Mobutu Sese Seko – “Thống chế báo gấm” của Zaire

Thứ Sáu, 20/07/2018, 15:44
Khác với nhiều nhà độc tài châu Phi, Tổng thống trọn đời của Zaire là Mobutu Sese Seko không phải là một nhà cai trị quá tàn độc: không có tội ác diệt chủng, thậm chí không lạm dụng án tử tình. Thay vào đó, ông ta được báo chí Zaire khi đó tâng bốc là nhà sáng lập ra tư tưởng “Mobutism” hay là “đấng cứu thế của dân tộc”.

“Nhà sáng lập” này trên thực tế có một phong cách sống cực kỳ xa hoa và cả những sở thích về phong cách đặc biệt - thậm chí là người phát minh ra kiểu áo vest đặc trưng quốc gia cho đàn ông tại Zaire. Có điều, sau 32 năm cầm quyền với cuộc sống vương giả được chi trả trực tiếp từ ngân sách, chính quyền Mobutu đã biến Zaire từ một trong những quốc gia giàu có nhất về tài nguyên tại châu Phi (với trữ lượng lớn coban, đồng, kim cương) trở thành một nền kinh tế suy sụp với tỉ lệ lạm phát lên tới... 9.800%.

Lãnh chúa lục địa đen

Đà thăng tiến của Mobutu lên tới đỉnh cao của quyền lực tại Zaire có thể nói là thần tốc. Nếu lúc 25 tuổi mới là trung sĩ trong đội quân thực dân của Bỉ, đến năm 30 tuổi ông ta đã là đại tá, bộ trưởng quốc phòng, tổng tham mưu trưởng (đến năm 1983 còn tự phong làm nguyên soái).

Bước sang tuổi 35, Mobutu đã trở thành tổng thống trọn đời của Zaire. Ông ta sinh ra trong một gia đình tương đối khá giả vào năm 1930, với cha là đầu bếp của một quan chức thuộc địa da trắng.

Sau khi giành được chính quyền vào năm 1965, việc đầu tiên của trung tướng Mobutu là giải quyết các tỉnh nổi loạn của Cộng hòa dân chủ Congo (tên gọi khi đó của Zare). Quốc gia này khi đó đang chia thành 3 lãnh địa xung đột lẫn nhau. Khuất phục được vùng Katanga (nơi có nhiều mỏ coban, đồng và vàng), Nam Kasai (nổi tiếng với ngành công nghiệp khai thác kim cương), vị tổng thống trẻ tuổi bắt tay vào việc thiết kế một cuộc sống mới cho chính mình và người dân.

Chân dung ông Mobutu Sese Seko trên tờ tiền Zaire.

Năm 1971, ông ta đổi tên nước thành Zaire - theo tiếng bản địa có nghĩa là “con sông lớn nuốt tất cả sông nhỏ” - đồng thời tuyên bố về chính sách “Zaire hóa” nhằm quay trở về các giá trị cội nguồn của châu Phi.

Nhà độc tài Zaire cấm tất cả những tên có nguồn gốc Thiên chúa giáo, tự gọi mình là Mobutu Sese Seko Kuku Ngbendu wa za Banga - theo ngôn ngữ bản địa có nghĩa là “một chiến binh hùng mạnh, nhờ sức mạnh và lòng can đảm đã đạp bằng mọi trở ngại, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Mobutu ban hành lệnh cấm những trang phục áo vest và váy ngắn kiểu châu Âu.

Theo đó, đàn ông chỉ được phép mặc Abacost - bắt nguồn từ cụm từ tiếng Pháp “à bas le costume” có nghĩa là đả đảo áo vest -  một kiểu áo đại cán có cổ bẻ đặc trưng do chính Mobutu sáng chế.

Những chiếc abacost xa hoa của nhà độc tài và các quan chức tay chân thân cận của ông ta được may không phải tại thủ đô Kinshasa, mà được đặt tại hãng thời trang nổi tiếng Arzoni của Bỉ. Chưa hết, những phụ kiện kèm theo bộ vét truyền thống như cà vạt cũng bị cấm - các thương gia Zaire khi đi nước ngoài về mà mang theo cà vạt sẽ bị tịch thu, cắt vụn tại chỗ ngay tại nơi làm thủ tục nhập cảnh. Thay vào đó là những chiếc khăn quàng được quy định theo phong cách châu Phi. 

