Lãnh đạo lỡ lời

Thứ Năm, 08/02/2007, 10:30

Tổng thống George W. Bush, Thủ tướng Tony Blair, Tổng thống Jacques Chirac, Thủ tướng Ariel Sharon, Thủ tướng Hungari Ferenc Gyurcsany... tất cả đều là nạn nhân của một chiếc micrô đặt đâu đó ghi âm các câu nói hay phát biểu của họ.

Trong không khí chộn rộn một buổi ăn trưa của các nhà lãnh đạo khối G8 họp tại thành phố Saint Petersbourg, Nga vào tháng 7/2006, giữa rừng các máy quay phim và máy ghi âm chĩa về phía bàn ăn, Tổng thống Mỹ W.Bush vừa thản nhiên ăn uống vừa quay sang phía đối diện hỏi Thủ tướng Anh T.Blair: “Ê, Blair! Đang ăn món gì đấy?”. Lập tức, Thủ tướng Blair bỏ chỗ ngồi, tiến đến cạnh Tổng thống Bush, thái độ có vẻ nghiêm trọng rồi cả hai trao đổi với nhau về cuộc chiến giữa Israel và Hezbollah tại Liban.

Một máy ghi âm của Hãng BBC đã ghi lại cuộc trò chuyện giữa Tổng thống Bush và Thủ tướng Blair, trong đó có câu nói của Tổng thống Bush: “Vấn đề ở chỗ buộc Syrie gây áp lực để Hezbollah phải ngừng ngay việc tấn công bằng tên lửa vào Israel. Đồ khốn khiếp!”.

Đến sáng hôm sau, từ “khốn khiếp” thốt ra từ miệng Tổng thống Bush đã được Hãng BBC nhấn mạnh nhiều lần trong bài bình luận về cuộc chiến đang xảy ra tại Trung Đông và đã khiến Syrie, Hezbollah và cả Liban lên tiếng chỉ trích lời phát biểu (không chính thức) của nhà lãnh đạo Mỹ là mang tính nhục mạ chẳng khác đổ dầu vào lửa. Nhà Trắng phải cải chính ngay là phát biểu của Tổng thống Bush không ám chỉ bất cứ quốc gia hay tổ chức nào mà đó chỉ là một câu nói không chủ ý.

Thủ tướng Blair, sau khi trở về nước từ Hội nghị G8, đến tham gia một cuộc họp của Quốc hội thì bị các đại biểu Quốc hội chào đón với từ “Ê, Blair!”. Trong khi đó, giới báo chí bình dân Anh không ngớt tung ra các bài báo phân tích lẫn đàm tiếu xung quanh từ “Ê, Blair!” và cho rằng Thủ tướng Anh đã bị đối xử chẳng khác gì một kẻ “sai vặt” của Tổng thống Mỹ. Uy tín của Thủ tướng Blair giảm sút một cách nghiêm trọng.

Sự lỡ lời của các nhà lãnh đạo có khi lại trở thành vấn đề nghiêm trọng khi liên quan đến sinh mạng của con người. Vào tháng 3/2002, Thủ tướng Israel Ariel Sharon ra lệnh triển khai chiến dịch quân sự có tên "Rempart" tấn công người Palestine ở bờ Tây sông Jordan, nơi có văn phòng làm việc của Tổng thống Yasser Arafat

 Vài ngày sau, trong giờ giải lao một cuộc họp báo tổ chức tại thành phố Jerusalem, Shaul Mofaz, Tổng tham mưu trưởng quân đội Israel, từ một chiếc ghế bên cạnh tiến về phía Thủ tướng Sharon và lên tiếng: “Chúng ta phải nhân tiện thanh toán thôi!”, “Ai!”, Thủ tướng Sahron hỏi lại, tướng Mofaz dùng bàn tay chặt mạnh xuống bàn, lạnh lùng nói: “Lão già Arafat chứ ai!”. Lập tức, Thủ tướng Sharon nhỏ giọng: “Vâng, tôi biết phải làm gì rồi!”.

