Lệnh tái áp đặt trừng phạt Iran: Trai cò tranh đấu…

Thứ Ba, 26/02/2019, 14:33
Rời khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran là một trong những lời hứa mà ông Donald Trump đưa ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống. Ông đã thực hiện lời hứa, đồng thời cho rằng thỏa thuận hạt nhân Iran không đủ mạnh, nên không thể kiềm chế các hoạt động hạt nhân của Iran, cũng như không thể ngăn chặn nước này sở hữu các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Thế nhưng câu chuyện lại không chỉ đơn giản ở việc nói rút là được.

Một sự rạn nứt mới

Theo thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015, Iran cam kết hủy bỏ hầu hết chương trình hạt nhân dưới sự giám sát chặt chẽ của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Đổi lại, Iran sẽ được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt do Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, EU và Mỹ áp đặt trước đó.

Việc Iran thực hiện các biện pháp cam kết đã được IAEA xác nhận, và đã khởi động tiến trình dỡ bỏ dần các biện pháp trừng phạt kể từ tháng 1-2016, mở đường cho tiến trình “bình thường hóa” kinh tế của Iran trên trường quốc tế.

Việc Mỹ rời khỏi thỏa thuận hạt nhân, cùng với việc áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran đã đột ngột chấm dứt tiến trình nói trên, gây ra sự bất ổn sâu sắc cho những nước ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran, đặc biệt là 3 cường quốc Đức, Pháp và Anh – những nước coi quyết định của Mỹ là một dấu hiệu mới của sự tan rã dần các mối quan hệ vốn gắn kết giữa hai bờ Đại Tây Dương.

Ngành công nghiệp dầu mỏ - "trái tim" của nền kinh tế Iran.

Cả 3 nước nói trên, cùng với Trung Quốc và Nga, đã quyết định đảm bảo sự tồn tại của thỏa thuận sau quyết định của Mỹ với một số biện pháp mềm dẻo, linh hoạt để đối phó với sự áp đặt trở lại lệnh cấm vận. Nhưng một điều chắc chắn là quyết định đơn phương của Mỹ là một sự rạn nứt có thể nhận thấy trong mối quan hệ giữa các “ông lớn” này.

Hiển nhiên, Iran là nước phải gánh chịu nhiều nhất từ hậu quả của việc Mỹ trở mặt này. Sự trở mặt của Mỹ đối với Iran đã gây hoang mang cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp Iran, đồng thời gây bất ổn cho chính quyền Tehran và những mối quan hệ đối ngoại của Iran ở cấp độ khu vực và toàn cầu.

Về các biện pháp trừng phạt

Gói trừng phạt thứ nhất, áp đặt trong vòng 90 ngày, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 7-8-2018, bao gồm việc ngăn cấm Iran thu mua đồng USD, thực hiện mọi giao dịch liên quan đến vàng và các kim loại quý, những kim loại thô hoặc bán xử lý như nhôm, thép hoặc than, những phần mềm được sử dụng trong quy trình công nghiệp, xe cộ và các phụ tùng ôtô, ngành hàng không thương mại… Trong đó ngành chế tạo ôtô, ngành công nghiệp lớn nhất của Iran, là một trong những ngành chịu hậu quả nặng nề nhất của gói trừng phạt đầu tiên này của Mỹ.

Chưa đầy một tháng sau khi Mỹ rời khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Tập đoàn chế tạo ôtô PSA của Pháp – bao gồm thành viên chủ chốt là các hãng Citroen và Peogeut có cơ sở sản xuất tại Iran và cũng là thị trường lớn nhất của tập đoàn này ở nước ngoài và là đối tác lịch sử của các hãng sản xuất ôtô hàng đầu Iran như Khodro và Saipa – đã tuyên bố tạm ngưng các hoạt động liên doanh tại Iran. Việc PSA quyết định rời khỏi Iran là một tổn thất rất lớn không chỉ với Iran, mà cả với Tập đoàn PSA.

Một tập đoàn chế tạo ôtô khác của Pháp là Renault, ban đầu tuyên bố không rút khỏi thị trường Iran, cuối cùng cũng đành quyết định dứt áo ra đi. Các tập đoàn chế tạo ôtô khác của Đức, Nhật Bản hay Hàn Quốc, chẳng hạn như 2 gã khổng lồ của Đức là Daimler Chrysler và Volkswagen, cũng đã đưa ra những quyết định tương tự.

