Liên Hiệp Quốc “chịu thua” liên quân Arập

Thứ Hai, 13/06/2016, 11:10
Hôm 7-6, Liên Hiệp Quốc đã phải tạm thời rút lại cáo buộc, đưa liên quân các quốc gia Arập tham chiến tại Yemen ra khỏi “danh sách đen” xâm phạm quyền trẻ em, sau khi bị các quốc gia Arập trong khu vực Trung Đông gây áp lực mạnh mẽ, dọa cắt nguồn tài trợ và cắt quan hệ.

Theo thông báo từ Văn phòng Tổng Thư ký LHQ, việc tạm rút tên liên quân Arập ở Yemen ra khỏi “danh sách đen” nhằm tạo điều kiện cho việc tham vấn ý kiến và phối hợp điều tra giữa LHQ và liên quân Arập xung quanh những cái chết của trẻ em trong cuộc chiến ở Yemen. Tuy nhiên, khi tạm thời rút tên liên quân Arập ra khỏi danh sách đen, LHQ cũng vấp phải sự chỉ trích từ phía các tổ chức nhân quyền trên thế giới.

Người trực tiếp hứng chịu mũi dùi công kích từ cả hai phía không ai khác Tổng Thư ký Ban Ki-moon. Các tổ chức nhân quyền chỉ trích ông Ban Ki-moon đã “chịu thua” trước sức ép từ các quốc gia có sức mạnh. Các tổ chức này cho rằng, ông Ban Ki-moon đang làm giảm đi phần nào những thành tựu do chính mình đạt được trong hai nhiệm kỳ làm Tổng Thư ký LHQ.

Theo các nguồn tin ngoại giao, làn sóng phản ứng dữ dội của các quốc gia Arập xuất phát từ một báo cáo điều tra do LHQ thực hiện về tình trạng trẻ em trở thành nạn nhân của các cuộc xung đột vũ trang trên thế giới vừa công bố vào đầu tháng 6-2016. Báo cáo cho biết, liên quân do Arập Xêút dẫn đầu chịu trách nhiệm gây ra 60% thương vong trẻ em ở Yemen trong năm 2015, trong đó có 510 trẻ em chết, 667 bị thương.

Kết luận điều tra, LHQ đã đưa liên minh quân sự do Arập Xêút dẫn đầu vào “danh sách đen” các tổ chức, quốc gia xâm phạm nghiêm trọng quyền trẻ em. Báo cáo điều tra và hành động này của LHQ ngay lập tức nhận được sự hoan nghênh, ủng hộ của các tổ chức nhân đạo, nhân quyền, vì quyền trẻ em trên thế giới.

Tuy nhiên, cũng ngay lập tức, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã phải hứng chịu một loạt phản đối kịch liệt từ các quốc gia trong liên quân Arập Xêút. Văn phòng Tổng Thư ký LHQ cho biết đã đón nhận một “trận tập kích” các cuộc gọi điện thoại từ Bộ trưởng Ngoại giao của các quốc gia Arập tham gia liên quân, bao gồm Arập Xêút, UAE, Bahrain, Kuwait, Qatar, Ai Cập, Jordan, Morocco, Senegal và Sudan, cũng như các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC).

Theo các nguồn tin ngoại giao, nội dung phản ứng của các  nước Arập rất dữ dội. Một quan chức LHQ cho biết, các quốc gia Arập đã “áp bức, dọa nạt, gây áp lực”, hoặc thậm chí đưa ra điều kiện nếu LHQ không rút lại hành động đưa liên quân Arập vào “danh sách đen” thì họ có thể xem xét cắt nguồn tiền tài trợ cho các chương trình nhân đạo của LHQ, chẳng hạn như chương trình hỗ trợ nhân đạo cho người Palestine, để phản đối.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon.

Một số giáo sĩ Arập Xêút còn cáo buộc LHQ là “chống Hồi giáo”, và dọa sẽ ban “Thánh lệnh” đạo Hồi trừng phạt LHQ. Thánh lệnh (fatwa) là một phán quyết mang tính pháp lý được sử dụng trong Luật Sharia Hồi giáo. Ở Arập Xêút, thánh lệnh chỉ có thể được ban hành bởi một nhóm giáo sĩ hàng đầu do Chính phủ bổ nhiệm và đôi khi được triệu tập bởi Hoàng gia nắm quyền nhằm mục đích củng cố quyền lực chính trị cho mình.

