Khi Brazil “nhúng tay” vào Trung Đông

Thứ Bảy, 05/12/2009, 19:40
Chuyến viếng thăm Brazil của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad hôm 23/11 đã gây chú ý mạnh mẽ trong cộng đồng quốc tế. Trước đó, Tổng thống Brazil Lula Inacio Da Silva cũng đã tiếp đón 2 vị lãnh đạo Palestine và Israel. Những sự kiện này đang làm nổi bật lên "vai trò mới" của Brazil trong vấn đề Trung Đông.

Tại Brasilia, Tổng thống Ahmadinejad - vị nguyên thủ Iran đầu tiên đến Brazil kể từ năm 1965 - được đón tiếp nồng nhiệt bởi người đồng nhiệm Brazil. Trong cuộc hội đàm 3 giờ đồng hồ sau đó, hai vị nguyên thủ đã đề cập đến một trong những vấn đề nhạy cảm mà cả hai bên cùng quan tâm là chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình của Iran.

Có vài lý do để ông Lula Da Silva tiếp đón trọng thể ông Ahmadinejad. Trước hết, Brazil xem Iran là đối tác thương mại chiến lược, với kim ngạch mua bán 2 chiều tăng lên 2 tỉ USD vào cuối năm 2008, chủ yếu là Brazil xuất khẩu thực phẩm sang Iran.

Không chỉ trở thành lá phiếu ủng hộ Brazil trong cuộc vận động giành chiếc ghế thường trực Hội đồng Bảo an (sau khi đã mở rộng), Iran còn là cầu nối, là cửa ngõ để Brazil bước chân vào khu vực Trung Đông. Đây mới là lý do then chốt.

Tuy vậy, chuyến thăm của ông Ahmadinejad đặt 2 vấn đề "nghiêm trọng" về ngoại giao cho Tổng thống Da Silva. Ông bị phê phán là đã "mạo hiểm" với vai trò một "cường quốc mới" khi tiếp đãi một người luôn là nỗi ám ảnh của phái chính trị diều hâu ở Washington và thành phần Do Thái và thân Do Thái khắp thế giới.

Tổng thống Brazil Lula Da Silva tiếp đón nồng nhiệt Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad hôm 23/11.

Vấn đề nghiêm trọng ở đây là Tổng thống Iran Ahmadinejad đã chủ trương "xóa sổ Israel" và công khai không công nhận các lò sát sinh người Do Thái trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Do đó, tiếp đón ông Ahmadinejad cũng đồng nghĩa với việc "chọc giận" các thế lực căm ghét ông. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, với chính sách ngoại giao "cường quốc mới", ông Da Silva đang đi nước cờ đúng.

Hôm chủ nhật 22/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã viết một lá thư để "cảnh báo" Tổng thống Lula Da Silva, trong đó ông "nhắc lại" quan điểm của Mỹ là "ủng hộ một đề xuất của IAEA để hướng Iran theo con đường phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và dân sự"; đồng thời thúc giục Tổng thống Da Silva "nhân cơ hội này ủng hộ quan điểm của cộng đồng quốc tế thúc đẩy Iran thỏa hiệp về chương trình hạt nhân".

Vấn đề ở chỗ, Iran muốn thông qua chuyến thăm này để tìm kiếm sự ủng hộ rộng rãi hơn từ các "đồng minh" thiên tả ở Mỹ Latinh cho chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình của mình. Và ngay hôm ông Ahmadinejad đặt chân đến Brasilia, Tổng thống Da Silva đã phát đi một thông điệp kêu gọi "cộng đồng thế giới hãy đón nhận chứ không nên cô lập Iran" trong vấn đề hạt nhân. Ông khẳng định: Iran có quyền phát triển công nghệ hạt nhân vì mục đích hoà bình và dân sự.

