Lộ diện đối thủ tiềm năng thách thức quyền lực bà Merkel

Thứ Tư, 14/09/2016, 14:35
Cuộc bầu cử nghị viện bang Mecklenburg-Vorpommem (Đức) vừa qua cho kết quả đảng Alternatice fur Duetschland (AfD) qua mặt đảng truyền thống Liên đoàn Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) của bà Thủ tướng Angela Merkel, trở thành một trong hai đảng lớn ở bang này, làm cả châu Âu giật thót. Và người đứng sau góp phần làm nên sự kiện này là một phụ nữ - Frauke Petry, được đánh giá là người có tiềm năng thách thức địa vị quyền lực của bà Merkel.

Người đến từ "miền Đông"

Trông vẻ bề ngoài Frauke Petry giống đàn ông hơn là phụ nữ bởi dáng vẻ mạnh mẽ, hoạt bát, năng động, nhưng đôi lúc lúng túng trong giao tiếp vì lúc nào cũng bận bịu việc và không có nhiều thời gian dành cho gia đình. Là một bà mẹ 4 con, Petry luôn quay như chong chóng, phải chạy tới lui để làm việc và lo chu toàn cho gia đình.

Mặc dù sự nghiệp chính trị đang lên như diều gặp gió kể từ khi lên làm lãnh đạo đảng AfD, nhưng khi được hỏi về cuộc sống riêng tư, Petry vẫn khẳng định gia đình là số một.

Frauke Petry sinh năm 1975 tại thành phố Dresden. Thời thơ ấu Petry sống trong tình trạng đất nước bị phân chia thành hai miền Tây - Đông. Miền Tây lấy tên là CHLB Đức, còn miền Đông là CHDC Đức - từ đó dẫn đến một số khó khăn cho những học sinh nhỏ tuổi như Petry khi nói hay viết tên quốc gia.

Frauke Petry.

Sự phân chia hai miền Đông và Tây Đức còn để lại nhiều dấu ấn khó quên khác. Petry theo gia đình di cư sang CHLB Đức sinh sống khi 14 tuổi, chỉ vài tháng trước khi Bức tường Berlin sụp đổ, và đó cũng là một kỷ niệm không vui trong cuộc đời Petry.

Bà tâm sự với báo chí rằng, mình không mong muốn một cuộc sống thiên đường ở CHLB Đức như nhiều người nghĩ, nhưng khi gia đình bà đặt chân sang đất phía Tây, người Tây Đức nhìn bà và những người từ miền Đông sang bằng con mắt khinh rẻ. Điều đó khiến cho Petry bực tức trong lòng và hạ quyết tâm xóa hết những dấu vết từ giọng nói cho đến cách dùng từ địa phương ở miền Đông, sử dụng tiếng Đức chuẩn để người Tây Đức không còn khinh miệt mình nữa.

Nhưng dù Petry có cố gắng, nỗ lực cách mấy cũng không thể làm thay đổi được cái nhìn mang tính kỳ thị không những đối với bản thân bà mà cả với đảng chính trị do bà dẫn dắt. Hầu như báo chí Đức lúc nào cũng "chăm sóc đặc biệt" đối với bà và đảng AfD của bà.

Gần đây, Petry đã tức giận bỏ ra khỏi phòng họp với Hội đồng Hồi giáo Trung ương Đức, vì tổ chức này từ chối rút lại lời nhận xét so sánh tuyên ngôn của đảng AfD với các chính sách phát xít của đảng Quốc xã thời Hitler.

Năm 2015, bà Petry lên nắm quyền lãnh đạo AfD sau khi vị sáng lập đảng là ông Bernd Lucke bị phế truất do mâu thuẫn nội bộ với ban lãnh đạo hiện tại của đảng. Với nét mặt luôn sẵn sàng tươi cười, niềm nở với mọi người, Petry được giới báo chí đánh giá là "khuôn mặt chấp nhận được", một "khuôn mặt biết cười" của cánh hữu mới ở Đức.

Tờ Der Spiegel đã nhận xét về Petry như sau: "Một gương mặt cười thân thiện trong đoàn người rầm rộ xuống đường ở Dresden". Sau loạt thành công của đảng AfD trong các cuộc bầu cử địa phương và toàn quốc vừa qua, Petry được giới quan sát đánh giá rất cao. Bà đang trở thành một chính khách nổi tiếng, có tầm quan trọng không thua kém bà Thủ tướng Merkel.

Petry hiện đang được giới quan sát và báo chí đánh giá có tầm ảnh hưởng chỉ sau bà Merkel, và người ta dự đoán trong tương lai gần, bà này sẽ là một đối thủ đủ khả năng thách thức địa vị quyền lực của bà Merkel.

