Cựu Thứ trưởng Tư pháp Mỹ James B. Comey:

“Lựa chọn vàng” cho chiếc ghế Giám đốc FBI

Thứ Bảy, 06/07/2013, 04:45

Ngày 21/6, Tổng thống Barack Obama chính thức đưa ra thông báo đề cử ông James B. Comey, một luật sư và là cựu Thứ trưởng Tư pháp dưới thời Tổng thống George W. Bush, làm tân Giám đốc của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) vào mùa thu năm 2013. Comey được biết đến nhiều nhất qua việc từ chối phê duyệt về mặt pháp lý chương trình theo dõi của Chính phủ Mỹ hồi năm 2004, khi đang làm quyền Bộ trưởng Tư pháp.

Một sự nghiệp thành công

James B. Comey, 52 tuổi, từng làm Thứ trưởng Bộ Tư pháp cùng với người tiền nhiệm Robert Mueller ở Bộ Tư pháp, dưới thời Tổng thống George W. Bush và cũng có giai đoạn là quyền Bộ trưởng Tư pháp.

Nhà Trắng ca ngợi ông Comey là một trong những chuyên viên tài năng và đáng nể nhất nước Mỹ về thi hành án và an ninh quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong các tranh luận chống khủng bố dưới thời Tổng thống Bush. Trong khi đó, các đồng nghiệp nhận xét: James B. Comey là một công tố viên, chuyên gia an ninh tầm cỡ trong hơn hai thập niên. Điều đó chứng tỏ tinh thần bền bỉ, tính toàn vẹn và nguyên tắc rất phù hợp cho cương vị giám đốc Cục Điều tra quốc gia.

Tốt nghiệp Đại học Luật Chicago, James B. Comey thăng tiến rất nhanh trong Bộ Tư pháp, giữ vai trò trợ lý bộ trưởng trước khi tiếp quản chiếc ghế thứ trưởng từ năm 2003 tới 2005. Sau khi rời khỏi Bộ Tư pháp năm 2005, ông Comey trở thành luật sư chính cho Tập đoàn Hàng không vũ trụ Lockheed Martin đến năm 2010. Gần đây, Comey làm việc tại Khoa luật của Trường đại học Columbia với tư cách là một học giả nghiên cứu cao cấp sau khi làm việc cho Quỹ đầu tư rủi ro Bridgewater Associates từ năm 2010 đến năm 2013.

Quả thực, luật pháp dường như đã ăn sâu vào máu thịt của Comey. Khi là một ủy viên công tố trẻ tuổi tại văn phòng luật sư Mỹ ở Manhattan, ông đã giúp đập tan băng nhóm tội phạm mafia Gambino. Ông cũng có vai trò quan trọng chống lại bạo lực và giảm tỷ lệ tội phạm giết người khi làm ủy viên công tố liên bang ở Virginia.

Một trong những điểm nhấn sự nghiệp quan trọng của Comey là quá trình điều tra cái chết của 19 binh lính Mỹ sau vụ ném bom khủng bố hồi năm 1996. Trong vai trò của một trợ lý luật sư ở quận Đông Virginia, James B. Comey được giao xử lý vụ đánh bom vào một căn cứ quân sự của Mỹ ở khu vực tháp Khobar, Arập Xêút. Sau khi dẫn đầu một nhóm điều tra từ năm 2001, Comey đã truy tố thành công 14 phần tử phản động liên quan, đem tới cho ông danh hiệu luật sư nổi tiếng nhất nước Mỹ thời bấy giờ.

Cựu Thứ trưởng Tư pháp này nổi tiếng nhất với việc đối đầu với các quan chức Nhà Trắng về tính hợp pháp của một chương trình nghe lén của FBI. Ông được coi là người mạnh mẽ bảo vệ luật lệ và năm 2004 đã định từ nhiệm khi nêu lên sự quan tâm về lệnh theo dõi điện tử của chính phủ mà ông coi là bất hợp pháp. "Ông ấy sẵn sàng từ bỏ công việc ông yêu thích thay vì là một phần của thứ ông cảm thấy sai trái về cơ bản", Tổng thống Obama nói khi đề cập đến việc Comey từng đe dọa từ chức trong vụ tranh cãi, khi đề cử ông tại Nhà Trắng.

Tổng thống Barack Obama phát biểu đề cử James B. Comey.

Không thích… nghe lén

Điều khiến dư luận chú ý tới con người này chính là việc ông Comey bất chấp mọi áp lực từ chính quyền cựu Tổng thống Bush, từ chối phê duyệt về mặt pháp lý của chương trình theo dõi hồi năm 2004, khi đang làm quyền Bộ trưởng Tư pháp thay thế cho Bộ trưởng Tư pháp John Ashcroft đang phục hồi sau phẫu thuật. 

James B. Comey là thành viên đảng Cộng hòa, nhưng sự kiên định của ông khi ngăn chặn chương trình nghe lén năm 2004 đã nhận được sự tán dương từ các thành viên đảng Dân chủ. Comey trở thành nhân vật được quan tâm hàng đầu, và bị chỉ trích khi một mình quyết định từ chối tái khởi động chương trình theo dõi mà ông cho rằng "chẳng khác nào thứ rác rưởi".

Tới cực điểm, Comey đã viết một lá thư xin từ chức và kêu gọi nhiều chính khách khác biểu tình chống lại chương trình theo dõi "có vấn đề" của chính phủ. Chính vì sự từ chối này mà hai giới chức cấp cao của Nhà Trắng phải cố gắng thuyết phục ông Ashcroft ký phê duyệt chương trình theo dõi khi còn đang nằm trên giường bệnh.

Ông cho biết lý do từ chối xuất phát từ chính mong muốn của "sếp" Ashcroft không lâu trước ngày nhập viện. Thế nhưng, Comey lại phải chịu sức ép từ hai chính khách do cựu Tổng thống Bush cử đến bệnh viện, yêu cầu Ashcroft tước quyền của Comey và chính ông phải ký lệnh cho tái khởi động chương trình theo dõi của chính phủ. "Tôi không thể chịu được nữa. Chính phủ đã lợi dụng một người đàn ông ốm yếu trên giường bệnh để thực hiện âm mưu chẳng lấy làm gì tốt đẹp", Comey tức giận chia sẻ với báo New York Times.

Trong thời kỳ quản lý quỹ rủi ro lớn bậc nhất nước Mỹ, ông Comey cùng các phụ tá đã cố gắng truy tố hình sự các tập đoàn ở phố Wall do liên quan tới việc nền kinh tế hứng chịu những đợt suy thoái nghiêm trọng. Sự kiện này diễn ra rất gay gắt đến mức James B. Comey quyết tâm kiện chính các đồng nghiệp của ông, cho dù những người bị lôi ra tòa đều công khai tuyên bố vô tội.

Nếu được lựa chọn, ông Comey sẽ thay thế ông Robert Mueller, đã giữ chức vụ từ 12 năm, trước vụ tấn công khủng bố 11-9, lâu hơn nhiệm kỳ tối đa bình thường 2 năm theo yêu cầu gia hạn của Tổng thống Obama. James Comey khi phụ trách FBI sẽ phải đối mặt với thách thức không nhỏ vào lúc chính quyền Mỹ đang bị chỉ trích gay gắt liên quan tới chương trình do thám, nghe lén các công dân Mỹ và ngoại quốc…

Lâm Anh (theo New York Times)
.
.