Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đối thoại với sinh viên khoa Báo chí Đại học Quốc gia Moska mang tên M.Lomonosov (MGU):

Làm tổng thống, phải sẵn sàng trước mọi chuyện

Thứ Tư, 01/02/2012, 15:35

Ngày 25/1/2012, nhân kỷ niệm Ngày Sinh viên Nga (được tổ chức từ 257 năm nay), Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đối thoại với sinh viên khoa Báo chí Đại học Quốc gia Moska mang tên M. Lomonosov (MGU). Cũng xin nói thêm rằng, MGU cũng từng là nơi đào tạo nhiều nhà báo nổi tiếng ở nước ta như đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân; đồng chí Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông; Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân; ông Trần Đăng Tuấn, Tổng giám đốc AVG, nguyên Phó Tổng giám đốc VTV…

Trước đó, ngày 20/10/2011, Tổng thống Dmitry Medvedev cũng đã có một cuộc đối thoại với đại diện các tổ chức thanh niên Nga tại khoa báo chí MGU. Tuy nhiên, khi ấy đã nảy sinh dư luận rằng không phải mọi sinh viên của khoa này được tới gặp Tổng thống và trong số cử tọa có nhiều người lại không phải là sinh viên báo chí ở đó. Vì thế, ông Medvedev đã hứa sẽ lại tới đó để đối thoại với những nhà báo tương lai một cách thẳng thắn nhất.

Cũng phải nói rằng, sinh viên khoa báo chí MGU nổi tiếng là những người bạo miệng. Và trong số họ có không ít những tay bút trẻ "máu nóng" và không xa lạ với tác phong nghĩ gì nói nấy, hay "hỏi xoay" ngay cả trong cuộc tiếp xúc với nguyên thủ quốc gia. Và phải nói rằng, ông Medvedev trong cuộc đối thoại ngày 25/1/2012 đã có những câu "đáp xoáy" rất trung thực và cởi mở. Xin trích giới thiệu một phần nội dung cuộc đối thoại trên.

- Câu hỏi: Tôi tên là Vladimir Kulikov, tôi là sinh viên khoa truyền hình. Tôi rất lấy làm buồn vì tất cả những gì đang diễn ra trong làng truyền thông nước nhà, trong lĩnh vực truyền hình của nước nhà. Tôi còn cảm thấy buồn hơn vì tất cả những gì đang diễn ra trong nước ta ba năm gần đây. Nếu nói một cách thành thực thì ba năm qua tôi bắt đầu suy nghĩ một cách thực tế về việc chuyển sang nước khác cư trú. Tôi rất quan tâm tới việc này.

Trong các bài trả lời phỏng vấn của mình, ông rất thường xuyên nói về tinh thần trách  nhiệm, về những quyết định mà ông đưa ra và việc ông cảm thấy sẽ có phản ứng từ hàng triệu người. Tôi đang quan tâm tới vấn đề như sau. Hiện nay trong nước đang chín muồi một tình huống can qua rất nghiêm trọng. Điều này có thể cảm thấy qua các cuộc trò chuyện. Tôi cảm thấy điều này qua các comment trên mạng Internet. Và tôi muốn biết chiến lược hành xử của  cá nhân ông sẽ như thế nào khi xảy ra một cuộc can qua ở nước ta?

Ông sẽ thể hiện tinh thần trách nhiệm, mức độ trách nhiệm của mình như thế nào? Liệu ông có sẵn sàng tới tòa án nhân dân (cái này chắc chắn sẽ có trong tình huống bùng nổ can qua) và liệu ông có sẵn sàng biện minh cho từng quyết định và từng lý tưởng của mình trong từng việc hay không? Liệu ông có hiểu rằng, phiên tòa đó có lẽ sẽ không khách quan, vì rằng tất cả các phiên tòa trong các cuộc can qua đều không khách quan? Liệu ông có hiểu rằng, có lẽ không còn có thể bị kết án tử hình? Liệu ông có thể đường hoàng và dũng cảm chấp nhận điều này như Saddam Hussein đã làm hay ông sẽ sang cư trú tại nước CHDCND Triều Tiên thân thiện, nơi có vị lãnh tụ mà sự qua đời của ông ấy đã được ông rất thương tiếc, khác với chuyện ông Vaclav Havel (nguyên Tổng thống CH Czech - MH)? Xin cảm ơn.

- Tổng thống D. Medvedev: Một khúc tráng ca nho nhỏ về những sự ra đi. Tuy nhiên, thực tiếc là anh đã không quan tâm đủ tới diễn tiến tình hình: về chuyện ông Vaclav Havel thì tôi cũng đã có gửi lời chia buồn của mình tới đó. Nhưng vấn đề không phải ở đây.

