Kiện đòi lại “ngọn núi của ánh sáng” trên vương miện Nữ hoàng Anh

Thứ Ba, 24/11/2015, 15:15
Hiệp hội "Mountain of Light" (Ngọn núi của ánh sáng), dựa theo tên gọi gốc Ba Tư đầu tiên của viên kim cương Koh-i-Noor nổi tiếng, quy tụ các nhà hoạt động văn hóa nghệ thuật hàng đầu Ấn Độ vừa đệ đơn khởi kiện lên Tòa án Tối cao Vương quốc Anh, đòi London trả lại viên kim cương lớn nhất đang được gắn trên vương miện của Nữ hoàng Elizabeth II.

Đại diện Hiệp hội “Mountain of Light” là luật sư David de Souza, nhà đồng sáng lập Tập đoàn giải trí Titos của Ấn Độ, đã xúc tiến việc thuê một công ty luật ở Anh đứng ra bảo vệ các quyền lợi cho phía bị đơn.

Trao đổi với phóng viên thường trú của tuần báo The Sunday Telegraph, Anh tại New Delhi, ông D. Souza khẳng định: "Koh-i-Noor là một trong rất nhiều món đồ tạo tác bị lấy đi từ Ấn Độ trong những hoàn cảnh đáng ngờ. Chế độ thực dân không chỉ cướp bóc những nguồn tài nguyên giàu có, mà còn tàn phá cấu trúc văn hóa xã hội Ấn Độ. Di chứng để lại cho đến tận ngày hôm nay là sự nghèo đói, nạn mù chữ và một loạt các tệ nạn ở đất nước chúng tôi".

Viên kim cương “Ngọn núi của ánh sáng” được tìm thấy ở khu mỏ Kollur, thuộc bang Andhra Pradesh phía nam Ấn Độ dưới thời trị vì của triều đại Kakatiya vào thế kỷ XIII, với khối lượng thô lúc mới khai thác là 793 carats (1 carat = 0,2g) thuộc dạng lớn nhất thế giới khi ấy, rồi được gắn vào con mắt trên trán tô điểm cho bức tượng nữ thần trong một ngôi đền Hindu giáo ở bang Punjab.

Viên kim cương đắt giá từng hiện diện trên vương miện của Hoàng hậu Alexandra (trái) và Nữ hoàng Elizabeth II hiện nay.

Qua nhiều lần gọt giũa và thay đổi chủ sở hữu, đến năm 1849 sau khi Anh chinh phục vùng đất Punjab, vào giữa năm 1850, lãnh chúa Duleep Singh (1838-1893) cũng là vị vua cuối cùng của triều đại Sikh lúc này chưa đầy 13 tuổi, dưới sức ép của Huân tước James Andrew Broun-Ramsay (1812-1860) Tổng đốc Ấn Độ đã thân chinh viếng thăm kinh thành London, đem theo viên kim cương “Mountain of Light” cùng nhiều báu vật khác tặng Nữ hoàng Victoria (1819-1901), như là một cử chỉ thể hiện sự thuần phục.

Đến tháng 7-1852, dưới sự giám sát của Hoàng tử Albert (1819-1861) chồng Nữ hoàng Victoria, viên kim cương “Mountain of Light” được tinh chế giảm từ 186 carats (37,21g) xuống còn 105,602 carats (21,61g) để tăng độ sáng chói và mang tên mới là Koh-i-Noor. Đặc điểm của viên kim cương này là nhìn từ mọi hướng vẫn toát lên vẻ lung linh đa sắc, và Nữ hoàng Victoria đã cho thợ gắn viên đá quý tuyệt đẹp này lên cây trâm cài tóc của mình.

Sau khi Nữ hoàng băng hà, con trai cả của bà là Vua Edward VII (1841-1910) lên nối ngôi vào cuối tháng 1-1901, đã đặc cách để vợ là Hoàng hậu Alexandra (1844-1925) gắn viên Koh-i-Noor lên vương miện dự lễ đăng quang của mình, cũng là lần đầu tiên viên đá quý rực rỡ công khai xuất hiện trước quần thần. Khi Vua George V (1865-1936) kế tục ngai vàng, vẫn áp dụng thông lệ gắn viên Koh-i-Noor lên vương miện của vợ là Hoàng hậu Mary (1867-1953). Tương tự các đời vua tiếp nối là Edward VIII (1894-1972) và George VI (1895-1952) cũng vậy…

Tháng 2-1952, con gái lớn của Vua George VI lên nối ngôi cha, lấy tước hiệu là Nữ hoàng Elizabeth II đã cho gắn viên kim cương Koh-i-Noor lên vị trí cao nhất trên vương miện thường đội trong các dịp nghi lễ chính thức từ đó đến nay.

