Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu:

Rồng thiêng, sư tử biển và Singapore phồn thịnh

Thứ Ba, 31/03/2015, 11:15
Trong các vấn đề quốc tế, không có bất kỳ nhân vật nào được cả một thế hệ các nhà lãnh đạo thế giới thường xuyên tham khảo ý kiến và chăm chú lắng nghe bằng “Nhà hiền triết của Singapore”. Ông nổi tiếng với câu đúc kết: “Chúng tôi phải đi theo bất kỳ hướng nào theo tiếng gọi của tình hình thế giới nếu chúng tôi muốn tồn tại và là một phần của thế giới hiện đại này. Nếu chúng tôi không kết nối với thế giới hiện đại, chúng tôi chết. Chúng tôi sẽ quay trở lại cái làng chài trước đây”.

Trọng dụng nhân tài - điểm mấu chốt trong chính sách lãnh đạo

Điều gì đã làm nên những kỳ tích mà mọi người dân Singapore ngày nay đều ca ngợi mỗi khi nhắc đến Thủ tướng đầu tiên của họ? Hãy nhìn vào những chính sách mà Thủ tướng Lý Quang Diệu đã kiên trì xây dựng và thực hiện để biến Singapore từ một "vùng đất đầm lầy" thành "thành phố trong mơ".

Có thể nói, chính sách xuyên suốt và quan trọng hàng đầu mà ông Lý Quang Diệu áp dụng (và cho đến tận bây giờ các thế hệ lãnh đạo Singapore vẫn kiên trì theo đuổi) chính là trọng dụng nhân tài.

Tại sao đảng Nhân dân hành động (PAP) của ông Lý Quang Diệu lại có thể dẫn dắt được người dân Singapore? Lời đáp chính là việc PAP đã tập hợp được rất nhiều người tài, có học vấn cao.

Bản thân Tổng Thư ký Lý Quang Diệu đã tốt nghiệp ngành Luật, Trường đại học Cambridge danh tiếng của Anh năm 1949, khi mới 26 tuổi.

Thủ tướng thứ hai của Singapore, giai đoạn 1990-2004, ông Goh Chok Tong cũng tốt nghiệp tại Đại học Williams College, Mỹ, chuyên ngành Phát triển kinh tế.

Ông Lý Quang Diệu.

Quan điểm của ông Lý Quang Diệu về trọng dụng, thu hút nhân tài đã được Singapore thực hiện triệt để, rất có hiệu quả.

Thứ nhất, không chỉ tập trung đào tạo và phát triển người tài ở trong nước, Singapore còn đẩy mạnh thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới, với những chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để họ làm việc, định cư lâu dài và nhập quốc tịch Singapore dễ dàng.

Thứ hai, ông Lý Quang Diệu chủ trương PAP trực tiếp lãnh đạo đất nước. Tổng Thư ký PAP luôn nắm chức Thủ tướng. Các đảng viên cao cấp PAP giữ các cương vị Bộ trưởng. Qua đó, đường lối của PAP được thực hiện trực tiếp qua các đảng viên nắm chức vụ lãnh đạo nhà nước, nhờ vậy các chính sách luôn được xuyên suốt, đảm bảo tính nhất quán.

Thứ ba, và cũng là một trong những quyết định được cho là "then chốt" để Singapore bắt nhịp sự phát triển của thế giới, đó là chọn tiếng Anh làm một trong 4 loại ngôn ngữ được sử dụng chính thức ở đảo quốc Sư tử.

Ông từng nói: "Nắm vững tiếng Anh, đó là chìa khóa để giành lấy tri thức, công nghệ cao của phương Tây".

Thứ tư, tôn chỉ và mục đích của Singapore được xác định là xây dựng một nhà nước tôn trọng người dân. Ông Lý Quang Diệu từng phát biểu: "Nếu chúng ta không ra sức làm việc, thì khi nhân dân mất lòng tin, tội lỗi sẽ thuộc về chúng ta. Khi nhân dân đã mất hết lòng tin, thì họ sẽ đòi hỏi một chính phủ khác".

Thành tựu thứ năm không thể không nói đến là quyết tâm chống tham nhũng triệt để. Ông Lý Quang Diệu nói: "Sự sống còn của Singapore hoàn toàn dựa vào sự liêm khiết và hiệu suất của các bộ trưởng và quan chức cao cấp của chính phủ".

Ông nhiều lần khẳng định: "Nhân dân quyết không thể dung tha những phần tử đầu cơ và lưu manh". Nhưng, muốn chống tham nhũng tốt và muốn thu hút được nhân tài, quan chức chính phủ phải được trả lương xứng đáng.

Mặc dù vậy, ông Lý Quang Diệu vẫn vấp phải không ít chỉ trích trong đường lối lãnh đạo của mình, trong đó nhiều người gọi ông là kẻ độc tài, chuyên quyền. Song ông từng nói thẳng với tờ Straits Times: "Chúng tôi cứ thấy đúng là làm, chẳng hơi đâu mà quan tâm thiên hạ nghĩ gì!".

Nhưng cùng lúc, Lý Quang Diệu là người có đầu óc cực kỳ "mở" và vô cùng linh hoạt. Trả lời với tờ New York Times, ông nói: "Tôi nghĩ chúng tôi phải đi theo bất kỳ hướng nào theo tiếng gọi của tình hình thế giới nếu chúng tôi muốn tồn tại và là một phần của thế giới hiện đại này. Nếu chúng tôi không kết nối với thế giới hiện đại, chúng tôi chết. Chúng tôi sẽ quay trở lại cái làng chài trước đây".