Theo Ngoại trưởng Brazil Celso Amorim, Tổng thống Brazil Da Silva trong vài tháng qua đã nhận được sự khích lệ từ các cường quốc Tây Âu và Mỹ đối với việc tham gia vào vấn đề Trung Đông. Đặc biệt, đích thân Tổng thống Mỹ Obama đã khuyến khích Tổng thống Da Silva "có thể lôi kéo Iran" khi 2 nhà lãnh đạo này gặp nhau tại Hội nghị G20 hồi tháng 4/2009.

Trước chuyến thăm của Tổng thống Ahmadinejad, Tổng thống Brazil Da Silva đã tiếp đón 2 vị khách khác cũng đến từ Trung Đông.là Tổng thống Israel Simon Peres vào ngày 10/11 và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas vào ngày 20/11.

Vấn đề chung của ông Peres và Abbas đều xoay quanh việc tìm kiếm một hướng giải quyết cho bế tắc hiện nạy của tiến trình đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine, trong đó mấu chốt là việc Israel không tuân thủ yêu cầu ngưng hoàn toàn việc xây dựng các khu định cư Do Thái.

Ngày 24/11, một ngày sau chuyến thăm của ông Ahmadinejad, 9ng Da Silva đã kêu gọi Israel ngưng việc xây dựng các khu định cư để tạo điều kiện nối lại đàm phán hòa bình. Ngày 25/11, Israel đã đưa ra đề xuất tạm hoãn việc xây dựng 900 dự án nhà ở khu Bờ Tây nhằm nỗ lực nối lại đàm phán, nhưng Tổng thống Palestine Abbas cho rằng như thế là không đủ.

Từ khi ông Da Silva lên nắm quyền vào đầu năm 2003, Brazil bắt đầu theo đuổi mục tiêu xây dựng cho mình vai trò đầu tàu trong khu vực Mỹ Latinh, từ đó tìm kiếm vị trí cao hơn trên trường quốc tế. Về kinh tế, Brazil hiện đã là nền kinh tế lớn nhất khu vực (lớn thứ 8 thế giới với GDP hơn 1.900 tỉ USD), và có tầm ảnh hưởng nhất định về chính trị.

Gần đây, Brazil đã nỗ lực vận động để tìm kiếm ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an. Brazil đã thể hiện vai trò đầu tàu của mình trong việc giải quyết khủng hoảng chính trị tại Honduras, đã cùng với Mỹ và các nước khác đứng ra làm trung gian hòa giải.

Brazil đã là một trong những quốc gia quyết liệt yêu cầu chính quyền lâm thời của ông Roberto Micheletti phải phục hồi chức vụ cho Tổng thống Manuel Zelaya. Brazil đã chỉ trích Mỹ xử lý cuộc khủng hoảng này thiếu dứt khoát và thiếu khách quan.

Tham gia giải quyết những vấn đề quốc tế lớn để thể hiện vai trò của một cường quốc không đơn giản và luôn đi kèm với một sự "trả giá" nào đó. Đối với Trung Đông, giới quan sát không hy vọng Brazil sẽ làm được gì nhiều hơn các cường quốc vốn đã quá quen thuộc khu vực này là Mỹ, Nga và EU.

Trong các mối quan hệ chính trị rối rắm ở đó, chỉ có những "người trong cuộc" am hiểu tình hình thì may ra có thể đưa ra được một giải pháp khả dĩ. Việc Tổng thống Mỹ Obama theo đuổi chính sách đối thoại để giải quyết các vấn đề tại Trung Đông đang gặp nhiều khó khăn do Israel đang là bức tường trở ngại lớn nhất cho các hướng giải quyết vấn đề.

Với vị thế và ảnh hưởng của mình, Mỹ còn không thể thuyết phục được Israel, huống chi Brazil là một quốc gia có nền kinh tế đang nổi lên, chưa đủ tầm ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu. Nhưng, thế giới vẫn luôn đặt hy vọng vào nhân tố mới, và biết đâu Brazil sẽ làm được "gì đó"

Văn Trương (tổng hợp)
.
.