Đảng hữu khuynh mới của Đức

Thành lập vào năm 2013, ban đầu AfD theo đường lối chủ đạo là chống đồng tiền chung euro. Nhưng hai năm sau, tình hình xã hội biến động làm thay đổi cục diện chính trị nước Đức và cả châu Âu. Cuộc khủng hoảng người di cư bùng nổ do cuộc nội chiến ở Syria kết hợp với cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã làm cho cả châu Âu tràn ngập người nhập cư từ Trung Đông và Bắc Phi, trong đó nước Đức đón nhận đến 1,1 triệu người.

Sự xuất hiện người nhập cư ồ ạt kéo theo những hệ lụy làm phức tạp tình hình kinh tế - xã hội ở nước Đức khiến dân chúng bất bình. Chính sách "biên giới mở" của bà Thủ tướng Angela Merkel bị chỉ trích nặng nề, uy tín chính trị của bà và đảng CDU bắt đầu có dấu hiệu sụt giảm, thể hiện cụ thể qua cuộc bầu cử nghị viện bang Mecklenburg-Vorpommem vừa qua.

Bối cảnh này tạo điều kiện thuận lợi cho tinh thần dân tộc lên cao. Và đảng AfD của bà Petry là đảng được hưởng lợi nhiều nhất khi đưa ra luận điểm chống lại chính sách nhập cư của bà Merkel.

Những thành viên đảng AfD ăn mừng chiến thắng tại bang Mecklenburg-Vorpommem.

Chính Petry cũng thừa nhận với tờ The Guardian rằng: "Cuộc khủng hoảng người di cư năm vừa qua là chất xúc tác cho sự thành công của chúng tôi". AfD nhanh chóng vươn lên trở thành đảng phái nổi bật tại một số địa phương của Đức. Ngay trong năm đầu mới thành lập, AfD đã giành được 4,7% phiếu bầu trong cuộc bầu cử nghị viện toàn quốc, chỉ thiếu chút xíu so với ngưỡng 5% theo quy định để có đại biểu trong Quốc hội liên bang, nhưng có ghế đại biểu đầu tiên tại bang Hesse.

Năm 2014 đã chứng kiến sự lớn mạnh của AfD. Tháng 5-2014, đảng này lần đầu có đại biểu trong Quốc hội sau khi giành tới 7,1% phiếu, xếp thứ năm, đồng thời giành luôn 7 ghế đại biểu Nghị viện châu Âu. Tiếp sau đó, tháng 8 và 9-2014, là loạt thành công trong các cuộc bầu cử địa phương, giành 14 ghế nghị viện bang Saxony (9,7%) và tại các bang Thuringia và Brandensburg, mỗi bang 11 ghế (10,6% và 12.2%).

Trong loạt bầu cử địa phương hồi tháng 3-2016, AfD giành chiến thắng đầy ý nghĩa tại 3 bang ở miền Đông và Nam Đức, gồm Baden-Württemberg, Saxon-Anhalt và Rhineland-Palatinate, trong đó tỉ lệ phiếu đạt cao nhất tại bang Saxon-Anhalt với 24,4%, trở thành đảng lớn nhứ nhì tại bang này. Đây là một bước đột phá mới của AfD trên chính trường liên bang Đức, đánh dấu sự lớn mạnh của đảng này, và lần đầu tiên AfD được công nhận là chính đảng lớn thứ ba cả nước.

Bà Petry có vẻ đang rất bức xúc khi đề cập những vấn đề gây tranh cãi của một số thành viên đảng AfD. Thành phần tự do ở Đức đã phẫn nộ với việc Bjorn Hocke, một chính khách thuộc phái hữu dân tộc chủ nghĩa trong AfD, đứng đầu bang Thuringia, tuyên bố rằng việc châu Âu sẵn sàng chào đón người di cư sẽ khuyến khích người châu Phi nhập cư nhiều hơn.

Như châm thêm dầu, nghị sĩ châu Âu Marcus Pretzell cũng đưa ra lời phát biểu gây sốc rằng theo luật của Đức, cảnh sát biên giới được phép "sử dụng súng nếu cần thiết". Phát biểu này lại được chính bà Petry lặp lại trong một cuộc phỏng vấn trên báo mới đây. Gần đây, AfD còn bị "dán nhãn" cực hữu do tuyên bố liên kết với đảng FPO của Áo.

Petry bác bỏ khái niệm "cực hữu", nhưng cũng thừa nhận và biện minh cho sự liên kết này rằng FPO là một lực lượng chính trị không thể không chú ý đến, bởi những chủ trương, chính sách của đảng này có cái lý đáng quan tâm dưới góc nhìn của người Đức.

