Lênin với cuộc chiến chống tham nhũng

Thứ Bảy, 11/11/2006, 08:00

Cuộc chiến chống tham nhũng của nước Nga dưới sự lãnh đạo của Lênin vào những năm 20 của thế kỷ XX đã tạo tiền đề cho sự lớn mạnh không ngừng của Liên bang Cộng hòa XHCN Xôviết sau này. Nó chứng tỏ rằng dưới sự lãnh đạo của một Đảng Cộng sản trong sạch thì tất cả mọi kẻ thù, trong đó có kẻ thù “tham ô, hối lộ” đều sẽ bị tiêu diệt.

Từ năm 1920, cuộc nội chiến ở Nga cơ bản đã kết thúc với sự thắng lợi của Nhà nước Nga Xôviết do Lênin đứng đầu. Tuy nhiên, thắng lợi đó đã phải trả giá rất đắt, mà điển hình là  nền kinh tế nước Nga Xôviết đã bị những tổn thất hết sức nặng nề. Nếu so với năm 1913 thì sản phẩm lương thực giảm 55%, sản phẩm công nghiệp giảm 86%, tổng sản phẩm quốc dân giảm 75%. Do tình thế đòi hỏi việc áp dụng “chính sách cộng sản thời chiến” có tác dụng lớn trong cuộc đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài, nhưng đồng thời nó cũng bộc lộ những mặt trái, như triệt tiêu hoàn toàn tính tích cực của nền sản xuất và kinh doanh cá thể, gây sự rối loạn trong sản xuất nông nghiệp tại các vùng nông thôn và sản xuất công nghiệp bị đình đốn trong các xí nghiệp, nhà máy. Năm 1921, cuộc phản loạn của các thủy binh do Coocnhinhép cầm đầu càng khiến cho nước Nga Xôviết rơi vào tình thế cực kỳ nguy hiểm.

Để cứu vãn tình thế có thể dẫn tới sự đổ vỡ của Nhà nước Xôviết, thì vấn đề cần thiết trước mắt là phải nhanh chóng khôi phục kinh tế,  Lênin và Đảng Cộng sản Nga khi đó đã đề ra “chính sách kinh tế mới”, mà nội dung cơ bản là: Với nông nghiệp: Nhà nước thay thế việc thu mua lương thực theo nghĩa vụ bằng đóng thuế lương thực. Sau khi nộp thuế, nông dân có toàn quyền mang lương thực dư thừa trao đổi trên thị trường. Với công nghiệp: Trả lại cho chủ cũ những xí nghiệp nhỏ đã bị nhà nước tịch thu trước đó. Cho phép các nhà tư bản trong nước và nước ngoài mở các nhà máy và xí nghiệp. Với tài chính tiền tệ: Mở lại Ngân hàng Nhà nước.

Thực chất của “chính sách kinh tế mới” là vận dụng mối quan hệ tiền - hàng,  cho phép chủ nghĩa tư bản phát triển trong một giới hạn xác định thông qua chủ nghĩa tư bản nhà nước. Đây chính là “bước đi theo khúc đường quanh co để tới chủ nghĩa xã hội”.

Cùng với việc thực thi “chính sách kinh tế mới”  thì thể chế quản lý kinh tế cũng  phải  thay đổi, đó là việc chuyển từ quản lý theo kiểu tập trung bao cấp sang nguyên tắc “dân chủ tập trung triệt để”. Công nghiệp được khuyến khích  sản xuất ra những sản phẩm  để phục vụ nông nghiệp thông qua giá cả thị trường. Sức sản xuất của nông dân được giải phóng, hoạt động thị trường tăng mạnh. Nhưng cũng như “chính sách Cộng sản thời chiến”, chính sách kinh tế mới vào những năm 20 của thế kỷ XX cũng gặp phải những trở ngại không nhỏ, mà một trong những trở ngại đó là sự tha hóa, hủ bại của đội ngũ cán bộ quản lý. Những trở ngại này đã uy hiếp trực tiếp tới sự tồn vong của Nhà nước Xôviết non trẻ, nó nguy hiểm không kém so với bọn Bạch vệ.

