Phía sau việc giải thế Hãng Thông tấn RIA Novosti, thành lập Hãng Thông tấn quốc tế Rossiya Segodnya:

“Lá bài uy quyền” gây nhiều tranh cãi

Thứ Hai, 13/01/2014, 15:55

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa mới đây đã ra sắc lệnh gây chấn động dư luận trong nước cũng như quốc tế, đó là giải thể Hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti, sáp nhập hãng tin này với đài Voice of Russia (đài Tiếng nói nước Nga) để tạo thành một hãng thông tấn quốc tế mang tên Rossiya Segodnya (Nước Nga ngày nay). Động thái này được xem là nỗ lực tái tổ chức nhằm mục đích bảo đảm tính hiệu quả về chi phí cũng như hoạt động cho các hãng tin. Và dư luận cũng đặc biệt quan tâm khi ông Putin bất ngờ bổ nhiệm Dmitry Kiselev - một nhân vật gây nhiều tranh cãi trong dư luận để đứng đầu hãng tin mới này.

Hãng thông tấn mới mang sứ mệnh cải tổ

Sắc lệnh của Tổng thống Putin về những biện pháp nhằm tăng cường tính hiệu quả trong hoạt động của các hãng truyền thông nhà nước đã được công bố chính thức trên trang web của Văn phòng Tổng thống.

Theo sắc lệnh trên, sau khi giải thể Hãng thông tấn RIA Novosti, các quyền lợi của người sáng lập sẽ được chuyển sang Hãng thông tấn Nước Nga ngày nay, đóng trụ sở chính trên đại lộ Zubovsky 4, thủ đô Moskva. Cũng trong sắc lệnh trên, Tổng thống Nga quyết định giải thể Đài Tiếng nói nước Nga và tài sản của đài này cũng sẽ được đặt dưới sự quản lý của Hãng thông tấn Rossiya Segodnya.

Đây là cuộc cải tổ lớn nhất của Nga đối với truyền thông nhà nước cho đến nay. Mặc dù dư luận bên ngoài có rất nhiều suy đoán về những vấn đề ở đằng sau, nhưng các nhà phân tích phổ biến cho rằng, đây là động thái tăng cường quản lý, kiểm soát truyền thông và quyền phát ngôn quốc tế của Tổng thống Putin.

Evseev, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu chính trị xã hội Nga, cho rằng: "Tổ chức lại truyền thông nhà nước phần nào là kết quả của cuộc chiến tranh giành mặt trận dư luận của Điện Kremli với phe đối lập và các nước phương Tây, cũng là thắng lợi của phe bảo thủ. Nga thúc đẩy chính sách độc lập, kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia, giải thích điều này với thế giới hoàn toàn không dễ dàng, nhưng có thể làm thì cũng cần phải làm như vậy".

Việc tái tổ chức, sắp xếp lại một loạt cơ quan truyền thông nhà nước như Đài Phát thanh Tiếng nói nước Nga, Hãng thông tấn RIA Novosti và một số cơ quan báo chí nhà nước khác là nhằm mục đích tăng cường tính hiệu quả trong hoạt động và chi phí. Cụ thể là, đảm bảo việc sử dụng hợp lý hơn nguồn ngân sách được phân bổ về các cơ quan thông tin. Đây là một vấn đề nhằm cắt giảm chi tiêu thay vì tăng lên, và là bước chuẩn bị tinh thần cho việc chi tiêu ngân sách cho lĩnh vực báo chí sẽ bị cắt giảm vào năm tới.

Nhiệm vụ thứ hai là tăng cường tính hiệu quả trong hoạt động của các hãng tin nhà nước. Theo đó, hãng thông tấn mới sẽ quản lý toàn bộ tài sản, trong đó có cả tài sản ở nước ngoài mà RIA Novosti đang sử dụng cho việc đưa thông tin về các chính sách của Chính phủ Nga cũng như cuộc sống ở bên ngoài của người dân Nga.

Suy cho cùng, tất cả đều có thể quy về một mối duy nhất: nước Nga muốn tăng cường kiểm soát truyền thông, mở rộng tuyên truyền đối ngoại, xây dựng hình tượng ở nước ngoài. Tờ New York Daily News cho rằng, ra lệnh tổ chức lại truyền thông có thể cho thấy, Điện Kremli quyết định tiếp tục coi trọng nguồn lực truyền thông toàn cầu to lớn của họ, đồng thời làm cho những nguồn lực này phục vụ cho mục tiêu chính sách chung của đất nước.