Phong cách ăn mặc truyền thống của Mobutu còn được bổ sung bằng cặp kính gọng sừng, một chiếc ba-toong và đặc biệt là chiếc mũ bằng da báo đặt may đặc biệt tại Paris. Theo tiểu sử chính thức, nhà lãnh đạo Zaire từ khi còn nhỏ đã trực tiếp đối đầu và chiến thắng một con báo.

Do đó, hình ảnh con báo gấm chính là biểu tượng sức mạnh của ông, là biểu hiện sự tôn sùng cá nhân của Mobutu. Ông được tung hô với vô số cái tên mỹ miều như “Đấng cứu thế của nhân dân”, “Chiến binh vô song”, “Nhà chiến lược vĩ đại” v.v...

Vơ vét tất cả

Chính sách “Zaire hóa” trong lĩnh vực kinh tế được đánh dấu bằng việc chuyển giao toàn bộ ngành công nghiệp khai khoáng vào tay chính quyền, với các tay chân thân cận và họ hàng Mobutu trên cương vị điều hành các xí nghiệp. Không có gì ngạc nhiên khi chỉ một thời gian sau đã xuất hiện hàng loạt “đại gia” mới, với nguồn tiền có từ xuất khẩu khoáng sản quý hiếm được đổ trực tiếp vào tài khoản của họ.

Đến năm 1973, Zaire đứng đầu châu Phi về số lượng nhập khẩu loại xe siêu sang “Mercedes”. Bản thân nhà độc tài cũng chẳng quan tâm gì tới thực trạng này. “Cứ lấy đi - nhưng đừng có quá nhiều!” - ông ta công khai nhắc nhở các chiến hữu của mình ngay trong đại hội của đảng cầm quyền “Phong trào cách mạng nhân dân”.

Rất tích cực làm theo chỉ đạo của Mubutu không chỉ có các thành viên phong trào mà còn cả những kẻ chỉ trích ông ta. Khác với phần lớn các đồng nghiệp tại châu Phi, nhà độc tài Zaire tuân theo nguyên tắc “hãy giữ bạn bè bên cạnh, còn kẻ thù gần hơn nữa”, luôn cố gắng lôi kéo các phần tử đối lập vào quỹ đạo của mình. Và khi được bổ nhiệm vào một cương vị “bổ béo”, gần như không một ai có thể đứng vững trước cám dỗ.

Điển hình là trường hợp của Cleophas Kamitatu - người từng phải ngồi tù vài năm vì âm mưu chống lại Mobutu - từng được giao một vài cương vị cao trong chính phủ, trước khi sang làm đại sứ tại Nhật vào năm 1980. Tại vị trí này, ông ta đã nổi tiếng với việc bán ngay... tòa nhà của đại sứ quán. Các quan chức ngoại giao Zaire thời đó rất thích được ra nước ngoài vì những khoản thu nhập cao.

“Mỗi khi chiếc DC10 của họ chuẩn bị cất cánh, tôi luôn sợ nó không thể cất mình khỏi mặt đất do được chất quá nhiều hàng hóa, từ máy thu thanh cho tới các thiết bị điện tử khác” - Chester Kroker, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về vấn đề châu Phi dưới thời Tổng thống Reagan, nhận xét về các phái đoàn ngoại giao Zaire khi rời Washington.

Riêng phần của Mobutu thì lòng tham của các tay chân ông ta tất nhiên không thể sánh bằng. Sozacom - tập đoàn quốc gia độc quyền về xuất khẩu Coban, đồng và kẽm - mỗi năm chuyển vào các tài khoản nước ngoài của ông ta trung bình từ 100-200 triệu USD. Con số kỷ lục được ghi nhận vào năm 1988, khi khoảng 800 triệu USD thu từ xuất khẩu tài nguyên đã bay hơi.

Trong các báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) về Zaire, những khoản thất thoát khổng lồ trên chỉ được ghi chú một cách tế nhị là “hao hụt”.  

