Bầu cử tổng thống Argentina:

Màn độc diễn của đương kim Tổng thống Cristina Kirchner

Thứ Sáu, 26/08/2011, 10:35

Độc diễn nhưng không phải chỉ một mình bà đương kim Tổng thống Argentina Cristina Fernandez de Kirchner trong cuộc tranh cử tổng thống nhiệm kỳ mới, mà là một mình bà dẫn đầu, bỏ xa tất cả các ứng cử viên đối lập sau cuộc bỏ phiếu sơ bộ ngày 14/8 vừa qua, mở ra cơ hội rất lớn để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử chính thức vào ngày 23/10 tới.

Ngày 14/8, bà Tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner, thuộc phái trung tả trong đảng Peronist, đã giành một chiến thắng tượng trưng rất ngoạn mục trước các ứng cử viên đối lập trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ trước khi bước vào cuộc đua nước rút cho kỳ bầu cử tổng thống sắp tới. Bà Kirchner giành được hơn 49% số phiếu ủng hộ của cử tri, bỏ xa người về nhì là nghị sĩ Ricardo Alfonsin (chỉ đạt 13%). Kế đến là cựu Tổng thống Eduardo Duhalde (12%) và Thống đốc tỉnh Santa Fe, đảng Xã hội (10%). Trong 6 người còn lại, chỉ có 3 người đạt trên 1,5% theo quy định để tiếp tục có mặt trong cuộc bầu cử ngày 23/10 tới.

Theo quy định, tất cả các ứng cử viên ra tranh cử đều phải trải qua kỳ bỏ phiếu này và tất cả đều cùng diễn ra trong một ngày, tức là không có người trước kẻ sau. Theo ủy ban Bầu cử trung ương Argentina, việc tổ chức bỏ phiếu sơ bộ đồng loạt này thực chất là cuộc "tổng duyệt" danh sách ứng cử viên nhằm giúp cử tri có thêm cơ hội chọn lựa các ứng cử viên tổng thống và phó tổng thống của từng đảng phái mình ủng hộ đủ tư cách ra ứng cử vào ngày 23/10 tới. Tuy nhiên, do các đảng phái đã tự chọn sẵn ứng cử viên từ trước nên cuộc bỏ phiếu này không khác gì một cuộc thăm dò ý kiến cử tri toàn quốc.

Điều quan trọng nhất là kết quả trên đây đã phản ánh thực tế tỉ lệ cử tri ủng hộ bà Kirchner hiện đang ở mức rất cao, vì vậy cho dù phe đối lập hợp lực lại chưa chắc cầm chân được bà tại vòng 1. Có người "ác mồm ác miệng" cho rằng tỉ lệ ủng hộ cao đó nhờ một phần vào việc cử tri Argentina "bỗng dưng" thông cảm với bà Kirchner nhiều hơn sau cái chết của ông Kirchner vào tháng 10 năm ngoái. Nhưng nếu nhìn vào thực tế thì rõ ràng, cử tri ủng hộ bà Kirchner chủ yếu là nhờ thành công mỹ mãn của bà về mặt kinh tế trong nhiệm kỳ 4 năm đầu tiên trên cương vị Tổng thống.

Giới phân tích kinh tế Argentina tỏ ra hài lòng vì tỉ lệ tăng trưởng ấn tượng của kinh tế Argentina trong những năm gần đây, bình quân đến 8%/năm, nhờ sản xuất và tiêu dùng phát triển, cộng với việc kiềm giữ tỉ giá đồng peso tương đối thấp so với đồng USD nhằm duy trì tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu bảo đảm kim ngạch xuất khẩu tăng cao. Kèm theo đó là tỉ lệ thất nghiệp thấp, lương lại tăng và theo kịp đà tăng lạm phát giúp cho giới trung lưu và khá giả có rủng rỉnh tiền tiêu xài thoải mái. Cũng  phải thừa nhận rằng, trong thành công về mặt kinh tế của bà Kirchner có phần khá lớn của chồng bà: những chính sách kinh tế - xã hội đúng đắn của ông Kirchner để lại được bà kế thừa một cách hiệu quả.

