Lỗ hổng an ninh của mật vụ Mỹ

Thứ Tư, 16/12/2009, 14:55
Sau khi xảy ra vụ một cặp vợ chồng diễn viên "truyền hình thực tế" đến dự tiệc chiêu đãi ở Nhà Trắng không có giấy mời, giới chức an ninh Mỹ bắt đầu mở cuộc điều tra, còn báo chí thì lật lại những báo cáo mật của Cơ quan Mật vụ (SS) và phát hiện rằng cơ quan này đã để xảy ra gần 100 vụ đột nhập vòng vây an ninh. Đây là vấn đề rất đáng ngại trong bối cảnh có nhiều dư luận về các âm mưu ám sát Tổng thống Barack Obama.

Từ vụ "những vị khách không mời"

Khi báo chí Mỹ đưa tin về việc có "những vị khách không mời" tại bữa dạ tiệc quốc gia, mọi người mới té ra rằng Cơ quan Mật vụ Mỹ đã không hề hay biết sự hiện diện của cặp vợ chồng Michaele và Tareq Salahi. Từ đó, dư luận đặt câu hỏi: Vợ chồng Salahi đã đột nhập như thế nào?

Vợ chồng Salahi là cặp diễn viên đang muốn được chọn làm diễn viên chính của chương trình truyền hình thực tế có tên gọi là "Các bà nội trợ đích thực của Washington". Vào hôm diễn ra sự kiện dạ tiệc Nhà Trắng 24/11 vừa qua, vợ chồng Salahi đã nói dối với Đài Bravo - đơn vị thực hiện chương trình - rằng họ "được mời" dự bữa tiệc (nhưng không đưa ra giấy mời chính thức).

Theo lời kể của những người có mặt tại chỗ, khi vợ chồng họ "hiên ngang" tiến vào tiền sảnh trải thảm đỏ và đi ngang qua chốt kiểm soát của mật vụ, không hiểu sao họ đã lọt qua một cách dễ dàng. Các hình ảnh do chính vợ chồng Salahi đăng trên mạng xã hội Facebook cho thấy họ đã đứng trên thảm đỏ chụp hình lưu niệm với Phó tổng thống Joe Biden và Chánh văn phòng Nhà Trắng Rahm Emanuel; sau đó, vợ chồng Salahi đã tiếp xúc và bắt tay thân mật với Tổng thống Barack Obama (có Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đứng bên cạnh), thậm chí còn đến khu vực phát biểu của Tổng thống Obama có kính chống đạn (và dẫn điện) bảo vệ 4 bên và ngồi lên chiếc ghế ông Obama đã ngồi để chụp hình lưu niệm!

Làm sao mà một cơ quan chuyên trách bảo vệ yếu nhân nổi tiếng là chuyên nghiệp nhất thế giới như mật vụ Mỹ lại để cho một cặp vợ chồng nghệ sĩ bình thường qua mặt? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một tên khủng bố chứ không phải cặp vợ chồng Salahi tiếp cận Tổng thống Obama ở cự ly gần như thế?

Phóng viên Iraq Muntazer al-Zaidi “tặng” Tổng thống W.Bush "nụ hôn vĩnh biệt" ngày 15/12/2008.

Giám đốc SS Mark Sullivan không nói gì ngoài câu giải thích ngắn gọn: khâu kiểm soát tại nơi vợ chồng Salahi đi qua đã không thực hiện đúng thủ tục cần thiết, tức không kiểm tra tên của họ trong danh sách khách mời trước khi cho họ đi qua. "Chỉ thuần túy và đơn giản là... lỗi của con người", Sullivan nói. Nhưng vấn đề không đơn giản như thế.

Cơ quan Mật vụ Mỹ là đơn vị chịu trách nhiệm bảo vệ sự an toàn cho hàng trăm yếu nhân mỗi năm (ở trong cũng như bên ngoài nước Mỹ), bao gồm các lãnh đạo cao cấp của nước Mỹ và các lãnh đạo trong Đại hội đồng LHQ. Chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Đây là một bài học đáng để Mật vụ Mỹ ghi nhớ. Cho nên, ngay sau khi vụ việc bị báo chí phanh phui, cơ quan này đã mở một cuộc điều tra hình sự đối với vợ chồng Salahi, đồng thời tổng kiểm tra toàn bộ các thủ tục an ninh trong nội bộ cơ quan.

