Khi Đại sứ “Nước Mỹ trước tiên” rời Liên Hiệp Quốc

Thứ Hai, 15/10/2018, 14:20
“Đó đã là một vinh dự lớn trong cuộc đời tôi. Hãy nhìn 2 năm qua. Hãy nhìn những gì đã diễn ra 2 năm vừa qua trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Nước Mỹ ngày nay đã được tôn trọng. Các quốc gia có thể không thích những gì chúng ta làm, song họ tôn trọng những điều đó.

Họ biết rằng chúng ta đã nói là sẽ làm tới cùng”. Đó là lời phát biểu tại Nhà Trắng, bên cạnh Tổng thống Mỹ Donald Trump, của Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Nikki Haley khi bà thông báo đã nộp đơn xin từ chức.

Ngày 9-10 đã đánh dấu thời khắc Đại sứ Mỹ Nikki Haley quyết định chấm dứt tư cách đại diện cho chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của chính quyền Tổng thống Donald Trump tại LHQ mà bà đã làm rất tốt trong thời gian qua. Gần 2 năm đảm nhiệm cương vị Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Nikki Haley đang chuẩn bị rời bỏ vị trí này. Nhiệm kỳ khá ngắn ngủi của bà không phải là bất thường bởi bà còn giữ chức lâu hơn một nửa trong số 10 người tiền nhiệm gần đây. Tuy vậy, quyết định của bà vẫn gây bất ngờ.

Bà Nikki Haley và Tổng thống Donald Trump tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng, ngày 9-10. Ảnh: Reuters.

Tiếng lành đồn xa

Trong giới quyền lực của đảng Cộng hòa, bà Haley là một trong số ít những người “tỏ ra khôn ngoan” trong chính sách đối ngoại, ủng hộ quan điểm "Nước Mỹ trước tiên" chứ không phải "Nước Mỹ cô độc".

Cá nhân bà phản đối một số chính sách của chính quyền Mỹ như giảm số người tị nạn được định cư tại Mỹ, có quan điểm cứng rắn hơn về Nga so với ông Trump, từng công khai phản đối ông Trump trong giai đoạn tranh cử tổng thống năm 2016 nhưng thực tế, hiện nay bà Haley có mối quan hệ rất tốt với Tổng thống Trump.

Ngày 9-10, ông Trump cho biết bà Haley đã thông báo kế hoạch từ chức cho ông từ 6 tháng trước. Ông Trump ca tụng những thành quả mà bà đạt được, nhấn mạnh rằng bà đã khiến vị trí Đại sứ Mỹ tại LHQ "tỏa sáng".

Ông Trump có lý do để đánh giá cao bà Haley. Thứ nhất, bà Haley là người có phong cách. Ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ, bà Haley luôn thể hiện mình là người có phong cách chính trị riêng. Bà Haley từng nhiều lần phản đối một số tuyên bố đa phần là gây tranh cãi của ông Trump. Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, bà thậm chí còn miêu tả ông Trump là “tất cả những gì mà một thống đốc không trông đợi ở tổng thống của mình”.

Thứ hai, bà Haley là người đặc biệt. Trong chính quyền Tổng thống Trump, bà Haley dường như luôn khác biệt. Một phụ nữ Mỹ gốc Ấn làm việc trong một chính quyền chủ yếu là nam giới da trắng, một đối thủ chính trị tiềm năng trong tương lai của tổng thống và là người luôn được ca ngợi về lòng trung thành cũng như sự phục tùng.

Để thể hiện lập trường xích lại gần hơn với các quan điểm của ông Trump, bà Haley đã ủng hộ lập trường cứng rắn của Mỹ về Israel và Iran, dù điều đó khiến Mỹ bị cô lập về mặt ngoại giao tại LHQ. Bà Haley đã ủng hộ ông Trump trong các bước đi thực thi chính sách đối ngoại gây tranh cãi của ông, trong đó có việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới khu vực đó, cũng như việc rút Mỹ khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ.

Bà cũng ủng hộ việc ông Trump cắt giảm viện trợ cho các nước không sẵn sàng ủng hộ chính sách đối ngoại của Mỹ và có quan điểm cứng rắn đối với những đối thủ như Iran và Venezuela.

Thứ ba, bà Haley là người có uy tín trong giới bảo thủ. Bà Haley nhận được sự tán dương của những người bảo thủ, vốn ủng hộ các quan điểm bảo vệ Israel và chỉ trích mạnh mẽ nhằm vào các chính phủ cánh tả ở Cuba, Nicaragua và Venezuela.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley thông báo về việc từ chức với ông Trump hôm 9-10. Ảnh: New York Times.

