Kết thúc “triều đại” Kirchner, Argentina rẽ phải

Thứ Năm, 26/11/2015, 11:25
Kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Argentina hôm Chủ nhật 22-11 đã khiến cho nhiều người ngỡ ngàng, có thể gây chấn động cả khu vực Mỹ Latinh, nhưng không bất ngờ đối với những ai quan tâm đến đời sống chính trị ở đất nước của vũ điệu Tăng-gô. Sự lên ngôi của đại diện phái trung hữu chắc chắn sẽ tạo ra những thay đổi lớn, đúng như khẩu hiệu tranh cử của ông này.

Với 99% số phiếu đã kiểm, Mauricio Macri, ứng cử viên đại diện đảng trung hữu Cambiemos (Let’s Change - Nào cùng thay đổi) đã giành chiến thắng tại vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Argentina trước ứng cử viên Daniel Scioli của đảng Mặt trận Thắng lợi (Victory Front) theo trường phái Peronist của bà Tổng thống Cristina Kirchner. Macri giành 51,44% phiếu, còn Scioli chỉ đạt 48,56%. Ngày 10-12 tới, Macri sẽ chính thức nhậm chức, thay thế bà Cristina lãnh đạo đất nước Argentina.

Như vậy là sau 12 năm sống dưới triều đại của “đôi uyên ương quyền lực” Nesto và Cristina Kirchner, người dân Argentina đang đứng trước một cuộc đổi thay mới, với một triều đại mới, thiên hữu. Những gì đã được ông bà Kirchner triển khai trong 12 năm qua có thể sẽ không còn tiếp tục nữa. Sự thay đổi, theo lẽ thường sẽ tạo ra hứng khởi, được những người trông đợi nó đón nhận một cách hồ hởi. Nhưng những đổi thay mà ông Macri mang lại cho Argentina sắp tới có thể không như những gì nhà Kirchner đã mang lại trước đây.

Bà Cristina Kirchner kết thúc hai nhiệm kỳ tổng thống mà không có người thay thế xứng đáng.

Các chương trình hỗ trợ dân nghèo của nhà Kirchner trước đây đang có nguy cơ bị xóa sổ do quan điểm tư bản chủ nghĩa kinh điển của Macri. Những người phải chịu thiệt thòi từ chính sách mà ông Macri sắp ban hành tới đây sẽ bắt đầu cảm nhận mặt trái tiêu cực của sự thay đổi mà Macri mang lại, đối nghịch hoàn toàn với giới tư bản giàu có, thượng lưu sẽ được hưởng lợi từ những chính sách đó.

Năm nay 56 tuổi (sinh tháng 2-1959), Mauricio Macri xuất thân là một kỹ sư, một doanh nhân, con trai của một doanh nhân người Italia thành đạt trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, được đào tạo bài bản trong lĩnh vực quản trị kinh doanh ở Argentina và Mỹ. Sau một thời gian làm kinh tế, năm 2003, Macri bắt đầu “khởi nghiệp” chính trị với việc lập ra đảng Compromiso para el Cambio (Cam kết thay đổi), và vài tháng sau đó ra tranh cử chức thị trưởng thủ đô Buenos Aires nhưng thất bại sau hai vòng bỏ phiếu.

Nhưng chỉ một năm sau (2005), Macri lại xoay chuyển với việc bắt tay với  Ricardo López Murphy của đảng Recrear lập ra đảng mới Propuesta Republicana (PRO), và ngay năm đó ông trúng cử vào Hạ viện Argentina. Năm 2007, Macri ra tranh cử chức thị trưởng Buenos Aires lần thứ hai và đã trúng cử, tái nhiệm vào năm 2011.

Chiến thắng của Macri trong cuộc bầu cử ngày 22-11 vừa qua gây chấn động khu vực Mỹ Latinh không chỉ vì sự sụp đổ của đế chế Peronist, cũng chẳng phải do quan điểm tư bản chủ nghĩa, hữu khuynh của ông, mà còn vì cái cách ông vươn lên “lật đổ” ứng cử viên của đế chế Peronist. Trước ngày bầu cử khoảng 2 tháng, không ai nghĩ rằng Macri sẽ là đối thủ có đủ sức đấu với ông Scioli của Victory Front, nói chi đến việc giành vé vào vòng 2 và đánh bại ông. Bởi, khi đó Scioli đang dẫn trước các đối thủ quá xa.