Riêng phần vơ vét từ khai thác kim cương cho tới giờ vẫn chưa có con số cụ thể. Người ta thường nhắc tới một sở thích của nhà độc tài là thường mời các vị khách nước ngoài tới trụ sở của Tập đoàn Kim cương quốc gia MIBA. Tất cả sau đó được đưa tới kho chứa kim cương thô, tự lựa chọn cho mình một vài viên làm quà theo sở thích. Với những khoản “chi tiêu vặt”, Mobutu đơn giản lấy trực tiếp từ Ngân hàng Trung ương Zaire.

Cứ mỗi tháng, một đoàn xe tải của quân đội tới ngân hàng, chất lên các bao tải đầy tiền - từ 1,5 đến 10 triệu đôla Zaire - chở về dinh tổng thống. Khoản này được công khai gọi là “tiền trợ cấp cho tổng thống” để trang trải cho việc đảm bảo an ninh, quà cáp cho đoàn tùy tùng và nhiều chi phí khác.

Những khoản “hao hụt” và “trợ cấp” trên đã giúp cho Mobutu có một cuộc sống cực kỳ xa hoa. Ông ta tung tiền sắm bắt động sản khắp châu Âu: đáng chú ý có tòa biệt thự nổi tiếng Villa del Mar trị giá 5,2 triệu USD tại Roquebrune-Cap-Martin bên bờ Địa Trung Hải với 2 bể bơi, phòng tắm dát vàng và sân đậu trực thăng.

Theo những người đại diện bên bán kể lại, đích thân Mobutu tới xem xét biệt thự, đồng ý ngay với giá đề xuất mà không hề mảy may do dự. Chỉ đến khi các thủ tục giấy tờ chuẩn bị sẵn sàng, ông ta mới chợt nhớ và hỏi rõ xem con số 5,2 triệu là tiền đôla Mỹ hay franc Bỉ (tỷ giá lúc đó lên tới 1:39).

Hiện con số chính xác về lâu đài, biệt thự, nhà cửa của Mobutu vẫn chưa thể thống kê đầy đủ, ngay cả sau khi ông ta đã bị lật đổ. Người ta chỉ biết chắc ông ta có 9 bất động sản các loại tại Bỉ, trong đó có tòa lâu đài Chateau FondRoy ở ngoại ô Brussels, thái ấp rộng 800 hecta Casa Agricola Solear tại Algarve (Bồ Đào Nha), Le Migett tại Thụy Sĩ và căn hộ sang trọng tại đại lộ Foch (Paris).

Mobutu cũng có một mạng lưới các dinh thự trên khắp đất nước. Ông thường du hành khắp Zaira với một sở thích là hưởng thụ những trinh nữ tại bất kỳ làng mạc nào mình đặt chân tới. Đối với các cô gái Zaire khi đó, trở thành vợ của Mobutu sẽ là một đặc ân rất lớn, dù trên thực tế gần như là không thể, chưa kể họ không bao giờ được phép đặt vấn đề nhận cha cho con của mình nếu có. Nhà độc tài có tổng cộng 22 người con được thừa nhận từ 2 người vợ và một vài tình nhân chính thức của mình.

Cuộc đàm phán giữa hai đối thủ Mobutu và Kabila với sự trung gian của Nelson Mandela.

Nhưng nơi ở ưa thích nhất của Mobutu chính là dinh thự mà ông ta tự gọi là “điện Versailles châu Phi” với tổng chi phí xây dựng và hoàn thiện lên tới 400 triệu USD. Trong đó có tính cả số tiền bỏ ra để xây một sân bay riêng cách đó 2,5 km với đường cất hạ cánh có thể dùng cho các loại máy bay lớn như Boeing-747 và Concord. Mobutu đặc biệt ưa thích sử dụng loại máy bay siêu thanh Concord, thường thuê trọn gói cho những chuyến đi tới châu Âu hay Mỹ của mình.

Sự mến khách đặc biệt của Mobutu đã thu hút được rất nhiều nhân vật tiếng tăm hàng đầu thế giới tới thăm như Giáo hoàng John Paul II, Tổng thống Pháp Valéry Giscard d'Estaing, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Boutros Boutros-Ghali, thậm chí cả Giám đốc CIA William Casey.

Vào năm 1985, chuyên gia làm bánh kẹo nổi tiếng thế giới Gaston Lenôtre đã đích thân mang một chiếc bánh ga-tô làm từ Paris lên chiếc Concord để tặng Mobutu nhân ngày sinh nhật ông ta.