Sếp mới - ẩn số mới

Ngay sau khi Rossia Segodnya ra đời, Tổng thống Putin đã bổ nhiệm ông Dmitry Kiselev đứng đầu hãng thông tấn mới này. Dmitry Kiselev là một trong những phóng viên truyền hình nổi tiếng và là người dẫn chương trình tin tức hàng tuần trên Đài Truyền hình Rossiya, trong đó nói chuyện về một loạt vấn đề chính trị - xã hội thu hút sự quan tâm hàng đầu tại Nga.  Tờ New York Daily News cho rằng, người phụ trách cơ quan mới thuộc giới truyền thông bảo thủ, đã nổi tiếng do phản đối khuynh hướng đồng tính luyến ái và là người ủng hộ đáng tin cậy của ông Putin.

Trong thời đại Liên Xô, Dmitry Kiselev từng tiến hành hợp tác với đài truyền hình của các nước như Đức và Nhật Bản, đài phát thanh của Na Uy và Ba Lan, sau đó chuyển về công tác trong nước. Ông luôn được Tổng thống Putin ca ngợi, có quan hệ thân thiết với Chánh văn phòng Tổng thống Sergei Ivanov vì ba người cùng là bạn học ở Đại học Leningrad (hiện là Đại học St. Petersburg).

Dmitry Kiselev được bổ nhiệm làm người đứng đầu hãng thông tấn mới Rossiya Segodnya.

Cái tên Dmitry Kiselev bỗng dưng trở nên nổi tiếng trên toàn nước Nga sau quyết định bổ nhiệm gây nhiều xôn xao trong dư luận của Tổng thống Putin. Cá nhân Dmitry Kiselev bị không ít người căm ghét sau những phát ngôn thiếu suy nghĩ, mới đây nhất là "cuộc tấn công ngôn từ" đầy chất miệt thị với những người đồng tính.

Kiselev nổi tiếng vì công khai phản đối người đồng tính, phê phán Mỹ và phe đối lập ở Nga. Cuối tuần qua, ông bị cáo buộc về việc miệt thị trong một bình luận về đạo luật gây tranh cãi chống tuyên truyền đồng tính.

Dmitry Kiselev có nỗi sợ hãi và khinh ghét với thế giới thứ ba khi từng đề xuất cấm người đồng tính hiến tạng, và phải thiêu cháy trái tim của những người "bất thường" về giới tính bởi vì họ không xứng đáng được luân hồi hay được xã hội đón nhận. Thế nhưng, trong một chương trình trực tiếp mới đây, Dmirty Kiselev lại tỏ ra mủi lòng khi kể lại câu chuyện một chàng gay 22 tuổi bị đánh chết rất dã man sau khi tiết lộ thân phận. Một động thái xoa dịu tâm lý cơ bản, nhất là khi Kiselev có vẻ như biết được sắp có những biến cố lớn trong giới truyền thông nước Nga.

Trở thành Giám đốc hãng thông tấn mới đưa Kiselev lên đỉnh cao quyền lực, nhưng làm nảy sinh ít nhiều nghi ngờ về động cơ chính trị của con người rất ít nói này. Giờ đây, Dmitry Kiselev là nhân vật truyền thông quyền lực nhất nước Nga.

Tuy nhiên trong quá khứ, ông chỉ là một công dân ái quốc bình thường như bao người, chẳng hề có chút danh tiếng nào. Âm thầm làm việc ở hậu trường, Kiselev chỉ biết đánh bóng tên tuổi bằng chương trình truyền hình của riêng ông về phương Tây, bảo vệ quyết liệt những giá trị đậm chất Nga và tỏ rõ thái độ mạnh mẽ trước bất cứ ngôn từ nào "hạ thấp" nước Nga.--PageBreak--

Dmitry vốn bí ẩn, và gây tò mò trong giới truyền thông chẳng khác nào một lính mới vừa vào nghề. Con người này đam mê lịch sử Đức và rất thích thú chế độ độc tài Đệ tam Quốc xã (chế độ do trùm phát xít Hitler thiết lập). Hẳn người Nga vẫn còn nhớ câu ví von đầy bất ngờ của Dmitry Kiselev: Alexey Navalny - nhà đối lập hàng đầu nước Nga luôn chống lại Tổng thống Vladimir Putin và các chính sách chống tham nhũng của ông - là bản sao của Hitler ở Nga, và cần phải bị loại bỏ càng sớm càng tốt.

Phát ngôn "lấy lòng" những công dân ủng hộ ông Putin và trở thành một trong những bệ phóng nâng tầm ảnh hưởng của Dmitry Kiselev trong mắt chính quyền đương thời.

Việc Dmitry Kiselev trở thành người đứng đầu Hãng thông tấn mới Rossiya Segodnya mang ít nhiều ý nghĩa. Dmitry có cá tính mạnh mẽ, am hiểu về truyền thông và sẵn sàng dùng ngôn từ của riêng ông đáp trả mọi tấn công chính trị vào nước Nga. Nên nhớ rằng, lòng ái quốc sâu sắc của Dmitry Kiselev kết hợp với "cái đầu nóng nảy" phủ đầy tư duy chiến lược, chắc chắn sẽ tạo nên những chuyện thú vị trong các cuộc chiến truyền thông căng thẳng.