Khi vòng vây an ninh bị xuyên thủng...

Nói gì thì nói, vụ vợ chồng Salahi "đột nhập" dạ tiệc Nhà Trắng cũng đã làm cho Cơ quan Mật vụ Mỹ thêm một vố bẽ mặt. Và đây là vụ mới nhất trong hàng chục vụ xuyên thủng vòng vây an ninh của mật vụ Mỹ xảy ra trong 3 thập niên qua. Theo tờ Washington Post, một báo cáo mật của mật vụ Mỹ thực hiện đã phác họa một bức tranh không mấy sáng sủa của hoạt động bảo vệ yếu nhân của mật vụ Mỹ. Phát ngôn viên SS Edwin Donovan cho biết, báo cáo này được thể hiện dưới dạng bản phim đèn chiếu (slide) dùng như giáo trình huấn luyện các nhân viên và sĩ quan an ninh mật vụ nhằm rút bài học kinh nghiệm, cải thiện hoạt động của cơ quan.

Theo bản báo cáo, từ năm 1980 đến nay, các nhân viên mật vụ đã để xảy ra ít nhất 91 vụ xuyên thủng vòng vây an ninh, trong đó có trường hợp một người đến 3 lần xâm nhập thành công, và đặc biệt là có đến 8 vụ đối tượng tiếp cận Tổng thống Mỹ hoặc yếu nhân được bảo vệ. Các đối tượng xâm nhập vòng vây an ninh thuộc đủ mọi thành phần, từ những kẻ ham nổi tiếng cho đến những gia đình chơi ngông, thích làm chuyện khác người. Đa số được SS cho là "có vấn đề về tâm thần".

Năm 2001, Giám đốc SS khi đó là Brian Stafford đã tiến hành đợt kiểm điểm hoạt động mật vụ sau khi phát hiện một người đàn ông đến từ California tên là Richard C. Weaver lần thứ 3 xuyên thủng vòng vây an ninh.

Vợ chồng Michaele Salahi Tareq đến chào Tổng thống Obama tại quốc tiệc đầu tiên của ông hôm 24/11.

Cụ thể, lần thứ nhất năm 1991, Weaver đột nhập vào buổi cầu nguyện sáng của Tổng thống George H.W. Bush; lần thứ 2 vào năm 1997, Weaver lại đột nhập buổi tiệc mừng lễ nhậm chức nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Bill Clinton; và lần thứ 3, tại buổi lễ nhậm chức của Tổng thống George W.

Bush tháng 1/2001, y lại lọt được vào bên trong và bắt tay Tổng thống W. Bush trước khi bị bắt. Trong vụ này, mật vụ Mỹ cho rằng Weaver đã xoay được tấm vé mời của ai đó, nhưng chính Weaver thì bông đùa: "Tôi tin là Chúa đã làm cho tôi tàng hình trước mắt lực lượng an ninh nên không bị phát hiện".

Nghiêm trọng nhất là vụ John W.Hinckley Jr bắn bị thương Tổng thống Ronald Reagan vào tháng 3/1981. Vụ này, Hinckley không xâm nhập vòng vây an ninh mà bắn từ bên ngoài. Giai đoạn này cũng chứng kiến số vụ xuyên thủng vòng vây an ninh nhiều nhất, với trên 90% số vụ tính đến nay.

Sau hàng loạt vụ khủng bố lớn (như vụ đánh bom khu doanh trại thủy quân lục chiến Mỹ ở Beirut năm 1983, vụ đánh bom tòa nhà liên bang ở Oklahoma năm 1995 và vụ khủng bố ngày 11/9/2001), Nhà Trắng đã đưa ra một số biện pháp siết chặt an ninh, cộng với việc SS thường xuyên huấn luyện rút tỉa kinh nghiệm cho nhân viên và sĩ quan an ninh, cho nên số vụ xuyên thủng vòng vây an ninh đã giảm đáng kể.

Mặc dù vậy, hàng loạt vụ xâm phạm an ninh nghiêm trọng vẫn liên tục xảy ra. Năm 1994, một phi công tử nạn sau khi đâm máy bay xuống bãi cỏ trong khuôn viên Nhà Trắng; một gã điên loạn đã xả súng từ bên ngoài hàng rào trên đại lộ Pennsylvania. Tháng 7/2003, một gã tâm thần đã tháp tùng nhóm phóng viên báo chí đi cùng Tổng thống W.Bush trên chiếc chuyên cơ Air Force One và vào tận Nhà Trắng trong suốt 2 ngày.

