Kịch bản leo thang và "điểm sáng" quan hệ Ấn – Trung

Thứ Năm, 18/06/2020, 09:13
Cuộc ẩu đả giữa binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực phía Bắc Sikkim cho đến thời điểm này cho thấy vẫn luôn có những tiềm ẩn về mối quan hệ giữa hai nước và cả một "yếu tố" khác, Pakistan.

Sau cuộc đụng độ của viên trung úy trẻ tuổi người Ấn Độ và một thiếu tá Trung Quốc, viên trung úy đã lập tức bị điều chuyển song các cơ quan truyền thông Ấn Độ thì ca ngợi nhân vật này như một anh hùng.

Cuộc đung độ nổ ra tại địa điểm gọi là "Finger 5" ở bờ phía Bắc hồ Pangong Tso thuộc Đông Ladakh, một khu vực giáp ranh với Tân Cương và Tây Tạng từng là nơi xảy ra các trận chiến gay cấn trong cuộc xung đột Trung - Ấn năm 1962. 2/3 thủy vực ở đây do Trung Quốc kiểm soát và sự cố Finger 5 có sự tham gia của 250 binh sĩ sử dụng đá và gậy sắt gây thương tích cho cả hai bên.

Những cuộc xô xát giữa binh lính Trung Quốc và Ấn Độ diễn ra khi các đội tuần tra của hai bên chạm trán nhau dọc theo đường biên giới chung và một bên nghĩ rằng bên kia đã đi quá xa.

Trong một diễn biến khác, chỉ trong vòng 2 tuần, Ấn Độ đã mất 1 đại tá, 1 thiếu tá và 3 binh sĩ ở Kashmir. Những quân nhân này đã thiệt mạng khi xông vào một địa điểm ở quận Kupwara hỗn loạn để giải cứu con tin bị những kẻ xâm nhập mà theo mô tả của Ấn Độ là những người Pakistan thuộc nhóm khủng bố Lashkar-e-Taiba bắt đi. Lo sợ Ấn Độ trả đũa như hồi tháng 3-2019 sau vụ đánh bom tự sát gần Kashmir, không quân Pakistan đã điều động các máy bay chiến đấu đến gần đường kiểm soát, kể cả vào ban đêm.

Trong khi nhiều vụ nã súng máy và súng cối được ghi nhận trên đường biên giới chung giữa Ấn Độ và Pakistan thì ngược lại, Ấn Độ và Trung Quốc lại thận trọng chỉ đối đầu chứ không nổ súng vào nhau. Những cuộc xô xát như vậy diễn ra khi các đội tuần tra của hai bên chạm trán nhau dọc theo đường biên giới chung và một bên nghĩ rằng bên kia đã đi quá xa. Họ chỉ xô đẩy, cảnh cáo và hiếm lắm mới tung nắm đấm như sự việc vừa qua.

Sự việc hãn hữu là 3 năm trước, quân đội Ấn Độ đã vào lãnh thổ Bhutan để đẩy lui quân đội Trung Quốc ra khỏi một khu vực ngã ba trọng điểm ở Doklam mà nếu nắm quyền kiểm soát, Trung Quốc hẳn sẽ có lợi thế lớn trong việc ngăn chặn Ấn Độ tiếp cận với 7 bang Đông Bắc trong trường hợp có xung đột.

Tuy nhiên, tại thời điểm này, xích mích đang gia tăng trong bối cảnh môi trường chiến lược có những thay đổi rõ rệt. Điều đó làm tăng thêm mức độ nguy hiểm của kịch bản này và nguy cơ leo thang đáng kể trên các mặt trận khác nhau. Việc Ấn Độ ngày càng xích lại gần Mỹ tại thời điểm quan hệ Mỹ - Trung đang xấu đi từng ngày khiến Bắc Kinh quan ngại.

