Một năm cầm quyền của Thủ tướng Australia Tony Abbott: Giữ lời hứa không dễ

Thứ Sáu, 12/09/2014, 11:31

Tròn một năm sau ngày ông Tony Abbott dẫn dắt Liên minh Tự do/Dân tộc giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang Australia - một chiến thắng đầy ý nghĩa đưa Abbott lên nắm quyền thay thế chính quyền do ông Kevin Rudd (Công đảng) lãnh đạo. Một năm là khoảng thời gian không lâu nhưng ông đã có những quyết định "lệch lạc" so với những điều đã hứa với cử tri trước ngày bầu cử năm ngoái khiến cho dư luận xầm xì, thắc mắc, còn Abbott thì một mực khẳng định "lời hứa vẫn được giữ".

Tony Abbott là vị Thủ tướng có nhiều cái nhất của Australia trong khoảng một thập niên gần đây. So với hai người tiền nhiệm John Howard và Kevin Rudd thì Abbott giành được tỉ lệ ủng hộ của cửa tri cao hơn khi bước vào tuần lễ cuối cùng trước ngày bầu cử. Một tuần trước bầu cử, Abbott hầu như đã cầm chắc mình sẽ giành chiến thắng trước đối thủ.

Sự xuất hiện của Abbott vào thời điểm trước cuộc bầu cử năm ngoái được ví như một giải pháp thay thế đáng mong đợi khi cử tri Australia hầu như đã quá chán nản với những gì mà chính quyền Kevin Rudd thể hiện. Ông Abbott được mong đợi là sẽ tốt hơn hẳn Rudd. Và có lẽ vì thế mà ông Abbott đặt sự thận trọng lên trên hết, hơn cả sự chân thật.

Một cuộc chiến gay gắt đã diễn ra trong tuần lễ trước ngày bầu cử năm ngoái. Công đảng đã công kích rằng Liên minh của Abbott sẽ "cắt giảm tận xương" các khoản chi tiêu cho các chương trình an sinh xã hội. Abbott phản bác rằng lời công kích của Công đảng là "lời nói dối trơ trẽn". Abbott tiếp tục khẳng định trước cử tri Australia rằng chính phủ mới của ông "sẽ không cắt y tế. Không cắt giáo dục. Lương hưu không thay đổi".

Tờ The Guardian lập luận: Khi tuyên bố như thế, tự bản thân ông Abbott đã tạo ra 2 lời hứa mâu thuẫn nhau; những lời hứa tiếp tục chi tiêu đó sẽ khiến cho lời hứa giải quyết vấn đề "khẩn cấp về ngân sách" - tức vấn đề thâm hụt ngân sách và thảm họa nợ công - để khôi phục thặng dư khó có thể được thực hiện thành công.

Trong những ngày đầu tháng 9/2014, tròn một năm sau khi Abbott đưa ra những lời tuyên bố nêu trên, dư luận trên báo chí Anh và Australia đã râm ran về việc Thủ tướng Abbott làm không đúng như lời đã hứa. Để minh chứng, báo chí Australia đã đưa ra những con số và sự kiện thực tế như việc chính quyền liên bang đã cắt giảm 80 tỉ USD trong khoản chi trả cho y tế và giáo dục cho các bang để chi tiêu phục vụ dân chúng.

Rồi chính sách hưu trí cũng thay đổi. Abbott tuyên bố trợ cấp cho người cao tuổi, trợ cấp cho người mất khả năng lao động và lương hưu trí sẽ tăng hàng năm kể từ năm 2017. Nhưng khi chính phủ của ông Abbott triển khai các chính sách tài chính mới, người ta tính toán rằng, thực tế những khoản lương hưu và trợ cấp ấy sẽ giảm đi trong giai đoạn 10 năm chứ không phải tăng như ông Abbott tuyên bố.

Lý do là Abbott phải thực hiện lời hứa cắt giảm chi tiêu để cân bằng ngân sách, ngăn chặn khủng hoảng nợ công. Trong khi đó, các loại thuế mới lại phát sinh, kèm theo là những ý tưởng bất ngờ trong chính sách đều hành mà Abbott không đề cập trong chiến dịch tranh cử. Thường thì người thu nhập thấp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các chính sách của Abbott.