Anh Volodia, anh có lẽ đã nêu ra một câu hỏi dũng cảm nhất của đời mình. Tôi xin chúc mừng anh về điều này.  Anh đã chuẩn bị nó rất kỹ lưỡng và nêu nó ra với một tinh thần thẳng thắn vô sản tột cùng. Tôi sẽ trả lời anh một cách cũng thẳng thắn tối đa. Bất cứ ai được bầu vào vị trí Tổng thống đều phải sẵn sàng trước mọi chuyện - và tôi cũng sẵn sàng trước mọi chuyện. Vì nếu ta đã đưa ra quyết định này cho bản thân mình thì ta phải hiểu rằng, phụ thuộc vào ta là số phận của rất rất nhiều người. Nước ta có tới hơn 140 triệu dân, một đất nước rất phức tạp: đó là đất nước mà ở đấy có khủng bố; có vô số những xung đột tiềm ẩn; một đất nước đang phát triển với rất nhiều vấn đề, trong đó có cả các vấn đề thuộc hệ thống chính trị và cả trong nền kinh tế; một đất nước mà tỉ lệ đói nghèo cao. Và vì thế nên Tổng thống cần phải sẵn sàng trước mọi chuyện.

Còn nếu anh nói về tình hình chính trị thì anh biết không, tôi có lẽ dù sao cũng nhiều tuổi hơn anh chút ít… Anh năm nay bao nhiêu tuổi rồi nhỉ?

- (Đáp) Khoảng 20 tuổi.

- Phải, tôi nhiều hơn anh hơn 20 tuổi. Vì thế tôi có thái độ điềm tĩnh hơn trước mọi chuyện như thế. Tôi còn nhớ tới năm 1989, năm 1991, năm 1993, nhớ tình huống mà khi đó ở nước ta xe tăng đã nã đạn vào nhà Quốc hội. Một tình huống đáng buồn đối với đất nước. Nhưng rồi mọi việc cũng được điều chỉnh. Mặc dù khi ấy ngay cả đài truyền hình cũng bị chiếm giữ. Và rất nhiều trò khác nữa. Câu chuyện là ở chỗ hiện nay chúng ta cũng đang vấp phải quá nhiều vấn đề. Và có lẽ vì thế, nhìn trong góc độ này, tôi không thể cảm thấy hài lòng hoàn toàn về những việc mà tôi đã làm trong bốn năm qua.

Còn về dự đoán tương lai thì đó là việc không lấy gì làm chắc chắn. Nhưng trong bất cứ tình huống nào thì tôi cũng tin chắc rằng, đất nước chúng ta không cần thêm một cuộc can qua nào nữa, vì rằng nước Nga đã lãnh đủ khẩu phần can qua của mình trong thế kỷ XX. Chúng ta đã phạm quá nhiều sai lầm, thật đáng tiếc, tôi muốn nói là cả những người tiền nhiệm, những nhà lãnh đạo quốc gia. Và không chỉ các nhà lãnh đạo. Anh cũng hiểu rằng trong các cuộc can qua không chỉ có sự tham gia của các thủ lĩnh, không chỉ các nhà lãnh đạo, mà còn của rất đông những người khác nhau: cả những người tin tưởng thành kính vào lý tưởng của các cuộc can qua cũng như những người lợi dụng can qua để mưu cầu danh lợi. Nhưng như thường lệ diễn ra, các cuộc can qua luôn nuốt chửng những đứa con của mình.

Vì thế tôi rất không muốn để tình hình nước ta lại diễn ra theo kịch bản can qua hay bất thường nào đó. Nhưng tôi cũng xin nói thực với anh là, tôi không nhìn thấy có đủ tiền để  những cuộc can qua như thế có thể xảy ra. Chúng ta hiện cũng có đủ số người không thích hệ thống chính trị đương thời cũng như hệ thống các nhà lãnh đạo chính trị đương thời, điều này thì cũng hoàn toàn bình thường thôi. Có thể những người như thế sau một thời gian nữa sẽ lên nắm chính quyền và điều hành đất nước, nếu họ chứng minh được lẽ phải của mình và chứng minh được rằng họ có đủ khả năng để điều hành đất nước.

Tôi có thể đồng tình với việc cho rằng có lẽ chúng ta cần phải quan tâm tới chuyện hoàn thiện hệ thống chính trị của đất nước, vì rằng tôi có kinh nghiệm của mình, tôi còn nhiều tuổi hơn anh và thêm vào đó tôi từ lâu đã làm việc trong bộ máy chính quyền và tôi còn nhớ những năm 90 (của thế kỷ XX - MH). Ở những năm 90 nước ta ở trong một tình huống,  trong thập niên đã qua là một tình huống khác, còn bây giờ đã là thập niên thứ hai của thế kỷ mới. Và trong thập niên nào thì cũng tồn tại những nguyên tắc chính trị và quy định riêng nhưng chúng ta đều đã duy trì được cốt lõi của hệ thống chính trị.