Tất cả những nhân vật trên đều biết rất rõ nguồn gốc bất chính của số tài sản khổng lồ Mobutu đang nắm giữ. Chẳng hạn như một bản báo cáo về tình trạng tham nhũng và lấy cắp tài sản công nghiêm trọng trong giới lãnh đạo Zaire đã được một nhân viên cao cấp của IMF trình lên nhưng nhanh chóng bị ém nhẹm.

Với phương Tây, Mobutu khi đó vẫn được coi là một đồng minh quá giá trị để có thể ngăn chặn “sự bành trướng” của Liên Xô tại châu Phi. Những khoản hỗ trợ kinh tế lớn vẫn liên tục được bơm vào Zaire, cho dù phần lớn số này đều chui vào những chiếc túi không đáy của nhà độc tài và tay chân thân cận.

Đế chế sụp đổ

Cho đến cuối triều đại của Mobutu, đất nước Zaire đã suy sụp gần như hoàn toàn. Mạng lưới điện thoại từ thời thực dân của Bỉ cũng không thể hoạt động - giới quan chức dùng điện thoại vệ tinh còn lại bỏ mặc dân chúng không có phương tiện liên lạc. Đường sá hư hỏng không hề được tu sửa trong nhiều năm, các xí nghiệp khai khoáng cũng đình trệ, dù từng là nguồn thu chính của quốc gia. Thu nhập trung bình một năm trên đầu người của Zaire chỉ vỏn vẹn có 120 USD.

Dù vậy, phương Tây vẫn không tìm thấy được phiên bản thay thế: “Nếu như không phải Mobutu thì còn có thể là ai nữa!” - Ngoại trưởng Mỹ Alexander Haig đã từng phải thốt lên như vậy trong một cuộc bàn luận riêng tư về tình hình Zaire. Phải đến năm 1990, khi Liên Xô gặp những khó khăn nghiêm trọng trong việc hỗ trợ xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Angola, Mozabique và Ethiopia, thống chế của Zaire mới không còn được nhìn nhận như một “hiệp sĩ” chuyên bảo vệ những lý tưởng của phương Tây tại lục địa đen.

IMF và WB cắt giảm nhanh chóng và sau đó hủy bỏ hoàn toàn các chương trình trợ giúp Zaire. Đến năm 1994, tỉ lệ lạm phát của quốc gia này đã vọt lên tới 9.800%, khiến ngân hàng trung ương không kịp in tiền, mà phải đặt in từ Brazil. Tình hình chính trị bắt đầu trở nên náo loạn với việc cho phép các đảng phái hoạt động - trong thời gian ngắn đã có 400 đảng phái đăng ký, dù Mobutu tiếp tục tại vị. Thậm chí 2 vụ binh biến của quân đội cùng hàng loạt vụ cướp bóc, phá hoại cũng không khiến cho nhà độc tài nao núng trong quyết tâm giữ ghế của mình.  

Chế độ của nhà độc tài khét tiếng chính thức sụp đổ vào năm 1997. Thay thế ông ta là đối thủ cũ Laurent Kabila nhờ sự hậu thuẫn của quân đội hai nước Ruanda và Uganda. Mobutu dù đang mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt vẫn nấn ná ở lại đến phút cuối cùng trước khi lên máy bay chạy tới Maroc, chết ở đó sau một thời gian ngắn.

Quốc gia - được tân Tổng thống Kabila đổi tên lại thành Cộng hòa dân chủ Congo - đã thừa hưởng từ Mobutu... khoản nợ 14,5 tỉ USD, cùng nền kinh tế bị suy sụp hoàn toàn và hệ thống chính trị tham nhũng thối nát. Tổng số tiền từ ngân quỹ quốc gia bị Mobutu lấy cắp được tân Bộ trưởng Tư pháp đánh giá cũng vào khoảng 14,5 tỉ USD. Trong khi con số này được IMF đánh giá nhẹ nhàng hơn với con số thất thoát 5 tỉ USD.

Tuy nhiên, sau cái chết của Mobutu, người ta chỉ phát hiện được hơn 8 triệu USD từ các tài khoản của ông ta tại Thụy Sĩ.

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.