Sau đó, các nhân viên SS phải lục soát chiếc Air Force One do gã nọ tuyên bố có mang theo "vũ khí"! Còn, trong chuyến công du Gruzia năm 2005, Tổng thống W.Bush đã bị một phen "hồn vía lên mây" khi một thanh niên Gruzia áp sát vòng vây mật vụ ném lựu đạn vào. Vụ này, Tổng thống Bush may mắn không sao, nhưng gã thanh niên bạo gan nọ thì đã "biến mất" không ngày trở về.

Gần đây nhất là vụ "nụ hôn vĩnh biệt" (vụ ném giày) mà phóng viên Iraq Muntazer al-Zaidi tặng cho Tổng thống Bush tại cuộc họp báo ngày 15/12/2008 để thể hiện sự căm tức của nhân dân Iraq đối với Mỹ. Vụ này, mật vụ Mỹ lại một phen hứng búa rìu dư luận do không bảo vệ được Tổng thống Mỹ trong môi trường an ninh nhạy cảm như ở Iraq.

Trong lúc dư luận không ngớt lời đàm tiếu về vụ đột nhập của vợ chồng Salahi thì trên tờ New York Times, ông Henry Morgenthau III, con trai của người từng làm Bộ trưởng Tài chính dưới thời Tổng thống Franklin D. Rosevelt, kể lại câu chuyện thời trẻ. Cách đây 71 năm, vào ngày 31/12/1938, Morgenthau III và cậu em út được mời đến Nhà Trắng để cùng với bố mẹ dự lễ đón năm mới cùng với gia đình Tổng thống và bạn bè ở phòng khách gia đình trên lầu Nhà Trắng, trong khu riêng của gia đình Tổng thống.

Vụ ám sát (hụt) Tổng thống Reagan năm 1981 là sự cố tồi tệ nhất trong 30 năm gần đây.

Morgenthau III cũng giải thích là phụ thân ông, vốn là Bộ trưởng Tài chính, nên cũng là người đứng đầu Sở Mật vụ (cơ quan mà ngoài việc bảo vệ cho các yếu nhân Mỹ, còn có nhiệm vụ về tài chính, bảo vệ và ngăn cản việc làm giả tiền Mỹ cũng như điều tra về các gian lận tài chính).

Ông Morgenthau - bố rất coi trọng vấn đề bảo vệ an ninh cho Tổng thống bởi chỉ vài tuần trước lễ nhậm chức, Tổng thống Roosevelt đã suýt nguy đến tính mạng khi kẻ sát nhân bắn chết Thị trưởng Anton J. Cermak của thành phố Chicago lại ngồi kế bên Tổng thống đắc cử trên cùng một chiếc xe hơi.

Theo Morgenthau III, ông và cậu em đã đưa cô cháu gái của đệ nhất phu nhân và một cô bạn đi chơi đến 23 giờ mới mò về Nhà Trắng để dự lễ đón năm mới. Khi về đến Nhà Trắng, ông ta ngạc nhiên thấy bị vặn hỏi giấy tờ cặn kẽ rồi mới cho vào, khác với bình thường.

Sau khi được hộ tống lên lầu, ông thấy phụ thân đang tỏ ra rất bực tức. Số là trước đó, một học sinh trung học tên là Joe Measell và cô bạn Beatrice White, cùng với cậu em 14 tuổi đã lái xe đến cửa Nhà Trắng. Bạn bè của họ đã thách họ làm sao lấy được chữ ký của Tổng thống và phu nhân, và họ đã thành công.

Theo Chris Weigant (trong website Huffington Post) thì những hành động này đều thua xa chuyện xảy ra dưới thời Tổng thống Andrew Jackson. Tổng thống Jackson, người mà ông Weigant gọi là Tổng thống "nông dân" đầu tiên, đã mời tất cả người dân đến tham dự lễ nhậm chức của ông tại Nhà Trắng.