Chuyên gia về Cuba Brett Schaefer tại Quỹ Heritage, nói: “Tôi cho rằng bà ấy đã làm một công việc tuyệt vời... Tổ chức này (LHQ) không phải là một nơi cực kỳ thân thiện với Mỹ. Ngay cả dưới thời chính quyền của đảng Dân chủ, nước Mỹ cũng thường xuyên nhận phiếu thiểu số tại Đại hội đồng LHQ... Chúng ta biết rõ rằng các ưu tiên chính sách đối ngoại của Mỹ thường vấp phải sự phản đối và bà ấy đã xoay xở mọi chuyện rất tài tình”.

Những gì bà Haley làm tại LHQ cũng nhận được sự đánh giá khá cao của dư luận. Theo một cuộc thăm dò do Đại học Quinnipiac tiến hành hồi tháng 4, khoảng 63% số người được hỏi có cái nhìn khá tích cực về bà tại LHQ, trong số này có tới 55% là những người ủng hộ đảng Dân chủ.

Tiếng dữ đồn xa

Tuy nhiên, nhiệm kỳ của bà Haley tại LHQ cũng có những ý kiến trái chiều. Stephen Pomper, cựu cố vấn cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia, từng phụ trách các vấn đề LHQ tại Nhà Trắng trong chính quyền Obama, hiện làm việc cho Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG) bình luận: “Tôi không đánh giá cao Nikki Haley. Đúng là bà ấy đã giúp thúc đẩy các đòn trừng phạt nhằm vào Triều Tiên và hướng sự chú ý của Mỹ về một số quốc gia cụ thể trong bối cảnh rối ren về chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, bà ấy cũng là một người gây chia rẽ, chỉ trích các thể chế và các tổ chức phi chính phủ ủng hộ sự minh bạch và quyền cơ bản, bà ấy dùng viện trợ nhân đạo làm vũ khí chính trị”.

Ông Pomper cho rằng vị thế của Mỹ tại LHQ đã suy yếu đáng kể trong gần 2 năm bà Haley làm đại sứ. Những người chỉ trích bà Haley sẽ không nhớ tới bà như là "người khôn ngoan" mà là người thực hiện những mục tiêu đối ngoại hà khắc của chính quyền Tổng thống Trump.

Một số nhà phân tích còn cho rằng bà Haley là một "quan chức cấp cao" giấu tên trong chính quyền Trump - người đã viết bài bình luận trên tờ The New York Times - cho rằng nhiều người trong nhánh hành pháp đang lặng lẽ kiềm chế "những cơn bốc đồng tồi tệ" của ông Trump. Bài viết này đã khiến chính trường Mỹ dậy sóng trong một thời gian. Nếu bà Haley, 46 tuổi, là quan chức giấu tên đó thì có thể nguyên nhân bà từ chức đã rõ.

Sự thay đổi trong chính quyền Mỹ cũng là cách lý giải cho sự ra đi của bà Haley. Ông Mike Pompeo thay thế ông Tillerson, cam kết khôi phục Bộ Ngoại giao Mỹ mạnh mẽ hơn. Ông Trump cũng chỉ định Cố vấn An ninh Quốc gia mới, ông John Bolton, người từng là Đại sứ Mỹ tại LHQ, hiểu biết rất rõ cách LHQ hoạt động và có kế hoạch để làm chủ tình hình. Theo giới phân tích, nhiều khả năng bà Haley không còn quá cần thiết nữa khi chính quyền Tổng thống Trump sắp xếp lại bộ máy nhân sự.

Trong khi đó, báo chí Mỹ đã có những thông tin cáo buộc những bất thường về hoạt động tài chính của bà Haley, tương tự những bê bối khiến Scott Pruitt, cựu Giám đốc Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) và cựu Bộ trưởng Y tế Tom Price phải từ chức. Rất có thể đây là nguyên nhân khiến bà Haley từ chức.

Những đồn đoán...

Chưa ai rõ lý do bà Haley từ chức, song, có ý kiến cho rằng bà Haley từ chức là để “tranh cử tổng thống”. Quyết định rời khỏi chính quyền sẽ cho phép bà tách mình khỏi những thất bại mà đảng Cộng hòa có thể sẽ phải hứng chịu trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới. Đa số những người biết rõ bà Haley đều cho rằng bà sẽ không rời chính trường lâu.

Giáo sư chính trị Jordan Ragufa, hiện làm việc tại Trường Charleston ở Nam Carolina, nói: “Giải thích hợp lý nhất là bà ấy muốn vạch rõ những ranh giới giữa bà ấy và ông Trump để chuẩn bị cho việc tranh cử tổng thống”. Tuy nhiên, cựu Thống đốc bang Nam Carolina nhanh chóng phủ nhận thông tin này, cho biết bà ủng hộ ông Trump tái tranh cử và chưa có kế hoạch gì cho riêng mình.

