Malaysia: Ông Anwar Ibrahim trở lại chính trường

Thứ Hai, 01/10/2018, 16:25
Từng bị cách chức Phó Thủ tướng và sau đó là bị bắt giữ vào ngày 20-9-1998, cựu Phó Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim mới đây tuyên bố sẽ tham gia cuộc bầu cử bổ sung vào ngày 13-10 để trở thành nghị sĩ.

Đây không chỉ là yếu tố quyết định để ông trở lại chính trường mà sự tính toán này còn giúp ông ở vào vị trí kế nhiệm ông Mahathir Mohamad, 92 tuổi, người vừa được bầu làm thủ tướng sau khi Liên minh Hy vọng (PH) của ông giành thắng lợi trong cuộc bầu cử  tháng 5 vừa qua.

Ngày 16-5 vừa qua, ông Anwar Ibrahim, 71 tuổi, cựu lãnh đạo đối lập Malaysia đã được tự do sau khi nhà vua Muhammad V ký lệnh ân xá. Tuy nhiên, quá trình tìm lệnh ân xá cho ông Anwar lại do chính Thủ tướng Mahathir Mohamad thực hiện. Bởi đây chính là một điều kiện để ông Mahathir được làm lãnh đạo liên minh đối lập vừa trở thành liên minh cầm quyền.

Câu chuyện đối đầu rồi hòa giải của hai ông Mahathir và Anwar từng là đề tài bàn tán một thời. Chính vì vậy, việc ân xá không chỉ được ông Mahathir đề cập từ trước đó, mà ông Anwar còn được tính toán để làm lãnh đạo một trong bốn đảng trong liên minh cầm quyền cũng như có chân trong quốc hội và nội các.

Với tuyên bố bất ngờ sẽ chỉ giữ chức Thủ tướng trong 2 năm, sau đó chuyển giao cho lãnh đạo đảng Công lý nhân dân (PKR) của ông Anwar Ibrahim trong PH, giới phân tích cho rằng lệnh ân xá trên chính là bước mở đường cho ông Anwar kế thừa vị trí Thủ tướng của ông Mahathir.

Là ứng cử viên duy nhất cho chức Chủ tịch PKR, ông Anwar được dự đoán dễ dàng chiến thắng trong cuộc bầu cử bổ sung sắp diễn ra. Nhưng, xem ra đường đến dinh thủ tướng của ông Anwar lại không mấy bằng phẳng. Giáo sư James Chin, giảng viên cao cấp của Viện Jeffrey Cheah về Đông Nam Á, cho rằng ông Anwar đang hy vọng sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của Malaysia sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử bổ sung.

Tuy nhiên, điều này dẫn đến một câu hỏi thú vị, vốn là chủ đề bàn tán của giới chính trị gia ở Kuala Lumpur trong vài tháng qua, là ông Anwar và đương kim Thủ tướng Mahathir Mohamad sẽ "chung sống" như thế nào trong nghị viện cũng như tiến trình chuyển giao quyền lực (dự kiến diễn ra vào nửa cuối năm 2020).

Vấn đề chuyển giao quyền lực giữa hai nhân vật này là không dễ dàng vì 4 lý do: Thứ nhất, có những băn khoăn trong giới chính trị gia rằng cách thức Anwar trở lại nghị viện có thể tạo ra một "tiền lệ xấu". Cuộc bầu cử bổ sung ở khu vực Port Dickson (bang Negeri Sembilan) sẽ được tổ chức chỉ 5 tháng sau cuộc tổng tuyển cử ngày 9-5 vừa qua.

Thứ hai, nhiều người cho rằng ông Anwar chắc hẳn đã phải yêu cầu một trong hai người thân của mình (vợ và con gái) từ bỏ vai trò nghị sĩ. Bên cạnh đó, vợ ông là bà Wan Azizah còn là đương kim Phó Thủ tướng. Với việc ông Anwar trở lại nghị viện vào tháng 10, một số người nói rằng điều đó giống như "triều đại Anwar" được hồi sinh.

Thứ ba, có những tin đồn dai dẳng rằng nhiều người trong PH không muốn Anwar trở thành thủ tướng tiếp theo của Malaysia mà chỉ muốn ông đóng vai trò của một chính trị gia lão thành và giúp đỡ PH từ bên ngoài nghị trường.

