“Mỏ vàng” Afghanistan

Thứ Ba, 14/06/2005, 07:14

Các nước tài trợ theo đuổi chính sách tái thiết thật nhanh Afghanistan và qua đó biến đất nước này thành một "mỏ vàng" khổng lồ để các tổ chức cứu trợ, công ty tư vấn nước ngoài của chính các nước tài trợ thả sức khai thác.

Từ khi công cuộc tái thiết Afghanistan được bắt đầu đến nay đã có khoảng hơn 4 tỉ USD được bơm vào đất nước này. Trong khi người dân Afghanistan vẫn không có điện, nước sạch, thì trong những khu biệt thự sang trọng của các tổ chức cứu trợ phi chính phủ quốc tế (NGO) máy phát điện và máy bơm chạy suốt ngày đêm để cung cấp điện, nước.

Vì NGO là những tổ chức chính thực hiện các dự án tái thiết nên ông Bachardoust, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch (quản lý hoạt động của NGO ở Afghanistan) yêu cầu các NGO công khai đã chi bao nhiêu phần trăm tiền viện trợ để thuê nhà, trả lương, mua ôtô và còn lại bao nhiêu dành cho dự án. Do yêu cầu không được chính phủ ủng hộ (vì sợ bất đồng với những nước tài trợ) nên ông Bachardoust đã từ chức và tuyên bố: mục tiêu của hầu hết các NGO hoạt động ở Afghanistan là... lợi nhuận!

Số lượng chuyên gia cố vấn, tư vấn quá lớn

Hiện nay có gần 3.000 công ty, tổ chức tư vấn quốc tế đang cạnh tranh với nhau trên thị trường "tái thiết Afghanistan". Một quan chức ngoại giao ở Kabul đã chua chát nhận xét: "Afghanistan có quá nhiều các nhà tư vấn và hiện đã có khoảng hơn 1/4 tổng số viện trợ của Mỹ được rót thẳng cho các chuyên gia tư vấn nước ngoài".

Công ty Emerging Markets Group (Califfornia - Mỹ) của ông William Strong mới trúng một hợp đồng đo đạc địa chính 30 triệu USD. Với số tiền khổng lồ đó, ông và 12 nhân viên thuê ngay một tòa biệt thự làm văn phòng giá 12.000 USD/tháng.

Một đối thủ cạnh tranh lớn của ông là Công ty BearingPoint. Một trong những nguyên nhân làm cho ngân sách hoạt động của công ty này ở Afghanistan lên đến gần 100 triệu USD là vì công ty đã cài được 70 chuyên gia tư vấn vào Chính phủ Kabul.

Tuy không một ai trong các công ty, tổ chức tiết lộ mức lương, nhưng những người trong cuộc đều biết, các nhân viên hoạt động bằng tiền viện trợ này được trả lương rất hậu, ví dụ như mức lương cao nhất Cơ quan Viện trợ USAID của Mỹ trả cho chuyên gia của cơ quan này là... 840 USD/ngày!

Không được trực tiếp tuyển chọn các chuyên gia, các nhà cố vấn, tư vấn nên Chính phủ Kabul hầu như không biết mức lương của các cố vấn nước ngoài làm việc trong chính phủ. Mới đây, lần đầu tiên một bảng lương như vậy được tiết lộ và gây chấn động dư luận đất nước thuộc loại nghèo nhất thế giới này.

Sau khi làm việc 180 ngày tại Văn phòng Điều phối viện trợ, một nhân viên của Công ty Tư vấn Crown của Anh nhận được 207.000 USD. Kể cả phụ cấp, vị chi là 1.150 USD một ngày! Một nhân viên khác nhận được 242.000 USD cho 241 ngày làm việc ở Kabul - gấp 10 lần lương một năm của một bộ trưởng Afghanistan.

Kabul những chuyên gia như vậy được gọi là "những người 1.000 USD - ám chỉ những người hưởng lương từ 1.000 USD một ngày trở lên". Chỉ riêng ông cựu Bộ trưởng Tài chính Ashraf Ghani cũng đã có tới hàng trăm chuyên gia như vậy xúm quanh. Vậy mà theo ông chỉ 10% thực sự có năng lực, còn lại là vô dụng.

Tiền viện trợ các công trình tái thiết được phân chia như thế nào?

Công cuộc tái thiết cơ sở hạ tầng ở Afghanistan được thực hiện theo một chu trình. Sau khi nhà tài trợ giao hợp đồng xây dựng cho một tổ chức NGO quốc tế - gọi nôm na là bên A, tổ chức này giao tiếp cho một NGO "nội địa" của Afghanistan - gọi nôm na là bên B và NGO "nội địa" này lại giao tiếp cho vài ba B phẩy nữa. Cứ qua mỗi một "cầu" như vậy lại rơi rụng đi trung bình từ 5 đến 20% kinh phí công trình.

Trong khi thực hiện các dự án tái thiết, các nhà tài trợ hầu như không giám sát công trình và cũng chẳng trao đổi gì với dân chúng địa phương, những người sẽ thụ hưởng dự án. Họ chỉ trao đổi với các tổ chức cứu trợ và tất nhiên những tổ chức này tìm mọi cách để đào mỏ.

Bên cạnh đó còn xảy ra không ít những trường hợp thiếu sự phối hợp giữa các nhà tài trợ vì mỗi nước tài trợ theo đuổi mục đích chính trị riêng của mình. Tại Kandahar, trong một dự án khuyến khích sự phát triển của phụ nữ, Đức chi tiền xây dựng một ký túc xá cho nữ sinh viên. Đến nay ký túc xá này vẫn bỏ không, đơn giản vì trong xã hội do đàn ông chế ngự này chỉ có vỏn vẹn 20 nữ sinh viên và họ hoàn toàn sống ngoại trú tại gia đình! Đã vậy, mới đây Liên Hiệp Quốc lại quyết định xây dựng thêm một ký túc xá cho nữ sinh viên nằm ngay cạnh ký túc xá được Đức xây dựng!

Đức Hùng (theo Spiegel)
.
.