Lầu Năm Góc ngăn cản Tổng thống Obama đóng cửa Guantanamo

Thứ Ba, 12/01/2016, 12:15
Hãng thông tấn Reuters vừa thực hiện một phóng sự điều tra về những động thái hậu trường của Lầu Năm Góc trong 5 năm qua để ngăn cản Tổng thống Barack Obama triển khai kế hoạch chuyển giao, trả tự do cho tù nhân bị nghi là khủng bố bị giam không xét xử ở nhà tù nổi tiếng trong Vịnh Guantanamo của Cuba nhằm tiến tới đóng cửa nhà tù này.


Đóng cửa Guantanamo, ông Obama muốn thực hiện lời hứa với cử tri

Nhà tù trong Vịnh Guantanamo bắt đầu đi vào hoạt động chỉ vài tháng sau vụ khủng bố 11-9-2001. Tháng 11-2001, Tổng thống Mỹ George W. Bush tuyên bố tất cả những ai không phải công dân Mỹ đều có thể bị bắt giam nếu gây nguy hiểm cho nước Mỹ.

Tháng 1-2002, Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld tuyên bố Nhà tù Guantanamo được thành lập nhằm "giam giữ những người nguy hiểm, thẩm vấn tù nhân, và sau cùng là truy tố tù nhân về tội ác chiến tranh". Lực lượng Đặc nhiệm liên quân Guantanamo (JTF-GTMO) được giao nhiệm vụ cai quản nhà tù này. Ngay sau đó, nhóm 20 tù nhân đầu tiên đã được chuyển đến Guantanamo vào ngày 22-1-2002.

Con số tù nhân đã gia tăng liên tục trong vòng một năm sau. Lúc cao điểm năm 2003, Nhà tù Guantanamo chứa đến 780 tù nhân. Ban đầu, Lầu Năm Góc ém nhẹm toàn bộ thông tin về tù nhân bị giam giữ tại Guantanamo. Nhưng sau đó, cơ quan này không thể chống lại được yêu cầu của Hãng thông tấn Associated Press (AP) theo Luật Tự do thông tin (FOIA), nên đành công khai thông tin về tù nhân Guantanamo.

Phần lớn tù nhân tại Guantanamo bị bắt giam không rõ lý do, không thể xác định có tham gia khủng bố hay không, thậm chí - như một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận - có người gần như vô tội hoàn toàn, và họ hầu như không bị xét xử. Hơn một nửa số tù nhân đó đã được trả tự do trong vòng 6 năm dưới thời Tổng thống George W. Bush, và đến khi Tổng thống Obama lên nắm quyền vào đầu năm 2009, nhà tù này chỉ còn giam giữ khoảng 242 tù nhân. Hiện nay, số tù nhân tiếp tục giảm còn 107.

Điều khác biệt ở chỗ, các quyết định chuyển giao hoặc thả tù nhân thời George W. Bush đều dễ dàng được triển khai, còn những quyết định tương tự của Tổng thống Obama thì luôn bị nghẽn ở 2 điểm: Lầu Năm Góc và Quốc hội, trong đó, Lầu Năm Góc đã năm lần bảy lượt tìm cách né tránh việc thực thi quyết định chuyển giao hoặc thả tù nhân của Tổng thống Obama, viện đủ thứ lý do "trên trời rơi xuống". Chỉ khi đích thân Tổng thống Obama trực tiếp ra lệnh "thi hành ngay" thì họ mới miễn cưỡng thực thi, nhưng cũng không đầy đủ. Chung quy, nguyên nhân cốt lõi vẫn là mối lo ngại các tù nhân được chuyển giao có khả năng được thả ngay và tiếp tục quay trở lại với các hoạt động khủng bố.

Ngay từ khi lên nhậm chức vào tháng 1-2009, Tổng thống Obama đã xem việc chuyển giao hoặc thả tù nhân để đóng cửa Guantanamo là một trong những ưu tiên hàng đầu, nhằm thực hiện lời hứa với cử tri khi ông vận động tranh cử vào năm 2008. Hai ngày sau khi nhậm chức, ngày 22-1-2009, Tổng thống Obama đã ký một sắc lệnh điều hành ra lệnh kiểm tra lại nhân thân toàn bộ 242 tù nhân đang bị giam ở Guantanamo và yêu cầu đóng cửa trung tâm giam giữ này.