Âm thầm thể hiện cá tính hiếu chiến, khi đã trở thành bộ mặt truyền thông quốc gia thì Dmitry Kiselev càng có cơ hội khuếch trương bản thân. Những chương trình truyền hình của riêng ông được phát sóng trên toàn nước Nga, tới những khu vực nói tiếng Nga. Và tần suất Dmitry Kiselev trở thành khách mời các tọa đàm truyền hình ngày càng dày đặc.

Nhiều nhà phân tích nhận định Dmitry Kiselev sẽ sớm trở thành "lá bài uy quyền" trong chính phủ, vừa mạnh mẽ, cương quyết, vừa khéo léo và khôn ngoan trong các đối sách…

Ở nước ngoài có thể ít nghe đến tên tuổi của người lãnh đạo hãng truyền thông mới, nhưng ký giả nổi tiếng Dmitry Kiselev luôn được công chúng Nga biết đến qua chương trình “Điểm tin hàng tuần” trên kênh tin tức Russia 24 của Đài Truyền hình Trung ương Nga, chính thức phát sóng từ đầu tháng 7/2006 cũng là chương trình truyền hình có lượng khán giả theo dõi kỷ lục tại Nga.

Ngoài ra, nhà báo kỳ cựu Kiselev đang đương chức Phó tổng giám đốc Tổng công ty Phát thanh và Truyền hình Nga (RTR), cơ quan chủ quản của tất cả các đài phát thanh và truyền hình nhà nước trên toàn quốc.

Phóng viên D. Kiselev rong ruổi khắp nơi để thu thập tin tức.

Sinh ngày 26/4/1954 tại thủ đô Moskva trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Khi tốt nghiệp phổ thông ở Trường trung học Số 6, chàng trai Kiselev đồng thời cũng sở hữu tấm bằng trung cấp về nhạc guitar cổ điển tại Moskva. Năm 24 tuổi, Kiselev tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Scandinavia của Trường đại học Tổng hợp Quốc gia Leningrad. Sau khi ra trường, Kiselev được nhận vào làm việc tại Ban tiếng Na Uy thuộc Trung tâm Phát thanh và Truyền hình ra nước ngoài của Liên Xô.

Từ năm 1988, phóng viên Kiselev chuyển công tác sang Đài Truyền hình Trung ương Liên Xô, chuyên với các chuyên mục hàng đầu như "Thời gian", "Tin dịch vụ truyền hình"… thuộc chương trình phát ra nước ngoài của đài. Từ năm 1991 đến năm 1996, D. Kiselev là người dẫn chương trình “Bản tin hàng đêm”, phát trên Kênh 1 của Đài Truyền hình Trung ương Nga.

Đến đầu tháng 3/1995, ông được bổ nhiệm phụ trách chuyên mục "Giờ cao điểm" trên Kênh truyền hình ORT mới thành lập, rồi lần lượt phụ trách các chuyên mục ăn khách khác trên Đài Truyền hình Trung ương Nga như: "Ở trung tâm của các sự kiện", "Phỏng vấn thực tế", "Cùng đối thoại vì lợi ích quốc gia"... Từ giữa năm 2000 đến cuối năm 2003, Kiselev được Bộ Văn hóa Nga cử làm Tổng biên tập Đài Truyền hình ICTV, cũng là kênh truyền hình cáp đầu tiên của Liên bang Nga.

Kiselev được giới đồng nghiệp đánh giá là một cá nhân điềm đạm, luôn chan hòa với mọi người, có biệt tài "săn tin" và tiên đoán kết cục tất yếu sẽ xảy ra từ những nguồn tin đó. Với khả năng nói thông thạo 4 ngoại ngữ là tiếng Anh, tiếng Pháp, Na Uy và Thụy Điển, Kiselev đã sử dụng lợi thế này để thu thập tin tức hữu ích cho hoạt động báo chí của mình.

Tháng 7/2008, theo đề nghị của lãnh đạo Bộ Văn hóa Nga, Thủ tướng khi ấy là V. Putin đã bổ nhiệm Kiselev làm Phó tổng giám đốc RTR, chuyên nhiệm phụ trách lĩnh vực tin tức quốc tế. Ngoài ra, ký giả D. Kiselev còn là đồng tác giả của những bộ phim tài liệu truyền hình hấp dẫn về những nhân vật đầy tranh cãi trong lịch sử Nga hiện đại như "Andrei Sakharov", "100 ngày của Gorbachev", "100 ngày của Yeltsin"...

Trần Hồng (tổng hợp)

Trần Quân - Doãn Anh (theo nydailynews.com)
.
.