Liên minh Nhật Bản - Ấn Độ thổi luồng sinh khí mới

Thứ Sáu, 27/03/2020, 10:06
Mặc dù các mối quan hệ song phương và ba bên giữa các thành viên nhóm Bộ Tứ đã "khởi sắc" kể từ năm 2017 song không rõ liệu quy mô của nhóm này sẽ phát triển vượt xa các cơ chế tham vấn hiện hành về những lợi ích chung hay không.

Trong khi đó, Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump thường bất ngờ thay đổi chính sách của mình về ngoại giao và quan hệ với đồng minh. Điều này khiến mối quan hệ đối tác lâu đời giữa Ấn Độ và Nhật Bản trở thành một trụ cột quan trọng cho tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở.

Trục "bản lề" Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Tokyo và New Delhi đã tổ chức cuộc họp bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao "2+2" đầu tiên vào ngày 30-11-2019. Dường như Nhật Bản "chuộng" cơ chế "2+2", tuy nhiên điều đáng lưu tâm ở đây là Nhật Bản là nước thứ 2, sau Mỹ, mà Ấn Độ tiến hành cuộc họp cấp cao theo định dạng này.

Cuộc đối thoại này đã tạo cơ sở để Tokyo và New Delhi nỗ lực hoàn tất thỏa thuận hậu cần quân sự gọi là Thỏa thuận về tiếp nhận và cung ứng dịch vụ tương hỗ (ACSA) dự định ký từ năm 2019. ACSA sẽ giúp tăng cường mối quan hệ hợp tác về lĩnh vực quân sự vốn đã trở nên gần gũi giữa hai nước, theo đó, Nhật Bản có thể tiếp cận các cơ sở hạ tầng quân sự của Ấn Độ ở quần đảo Andaman và Nicobar, còn Ấn Độ có thể tiếp cận căn cứ hải quân của Nhật Bản ở Djibouti thuộc vùng Sừng châu Phi.

Cơ chế đối thoại "2+2" tạo nền tảng để tìm hiểu những điểm chung của New Delhi và Tokyo về tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Mặc dù chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở của Mỹ "nhắm" đến sự kiềm chế một Trung Quốc đang trỗi dậy, song Ấn Độ và Nhật Bản lại chia sẻ một quan điểm mang tính bao hàm hơn khi muốn lôi kéo sự tham gia của các nước láng giềng trong khu vực này.

Những nỗ lực can dự như Hành lang tăng trưởng Á-Phi, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng chung ở các nước ven Ấn Độ Dương và các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng nhằm thúc đẩy không chỉ sự hỗ trợ hợp tác sống động mà còn đối trọng với sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc vốn đang xâm nhập nhanh chóng trong khu vực.

Nhật Bản và Ấn Độ có mối quan hệ đối tác lâu đời ngày càng phát triển.

Hợp lực với ASEAN

Sự ủng hộ của Nhật Bản và Ấn Độ đối với Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đem lại ưu thế cho ASEAN do tầm nhìn này ủng hộ hợp tác tiểu vùng. Do đó, sự hợp tác của Tokyo và New Delhi trong các dự án phát triển cơ sở hạ tầng chung ở các nước ven Ấn Độ Dương tạo cơ hội để ASEAN thực hiện các lĩnh vực hợp tác đã được đề ra trong khuôn tầm nhìn nói trên ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Các lĩnh vực này bao gồm hợp tác hàng hải, kết nối, phát triển bền vững và kinh tế.

Ngoài ra, những tham vọng hợp tác của Ấn Độ và Nhật Bản mở đường cho sự lựa chọn thay thế đầy hứa hẹn và có triển vọng đối với BRI của Trung Quốc. Để đạt được mục tiêu này, Nhật Bản và Ấn Độ đang hợp tác với nhau về một dự án quan trọng nhằm giúp Sri Lanka chung tay xây dựng khu bến cho tàu chở container thuộc cảng Colombo.