Tổng thống Barack Obama sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel (bên phải) tháng 2-2015 cũng vì bất đồng trong vấn đề đóng cửa Guantanamo.

Một năm sau, một nhóm đặc trách bao gồm người của Lầu Năm Góc và các cơ quan tình báo Mỹ đã đưa ra kết luận rằng 156 tù nhân có mức độ đe dọa an ninh thấp, có thể chuyển giao cho nước ngoài tiếp quản.

Tuy nhiên, ngay sau đó, nhiều nghị sĩ ở Quốc hội Mỹ đã bám vào các báo cáo về một số trường hợp tù nhân Guantanamo sau khi được chuyển giao đã được nước tiếp quản thả và đã tái tham gia các hoạt động gây nguy hiểm cho an ninh nước Mỹ. Tiêu biểu trong số này có tù nhân tên Abdul Qayum Zakir, thường được biết đến bằng danh xưng "Mullah Zakir".

Mullah Zakir đã khéo léo qua mặt được các sĩ quan thẩm vấn y và khi được thả về tiếp tục tham gia chiến đấu cùng Taliban, trở thành một chỉ huy cao cấp của Taliban, gây ra cái chết cho hàng trăm binh sĩ Mỹ ở Afghanistan.

Từ đó, cuối năm 2010, Quốc hội Mỹ đã thông qua một đạo luật trong đó yêu cầu cá nhân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ xác nhận với Quốc hội rằng tù nhân được thả "không thể tham gia hoặc tái tham gia hoạt động khủng bố nào". Do đạo luật này, các vụ chuyển giao tù nhân trại Guantanamo cho nước ngoài quản lý đã bị chậm lại và dừng hẳn.

Trong 2 năm 2011-2012, chỉ có vài tù nhân được thả do một ngoại lệ của đạo luật cho phép tòa án ra lệnh thả không cần đáp ứng các quy định của luật. Đến tháng 1-2013, tình hình thật sự ảm đạm, khiến Bộ Ngoại giao phải đóng cửa văn phòng chuyên trách việc đóng cửa Guantanamo.

Chiêu trò gây khó dễ của Lầu Năm Góc

Lầu Năm Góc đã làm mọi cách để làm chậm, thậm chí tắc nghẽn tiến trình chuyển giao tù nhân bằng những cách thức rất tầm thường, như: cố tình từ chối cung cấp hình ảnh, video các cuộc thẩm vấn, bệnh án đầy đủ của tù nhân và những tài liệu cơ bản khác cho các quốc gia quan tâm tiếp nhận tù nhân. Họ gây khó dễ cho các phái đoàn nước ngoài khi đến viếng thăm Guantanamo, giới hạn thời gian thẩm vấn tù nhân và ngăn cản các phái đoàn lưu lại Guantanamo qua đêm.

Quyết không chùn bước, tháng 5-2013, Tổng thống Obama phát động một nỗ lực mới để đóng cửa nhà tù Guantanamo. Ông bổ nhiệm 2 đặc phái viên mới, một ở Lầu Năm Góc và một tại Bộ Ngoại giao, để giám sát việc đóng cửa nhà tù Guantanamo. Một trong những ưu tiên lúc này là chuyển giao tù nhân càng nhiều càng tốt cho các quốc gia nào muốn tiếp nhận.

Ngay lúc đó, Bộ Ngoại giao đề xuất 4 tù nhân người Afghanistan có mức rủi ro thấp để xem xét chuyển giao cho Chính phủ Afghanistan quản lý. 4 tù nhân gồm: Khi Ali Gul, Shawali Khan, Abdul Ghani và Mohammed Zahir, có tuổi đời từ 40 đến ngoài 60 tuổi, và tất cả đều đã bị giam ở Guantanamo 7 năm, không bị buộc bất cứ tội danh nào, đã được hội đồng thẩm vấn liên cơ quan kết luận có thể thả. Tuy nhiên, khi Bộ Ngoại giao điền tên 4 tù nhân này vào danh sách ưu tiên chuyển giao vào mùa hè 2013, họ đã bị Bộ Quốc phòng phản đối.

