Lãnh đạo IMF và nữ Thủ tướng Đức: Bằng mặt, không bằng lòng

Thứ Hai, 26/03/2012, 10:00

Hai người phụ nữ quyền lực nhất châu Âu ngoài đời tuy là đôi bạn tâm giao nhưng giữa họ luôn có quan điểm bất đồng về những gì cần thực hiện trong tiến trình giải quyết vấn nạn nợ công. Christine Lagarde, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) người Pháp, nhận thấy mình như đang "đụng chạm" với nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel trong một phép thử qua quan hệ bằng hữu giữa hai nhà lãnh đạo.

Tình cảm thân thiết giữa hai người đàn bà được bày tỏ qua việc họ thường thư từ qua lại. Không lâu sau Giáng sinh 2011, bà Lagarde mua tặng bà Merkel một món nữ trang ở Hermes và cũng nhận lại món quà từ bà Merkel là đĩa nhạc giao hưởng của Beethoven.

Trên bình diện công việc, bà Lagarde cho rằng, châu Âu cần ít nhất 1.000 tỉ USD từ quỹ khẩn cấp và thúc ép các nước có tiềm lực kinh tế mạnh ở châu Âu đóng góp trước khi IMF cam kết tăng viện trợ từ những thành viên. Bà đã thúc ép châu Âu tạo một "bức tường lửa" - quỹ tiền dự trữ để giữ mức cho vay ở chừng mực an toàn - lớn đến mức họ sợ sẽ xuất hiện những kẻ đầu cơ.

Từ khi đảm nhận vị trí lãnh đạo IMF, và hoàn toàn trái ngược với những tuyên bố trước đó khi còn  là Bộ trưởng Tài chính Pháp, bà Lagarde liên tục "khiển trách" châu Âu trong việc thờ ơ, trễ nải và thiếu tập trung vào thúc đẩy mức tăng trưởng cao hơn. Bà đã tận tâm làm hết khả năng trong khi người bạn, bà Merkel đang bị "trói tay trói chân" bởi đa số dân Đức cực lực phản đối cam kết đổ thêm tiền viện trợ để cứu các nước láng giềng. Mặc dù đôi lúc có những cuộc đàm phán nảy lửa, nhưng nhiều đồng nghiệp và giới bằng hữu luôn thấy được sự đầm ấm và hiểu nhau giữa hai vị lãnh đạo vốn có không ít khác biệt trong chính sách.

Bà Merkel từng tranh luận rằng, những nước chi tiêu "xả láng" đã đẩy nhiều nước châu Âu vào rắc rối và con đường đi tới sự ổn định là thông qua "khổ hạnh". “Bức tường lửa” khổng lồ, trong quan điểm này, chỉ đem lại cho những nước như Hy Lạp lý do để biện luận cho phương sách sai lầm của họ. Bà Merkel không ngừng yêu cầu các nước châu Âu phải đảm bảo kiểm soát chặt chẽ vấn đề tài chính trước khi các chính phủ của Liên minh châu Âu (EU) đồng ý nới lỏng nguồn tiền để trợ giúp.

Dù có nhiều sự đồng cảm cá nhân, nhưng hai nữ lãnh đạo này lại là tiêu biểu của những triết lý khá trái ngược trong việc giải quyết vấn đề khủng hoảng nợ đang lan  rộng khắp trên cựu lục địa và đe dọa sự ổn định tài chính ở phần còn lại của thế giới. Thế giới quan trái ngược của họ có thể xuất phát từ sự hình thành kinh nghiệm sống.

