Khi các đại sứ ngoại giao “sảy miệng”

Thứ Bảy, 29/10/2005, 08:49

Khi trò chuyện với một vị khách về tình hình Cận Đông, Đại sứ Pháp tại Anh Daniel Luis Bernard đã buông ra vài nhận xét không hay về Israel. Không may cho ông, người đàm thoại với ông lại là Conrad Black, chủ nhân của tờ The Daily Telegraph lớn nhất nước Anh. Thế là ngay sáng hôm sau, những lời nói thiếu tính ngoại giao của Bernard đã xuất hiện trên dòng tít đầu của tờ báo.

Sự kiện trên diễn ra vào hồi tháng 12/2001 tại London và được coi là một “cơn bão” ngoại giao thực sự. Những người chứng kiến khẳng định, nó được bắt nguồn từ một buổi tiệc nhân dịp chủ biên Boris Johnson của tạp chí chính trị The Spectator được bầu vào Quốc hội. Đại sứ Pháp tại Anh Daniel Luis Bernard khi đó đang trò chuyện với một trong những vị khách về tình hình Cận Đông và đã buông ra một vài nhận xét không hay về Israel. “Tôi không hiểu vì sao cả thế giới lại phải sống dưới mối đe dọa của chiến tranh thế giới thứ 3 xuất phát từ cái quốc gia nhỏ bé và đáng lên án như vậy!” - ông Bernard nói.

Bộ Ngoại giao Israel thời gian đầu đã không dám tin, tờ The Daily Telegraph đã trích dẫn chính xác những lời nói của vị đại sứ. Tuy nhiên, Bernard đã không nghĩ đến việc bác bỏ những gì giới phóng viên nêu ra. Phản ứng công khai duy nhất từ phía ông ta là sự nổi giận do “ý kiến riêng được tiết lộ trong phạm vi những người đáng tin cậy lại được công luận biết đến”. Đến lúc này, Israel đã chính thức yêu cầu phía Pháp phải xin lỗi. Đồng ý với yêu cầu này còn có một số nghị sĩ của Anh, những người đã lên tiếng buộc tội Đại sứ Pháp là kẻ bài Do Thái.

Đại diện Bộ Ngoại giao Pháp lập tức tuyên bố ông Bernard đã bị vu khống, rằng tất cả những lời tố cáo ông đều là “những bịa đặt với dụng ý xấu xa”. Đáp lại, một nhóm nghị sĩ Anh có quan điểm thân Israel chính thức viết thư yêu cầu Tổng thống Chirac cách chức vị đại sứ của mình.

Bất chấp việc những câu nói của mình đã được hầu hết những tờ báo hàng đầu trên thế giới trích dẫn, ông Daniel Bernard vẫn cương quyết khước từ trước những lời kêu gọi từ chức cũng như yêu cầu xin lỗi. Bộ Ngoại giao Pháp cũng ủng hộ quan điểm này.

Tuy nhiên, những áp lực từ phía Israel cuối cùng cũng đem lại kết quả. Tháng 7/2002, Bernard được triệu hồi về từ London và được bổ nhiệm làm Đại sứ tại Algeria, một quốc gia không thừa nhận sự tồn tại của Israel. Hai năm sau, Daniel Bernard đột ngột qua đời. Trong bài cáo phó đăng trên tờ Le Monde của Pháp, ông đã được gọi là “một người trung thực và thẳng tính, một tính cách đã gây ra cho bản thân không ít rắc rối, đặc biệt là tại London”.

Đến chuyện của đương kim đại sứ Pháp ở Irasel

Bài học từ Bernard dường như không có tác dụng đối với các nhà ngoại giao Pháp. Tháng 9/2003, một trường hợp tương tự cũng xảy ra đối với Đại sứ mới của Pháp tại Israel là Gerard Araud. Ngay khi chưa tới Tel-Aviv, Araud đã có những lời xúc phạm tới người Israel nói chung và Thủ tướng Sharon nói riêng. Trong một buổi chiêu đãi tại Bộ Ngoại giao, ông ta khi nói chuyện với các đồng nghiệp đã gọi Ariel Sharon là “đồ nhà quê”, còn gọi người Israel là “những kẻ hoang tưởng”. Khi phát ra những lời này, Araud không để ý tới việc, ngay sau lưng ông ta là một phóng viên báo Yedioth Ahronoth của Israel.

Khỏi phải nói là những lời nói trên đã gây ra phản ứng như thế nào đối với giới chính trị gia ở Israel. Họ đã yêu cầu Thủ tướng từ chối nhận ủy nhiệm thư của Đại sứ Pháp. Dù sao thì Araud vẫn vững vàng trên cương vị này cho tới hiện nay mà không thèm đưa ra lời xin lỗi. Hơn nữa, khi phát biểu trên Đài Phát thanh Israel vào năm 2004, ông này còn buộc tội người Israel về việc, họ đã “căm thù người Pháp một cách không đúng”. Điều này đã khiến đại diện Bộ Ngoại giao Israel đã gọi những lời nói trên là “không chính xác”, là “vượt quá khuôn khổ các tiêu chuẩn hành vi ngoại giao”. Còn Bộ Ngoại giao Pháp đã làm lơ trước sự việc này.

Rắc rối từ chuyện mua chức đại sứ ở Mỹ

Những trò đùa lố bịch hay những câu nói không thận trọng gây tổn hại đến uy tín quốc gia nhiều khi không phải xuất phát từ các nhà ngoại giao chuyên nghiệp, mà từ những quan chức được bổ nhiệm. Điển hình nhất phải kể đến nước Mỹ, nơi vốn đã có truyền thống “mua” ghế đại sứ. Dù đây đã là chuyện không lạ tại Mỹ, nhưng xét về cụ thể thì không ai bì được về khoản này với Tổng thống Richard Nixon. Sau khi thắng cử vào Nhà Trắng, ông này cho thay thế một loạt đại sứ tại tất cả 34 quốc gia, trong số này có tới 15 người chưa bao giờ hoạt động ngoại giao. Họ được bổ nhiệm chỉ bởi vì trong giai đoạn tranh cử đã quyên góp cho phía ứng cử viên Nixon những khoản tiền lớn.

Một trong số này là quan chức Arthur Watson, đứng đầu bộ phận phân phối của của Tập đoàn IBM (IBM World Trade Corp), đã được bổ nhiệm làm Đại sứ Mỹ tại Pháp. Theo một số nguồn tin, Watson đã phung phí hàng trăm ngàn USD từ ngân quỹ của IBM để có thể được bổ nhiệm tới Paris.

Nhưng thương gia này cuối cùng cũng không kịp “hưởng lợi” từ vụ mua bán này. Trong thời gian chuyến bay xuyên Đại Tây Dương tới nơi công tác mới vào tháng 3/1972, vị đại sứ mới đã uống say xỉn đến mức không làm chủ được mình, bắt đầu giở trò sàm sỡ với các nữ tiếp viên. Dù sao, Watson cũng bị buộc phải từ chức, và người thay thế là John Irwin, một người họ hàng của ông ta

Đinh Linh tổng hợp (Tổng hợp)
.
.