Trong cuộc họp tại Lầu Năm Góc, một quan chức bậc trung của Bộ Quốc phòng nói thẳng: "Việc chuyển giao 4 tù nhân này có thể là ưu tiên của ngài Tổng thống, nhưng nó không phải là ưu tiên của Lầu Năm Góc hay của những người ở trong tòa nhà này".

Với sự hậu thuẫn của Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao tiếp tục việc chuyển giao. Vào mùa xuân năm 2014, 4 tù nhân Afghanistan sắp được đưa "về nhà". Đến đây thì tướng Joseph Dunford - Chỉ huy lực lượng Mỹ tại Afghanistan - lại gửi một văn bản cho Bộ Ngoại giao cảnh báo rằng việc thả 4 tù nhân Afghanistan sẽ gây nguy hiểm cho binh sĩ Mỹ tại đây. Vụ chuyển giao bị tạm dừng. Rốt cuộc Nhà Trắng phải can thiệp lần nữa thì 4 người Afghanistan mới được hồi hương vào ngày 20-12-2014, hơn một năm sau khi được "làm thủ tục" chuyển giao.

Vụ phái đoàn Kazakhstan tiếp nhận 8 tù nhân mới thật ly kỳ. Đầu năm 2014, Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev chủ động đề nghị với Mỹ rằng Kazakhstan có thể tiếp nhận khoảng 8 tù nhân. Giới chức Mỹ tỏ ra bất ngờ trước sự nhiệt tình tiếp nhận tù nhân của ông Nazarbayev, vì lâu nay ông luôn tỏ ra lạnh nhạt với vấn đề này, vả lại Kazakhstan lâu nay vốn trong "vòng tay" của Nga. Mặc dù vậy, Nhà Trắng cũng rất mừng vì điều này.

Phía Kazakhstan yêu cầu cho phái đoàn mình được đến Guantanamo trong 3 ngày để thẩm vấn các tù nhân, có quay video để sử dụng làm tư liệu nghiên cứu thái độ và điệu bộ của tù nhân - xem tâm lý của họ có ổn không, xem họ thật tình hay giả dối - trước khi quyết định chọn ai. Ngay lập tức, Lầu Năm Góc cấm phái đoàn Kazakhstan quay video các cuộc thẩm vấn, thay đổi kế hoạch viếng thăm từ 3 ngày xuống còn một ngày, và rút ngắn thời gian thẩm vấn, chỉ cho phép thẩm vấn mỗi tù nhân trong một giờ, đồng thời hạn chế cung cấp các tài liệu liên quan các tù nhân mà phía Kazakhstan yêu cầu.

Đa phần tù nhân tại nhà tù Guantanamo không bị xét xử, không bị cáo buộc tội danh nào, thậm chí là vô tội.

Lầu Năm Góc viện dẫn quy định của Công ước Heneva về tù binh chiến tranh để giải thích việc cấm quay video các cuộc thẩm vấn. Sau 2 tuần thương thảo không có kết quả, phía Kazakhstan tuyên bố hủy bỏ chuyến viếng thăm Guantanamo và sẽ không tiếp nhận tù nhân nào hết. Nhà Trắng thấy tình hình không ổn bèn can thiệp, ra lệnh cho Lầu Năm Góc phải tìm cách thỏa hiệp với Kazakhstan.

Vậy là phái đoàn Kazakhstan được phép thẩm vấn mỗi tù nhân trong 2 tiếng đồng hồ; phái đoàn Kazakhstan không được phép mang máy ghi âm, chỉ được quay video các cuộc thẩm vấn, sau đó quân đội Mỹ giữ bản gốc, chỉ giao cho phía Kazakhstan các bản sao. Đoàn Kazakhstan đến thăm Guantanamo.

