Kun Namkung – Chuyên gia đặc biệt về Triều Tiên

Thứ Sáu, 01/03/2013, 23:30

Trong tất cả các cuộc tiếp xúc, thăm viếng hay "đối thoại" từ trước đến nay giữa các phái đoàn Mỹ và CHDCND Triều Tiên, một người Mỹ gốc Triều Tiên luôn luôn đóng một vai trò không nhỏ trong hậu trường nhưng ít ai để ý.

Tên ông là Kun A. "Tony" Namkung, một học giả và chuyên gia tư vấn hoạt động độc lập, người đã cố vấn cho các  phái đoàn cấp cao của Mỹ đến CHDCND Triều Tiên kể từ cuộc khủng hoảng hạt nhân đầu tiên giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên vào đầu thập niên 90 thế kỷ XX. Đó là dịp ông lần đầu tiên làm cố vấn cho phái đoàn của Tổng thống Mỹ Bill Clinton trong nỗ lực đàm phán đầu tiên về vấn đề hạt nhân với CHDCND Triều Tiên.

Được mô tả là người thông minh, khó đoán và rất mềm mỏng, nhã nhặn, Namkung không chỉ là cố vấn mà còn hơn thế, là một người trung gian gián tiếp trong mọi cuộc đàm phán. Chính ông cũng thừa nhận mình không hề phê phán hay chỉ trích CHDCND Triều Tiên mà "mục đích của tôi là đóng vai trò như một cửa sau" trong việc tiếp xúc giữa Mỹ với CHDCND Triều Tiên. Ngược lại, Bình Nhưỡng dường như cũng rất tin tưởng ở ông; không chuyên gia Mỹ nào có được quyền ưu tiên đi lại ở CHDCND Triều Tiên nhiều như Namkung.

Nói về vai trò đặc biệt của Kun Namkung, cũng nên nhắc lại về nơi ông sinh ra và sống thuở ấu thơ - Thượng Hải. Đó là nơi gia đình ông bà nội ông từ Triều Tiên đến cư ngụ để lánh nạn xâm lược Nhật Bản. Namkung kể, bí danh "Tony" trong tên riêng của ông cũng xuất phát từ thời đó, là do một người chị của ông đặt cho, vì mến mộ ngôi sao điện ảnh Anthony Quinn. Sau chiến tranh, Namkung theo gia đình đến Nhật, rồi sau đó sang Mỹ định cư. Ở Mỹ, Namkung học trường Cailvin College tại bang Michigan và sau đó lấy bằng tiến sĩ tại Đại học California-Berkeley và làm giảng viên các trường đại học Mỹ.

Kun Namkung (bên trái) cùng Chủ tịch Tập đoàn Google Eric Schmidt trong chuyến thăm CHDCND Triều Tiên, tháng 1/2013.

Sau một thập niên làm Phó giám đốc Học viện Nghiên cứu Đông Á của Đại học California-Berkeley, Namkung lần đầu tiên về thăm quê hương CHDCND Triều Tiên vào năm 1991, trong phái đoàn của Hội châu Á ở New York. Từ đó, Namkung nhanh chóng trở thành người có nhiều kiến thức về CHDCND Triều Tiên trong các phái đoàn Mỹ về Triều Tiên, đóng vai trò như một nhà trung gian không chính thức trong nỗ lực của Mỹ muốn lôi kéo CHDCND Triều Tiên rút khỏi chương trình hạt nhân của nước này.

Năm 1993, đánh dấu nỗ lực quan trọng đầu tiên của Namkung khi ông tham gia soạn thảo thông cáo chung Mỹ - Triều trong đó có những hứa hẹn của CHDCND Triều Tiên về việc giải trừ hạt nhân. CHDCND Triều Tiên chấp nhận tham vấn với Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) về các vấn đề an toàn hạt nhân, đồng thời cho phép IAEA thanh tra các cơ sở hạt nhân.