Theo lời luật sư D. Souza, thì giới luật sư Ấn Độ hiển nhiên sẽ viện dẫn Đạo luật Holocaust được Quốc hội Anh thông qua vào năm 2009, trong đó có điều khoản cho phép các tổ chức quốc gia trao trả các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp cho chủ sở hữu hợp pháp. "Nếu Tòa án Tối cao Anh đưa ra phán quyết bất lợi, chúng tôi sẽ đưa vụ việc ra Tòa án Trọng tài Quốc tế (PCA) ở The Hague (Hà Lan), là cấp tư pháp cao nhất có thẩm quyền phân xử tranh chấp giữa các quốc gia mà cả Ấn Độ lẫn Anh đều ký công ước tham gia", ông D. Souza nhấn mạnh.

Nữ diễn viên Bollywood nổi tiếng Bhumika Singh đã phát biểu nhân vụ kiện: "Koh-i-Noor  không chỉ thuần túy là một viên ngọc quý, mà còn là một phần lịch sử di sản văn hóa của Ấn Độ, cũng là linh hồn của Hiệp hội Mountain of Light".

Không riêng phía Ấn Độ mới mạnh mẽ đòi lại viên kim cương huyền thoại, mà có nhiều người Anh cũng lên tiếng ủng hộ quan điểm này. Như nghị sĩ Keith Vaz thuộc đảng Lao động đối lập, là vị dân biểu gốc châu Á tại nhiệm lâu nhất trong Nghị viện Anh, vào cuối tháng 7 vừa qua trong lời đáp từ bài diễn văn của nghị sĩ kiêm Người phát ngôn của Quốc hội Ấn Độ Shashi Tharoor tại Trường đại học Oxford, nhân đánh dấu 200 năm người Anh xâm chiếm Ấn Độ, dân biểu K. Vaz đã khảng khái đề nghị: "Giờ đây tốt nhất Anh nên trao trả viên kim cương Mountain of Light cho phía Ấn Độ, nhằm  thể hiện tinh thần thiện chí trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay".

Nghị sĩ Anh K. Vaiz từng lên tiếng yêu cầu trả lại viên kim cương “Mountain of Light” cho phía Ấn Độ.

Vụ khởi kiện diễn ra trùng thời điểm chuyến công du nước Anh lần đầu tiên của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong tuần lễ vừa qua, đã gây được sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Trước đó vào năm 1997, trong chuyến thăm chính thức của Nữ hoàng Elizabeth II đến Ấn Độ, nhân kỷ niệm 50 năm ngày nước này giành được độc lập, New Delhi đã thỉnh cầu phía Anh trao trả lại viên kim cương trị giá tới 100 triệu bảng Anh, tính theo giá thị trường quốc tế vào lúc ấy. Tháng 2-2013, trong chuyến công du Ấn Độ, Thủ tướng Anh David Cameron đã trả lời dứt khoát yêu sách từ phía chủ nhà: "Chúng tôi không cưỡng đoạt báu vật đó để mà tự giác trả lại".

Việc kiện đòi viên đá quý Koh-i-Noor không phải là vụ tranh chấp tác phẩm nghệ thuật đầu tiên giữa Anh với nước ngoài. Nhà nước Hy Lạp từng nhiều lần đòi Bảo tàng British ở London phải trả lại quần thể tượng điêu khắc trên đá cẩm thạch, có niên đại nhiều thế kỷ trước Công nguyên bị nhà ngoại giao Anh Thomas Bruce (1766-1841), tức Bá tước Elgin lấy đi từ đền thờ Parthenon ở Athens và đưa về Anh vào đầu thế kỷ XIX.

London biện luận rằng, hành động mua bán cổ vật của Bá tước Elgin phù hợp với luật pháp Anh lúc ấy, còn phía Hy Lạp cho rằng Bá tước Elgin lợi dụng vai trò là Đại sứ tại Đế chế Ottoman đang cai trị Hy Lạp để chiếm đoạt quần thể tượng đài vô giá... Kết cục sự việc kéo dài suốt nhiều thập niên qua vẫn chưa ngã ngũ.

T.Q.Long (tổng hợp)
.
.