Trong khi đó, có nhiều đồn đoán rằng ông Trump có thể sẽ không còn đồng hành với Phó Tổng thống Mike Pence trong cuộc chạy đua năm 2020 và bà Haley là người thay thế. Karen Floyd, cựu Chủ tịch đảng Cộng hòa tại bang Nam Carolina, nói: “Đại sứ Haley có tương lai chính trị khá rộng mở, có thể bà ấy sẽ trở thành phó tổng thống hoặc xa hơn nữa”. Lý do là bà Haley có thể giúp ông Trump có thêm nhiều phiếu bầu từ các cử tri nữ.

Giáo sư Claire Wofford, Trường Charleston bang Nam Carolina, bình luận: “Tôi thấy có rất nhiều cách để bà ấy có thể trở thành người giúp ông Trump thu hút phiếu bầu”. Thực tế, bà Haley rất được lòng cử tri nữ vì bà thường bênh vực phụ nữ, khuyến khích phụ nữ tố cáo những hành vi lạm dụng tình dục hoặc vô đạo đức của nam giới. Bà nhấn mạnh những lời tố cáo đó cần được lắng nghe, ngay cả khi đó là lời tố cáo nhằm vào Tổng thống Trump.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley bất ngờ từ chức.

Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebezia, người thường xuyên mâu thuẫn với Haley, cũng nhận định việc bà sẽ sớm quay trở lại chính trường. Đại sứ Nebezia nói: “Bà ấy trẻ, đầy năng lượng và tham vọng. Bà Haley sẽ sớm quay trở lại sau quãng thời gian nghỉ ngơi”.

Tuy nhiên, chiến lược gia đảng Cộng hòa Rick Tyler cho rằng ý tưởng về việc bà Haley thay thế ông Pence là điều “không tưởng”. Ông thừa nhận tương lai của bà Haley rộng mở song khả năng bà quay trở lại chính quyền là không nhiều.

Hiện chưa rõ bước đi tiếp theo của bà Haley là gì. Có thể bà đang chạy đua vào một vị trí nào đó. Mặc dù việc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020 dường như không nằm trong kế hoạch, song bà có thể đang cân nhắc đến một điều gì đó không kém phần quan trọng. Quãng thời gian ngắn ngủi tại LHQ đã cho bà nhiều kinh nghiệm về chính sách đối ngoại mà bà chưa từng có khi giữ các vị trí quan trọng khác trước đây. Không lẽ bà lại đành lòng rũ bỏ những kinh nghiệm đó?

...và tác động chính sách

Nhiều nhà lập pháp hàng đầu của đảng Dân chủ nhanh chóng đánh giá quyết định từ chức của bà Haley là dấu hiệu cho thấy bất ổn tại Nhà Trắng. Bà Haley từ chức không phải vì bà là một nhân vật kém quan trọng. Dù thường xuyên chỉ trích LHQ, ông Trump vẫn đi theo đường lối của những người tiền nhiệm Bill Clinton và Barack Obama khi đưa Đại sứ Mỹ tại LHQ vào danh sách nội các. Khi Ngoại trưởng Rex Tillerson do dự lúc bị báo giới phỏng vấn thì bà Haley chính là người lên tiếng về chính sách đối ngoại của Mỹ.

Thượng nghị sỹ Bob Menendez, Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện, chia sẻ quan điểm trong một tuyên bố: “Tôi đặc biệt quan ngại về khoảng trống lãnh đạo mà bà ấy để lại cũng như những ảnh hưởng từ sự ra đi của bà ấy trong bối cảnh chính quyền này liên tục xáo trộn”.

Cho dù nguyên nhân khiến bà Haley từ chức là gì đi nữa thì tác động của quyết định này sẽ được thế giới theo dõi sát sao. Vẫn chưa rõ ai sẽ thay thế vị trí của bà Haley cho dù ông Trump cho biết đã có một số lựa chọn và sẽ tuyên bố trong vài tuần tới. Một số cái tên nổi lên như Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Dina Powell (một người bạn của bà Haley), Thượng nghị sỹ Marco Rubio, Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell (người có mối quan hệ khá gần gũi với Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton), Thượng nghị sỹ Tom Cotton hoặc thậm chí là con gái Tổng thống Ivanka Trump.

Một giả thuyết khác là bà Haley sẽ giữ vị trí của Thượng nghị sỹ Lindsay Graham trong khi ông này nhận vị trí của bà hoặc của Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions. Trong chính quyền Tổng thống Trump, mọi thứ đều có thể xảy ra.

Nhưng thật khó để hình dung người kế nhiệm bà Haley lại có thể thay đổi đường lối đối ngoại của Mỹ trong các vấn đề trọng yếu. Người ta dự đoán Đại sứ Mỹ tiếp theo tại LHQ sẽ có ít sự độc lập chính trị hoặc ít xuất hiện trên các phương tiện truyền thông như bà Haley. Và một điều chắc chắn là hình ảnh một “Nước Mỹ trước tiên” của chính quyền Tổng thống Trump, dưới một diện mạo khác, sẽ tiếp tục nổi lên tại LHQ.

Vũ Quang
.
.