Cuộc trao đổi giữa hai người chỉ kịp khựng lại khi tướng Mofaz phát hiện một chiếc micro để sát bên cạnh không biết vô tình hay cố ý. Chỉ chưa đầy hai tiếng đồng hồ sau khi cuộc họp báo kết thúc, tình hình Trung Đông trở nên vô cùng rối ren, không phải vì chiến dịch quân sự Rempart được triển khai mà là vì các phương tiện thông tin đại chúng đồng loạt cảnh báo về âm mưu loại bỏ Tổng thống Arafat của Israel khi triển khai chiến dịch Rempart thông qua cuộc đối thoại được ghi âm giữa tướng Mofaz và Thủ tướng Sharon.

Không những dư luận thế giới (trong đó có cả Mỹ) mà cả dân chúng Israel đều lên tiếng chỉ trích âm mưu giết hại Tổng thống Arafat khiến chiến dịch quân sự Rempart buộc phải rút ngắn về thời gian triển khai lẫn quy mô hành động.

Thế nhưng bị lỡ lời nhiều nhất và gây hậu quả nghiêm trọng nhất phải kể đến trường hợp của Thủ tướng Hungari Ferenc Gyurcsany, khiến ông phải lao đao nhiều lần. Tháng 5/2004, vạ miệng đã làm khó Gyurcsany khi ông phát biểu trong hậu trường buổi lễ nhậm chức Thủ tướng của mình, rằng: “Tôi cam đoan sẽ cải thiện đời sống người dân Hungari... Những ai đang ở trong những căn hộ hai phòng chật hẹp sẽ nhanh chóng được nhận những căn hộ ba phòng rộng rãi... Còn những ai có vợ quá già cũng sẽ được phép lấy những phụ nữ trẻ hơn!”.

Vì lời phát biểu không chính thức và “linh tinh” này mà Thủ tướng Gyurcsany phải lên tiếng xin lỗi giới phụ nữ trên các phương tiện thông tin đại chúng và cả tại Hội nghị đại biểu phụ nữ Hungari tổ chức tại thủ đô Budapest.

Đến tháng 7/2005, khủng hoảng ngoại giao giữa Hungari và Arập Xêút bất ngờ xảy sau trận thi đấu bóng đá giao hữu giữa hai đội tuyển quốc gia Hungari và Arập Xêút khi Thủ tướng Gyurcsany thốt lên: “Những tên khủng bố Arập” để ám chỉ các cầu thủ Đội tuyển Arập Xêút, do họ sút tung lưới Đội tuyển Hungari. Chỉ cho đến khi đích thân Thủ tướng Gyurcsany lên tiếng xin lỗi Arập Xêút thì quan hệ giữa hai quốc gia mới được bình thường hóa.

Mới nhất là chuyện phiếm giữa Thủ tướng Gyurcsany và các đại biểu Quốc hội thuộc đảng Xã hội bị ghi âm trên bờ hồ Balakan. Trong câu chuyện, Thủ tướng Gyurcsany thú nhận là phải nói dối dân chúng Hungari suốt 18 tháng liền về tình hình tồi tệ của nền kinh tế quốc gia, vừa để không gây khủng hoảng xã hội, vừa để thu hút sự giúp đỡ về tài chính của Liên minh châu Âu và vốn đầu tư nước ngoài.

Lời thú nhận của Thủ tướng Gyurcsany khi được tung lên các phương tiện thông tin đại chúng đã khiến Hungari lâm vào khủng hoảng chính trị và xã hội trầm trọng với các cuộc biểu tình liên tiếp diễn ra yêu cầu chính phủ của Thủ tướng Gyurcsany phải từ chức vì đã lừa dối nhân dân Hungari

Văn Hòa (theo Le Nouvel Obs)
.
.