Ngay sau khi báo chí đưa tin và có ý kiến của đại diện LHQ về việc Arập Xêút và nhóm quốc gia Arập trong liên quân có hành động “áp bức, đe dọa, gây áp lực”, Đại sứ Arập Xêút tại LHQ Abdullah Al-Mouallimi nói rằng “chúng tôi không sử dụng lời đe dọa hoặc dọa nạt”, và rằng Riyadh “rất ủng hộ LHQ.

Ông Mouallimi chối bỏ việc đã đưa ra bất kỳ lời đe dọa dùng “thánh lệnh”. Ông Mouallimi cải chính rằng, sự thật cuộc họp của nhóm giáo sĩ trong Hội đồng Shura là để thảo luận ban hành một tuyên bố lên án việc đưa liên minh vào “danh sách đen” mà thôi.

Về phần mình, ông Mouallimi bác bỏ báo cáo của LHQ, cho rằng một số thông tin trong đó đã được thổi phồng quá mức. Ông nói, Arập Xêút khiếu nại chủ yếu việc cơ quan điều tra của LHQ đã không căn cứ trên thông tin từ Chính phủ do Arập Xêút hậu thuẫn mà chủ yếu lấy thông tin từ các tổ chức, nhóm nghiên cứu quốc tế trên hiện trường cuộc chiến Yemen để đưa ra luận điểm buộc tội liên quân Arập.

Ông Mouallimi cáo buộc LHQ đã không tham vấn các nước trong liên quân Arập khi lập báo cáo, trong khi phát ngôn viên LHQ Stephanie Dujarric bảo rằng LHQ đã có tham vấn Arập Xêút từ trước. Mouallimi yêu cầu việc rút liên quân ra khỏi “danh sách đen” là vô điều kiện, không có chuyện nghiên cứu lại tình hình thương vong trẻ em tại Yemen.

Ngoài Arập Xêút, một số quốc gia trong liên quân Arập và OIC cũng lên tiếng phản đối mạnh mẽ báo cáo và hành động của LHQ, như Jordan, Bangladesh,… Luận điểm được các nước đưa ra đều nhắm vào việc LHQ đưa ra các số liệu thương vong trẻ em nhạy cảm và việc đưa liên quân vào danh sách đen.

Một nguồn tin ngoại giao nói rằng, việc Arập Xêút nổi đóa với LHQ là điều đã được dự liệu trước. Nhưng cách hành xử của Tổng thư ký Ban Ki-moon trước áp lực từ quốc gia này đã khiến nhiều nước khác thất vọng. Và đây không là lần duy nhất. Các nhà ngoại giao Senegal nêu điển hình vụ việc vào năm ngoái LHQ đã quyết định không đưa Israel vào “danh sách đen” sau khi nước này đã giết chết nhiều trẻ em ở Dải Gaza trong cuộc chiến với phong trào Hamas. Họ cáo buộc Tổng Thư ký đã làm thế vì Mỹ và Israel đã “vận động hành lang” ông quá quyết liệt. Họ kết luận, điều đó cho thấy Tổng thư ký Ban quá dễ bị tác động bởi các lời đe dọa của các quốc gia.

Và vụ việc hiện nay là hệ lụy từ một tiền lệ đã được xác lập từ vụ tranh cãi gần đây giữa LHQ với Morocco xung quanh việc ông Ban Ki-moon đã dùng từ “chiếm đóng” để chỉ việc quân đội Morocco hiện diện trong vùng lãnh thổ tranh chấp của Tây Sahara. Từ vụ đó, Morocco đã trục xuất hàng chục nhân viên dân sự trong lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ vào đầu năm 2016.

Thế nhưng, điều đáng nói là Hội đồng Bảo an LHQ lại không có động thái gì để gọi là ủng hộ, bênh vực hay bảo vệ vị thế của ông Ban. Điều đó khiến cho ông Ban Ki-moon – hay Tổng Thư ký LHQ nói chung – rơi vào tình thế hết sức nhạy cảm, dễ dàng bị các nước thành viên đe dọa, gây áp lực mà không có cách gì để kháng cự hay cưỡng chế.

An Tôn (tổng hợp)
.
.