Khó khăn tiếp tục đeo bám Thủ tướng Anh

Thứ Ba, 06/02/2007, 10:31

Sau khi bị phê phán đã bố trí lực lượng tham gia cùng quân Mỹ trong cuộc chiến Iraq, Thủ tướng Anh Tony Blair lại tiếp tục bị dư luận công kích bởi hàng loạt vấn đề mới, khiến cho những ngày cuối cùng tại vị của ông càng trở nên chua chát.

Nước Anh của Thủ tướng Tony Blair đang lâm vào tình trạng khó ăn khó nói với cộng đồng quốc tế vì cáo buộc “bưng bít” một cuộc điều tra chống tham nhũng nhắm vào vụ mua bán vũ khí mang mật danh Al-Yamamah. Đây là vụ án nghiêm trọng, kéo dài từ thời những chính phủ tiền nhiệm (kể cả thời đảng Bảo thủ cầm quyền) cho đến tận ngày nay.

Từ Al-Yamamah…

Nếu như trước đây, các chính phủ tiền nhiệm từng ém nhẹm cuộc điều tra vào những cáo buộc tham nhũng, hối lộ quanh vụ mua bán Al-Yamamah nhưng không bị phản đối, thì giờ đây, động thái ngưng cuộc điều tra của Thủ tướng T.Blair không chỉ châm ngòi cho những lời chỉ trích trong nước mà còn tạo nên loạt chỉ trích gay gắt từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

OECD cho rằng, nước Anh đang vi phạm các điều khoản trong một công ước chống tham nhũng, và gia hạn cho London đến tháng 3/2007 phải có câu trả lời thỏa đáng về hành động ém nhẹm vụ án.

Al-Yamamah là hợp đồng mua bán vũ khí giữa Tập đoàn vũ khí tư nhân BAE Systems của Anh với Hoàng gia Arập Xêút. Hợp đồng Al-Yamamah được ký kết và khởi động từ giữa thập niên 80 của thế kỷ XX, theo đó BAE Systems sẽ cung cấp cho Arập Xêút 200 máy bay chiến đấu Tornado, chia làm 3 giai đoạn thực hiện.

Trong đó, giai đoạn I đã được triển khai ngay trong thập niên 80, giai đoạn II tiến hành vào thập niên 90, giai đoạn III đang chuẩn bị thực hiện, cung cấp 72 chiếc chiến đấu cơ Eurofighter trị giá 140 triệu USD. BAE Systems đã thắng thầu, giành hợp đồng Al-Yamamah từ tay các tập đoàn nổi tiếng khác của Mỹ và Pháp. Tổng cộng, hợp đồng béo bở Al-Yamamah đã mang về cho Tập đoàn BAE Systems hơn 79 tỉ USD, từng được dư luận báo chí ca ngợi là cú đột phá của ngành công nghiệp quốc phòng Anh.

Thế nhưng chỉ ít lâu, sau khi hợp đồng được triển khai đã có những lời xầm xì bàn tán về tham nhũng, hối lộ trong quá trình xúc tiến đấu thầu. Theo hồ sơ của Cơ quan điều tra, các tay “cò” mua bán vũ khí người Arập Xêút đã nhận những khoản “hoa hồng” rất đậm để phục vụ cho việc “bôi trơn” vụ mua bán. Người ta nghi ngờ rằng, chính các tay cò này đã dùng những khoản tiền đó để tranh thủ  một số thành viên Hoàng gia Arập Xêút và gia quyến của họ.

Năm 1992, Văn phòng Kiểm toán quốc gia Anh (NAO) từng mở một cuộc điều tra về các cáo buộc này. Tuy nhiên, theo báo cáo sơ bộ của NAO vụ việc đã bị ém nhẹm một cách khó hiểu. Đến tháng 11/2004, hồ sơ vụ án được lật lại, và lần này SFO đã vào cuộc điều tra.

Có ý kiến cho rằng, vì SFO đã làm việc “quá nhiệt tình” khiến cho Chính phủ Anh lo ngại việc điều tra có khả năng đe dọa đến việc triển khai giai đoạn III của hợp đồng Al-Yamamah, cho nên Thủ tướng T.Blair mới ra lệnh ngưng.

Thực ra, theo lời Thủ tướng T.Blair, tổn thất thương mại của hợp đồng Al-Yamamah dù đáng kể cũng không thể quan trọng bằng những nguy cơ về an ninh. Theo Lord Goldsmith, Luật sư trưởng của Văn phòng Thủ tướng Anh, Thủ tướng T.Blair lo ngại cuộc điều tra vào vụ Al-Yamamah có thể làm phật lòng Hoàng gia Arập Xêút, do đó có nguy cơ làm hỏng sự hợp tác về an ninh của nước này với nước Anh, nhất là trong cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, các tin tức tình báo của MI-5 và MI-6 gửi về đều không khẳng định được liệu Arập Xêút có “đe dọa” cắt đứt quan hệ hợp tác về an ninh hay không nếu cuộc điều tra đi đến cùng.

… đến “mua quan bán chức”

Nhưng như thế vẫn chưa hết. Trong số hàng loạt vụ bê bối dồn dập của 2 năm gần đây, vụ “mua quan bán chức” cũng đang đe dọa làm cho ông T.Blair không thể có được những ngày cuối cùng êm ả trên chiếc ghế thủ tướng. Diễn biến mới nhất từ vụ án chính là vụ bắt giữ bà Ruth Turner, Giám đốc Quan hệ công chúng của chính phủ. Ruth Turner bị cáo buộc có liên quan trong vụ mua bán chức tước và cản trở công lý.

Được tại ngoại hầu tra và tiếp tục chức vụ, Ruth Turner là người thứ 4 bị bắt trong cuộc điều tra này. (Những người bị bắt trước bà Ruth Turner gồm Michael Levy, bạn và là đặc phái viên của ông T.Blair tại Trung Đông; thương gia Christopher Evans; và Des Smith, một cố vấn cao cấp của chính phủ).

Bản thân Thủ tướng T.Blair cũng từng bị Scotland Yard mời thẩm vấn với tư cách nhân chứng vào trung tuần tháng 12/2006. Từ đây, báo chí Anh cho rằng, cuộc điều tra đang khép dần vòng vây quanh Thủ tướng T.Blair, có thể đe dọa trực tiếp chiếc ghế thủ tướng của ông.

Công đảng của Thủ tướng T.Blair thừa nhận đã vay 27 triệu bảng từ vài cá nhân trong giới kinh doanh, do đó không phải công bố danh tính, và do vậy họ cũng không làm gì sai trái. Tuy nhiên, các nhà điều tra đã phát hiện trong danh sách các cá nhân cho Công đảng vay tiền có những người được trao cho các chức tước.

Theo Scotland Yard, vụ án này hiện đang được mở rộng điều tra, ngoài Công đảng còn có đảng Bảo thủ và đảng Dân chủ tự do. Cựu Chủ tịch đảng Bảo thủ Michael Howard cũng đã bị thẩm vấn. Vụ án đã khiến người ta xét lại lời hứa “trong sạch” của Thủ tướng T.Blair, càng làm cho uy tín của ông suy giảm thêm

Tiểu Bảo (tổng hợp)
.
.