Qua sự tham vấn của Namkung, CHDCND Triều Tiên khi đó đã tiếp đón cựu Tổng thống Jimmy Carter với tư cách đặc phái viên của Tổng thống Bill Clinton trong nỗ lực đàm phán hạt nhân năm 1994. Chính Namkung là người đã khuyên CHDCND Triều Tiên mời phái đoàn Mỹ do ông Jimmy Carter dẫn đầu đến đàm phán về chương trình hạt nhân nhằm tránh một cuộc xung đột quân sự giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên. Kết quả là Chủ tịch Kim Nhật Thành đồng ý nói chuyện với ông Jimmy Carter về vấn đề chấm dứt chương trình hạt nhân trên một chuyến du thuyền trên sông Daedong.

Tuy nhiên, tình hình bắt đầu xấu đi sau khi Chủ tịch Kim Nhật Thành qua đời vài tuần sau đó, nhưng rốt cuộc, sau nhiều nỗ lực, tháng 10/1994, Mỹ và CHDCND Triều Tiên cũng ký kết được các "thỏa thuận khung" tại Geneva, theo đó CHDCND Triều Tiên đóng cửa chương trình hạt nhân và chấp nhận thanh sát viên của IAEA.

Hai năm sau, Namkung tạo được mối quan hệ chặt chẽ với Bill Richardson, lúc đó còn là nghị sĩ bang New Mexico, và cả hai đã tiến hành đàm phán giải thoát cho một người Mỹ tên là Evan Hunziker, bị bắt sau khi bơi qua sông Yalu trên biên giới Trung-Triều. Sau khi ông Richardson được bầu làm Thống đốc bang New Mexico năm 2003, Namkung trở thành cố vấn cho ông này trong nhiều vấn đề khác nhau tại châu Á, trong đó có Triều Tiên.

Vụ giải cứu 2 nhà báo Laura Ling và Euna Lee năm 2009 là thành công đầu tiên của sự phối hợp Namkung-Richardson. Sau khi biết tin về vụ 2 nữ nhà báo này bị bắt và các thủ tục cần thiết để trả tự do cho họ, Namkung đã hành động ngay lập tức nhằm bảo đảm việc thả người đúng theo yêu cầu. Cựu Tổng thống Bill Clinton tham gia cuộc giải cứu vào giờ chót, sau khi mọi vấn đề đã được Namkung giải quyết ổn thỏa.

Ngoài công việc tư vấn cho các phái đoàn cao cấp của Mỹ, Namkung còn là cố vấn đặc biệt cho Hãng tin AP có văn phòng tại Bình Nhưỡng, trong mọi vấn đề liên quan đến CHDCND Triều Tiên. Sự cố vấn của Namkung đã giúp Hãng tin AP đưa tin khá chuẩn xác về tình hình CHDCND Triều Tiên mà không gây mất lòng nước chủ nhà. Hoạt động mới nhất của Namkung là tháp tùng chuyến thăm CHDCND Triều Tiên hồi tháng 1/2013 của Chủ tịch Tập đoàn Google Eric Schmidt, cựu Thống đốc bang New Mexico Richardson và Phó chủ tịch Hãng tin AP John Daniszewski nhân kỷ niệm một năm mở văn phòng đại diện AP tại Bình Nhưỡng.

Sau bao nhiêu năm âm thầm góp sức, vai trò của Namkung trong quan hệ Mỹ - Triều đã lớn đến mức nhiều người tin rằng, nếu thiếu ông, việc đàm phán giữa 2 bên trong mọi vấn đề sẽ trở nên hết sức khó khăn, bởi vì, không ai hiểu CHDCND Triều Tiên hơn Namkung, một người có gốc gác Triều Tiên, sinh sống và thành đạt tại Mỹ, nhưng lòng luôn hướng về quê hương. Sự tận tâm đã giúp Namkung gây được niềm tin ở tất cả các bên liên quan trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Ông thổ lộ rằng, khi chết đi, ông muốn trên tấm bia mộ của mình ghi dòng chữ "Người đã giúp giải tỏa căng thẳng"

An Châu (tổng hợp)
.
.