Bị tách khỏi những đối tác lịch sử, không còn các nguồn cung cấp phụ tùng tốt nhất và bị cấm tiếp cận mạng lưới ngân hàng quốc tế, ngành công nghiệp ôtô Iran buộc phải chuyển sang các đối tác Trung Quốc, thường là những công ty hoạt động yếu kém nhất bởi những tập đoàn uy tín của Trung Quốc cũng buộc phải từ chối hợp tác với Iran để tránh làm ảnh hưởng tới các mối quan hệ hợp tác của họ với thị trường Mỹ.

Do vậy, ngành công nghiệp lớn nhất của Iran sau dầu mỏ, vốn được hưởng lợi nhiều từ việc Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt từ năm 2015, một lần nữa rơi vào tình trạng ảm đạm.

Một gian trưng bày giới thiệu của Total tại hội chợ ở Iran.

Gói trừng phạt thứ 2 – dự kiến áp đặt trong vòng 180 ngày – mới thực sự được đánh giá là có sức tàn phá nặng nề đối với Iran. Gói trừng phạt này không chỉ tác động tới ngành hàng hải, ngân hàng và bảo hiểm, mà cả tới ngành công nghiệp dầu mỏ, “trái tim” của nền kinh tế Iran.

Sau khi trải qua một đợt giảm giai đoạn 2012 – 2014 do các biện pháp trừng phạt của châu Âu và Mỹ, hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran đã nhanh chóng gia tăng nhờ những quy định trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP, cho phép Iran kiểm soát lạm phát và tạo ra sự ổn định tương đối của đồng tiền quốc gia. Trong năm 2017 và nửa đầu 2018, Iran đã xuất khẩu trung bình 2,5 triệu thùng dầu mỗi ngày, trong đó 65% xuất khẩu sang châu Á.

Kể từ khi rời khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Mỹ đã nỗ lực đáng kể để yêu cầu các nước dừng hoàn toàn việc nhập khẩu dầu mỏ của Iran, nếu không họ sẽ phải chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Ngoài ra, Washington đã nhiều lần khẳng định quyết tâm cắt giảm lượng dầu mỏ xuất khẩu của Iran xuống 0%. Mục tiêu này dường như không thể đạt được, vì những nước mua dầu của Iran, đặc biệt là những nước châu Á, cũng như Thổ Nhĩ Kỳ, có thể từ chối quyết định áp đặt của Mỹ mà không mấy ảnh hưởng.

Nhưng với những cơ chế khác nhau do Mỹ thiết lập và những sức ép của Mỹ đối với những nước “cứng đầu” nhất, việc cắt giảm một nửa lượng xuất khẩu dầu mỏ của Iran ngay từ cuối năm 2018 sẽ là một phương án khả thi hơn. Và một lượng giảm như vậy cũng đủ tác động mạnh đến nguồn thu nhập ngoại hối của Iran, và do vậy, sẽ tác động đến những chỉ số kinh tế vĩ mô của nước này. Một tỉ lệ tăng trưởng âm vào cuối năm 2019 của Iran là hoàn toàn có thể xảy ra.

Vậy các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran có nguy cơ làm tăng giá dầu thô hay không? Trên thực tế thì Washington đã tính đến phương án này. 11 triệu thùng dầu dự trữ chiến lược của Mỹ đã được tung ra thị trường từ ngày 1-10 đến ngày 30-11-2018 vừa qua. Tuy nhiên, bình ổn thị trường trước hết dựa vào việc gia tăng sản lượng tại các nước Arab thuộc khu vực Vịnh Persian, đặc biệt là Saudi Arabia và Nga, với những lý do riêng của chính họ.

IAEA thanh sát một cơ sở hạt nhân.

Iran và châu Âu

Theo các nhà quan sát quốc tế, tình thế tiến thoái lưỡng nan là ở chỗ: Iran nên ở lại thỏa thuận hạt nhân đã bị cắt xén do sự trở mặt của Mỹ, hay ra khỏi thỏa thuận và tiếp tục làm giàu urani vượt xa mức độ mà thỏa thuận cho phép?