Giai thoại về biểu tượng rồng thiêng

Lý Quang Diệu được xem là một chính trị gia có ảnh hưởng nhất tại đảo quốc với những bài học không bao giờ xưa cũ, đó là: Luôn tỏa sáng; Đưa ra quyết định dù trong hoàn cảnh khó khăn; Tạo sức mạnh cho lời nói; Hành động hơn lời nói; Tinh thần thép; Luôn thực tế; Chung thủy và Không bao giờ nói từ "chết".

Lý Quang Diệu đã để lại cho đất nước Singapore một gia tài vô giá mà theo các chuyên  gia khó có một ai sau này có thể "theo kịp" được người tiền nhiệm xuất sắc nhất của họ. Tuy nhiên, ít ai có thể biết, đằng sau những chính sách thể hiện bản lĩnh và tầm nhìn đem lại sự hưng thịnh cho quốc đảo Singapore, là có phần đóng góp không nhỏ của thuật phong thủy. Giới phong thủy ở khu vực Đông Nam Á từng đồn rằng, Thủ tướng Lý Quang Diệu là người đam mê phong thủy.

Việc ông Lý Quang Diệu tin phong thủy thì ai cũng biết, ông Lý có quan hệ rất gần gũi với một trong những bậc thầy phong thủy tài ba nhất thế giới, một vị chư tăng giản dị nhưng vô cùng thông thái.

Người ta đồn rằng, vào giữa những năm 80, khi Singapore xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, việc đào bới lòng đất khiến nền kinh tế quốc đảo rơi vào suy thoái. Ông Lý đã tìm đến thầy phong thủy nọ và được khuyên rằng, để phục hồi kinh tế, mọi người dân Singapore phải treo gương bát quái.

Văn phòng Thủ tướng cho rằng, trong một cộng đồng mang tính quốc tế cao như Singapore, việc thuyết phục mọi người làm theo điều này là vô cùng khó khăn.

Lý Quang Diệu đã đưa ra giải pháp riêng của mình. Ông cho phát hành đồng tiền 1 đô la có hình bát quái, vẫn lưu hành cho đến nay. Tuy nhiên, điều này cũng không cứu vãn được tình thế. Ông Lý lại tìm đến vị chư tăng đáng kính và nhận được lời khuyên phải để hình bát quái lộ diện nhiều hơn.

Đồng xu 1 đôla Singapore và tờ 50 đôla có in hình rồng ở góc trái.

Thế là chính quyền liền cho phát hành loại tem xác nhận việc đóng thuế đường (mà các lái xe dùng để dán ở kính trước của ôtô) mang hình bát quái. Và từ đó, nền kinh tế Singapore phục hồi trở lại.

Một vài năm sau, vị chư tăng lâm bệnh, và người ta đồn rằng, ông đã khuyên nên đặt một con rồng hướng về cửa sông Singapore, để giúp vĩnh viễn bảo vệ sư tử biển Merlion, biểu tượng của quốc đảo.

Một lần nữa, Singapore lại tìm được giải pháp bảo vệ sự phồn thịnh của mình. Chính quyền ông Lý Quang Diệu đã cho in hình ảnh rồng ở góc trái của đồng tiền 50 đôla. Trên đồng tiền này cũng có hình sông Singapore và bến cảng, và như vậy, một cách tượng trưng, rồng thiêng sẽ bảo vệ sư tử biển và sự phồn thịnh của đất nước này.

Cảm tưởng của các nguyên thủ thế giới về ông Lý Quang Diệu

Là một trong những người đầu tiên bày tỏ sự tiếc thương trước sự ra đi của ông Lý Quang Diệu, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon mô tả: “Cựu Thủ tướng là một nhân vật huyền thoại của châu Á, tài lãnh đạo và quản lý của ông được dân chúng kính trọng”.

“Ông ấy là người khổng lồ thực sự của lịch sử, người sẽ được các thế hệ nhớ tới là cha đẻ của một Singapore hiện đại và là một trong những nhà chiến lược vĩ đại về các vấn đề châu Á”. Hãng tin Reuters dẫn lời Tổng thống Mỹ Barack Obama nói như vậy  trong điện chia buồn tới nhân dân Singapore khi cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu qua đời. Tổng thống Mỹ đánh giá cao sự uyên bác của ông Lý, thể hiện trong những cuộc thảo luận hồi năm 2009 khi ông Obama đến thăm Singapore vào thời điểm Mỹ đang xây dựng chính sách về châu Á - Thái Bình Dương.

Cựu Tổng thống Mỹ Bush (cha) nói rằng, ông tự hào vì từng gọi ông Lý là bạn: “Tôi kính trọng sự lãnh đạo hiệu quả của ông với đất nước tuyệt vời, kiên cường và đầy sáng kiến theo cách nâng cao mức sống của người dân mà không nuôi dưỡng văn hóa tham nhũng”.

Thủ tướng Anh David Cameron khẳng định: “Lý Quang Diệu đã kiến tạo Singapore theo cách mà rất ít người làm được. Vị trí của ông trong lịch sử sẽ không bao giờ phai nhạt”. Các lãnh đạo thế giới nhớ tới Lý Quang Diệu với hình ảnh một chính trị gia vĩ đại đã đặt nền móng cho một Singapore hiện đại là cường quốc kinh tế của châu Á. Ông cũng là người có ảnh hưởng rất lớn trong quá trình thành lập Cộng đồng Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Thủ tướng Australia Tony Abbott gọi ông Lý Quang Diệu là “người khổng lồ của khu vực”, người đã dẫn dắt một Singapore yếu kém và non nớt 50 năm trước trở thành một đất nước độc lập. “Nhờ có sự lãnh đạo của ông, Singapore giờ đây là một trong những quốc gia thịnh vượng nhất thế giới, một trung tâm tài chính và một trong những địa điểm dễ kinh doanh nhất thế giới”, ông Abbott nói.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.