Sáu tuần lễ sau chuyến thăm và thẩm vấn tù nhân, Kazakhstan vẫn chưa nhận được các video theo yêu cầu. Cứ 2 ngày thì các quan chức Kazakhstan gọi điện thoại sang Bộ Ngoại giao Mỹ để "hỏi thăm" về các video. Và như thường lệ, Nhà Trắng lại can thiệp, ra lệnh cho Lầu Năm Góc phải giao video cho đối tác như đã hứa. Lầu Năm Góc chấp hành, giao các video cho Bộ Ngoại giao để giao cho Kazakhstan, nhưng lại dán tem "Mật", có nghĩa là Bộ Ngoại giao Mỹ không được phép chia sẻ các video đó cho nước ngoài, thì làm sao giao cho Kazakhstan được? Vậy là lại than phiền, và Nhà Trắng lại can thiệp.

Vài ngày sau, các video không còn tem "Mật" nữa, và được chuyển giao cho phía Kazakhstan. Thế nhưng chỉ 2 ngày sau, Kazakhstan lại gọi cho Washington phàn nàn rằng các video đã bị xử lý mờ hình ảnh đi, nhìn không thấy rõ, thế thì làm sao mà nghiên cứu? Thế là Nhà Trắng lại phải can thiệp lần thứ ba, buộc Lầu Năm Góc phải đáp ứng yêu cầu của đối tác. Tháng 12-2014, gần hết một năm, 5 tù nhân (chứ không phải 8 như đề nghị ban đầu) mới được chuyển giao cho phía Kazakhstan.

Việc Lầu Năm Góc tìm mọi cách ngăn cản, làm chậm tiến trình giải phóng tù nhân ở nhà tù Guantanamo là một trong những yếu tố khiến Tổng thống Obama quyết định thay Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel vào tháng 2-2015. Và tháng 9-2015, ông Obama tiếp tục có cuộc họp riêng với Bộ trưởng Ashton Carter - người thay thế ông Hagel - để chấn chỉnh việc tuân thủ mệnh lệnh của Tổng thống - Tổng tư lệnh Quân đội Mỹ. Kể từ đó, Lầu Năm Góc đã tỏ ra hợp tác hơn. Theo dự kiến, trong tháng 1-2016, 17 tù nhân sẽ tiếp tục được chuyển giao cho nước ngoài quản lý.

Tuy nhiên, khó khăn tiếp tục nổi lên từ phía các chỉ huy quân đội, mà cụ thể là tướng John F. Kelly, người phụ trách chỉ huy Bộ chỉ huy phương Nam, trong đó bao gồm cả Căn cứ Hải quân Vịnh Guantanamo. Kelly có con trai tử trận ở Afghanistan, cho nên ông chống lại kế hoạch giải phóng tù nhân Guatanamo của Tổng thống Obama. Vì thế, chính Kelly và Bộ chỉ huy phương Nam của ông lại đang dựng lên rào cản cho các phái đoàn nước ngoài mới đến thăm Guantanamo.

Nhưng một số quan chức Mỹ cũng lo rằng, cho dù ông Obama khuất phục được tướng Kelly và chuyển giao hết toàn bộ tù nhân Guantanamo có mức nguy hiểm thấp thì việc đóng cửa nhà tù Guantanamo cũng không dễ dàng, vì trong những tù nhân còn lại hiện nay cũng có hàng chục tên rất nguy hiểm, không thể thả ra, nhưng phương án chuyển chúng về giam giữ ở đất liền Mỹ cũng không ổn, bị các nghị sĩ đảng Cộng hòa trong Quốc hội phản đối vì chúng sẽ đe dọa cuộc sống người Mỹ.

Tại một cuộc họp báo hồi tháng 12-2015, ông Obama tuyên bố ông hy vọng sẽ sớm đạt được thỏa thuận với Quốc hội, để đảm bảo di chuyển toàn bộ tù nhân ra khỏi Guantanamo ngay trong thời gian ông còn đương chức.

An Châu (theo Reuters)
.
.