Thời trung học, bà Merkel đã đi từ CHDC Đức tới Moskva để tham dự một cuộc thi ngôn ngữ trong khi bà Lagarde bước vào một trường nữ sinh nổi tiếng ở ngoại ô Washington rồi hoàn tất chương trình thực tập ở tòa nhà Quốc hội Mỹ. Vì vậy, bà Lagarde được mang biệt danh là "người Mỹ" ở quê hương Pháp. Năm nay, bà Lagarde 56 tuổi, còn bà Merkel 57 tuổi. Một người có tinh thần hướng ngoại thích đồ hiệu Chanel, còn người kia thiên về nội tâm và giản dị hơn. Bà Merkel mới đây bị cánh báo chí bắt gặp khi bà đi mua hàng trong bộ trang phục mà bà đã mặc trước đó khi ký Hiệp ước tài chính châu Âu ở Brussels.

Mối quan hệ thân thiết của bà Lagarde với bà Merkel giúp dễ dàng tạo cầu nối khoảng cách giữa Mỹ và Đức - điều này làm cho bà Lagarde trở thành người "môi giới" hiệu quả. Một quan chức Pháp từng làm việc cùng bà Lagarde cho biết: "Bà là một trong những nhà lập chính sách mà bà Merkel muốn nghe nhất. Giữa họ có một mối quan hệ tin tưởng, ngay cả khi họ có quan điểm khác nhau". Stephan Richter, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu tình hình thế giới ở Washington, cho biết: "Tôi có chút nghi ngờ khi thấy hai quý bà này không xa cách nhau như vẻ bề ngoài hoặc cố tạo vẻ đối lập trước công chúng".

Mặc dù có cùng quê hương châu Âu và cùng thế hệ, nhưng cuộc sống của bà Lagarde và bà Merkel gần như khác hẳn nhau khi họ trưởng thành từ 2 lục địa. Là con gái của một mục sư, bà Merkel đã chọn con đường trở thành nhà vật lý, trong khi bà Lagarde theo học ngành luật để thành luật sư và thăng tiến tới vị trí cao nhất tại một công ty Mỹ.

Khi bước vào chính trị, họ đều là những nhà leo núi kiệt xuất. Bà Merkel đứng đầu đảng lớn ở Đức - đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo - chỉ sau 10 năm gia nhập và 5 năm sau bà giành được vị trí thủ tướng. Bà Lagarde giành vị trí cao nhất IMF chỉ trong chưa đầy 6 năm sau khi tham gia Chính phủ Pháp trong vai trò Bộ trưởng Tài chính hồi năm 2005. Mối quan hệ cá nhân của họ được nuôi dưỡng từ khi bà Lagarde trở thành thành viên đầu tiên và duy nhất của một chính phủ nước ngoài được vào trong phòng họp nội các Đức hồi tháng 3/2010 với chỗ ngồi đối diện nữ Thủ tướng Merkel. Bà Lagarde từng tâm sự rằng: "Khoảnh khắc đó thật đặc biệt".

Sự khác biệt của họ lộ rõ từ tháng 1/2012 khi bà Lagarde có một bài diễn văn tại Hội đồng Đức về quan hệ nước ngoài ở Berlin, nơi bà đề nghị Đức tăng cường nỗ lực cứu thế giới khỏi "đại nạn thập niên 1930" lần thứ 2. Bài diễn văn đã được giật tít trên các tờ báo ở khắp nơi như một chứng cứ từ phòng họp kín lộ ra công khai. Tuy nhiên, bà Lagarde đã tới Berlin trước cùng với bản sao diễn văn cho bà Merkel đọc.

Cả hai người phụ nữ đầy quyền lực đã tranh luận vấn đề khủng hoảng trong không khí riêng tư của bữa tối tại phòng ăn ở tầng 8 của văn phòng Thủ tướng Đức. Bà Lagarde cũng không quên mang tặng bà Merkel một ngọn nến thơm màu cam từ nhà sản xuất nước hoa nổi tiếng ở Pháp Fragonard. Cây nến với màu sắc mang hàm ý cho sự hy vọng. Bà Lagarde cho biết: "Vì chúng tôi đã có nhiều cuộc thảo luận gay gắt, nên cần có yếu tố xoa dịu cho điều đó"

Lê Hiếu (tổng hợp)
.
.