Có vẻ như Iran đã lựa chọn cách ở lại thỏa thuận, với điều kiện các nước EU (đặc biệt là 3 nước đã tham gia ký thỏa thuận hạt nhân Iran), phải đảm bảo sự sống còn cho quốc gia Hồi giáo này. Thực tế Iran đã kêu gọi châu Âu chung sức chống lại các biện pháp trừng phạt của Mỹ để Iran tiếp tục nhận được những lợi ích kinh tế từ thỏa thuận. Đồng thời để tăng thêm sức mạnh cho yêu cầu của mình, các nhà lãnh đạo Iran không ngừng nhắc lại rằng việc ở lại thỏa thuận hạt nhân không phải là lựa chọn duy nhất có thể của họ.

Về phần mình, các nước châu Âu đã dõng dạc bày tỏ sự phản đối việc Mỹ rời khỏi thỏa thuận cũng như áp đặt lại các lệnh trừng phạt. Vài ngày sau tuyên bố của Mỹ, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã tuyên bố rằng “người châu Âu không phải trả tiền cho việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân”.

Còn Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire cũng đã nhấn mạnh: “Liên quan tới chủ quyền kinh tế, đã đến lúc châu Âu cần biến lời nói thành hành động”. Và thực tế, tại Hội nghị thượng đỉnh Sofia (Bulgaria), các nhà lãnh đạo của 27 nước thành viên EU đã quyết định hợp tác với nhau để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran. Ngày 6-7-2018 tại Vienna, ngoại trưởng của 5 cường quốc châu Âu ở lại thỏa thuận hạt nhân đã cùng ngoại trưởng Iran thể hiện quyết tâm tương tự.

Những sáng kiến của châu Âu nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran đi theo nhiều hướng: yêu cầu Mỹ ban hành những điều khoản miễn trừ nhằm đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại Iran; sử dụng Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB) để hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp châu Âu muốn đầu tư vào Iran; mở thử nghiệm một kênh giao dịch tài chính giữa ngân hàng trung ương Iran và các ngân hàng trung ương của các nước thành viên EU; tái áp dụng luật phong tỏa năm 1996 để chống lại mối đe dọa trừng phạt của Mỹ đối với Cuba, Libya và Iran.

Việc tập đoàn PSA rút khỏi Iran sẽ là thiệt hại cho cả đôi bên.

Tuy nhiên, những sáng kiến này đã không thực sự thay đổi được tình hình. Trước những đe dọa trừng phạt của Mỹ, sự hoảng loạn của các doanh nghiệp châu Âu đã đầu tư vào Iran hay cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho Iran đã chuyển thành sự tháo chạy khỏi Iran. Nhiều doanh nghiệp đã quyết định rút khỏi Iran hoặc hủy bỏ các giao dịch thương mại của họ, cùng với những cái tên như PSA hay Volkswagen đã nói ở trên còn có Total, Airbus, Siemens, Engie, CMA-CGM, Alstom, Eni, British Airways, Air France, KLM…

Và mặc dù không đồng tình với việc tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran ra mặt, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire giải thích rằng các doanh nghiệp Pháp không thể ở lại Iran vì “họ cần được trả tiền cho những sản phẩm họ sản xuất và những đơn hàng mà họ giao”, hoặc “vì không có tổ chức tài chính châu Âu nào có chủ quyền và độc lập”.

Để khắc phục điểm yếu này, ông Bruno Le Maire đã đề xuất thành lập “các tổ chức tài chính châu Âu độc lập cho phép lập các kênh tài trợ giữa các doanh nghiệp pháp, Italy, Đức, Tây Ban Nha và bất kỳ nước nào khác trên hành tinh”.

Đề xuất này đã nhận được sự đồng tình của Ngoại trưởng Đức Heiko Maas. Tuy nhiên, xét tình thế cấp bách của Iran, những đề xuất này của các nhà lãnh đạo châu Âu mới chỉ dừng ở mức nguyện vọng và do vậy, không có khả năng trấn an Iran hay các doanh nghiệp châu Âu muốn giữ gìn hợp tác với Iran.

Trong những điều kiện như thế, liệu EU có thể cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran hay không? Không có gì là chắc chắn, nhất là khi các quan chức cấp cao của châu Âu dường như ít nhiều tán thành đề xuất của ông chủ Nhà Trắng về việc đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân với Iran trong một phạm vi rộng hơn – không chỉ gồm những cam kết trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015, mà cả 3 chủ đề khác: Chương trình hạt nhân Iran sau 2025; vấn đề tên lửa đạn đạo và cuối cùng là vai trò của Iran ở Trung Đông.

Huy Thông (tổng hợp)
.
.