Thế nhưng, Macri, một doanh nhân giàu có, đã thành công trong việc chứng minh cho mọi người thấy mình là một ứng cử viên sáng giá, một người có thể mang lại sự thay đổi trong hoàn cảnh mà nhiều cử tri đang lo lắng trước tình trạng lạm phát, kinh tế trì trệ, đời sống khó khăn và vấn nạn buôn lậu ma túy, tội phạm tăng cao. Sự tranh thủ đúng lúc, đánh vào trúng tâm tư nguyện vọng, nỗi lo lắng của đa số cử tri, và họ trông chờ một sự thay đổi với hy vọng thoát ra khỏi tình trạng không mong muốn đó là yếu tố quan trọng tác động vào lá phiếu của họ dành cho Macri.

Mauricio Macri mừng chiến thắng.

Kết quả bỏ phiếu vòng một hồi tháng 10 vừa qua, Macri về nhì, sau Scioli, nhưng đến trước ngày bầu cử vòng hai, Macri đã vượt lên trước và giành luôn chiến thắng.

Trong bài phát biểu mừng chiến thắng ngay trong đêm 22-11, ông Macri đã nhấn mạnh vào những mối bận tâm của cử tri: tuyên bố sẽ “vực dậy” nền kinh tế Argentina, xử lý vấn nạn buôn lậu ma túy và bảo vệ dân chủ, trong đó, kinh tế được xem là trọng tâm hành động của Macri. Giới quan sát nhận định Macri sẽ đưa ra một chương trình hành động đậm đặc không khí kinh doanh.

Trong cái nhìn của Macri, Argentina đang chìm ngập trong nhiều vấn đề về kinh tế, từ mức lạm phát cao cho đến thâm hụt ngân sách lớn và các con số báo cáo kinh tế mà nhiều chuyên gia hoài nghi. Macri muốn đẩy Argentina ra xa mối liên kết giữa các quốc gia theo đường lối thiên tả ở châu Mỹ Latinh như Venezuela, và dàn xếp vấn đề nợ với các chủ nợ gồm Mỹ và nhiều nước khác, trong khi vẫn thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh trong nước nhằm thu hút đầu tư, chấn hưng nền kinh tế.

Thất bại của ứng cử viên Scioli phản ánh một chiều hướng đi xuống toàn diện của các đảng phái Peronist. Dưới thời Tổng thống Nesto Kirchner (2003-2007), kinh tế Argentina đã phục hồi mạnh mẽ sau cuộc khủng hoảng nợ năm 2001. Đến thời bà Cristina, vợ ông, nền kinh tế này đã bắt đầu có dấu hiệu chững lại, nhất là giai đoạn sau khi ông qua đời năm 2010, do thiếu bàn tay chăm sóc hiệu quả như ông Nesto Kirchner, vì bà Cristina dù sao cũng không thể hiệu quả bằng ông Kirchner.

Càng gần cuối nhiệm kỳ thứ hai của bà Cristina, tình hình càng trở nên nghiêm trọng, mà bà Cristina hầu như không còn đủ sức để chống chọi với cùng lúc nhiều vấn đề trong khi xung quanh bà không còn ai có đủ năng lực để hỗ trợ bà.

Dù sao thì bà Cristina cũng đã quá thành công trên cương vị Tổng thống Argentina. Những chính sách, những chương trình mà bà triển khai tiếp nối tâm nguyện của chồng bà đã góp phần cải thiện cuộc sống của đại bộ phận dân chúng thuộc các tầng lớp thấp hơn trong xã hội, làm giảm bớt khoảng cách giàu nghèo và nỗi bất công, thiệt thời của các tầng lớp dưới. Chính vì điều đó, dân chúng thuộc các tầng lớp dưới của Argentina đã tôn sùng bà Cristina, họ tôn xưng bà là “Queen Cristina”.

Các nhà phân tích đã so sánh Cristina Kirchner của thế kỷ XXI với Evita Peron của thế kỷ XX và đưa ra nhận xét, Cristina có phần thành công hơn, quyền lực hơn.

An Châu (tổng hợp)
.
.