Ông Anwar hồ hởi sau khi được hoàng gia ân xá.

Thứ tư, sự cân bằng quyền lực trong PH đang trong tình trạng căng thẳng. Đảng Người Mã Lai bản địa thống nhất (BERSATU) của ông Mahathir chỉ có 13 ghế ở quốc hội. Trong khi đó, cả đảng Hành động dân chủ (DAP) và PKR đều có hơn 40 ghế. Vậy nhưng BERSATU lại được chia phần to nhất trong các vị trí của chính phủ.

Ví dụ rõ ràng nhất là trường hợp bang Perak. BERSATU chỉ giành được đúng 1 ghế trong cuộc bầu cử Hạ viện hôm 9-5, song đại diện duy nhất được bầu của BERSATU đã được trao vị trí thủ hiến của bang này.

Điều khiến những người này lo lắng bắt nguồn từ việc họ cho rằng ông  Anwar có thể sẽ trở thành một trở ngại về chính trị trong con mắt những cử tri gốc Mã Lai ở vùng nông thôn trong cuộc tổng tuyển cử tiếp theo. Họ lập luận: PH dưới dự lãnh đạo của Anwar đã không thể đánh bật liên minh cầm quyền Mặt trận quốc gia (BN) trong các cuộc tổng tuyển cử năm 2008 và 2013. Điều này chỉ xảy ra khi có sự xuất hiện của ông Mahathir.

Vũ khí của ông Mahathir chính là khả năng trong việc có được 1/3 số phiếu của cử tri Mã Lai vùng nông thôn, cho phép liên minh PH đánh bại đảng Tổ chức dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO) cũng như BN.

Có nhiều người cho rằng ông Anwar sẽ không giữ được sự ủng hộ của người Mã Lai khu vực nông thôn, nhất là từ những gì đã xảy ra trong quá khứ. Trong tháng 8 vừa qua, ở Kuala Lumpur xuất hiện tin đồn gây xôn xao dư luận rằng thậm chí ngay cả ông Mahathir và ông Daim Zainuddin - cố vấn chính trị thân cận nhất của ông Mahathir - cũng không tin ông Anwar có thể đảm bảo PH giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tiếp theo.

Mặc dù cả ba người đều lên tiếng bác bỏ nhận định này, song, những thông tin đó phần nào cho thấy có vẻ như ông Anwar là người thiếu tố chất lãnh đạo? Một số người còn nói rằng ông Anwar chỉ là “một người biết về chính trị” chứ “không có tố chất lãnh đạo”, rằng ông Anwar rất giỏi trong "trò chơi chính trị" song lại thiếu khả năng điều hành bộ máy chính phủ trên thực tế.

Gần như chắc chắn là ông Anwar sẽ ngồi ở vị trí "ít quyền lực" dành cho những nghị sĩ mới nếu giành thắng lợi trong cuộc bầu cử ngày 13-10 tới. Ông Anwar cũng không thể tham gia nội các trừ phi bà Wan Azizah đồng ý từ bỏ ghế phó thủ tướng. Truyền thống chính trị lâu đời của Malaysia không cho phép một gia đình có 2 hoặc trên 2 người cùng làm việc trong nội các.

Tuy nhiên, thậm chí nếu trở thành nhân vật số 2 (sau Mahathir), ông Anwar cũng sẽ ít được tự do thể hiện quan điểm cá nhân và có ít khoảng không chính trị để "thi thố".

Những người ủng hộ cho rằng việc ông Anwar có thể nắm giữ vị trí phó thủ tướng sẽ là một điều có nhiều ý nghĩa bởi sẽ giúp đảm bảo cho việc chuyển giao quyền lực diễn ra êm đẹp vào năm 2020. Tuy nhiên, có lẽ quan trọng hơn, điều này sẽ thủ tiêu các nỗ lực của một ứng cử viên thứ ba muốn trở thành người kế nhiệm ông Mahathir.

Trong hệ thống chính trị của Malaysia, nếu bất cứ điều gì xảy ra đối với thủ tướng chính phủ thì phó thủ tướng đương nhiệm sẽ tự động nắm quyền thủ tướng. Ông Mahathir đã 92 tuổi nên ông Anwar sẽ "có tương lai chính trị an toàn" nếu chính thức trở thành người đứng thứ 2 trong chính phủ.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.