Nhiều hoạt động mua bán vũ khí hơn đã được ký kết giữa Mỹ và Ấn Độ, cũng như các thỏa thuận song phương làm tăng liên kết giữa hai nước. Ấn Độ tham gia mạnh hơn và tỏ rõ vai trò trong nhóm Bộ tứ (QUAD - gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ) cũng như trong các cuộc họp Bộ tứ mở rộng.

Trên thực tế, việc hạn chế tiếp cận thị trường Ấn Độ 1,4 tỷ dân cũng là một mối lo ngại lớn đối với Trung Quốc. Sau khi rút khỏi các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tháng 11-2019 vì lo ngại hàng hóa Trung Quốc tràn vào thị trường của mình, Ấn Độ gần đây tuyên bố sẽ không còn cho phép các nước có chung biên giới đất liền - được nhiều người hiểu là ám chỉ Trung Quốc - đầu tư vào thị trường nước này.

Những cuộc xô xát giữa binh lính Trung Quốc và Ấn Độ diễn ra khi các đội tuần tra của hai bên chạm trán nhau dọc theo đường biên giới chung và một bên nghĩ rằng bên kia đã đi quá xa.

Mặc dù quyết định này chưa phải là lệnh cấm mà chỉ là biện pháp tăng cường kiểm duyệt nhưng nó xuất hiện vào một thời điểm đặc biệt nhạy cảm đối với Trung Quốc, vốn lo ngại sẽ bị đẩy ra khỏi các thị trường nước ngoài then chốt trước sức ép của Mỹ. New Delhi ra quyết định này sau khi một doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư một khoản nhỏ mang tính cơ hội vào công ty cho vay thế chấp lớn nhất Ấn Độ trong bối cảnh giá cổ phiếu sụt giảm mạnh vì đại dịch.

Theo các phân tích, Ấn Độ cảm thấy không hài lòng với việc Trung Quốc kiên định hỗ trợ Pakistan. Bắc Kinh đã công bố Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan, trong đó có một phần chạy qua vùng lãnh thổ vốn là mục tiêu tranh chấp giữa Pakistan và Ấn Độ mà không tham vấn New Delhi. Động thái này đã khiến Ấn Độ, vốn đang trong tình trạng thiếu vốn, quay lưng lại với sáng kiến "Vành dai và Con đường" của Trung Quốc.

Trong khi đó, Kashmir vẫn là vấn đề nan giải lâu nay giữa Ấn Độ và Pakistan. Nhiều binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng tại vùng tranh chấp này. Gần đây nhất là vụ 5 lính biệt kích bị sát hại dọc Đường kiểm soát ở khu vực Keran của Kashmir hồi tháng 4 trong cuộc đọ súng cự ly gần với những kẻ nổi dậy đang tìm cách vượt qua biên giới. Vụ việc đã khiến Tư lệnh Lục quân Ấn Độ Manoj Naravane, vốn đang bận tâm với cuộc chiến chống dịch COVID-19, phải thân chinh đến khu vực này.

Điều nguy hiểm là những sự việc trên xảy ra khi tất cả các nước liên quan đang ở thời điểm đại dịch COVID-19 tàn phá những nền kinh tế vốn đang trong tình trạng suy yếu. Ngân sách quốc phòng của Ấn Độ năm nay chỉ bằng 1,5% GDP - đơn giản chỉ bởi vì nước này không có tiền để tăng khoản ngân sách này khi đang phải đối mặt với nhiều thách thức khác.

May thay, có vẻ mọi mối bận tâm đều có xu hướng tập trung vào việc xoa dịu tình hình. Mới đây, phát biểu với báo chí, tướng Naravane đã nói rằng các sự cố ở biên giới Trung Quốc không liên quan đến tình hình trong nước hay quốc tế hiện nay và những tình huống hiện tại cũng sẽ được xử lý theo giao thức giữa hai nước. Một thông tin từ Trung Quốc đưa ra cũng có quan điểm tương tự, cho rằng nước này cũng cam kết duy trì hòa bình và sự ổn định.

Ngọc Lan (Tổng hợp)
.
.