Tony Abbott cùng vợ và 3 cô con gái mừng thắng cử ngày 7/9/2013.

Khi lên nắm quyền, Abbott đặt ra các mục tiêu thực hiện trong cả nhiệm kỳ là biến Australia thành một quốc gia "mở cửa cho kinh doanh". Và giải pháp thực hiện của Abbott là "xóa bỏ thuế khai khoáng để kích thích đầu tư và tạo việc làm; cắt giảm chi phí thủ tục hành chính khoảng 1 tỉ USD/năm; khôi phục Ban Quản lý Xây dựng và Kiến thiết Australia (ABCC) để đầu tư khoảng 6 tỉ USD/năm vào các chương trình nâng cao năng suất; xây dựng đường sá nhằm cải thiện đời sống và làm việc của người dân; và trên hết là xóa thuế khí thải cacbon".

Một năm sau, Abbott chỉ thực hiện "đạt" 2 trong 5 giải pháp trên, đó là xóa bỏ 2 loại thuế khai khoáng và khí thải cacbon, trong đó việc xóa bỏ thuế khai khoáng là cả một vấn đề khó khăn. Còn đề án khôi phục ABCC thì chưa được trình ra Quốc hội khiến cho những khẩu hiệu hô hào như "rừng cần trục trên bầu trời thành phố" và "những con đường của thế kỷ XXI" trở nên khó thực hiện trong vòng 12 tháng như đã hứa.

Lý do "thất hứa" thì có nhiều, kể cả việc Thủ tướng Abbott đang phải đối mặt với một Quốc hội ngày càng "khó chịu" khiến cho việc thông qua và triển khai các chính sách của chính phủ thường xuyên bị ách lại, bị chậm trễ tiến độ hoặc thậm chí không thông qua. Chủ quan bản thân ông Abbott được xem là trở ngại lớn nhất cho việc thực hiện lời hứa của ông trước cử tri Australia.

Việc xóa bỏ thuế khí thải cacbon là một trong những quyết định sai lầm nghiêm trọng nhất về môi trường của ông Abbott trong một năm qua.

Môi trường là một lĩnh vực rất nhạy cảm ở Australia. Bà Julia Gillard đã mất chức vào tháng 6/2013 (Kevin Rudd lên thay) chính là vì bà bị (Abbott và Rudd) cáo buộc đã "nói dối" về vấn đề thuế khí thải cacbon. Vấn đề môi trường cũng là một trong những lý do khiến ông Rudd phải chấp nhận nhường bước cho ông Abbott trong cuộc bầu cử ngày 7/9/2013. Và bây giờ, vấn đề môi trường cũng lại đang trở thành đề tài chỉ trích khi người ta "sơ kết" một năm cầm quyền của Thủ tướng Abbott.

Báo chí Australia thống kê sau một năm cầm quyền, ông Abbott đã đưa ra 10 quyết định sai lầm về môi trường, trong đó có những quyết định quan trọng như xóa bỏ thuế khí thải cacbon, hủy bỏ mục tiêu phát triển năng lượng tái sinh, gây khó khăn hoặc giải tán các cơ quan, tổ chức bảo vệ môi trường, tiếp tục tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch (xăng dầu),…

Phát biểu trước báo giới về những vấn đề chưa thực hiện được sau một năm cầm quyền, Abbott không thừa nhận "lời hứa đã bị phá vỡ" mà luôn khẳng định rằng "lời hứa vẫn được duy trì". Báo giới, và cả nhiều quan chức trong Chính phủ Australia đều nhận định Abbott không biết hoặc cố tình bỏ qua thực tế rằng cử tri đang dần hết kiên nhẫn với những gì diễn ra trên thực tế khác hẳn những lời ông đã hứa.

Không giữ đúng lời hứa sẽ làm mất dần niềm tin nơi cử tri, mà niềm tin chính là nền tảng thành bại của nhà lãnh đạo

An Châu (tổng hợp)
.
.