Một số nhà phân tích Argentina đã cố tình nhắc lại hình tượng cố đệ nhất phu nhân Evita Peron nhằm so sánh, trong chừng mực nào đó, giữa sức ảnh hưởng hiện tại của bà Kirchner với tầm vóc đồ sộ người phụ nữ từng ngự trị trong trái tim hàng triệu người Argentina cách đây hơn nửa thế kỷ. Một sự so sánh có phần không cân xứng, nhưng dù sao nó cũng thể hiện một tầm vóc đang ngày càng lớn dần của bà Kirchner. Một điều ai cũng nhận ra là, trong các bài phát biểu của mình, bà Kirchner thường nhắc đến Evita một cách ngưỡng mộ nhằm khơi gợi sự chú ý của cử tri.

Sự kiện gần đây nhất, tháng 7/2011, bà Kirchner đã cho khánh thành bức phù điêu chân dung bà Evita choán 10 tầng ngay trên vách tường một tòa cao ốc của Chính phủ nhằm tưởng nhớ bà Evita nhân ngày giỗ thứ 59 của bà. Cần nhắc lại rằng, Cristina Fernandez de Kirchner từng được so sánh là một "Evita mới" khi bà còn là đệ nhất phu nhân.

Năm nay 58 tuổi, Cristina Fernandez de Kirchner đã trải qua một nhiệm kỳ Tổng thống nhiều biến động. Bên cạnh những thành công về kinh tế, bà Kirchner cũng gặp không ít khó khăn, có lúc tưởng chừng bỏ cuộc, và đã từng có thất bại. Những khó khăn nổi bật nhất trong nhiệm kỳ đầu của bà là: lạm phát, khủng hoảng nhà ở cho người thu nhập thấp và vụ "thuế xuất khẩu ngũ cốc". Lạm phát đang ở mức trên dưới 20% (theo các chuyên gia quốc tế). Vụ việc hàng ngàn người thu nhập thấp không có nhà ở nổi loạn chiếm nhà, chiếm đất ở một số vùng ngoại ô thủ đô Buenos Aires cuối năm 2010 là một điển hình của sự thiếu sót trong các chính sách của bà Kirchner. Nghiêm trọng hơn cả là vụ tăng thuế xuất khẩu ngũ cốc cuối năm 2008 nhằm buộc nông dân phải hạn chế xuất khẩu và tiêu thụ nội địa nhiều hơn. Kết quả là một cuộc đối đầu giữa Cristina Kirchner với nông dân - lực lượng mạnh nhất Argentina - dẫn đến cuộc tổng bãi công, biểu tình "chống Cristina" trên toàn quốc. Vụ đó rồi cũng qua đi sau khi Phó tổng thống Julio Cobos bỏ lá phiếu chống làm lệch cán cân khiến cho dự luật không được thông qua, nhờ đó làn sóng phẫn nộ của nông dân lắng xuống.

Theo luật bầu cử Argentina, bà Kirchner muốn giành chiến thắng từ vòng 1 trong cuộc bầu cử ngày 23-10 tới thì bà phải giành từ 45% phiếu bầu trở lên, hoặc nếu không đạt 45% thì cũng phải trên 40% và phải hơn người về nhì 10 điểm phần trăm trong cuộc bầu cử có nhiều ứng cử viên. Tình hình hiện nay cho thấy, điều mong mỏi đó của giới bảo thủ gần như không còn cơ hội thành hiện thực do các ứng cử viên đối lập hầu như không thể ngồi lại với nhau vì trong thời gian qua họ đã trót mạt sát, công kích nhau quá quyết liệt

Văn Trương (tổng hợp)
.
.