Và dân chúng thời đó đã tin lời ông. Khi Tổng thống cưỡi ngựa đi từ Điện Capitol về Nhà Trắng, đường chật đến nỗi ông không làm sao về được đến nơi. Một nhân chứng than là không ai nghĩ cả đến việc điều động cảnh sát để giữ trật tự, khiến cho con đường đại lộ biến thành một biển người vô trật tự.

Một nhân chứng kể là họ sợ Nhà Trắng sụp mất vì số người đổ vào quá đông. Cuối cùng, theo Huffington Post, sau khi đã đập phá không biết bao nhiêu là ly pha lê và đồ đạc của Nhà Trắng, một nhân viên ban tiếp tân có sáng kiến là vác hết rượu ra để ngoài sân.

Thế là Nhà Trắng được giải phóng vì mọi người đều đổ ra sân để uống rượu. Chuyện không biết có thật hay không nhưng nghe quả hấp dẫn. Dĩ nhiên thời nay không một tổng thống nào lại "mở cửa" Nhà Trắng cho dân chúng tự do tha hồ muốn làm gì thì làm như vậy.

Tháng 10/1982, xảy ra sự kiện "Cả nhà du ngoạn" của gia đình James Douglas Imes. James, 38 tuổi, cùng vợ và 2 con trai đi trên một chiếc xe minivan tiến vào khuôn viên Nhà Trắng và bóp còi inh ỏi và được... cho vào. Các nhân viên an ninh không biết chuyện gì đang xảy ra, nghĩ rằng họ "được phép" nên mới "dám" vào, cho nên tiếp tục để họ vào tận lối vào Phòng Bầu dục.

Một vụ khác, tháng 1/1987, Christian K. Hughes, 37 tuổi, biệt danh "Gã bán báo", đã ung dung lái xe qua cổng rào Nhà Trắng mà không bị chặn lại vì nhân viên an ninh nghĩ rằng anh ta là "người giao báo"; y chạy lòng vòng một hồi, đòi gặp Chánh văn phòng Nhà Trắng và "quậy" lung tung rồi mới bị chặn lại.

Vụ buồn cười nhất và cũng tai tiếng nhất là vào dịp lễ Phục sinh năm 1998, Mary D'Aiuto, 27 tuổi, khăng khăng bảo rằng mình có "quan hệ đặc biệt" với Tổng thống Bill Clinton và đòi vào gặp ông. Cuối cùng Mary không chỉ được vào gặp ông Clinton mà còn được "chụp hình" liên tục(!?) Vụ vợ chồng Salahi là một trong những vụ việc không nghiêm trọng lắm nhưng cũng đủ làm mất uy tín mật vụ Mỹ.

Tất nhiên, mật vụ Mỹ đã lập rất nhiều chiến công, đã bảo vệ thành công hàng ngàn chuyến công tác của các lãnh đạo Mỹ và thế giới, cả bên trong và ngoài nước Mỹ. Nhưng việc để xảy ra quá nhiều sự cố "lỗ hổng an ninh" như trên đây đang gây lo ngại cho việc bảo vệ an toàn cho Tổng thống Obama và gia đình ông, vì những đối tượng kỳ thị chủng tộc và nhiều thành phần khác vốn không chấp nhận ông Obama - vị Tổng thống Mỹ gốc Phi đầu tiên trong lịch sử.

Nhà Trắng vẫn là tòa nhà trên nguyên tắc là của người dân Mỹ, và ai cũng có thể được vào thăm nhưng chỉ ở một số nơi nào đó. Nhưng trong thời đại của khủng bố toàn cầu, sự an nguy của tổng thống Mỹ đã trở nên cực kỳ quan trọng. Đó là lý do mà Sở Mật vụ đang vô cùng lúng túng về vụ để cho hai vợ chồng Salahi không có giấy mời vào được đến phòng đại tiệc.

Nhất là gần đây có tin đồn rằng mức độ đe dọa tính mạng đối với Tổng thống Barack Obama nhiều gấp 4 lần mức trung bình đối với các tổng thống khác. Tuy nhiên, ngay sau đó, Giám đốc Sở Mật vụ Mark Sullivan lên tiếng bác bỏ và cho biết số lượng lời đe dọa nhắm đến Tổng thống Obama cũng tương đương với cựu Tổng thống George W. Bush hay Bill Clinton!

Nguyên Khang - Nguyễn Bảo (tổng hợp)
.
.