Lênin, lãnh tụ thiên tài, đã sớm nhìn ra điều này. Ngay từ tháng 10/1921, trong tác phẩm “Chính sách tân kinh tế và nhiệm vụ của các ủy ban Giáo dục chính trị”, Người đã chỉ rõ: “Tham ô hối lộ là một trong 3 kẻ thù trực diện nguy hiểm nhất của mỗi đảng viên Bônsêvích”. Để ngăn chặn tình trạng ngày một lan tràn, V.I Lênin và BCH TW Đảng đã áp dụng nhiều biện pháp kiên quyết và nghiêm khắc.

Trước hết, V.I Lênin đã kiến nghị với BCH T.Ư Đảng  thành lập “Cơ quan Lãnh đạo toàn liên bang”, đấu tranh với tệ tham nhũng. Đây là Cơ quan bao gồm Ủy ban Kiểm tra BCH T.Ư Đảng và Viện Kiểm sát Công - Nông, có chức năng và nhiệm vụ toàn quyền là “thực thi cuộc đấu tranh không khoan nhượng với mọi hành vi lợi dụng chức quyền của các đảng viên cũng như các cán bộ nhà nước, đấu tranh với chủ nghĩa quan liêu và tư tưởng thăng quan phát tài của những phần tử thoái hóa, biến chất chui vào nội bộ Đảng”.

 Ngay sau đó, các ủy ban chuyên môn đấu tranh với những hành động làm rối kỷ cương, phép nước cũng được thành lập từ trung ương tới các địa phương. Để tăng hơn nữa sức mạnh, năm 1922, nước Nga đã thành lập Ủy ban T.Ư chuyên trách xử lý các hành vi tham nhũng trực thuộc Ủy ban Quốc phòng và Lao động (CTO).

Thực ra, cuộc chiến chống tham ô, hối lộ và các hành vi lạm quyền   đã được Lênin và Nhà nước Xôviết đặt ra một cách quyết liệt từ rất sớm ngay trong nội bộ Đảng. Vào ngày 8/5/1918 (tức là chỉ nửa năm sau khi Cách mạng Tháng Mười thành công), dưới sự chủ trì của V.I Lênin, Ủy ban Nhân dân toàn Nga đã thông qua “Pháp lệnh trừng trị những hành vi tham ô hối lộ”, mà mức trừng phạt thấp nhất là phải lao động cưỡng bức 5 năm, đồng thời bị tước bỏ hết những quyền lợi chính trị.--PageBreak--

Để đảm bảo  thắng lợi cho cuộc chiến đấu với “kẻ thù không phân giới tuyến”, trước những diễn biến phức tạp của tình hình mới, Lênin đã đưa ra hai đối sách cực kỳ quan trọng: Thứ nhất là xóa bỏ tình trạng mù chữ trong cán bộ và nhân dân, tiến hành việc giáo dục chính trị một cách sâu sắc, nâng cao trình độ văn hóa của toàn dân và những tố chất chính trị của các đảng viên Cộng sản; thứ hai là xây dựng một cơ chế giám sát độc lập, bao gồm các mặt sau: Ủy ban Giám sát T.Ư có quyền hạn bình đẳng với BCH T.Ư và tương tự như vậy ở các cấp tiếp theo. Người đã tham gia Ủy ban Giám sát thì không được tham gia vào BCH Đảng bộ cùng cấp, và càng không được giữ bất kỳ chức vụ gì về mặt chính quyền; Những quyết nghị của Ủy ban Giám sát đưa ra phải được BCH tương đương thực hiện, không được thêm hoặc bớt; Nếu có những vướng mắc thì sẽ được giải quyết tại Hội nghị Liên tịch. Nếu thấy còn chưa thỏa đáng thì có thể đưa ra Đại hội đại biểu để giải quyết.

Có được một hành lang pháp lý vững chắc, dưới sự lãnh đạo của Lênin và BCH T.Ư Đảng Bônsêvích, cuộc đấu tranh chống tệ nạn tham nhũng trong giai đoạn này diễn ra cực kỳ căng thẳng, nhưng cũng rất hiệu quả. Rất nhiều hành vi tham nhũng được bóc trần, rất nhiều “quan tham” bị đưa ra xét xử.