Ấn Độ và Nhật Bản cũng đã bắt đầu khai thác các dự án cơ sở hạ tầng chung khác ở các tiểu vùng thuộc vịnh Bengal và Mekong. Những thực tiễn địa chính trị đang thay đổi đã thổi "luồng sinh khí" mới đối với vịnh Bengal và các nước thành viên tổ chức “Sáng kiến vịnh Bengal về hợp tác kinh tế và kỹ thuật đa lĩnh vực” (BIMSTEC).

BIMSTEC phục vụ một cộng đồng Ấn Độ Dương mà New Delhi ấp ủ. BIMSTEC cũng bao gồm hai nước thành viên ASEAN (Myanmar và Thái Lan) vốn đóng vai trò quan trọng đối với các ưu tiên chính sách đối ngoại chủ chốt của New Delhi như Chính sách Hành động hướng Đông và Chính sách Láng giềng trước tiên.

Trong khi đó, "Tầm nhìn Vientiane 2.0" của Nhật Bản nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng giữa Nhật Bản với ASEAN nhằm đảm bảo quy tắc pháp trị, tăng cường hợp tác hàng hải và đối phó với những mối đe dọa an ninh phi truyền thống.

Động lực cho hợp tác

Nhật Bản và Ấn Độ có thể được hưởng lợi từ mối quan hệ đối tác phát triển và kinh tế gần gũi hơn. Hai nước cũng hợp tác đối với những dự án được triên khai ở những khu vực mang tính nhạy cảm chiến lược của quần đảo Andaman và Nicobar cũng như ở phía Đông Bắc Ấn Độ, nơi New Delhi lâu nay hạn chế cho phép đầu tư nước ngoài. Ví dụ, công ty chuyên cung cấp sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin của Nhật Bản, NEC Corporation, trúng thầu của Ấn Độ để lắp đặt một đường dây cáp dưới biển từ thành phố Chennai thuộc vịnh Bengal đến quần đảo Andaman và Nicobar.

Về mặt xã hội, Nhật Bản hiện đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng về nhân khẩu, với dân số già hóa nhanh và ngày càng thu hẹp. Không chỉ các ngành công nghiệp cần lao động phổ thông mà lĩnh vực công nghệ cao cũng đối mặt với thực trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt là kỹ sư và chuyên viên công nghệ thông tin.

Trong khi đó, Ấn Độ có dân số đang phát triển và đối mặt với thách thức phải tạo đủ công ăn việc làm cho lực lượng lao động này. Vì vậy, Tokyo và New Delhi có thể hợp tác với nhau để bù đắp cho nhau về vấn đề này, giúp kích thích những dòng chảy ý tưởng và sáng tạo.

Đối tác đang lớn mạnh

Nhìn chung, các cuộc đối thoại "2+2" có thể mang nhiều ý nghĩa, không chỉ dừng lại ở việc mở rộng hợp tác song phương mà còn có tiềm năng trở thành cơ sở giúp củng cố vững chắc tầm nhìn chung của Tokyo và New Delhi về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và cam kết của họ đối với chủ nghĩa đa phương. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng vào thời điểm Ấn Độ rút khỏi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), vốn dự kiến sẽ trở thành cột mốc của hệ thống thương mại đa phương và hệ thống dựa trên quy tắc pháp trị hiện hành.

Hệ thống quốc tế đang trải qua giai đoạn chuyển giao với việc trật tự tự do do Mỹ dẫn đầu đang suy yếu và bị thách thức bởi những tầm nhìn khu vực đối đầu nhau. Một mối quan hệ đối tác toàn diện và mạnh mẽ hơn giữa Ấn Độ và Nhật Bản sẽ tạo ra một trục bao hàm và mang tính "bản lề", cũng như tạo ra một trung tâm ổn định và đáng tin cậy trong các mối quan hệ giữa các nước châu Á với nhau.

Huy Thắng (Tổng hợp)
.
.