Tôi có thể nói thẳng thắn với anh: có lẽ từ một năm trước hoặc trước cả đó nữa hoặc sau đó một chút, tôi cũng có cảm giác như là chúng ta cần phải thêm không khí vào hệ thống chính trị của mình chỉ đơn giản bởi nó được điều hành quá "ngọt". Thí dụ, đạo luật về các đảng phái hiện không còn thích ứng với những đòi hỏi của ngày hôm nay- mặc dù vài năm trước tôi đã cho rằng chúng ta cần chính là một đạo luật mà chúng ta đang có như thế. Vì sao? Vì chúng ta cần phải để hình thành những đảng phái cứng cáp, mạnh  mẽ, chứ không phải vô số những bong bóng lềnh phềnh tham gia vào tranh cử. Nhưng hiện nay rõ ràng là những quy định như thế đã không còn tác dụng cần thiết nữa.

Về những gì liên quan tới các vấn đề khác, như bầu cử tổng thống, trình tự bỏ phiếu bầu Quốc hội, thì từ tháng 12/2011 tôi đã đưa ra các đề nghị thay đổi hệ thống chính trị của chúng ta.

Tôi cũng muốn là anh cũng như bạn bè anh, đồng nghiệp của anh, cũng như thế cả những ai có thể đang theo dõi cuộc đối thoại hôm nay qua iPhone hay các phương tiện truyền thông khác rằng: những thay đổi như thế đã được lập kế hoạch không phải từ tháng 12/2011 mà là tôi đã dự định làm những việc đó từ một năm trước. Tôi thấy trong việc này chính là nghĩa vụ của một tổng thống.

Và để kết thúc câu trả lời cho câu hỏi của anh, tôi xin được nhắc lại là: tôi không e sợ gì cả, bởi khác đi tôi sẽ không thể thực hiện chức phận của một tổng thống, mà đây lại là một công việc rất nặng nề, thực sự là như thế.

- Xin được nghe một câu trả lời rõ ràng và cụ thể: Ông có sẵn sàng chịu án tử hình, có sẵn sàng chết cho lý tưởng của mình hay không?

- Tổng thống D.Medvedev: Rõ rồi. Một khi anh muốn một câu trả lời rõ ràng thì - tất nhiên là tôi sẵn sàng chết cho lý tưởng của mình. Mà cũng xin nói là, lý tưởng - đó không chỉ là Hiến pháp và không chỉ là một hệ thống những tiêu chí cao cả, xin lỗi, đó còn là những thứ như gia đình, con cái và tất cả mọi sự còn lại. Đó cũng là những giá trị mà tất cả chúng ta cần phải sẵn sàng chịu đựng đau khổ vì những lý do khác nhau.

- Tôi là Olga Slobodcikova, tôi là sinh viên năm thứ 5 và tôi muốn đặt câu hỏi như sau: Theo ông, liệu có mối liên hệ nào giữa những cuộc biểu tình phản đối tháng 12 vừa qua với việc ông không tranh cử nhiệm kỳ 2? Theo ông, liệu quyết định đó có liên quan ở mức độ nào đó với các cuộc phản đối?

- Tổng thống D. Medvedev: Tôi sẽ cố gắng lý giải một cách rõ ràng nhất, tại sao tôi lại không ra tranh cử nhiệm kỳ hai, tôi không rõ mình làm việc này được đến mức độ nào. Tôi cho rằng đấy là một việc chu toàn về chính trị. Nói chung là tôi cũng chưa từng khi nào nói ở đâu về việc tôi sẽ lại ra tranh cử. Tôi xin nhắc là, tôi mới chỉ 46 tuổi. Đó chưa phải là lứa tuổi cao đến mức phải từ bỏ những trận chiến chính trị tương lai. Nhưng lần này thì tôi thực sự quyết định không ra tái tranh cử vì xuất phát từ tính chu toàn về chính trị, vì tôi cho rằng, hai người cùng một lực lượng chính trị thì không nên chen lấn nhau. Người cần phải chuyển động là người trong thời điểm hiện tại có nhiều cơ hội chiến thắng hơn. Liệu điều này có đúng  hay không  thì cuộc bầu cử tháng 3 tới sẽ cho thấy.

Còn về những gì liên quan tới các cuộc mít tinh và biểu tình diễn ra sau cuộc bầu cử Duma Quốc gia thì tôi không thể gắn trực tiếp với việc tôi từ chối tái tranh cử. Nhưng tôi cũng cho rằng trong số những người đã tham gia các hoạt động đó có những người muốn một tương quan thế lực khác, trong đó có cả việc muốn tôi ra tái tranh cử. Tôi coi chuyện đó cũng là bình thường thôi…

Minh Huyền (Lược thuật theo website Kremlin.ru và newsru.com)
.
.