Căn cứ vào những tài liệu mới được các cơ quan hữu quan Nga công bố gần đây, người ta đã được biết: Trong thông tri “Gửi cán bộ lãnh đạo Nhà nước Nga Xôviết và lãnh đạo các cơ quan kinh tế “ngày 5/11/1921 của Gubixốp, Chủ tịch Viện Kiểm tra Nông thôn, Ủy viên Ban Kiểm tra T.Ư Đảng Bônsêvích toàn Nga, nêu rõ: “Trước tình thế hết sức nghiêm trọng của nền kinh tế quốc gia, mỗi một đảng viên Cộng sản phải hết sức nghiêm túc và thận trọng khi đặt bút ký bất kỳ khoản chi nào, để sao cho các khoản chi đó phải phục vụ cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Thực tế hiện nay cho thấy, nhiều cơ quan nhà nước cũng như tại các hợp tác xã, xí nghiệp còn có hiện tượng vô trách nhiệm, tiêu phí những khoản tiền công quỹ rất lớn. Tình hình này diễn ra đặc biệt nghiêm trọng đối với lĩnh vực giao thông vận tải. Hầu  như bất kỳ một cơ quan giao thông nào cũng sắm rất nhiều ôtô “xịn” cho riêng mình”.

Thông tri cũng đồng thời đưa ra  kiến  nghị xử lý đối với việc chi tiêu bừa bãi của Bộ Giao thông, là: lập tức cắt giảm và nghiêm cấm việc sử dụng xe công vô nguyên tắc. Những cá nhân hoặc tập thể vi phạm thì ngoài việc xử lý về kỷ luật Đảng và xử lý hành chính, còn buộc phải bỏ tiền túi ra đền... Chỉ tính từ ngày 15/8/1921 đến tháng 3/1922 đã có 159.355 đảng viên thoái hóa biến chất bị khai trừ khỏi Đảng, trong đó có tới gần 17.000 người mắc vào tội tham ô, hối lộ, vi phạm kỷ cương (chiếm gần 11% số đảng viên bị khai trừ).

 Sự lãng phí của công thể hiện ở tình trạng ăn nhậu, sắm nhà, sắm xe đẹp, du hý... Vì vậy, tháng 10/1923, BCH T.Ư Đảng Cộng sản Nga đã gửi thông báo “Về việc đấu tranh với tệ lãng phí” tới BCH Đảng bộ các khu và các tỉnh. Thông báo đã đưa ra rất nhiều thí dụ như: có những cán bộ có chức, có quyền tổ chức các trận đua ngựa riêng, xây nhà hết sức xa hoa, chi những khoản công quỹ rất lớn cho tiệc tùng, ăn uống...

Cũng từ khi thực hành “chính sách kinh tế mới”, thị trường buôn bán ở Nga đã dần được khôi phục. Hàng hóa cung cấp và tiêu thụ đều  thông qua thị trường do các tư thương đảm trách. Để lợi mình, các tư thương này thường sử dụng chiêu thức hối lộ các cơ quan và nhân viên nhà nước có thẩm quyền. Một bản báo cáo vào năm 1923 của Tổng cục An ninh chính trị quốc gia (Nga) cho biết: Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp dệt Bolanốp đã nhận hối lộ gồm rất nhiều tiền, vàng, kim cương, áo lông chồn... Có tài liệu còn nói rõ, chính Bolanốp đã tổ chức cho các cán bộ dưới quyền ăn nhiều của đút lót.

Tại Đại hội Đại biểu Đảng Cộng sản Nga lần thứ 13 năm 1924, người ta đã phải đưa ra một trường hợp điển hình một viên chức cao cấp “vì lợi riêng mà làm rối loạn kỷ cương phép nước”, được gọi là “Sự kiện Ngân hàng Công nghiệp”. Tổng Giám đốc ngân hàng Kolaruxêlốp đã biển thủ một số tiền kếch xù để ăn chơi trác táng. Không những thế ông ta còn tạo điều kiện cho những người thân thuộc, các chiến hữu thân cận đục khoét rất nhiều công quỹ, làm nhà nước thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể.

Cũng theo các tài liệu điều tra của thời kỳ đó thì tệ tham ô hối lộ hầu như phát sinh ở tất cả cơ quan công quyền. Chỉ tính từ tháng 3 đến tháng 9/1925, riêng Tòa án Moskva đã phải xử lý tới 786 vụ án có liên quan tới tệ nạn này. Trong tháng 11/1925, tòa án các cấp ở Liên Xô đã đưa ra xét xử 10.387 vụ án liên quan tới tội tham ô, hối lộ xảy ra trong các tổ chức hợp tác xã...

Nguyễn Tiến Cử (theo tài liệu nước ngoài)
.
.