Những lời chỉ trích nhắm vào đảng AfD và Chủ tịch đảng Petry xuất phát từ đường lối, chính sách mang tính cải cách của AfD - đó là một phương án thay thế cho hiện trạng xã hội, sửa đổi những lỗi sai sót trong các chính sách mà chính quyền đương nhiệm mắc phải. Nhưng thường thì cái gì không theo truyền thống, có chiều hướng muốn phá vỡ những giá trị đã được xác lập sẵn thì hay bị chê bai, đả kích.

Petry đã không ngần ngại thể hiện quan điểm của AfD, và có lần đã buông lời tán dương ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump, gọi ông là một "sự thay thế tươi mới" đại diện cho một phong cách chính trị mới. Tiếc rằng, phong cách chính trị mới đó của ông Trump đã và đang gây ra phản ứng ngược từ phía công chúng cũng như giới chính khách truyền thống của Mỹ và thế giới.

Gương mặt tươi cười của bà Petry bên cạnh nghị sĩ châu Âu Marcus Pretzell.

Đương nhiên là cũng có một bộ phận xã hội ủng hộ ông Trump, nhưng dư luận chung được phản ánh dày đặc trên các phương tiện truyền thông đại chúng lại không chấp nhận quan điểm của ông. Chưa hết, Petry từng công khai đưa ra lời nhận xét đầy thách thức rằng, AfD cũng như FPO ở Áo rốt cuộc AfD sẽ hưởng lợi từ "sự sụp đổ của các đảng lớn".

Lời ca ngợi Trump, thái độ thân thiện đối với đảng cực hữu Tự do (FPO) ở Áo đã khiến Petry bị một số người châm biếm, đả kích nặng nề. Đau hơn nữa, đó là những lời chỉ trích từ ngay chính những thầy cô giáo cũ của Petry, đặc biệt là người thầy dạy môn hóa học, môn học xuất sắc nhất của bà, và người này đã viết trên Facebook rằng, ông không thể tiếp tục công nhận sự thông minh, sáng giá của Petry vì việc bà lãnh đạo một đảng chính trị như AfD và có quan điểm phi truyền thống. Petry gạt bỏ tất cả, chấp nhận đó như "tác dụng phụ" của việc làm chính trị và lãnh đạo một đảng theo đường lối hữu khuynh như AfD.

Một số người nhận định rằng đảng AfD của bà Petry không hẳn là một đảng cực hữu hay hữu khuynh truyền thống, vốn giương cao ngọn cờ dân tộc chủ nghĩa, bài ngoại và bảo thủ cao độ. Bản thân bà Petry cũng luôn bác bỏ những cách gọi như được báo chí, dư luận gán ghép cho AfD, cho rằng đảng của bà không phải như thế. Một số ý kiến nói rằng, AfD gần giống một đảng hữu khuynh hơn là một đảng hữu khuynh đích thực. Vì thế có người gọi đó là một đảng "hữu khuynh mới" - phi truyền thống, lấy cái mới làm phương án thay thế cho hiện trạng không hợp lòng dân chúng.

Và người ta thấy AfD luôn thay đổi chủ trương, đường lối tùy theo giai đoạn, tình hình diễn biến thực tế trong xã hội: Ban đầu là bảo vệ quyền tự chủ quốc gia, chống đồng tiền euro, đến giai đoạn khủng hoảng người di cư chuyển sang đường lối chống lại sự tràn ngập không chọn lọc người nhập cư nước ngoài vào Đức gây ra những bất ổn xã hội chưa từng có.

Người ta ghi nhận, tình hình dân nhập cư hiện tại ở châu Âu đang lắng xuống sau khi các cửa ngõ biên giới ở vùng Balkan đã bị đóng và hàng rào an ninh biên giới được dựng lên ở nhiều quốc gia Đông Âu. Người nhập cư không còn là nỗi ám ảnh thường trực như năm 2015 nữa, mặc dù người nhập cư và chính sách "biên giới mở" vẫn còn là một vấn đề chính trị ở Đức.

Trong khi đó, nước Đức lại chứng kiến một loạt vụ việc tấn công bằng dao, bằng súng tại một số bang ở miền Nam và Đông Nam do các phần tử Hồi giáo cực đoan "sói đơn độc" gây ra, khiến dư luận công chúng một lần nữa lo ngại cho an ninh, an toàn của họ. Những vụ việc này xảy ra trong lúc hàng trăm ngàn người Hồi giáo nhập cư vào nước Đức thời gian qua có cả những phần tử xấu trà trộn vào. Vì vậy, chương trình hành động của AfD đã chuyển sang một chủ trương mới là "ngăn chặn Hồi giáo hóa nước Đức".

Những chính sách này, dù có được biện minh thế nào, được triển khai với một "gương mặt tươi cười" của bà Petry, vẫn bị xem là hữu khuynh, thậm chí cực hữu, theo tiêu chuẩn chính trị của châu Âu.

An Châu (tổng hợp)
.
.