnh quan trên chính trường Đức.

Trong khi cuộc "hôn nhân mới" giữa phe Bảo thủ và Tự do sẽ dẫn tới những tác động tự điều chỉnh của cả hai bên. Nói tóm lại, cuộc sống chính trị tại Đức trong vài tháng tới hứa hẹn sẽ rất khẩn trương và nhiều bất ngờ. Cuộc bầu cử vừa qua mới chỉ là điểm khởi đầu cho tiến trình này

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.