“Một nửa” năng động của ứng cử viên Ted Cruz

Thứ Tư, 23/03/2016, 15:45
Trong các “hậu phương” của các ứng viên Tổng thống Mỹ năm nay, bà Heidi Cruz được đánh giá là người hoạt động nhiều nhất và có lẽ cũng hiệu quả nhất. Heidi đang được xem là hình mẫu của phu nhân chính trị gia kiểu mới, năng động và rất tài năng.

Sự vận động của bà đã đóng góp đáng kể vào thành tích hiện nay của ông Ted Cruz: đứng thứ nhì sau ứng viên Donald Trump, và là chọn lựa tốt nhất thay thế ông Trump khi đảng Cộng hòa không muốn ông này phá hỏng kế hoạch quyền lực năm 2016 của đảng.

Làn gió tươi mát gây niềm phấn khích cho những nhân vật máu mặt

Khi Heidi và Ted Cruz đến khu ngoại ô thành phố Atlanta để vận động cách đây vài tuần, bà đã đóng vai một người vợ chính trị gia hoàn hảo: Cái liếc mắt tình tứ dành cho chồng khi bà phát biểu, hai tay đặt lên vai hai con nhỏ, nở nụ cười thật rạng rỡ với những người ủng hộ.

Trước đó vài ngày, trong chuyến vận động một mình quanh bang Missouri, Heidi Cruz đã tâm sự với cử tri rằng, bà cũng có một sự nghiệp riêng, một phụ nữ của công việc và có những tham vọng của riêng mình. Nhưng “tôi đã xin nghỉ phép”, tạm gác lại công việc riêng.

HeidiCruz.

Bà mạnh dạn tuyên bố: “Có lẽ đã không hy sinh một phần sự nghiệp của mình và thời gian ở cùng hai cô con gái nếu tôi không thật sự tin từ tận trái tim mình rằng Ted Cruz sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này”.

Không ai có niềm tin mạnh mẽ vào Ted Cruz bằng Heidi, và cũng không ai dành nhiều thời gian và đóng vai trò trong chiến dịch của Ted Cruz nhiều bằng Heidi. Lẽ đương nhiên đó là vì bà là một người vợ vận động tranh cử truyền thống. Nhưng bà còn làm nhiều hơn thế: là người vận động tài chính chủ yếu cho chồng, một người đại diện tốt nhất cho chồng để đi khắp đất nước vận động, yêu cầu sự ủng hộ của cử tri giành cho chồng.

Tất cả đều là vai trò mới mẻ hoàn toàn đối với Heidi. Bà đã phải xin nghỉ phép tại chi nhánh Ngân hàng Goldman Sachs ở Houston để lao vào một hành trình mà bà chưa từng thực hiện trước đây: Sắp xếp lại toàn bộ cuộc sống cá nhân và mang tất cả kinh nghiệm bản thân có được ra ám dụng vào thực tiễn để phục vụ cho tham vọng chính trị của chồng.

Heidi không phải là người vợ duy nhất tham gia cùng chồng tranh cử trong mùa bầu cử năm nay ở Mỹ. Mary Pat Christrie, vợ ứng viên Chris Christie (đã từ bỏ cuộc chơi), cũng là một phụ nữ có nghề nghiệp ổn định, một nhà kinh doanh trái phiếu lâu năm trước khi từ bỏ nghề nghiệp sau khi chồng mình tuyên bố tranh cử, và bà cũng là một nhà vận động tài chính khá cừ. Hay như Karen Kasich, vợ ứng viên John Kasich, từng 20 năm làm trong nghề quan hệ công chúng.

Hillary Clinton là một trường hợp đặc biệt mà cho đến nay chưa ai có thể làm được: từng là vợ ứng viên Tổng thống, góp công giúp chồng vận động tranh cử thành công, trở thành đệ nhất phu nhân, sau đó tự mình theo đuổi sự nghiệp chính trị và nay lại vào vai trò của chồng mình trước đây - ra tranh cử tổng thống.

Xét về tham vọng cá nhân thì bà Hillary hơn Heidi nhiều. Nhưng Heidi còn trẻ, con đường phía trước còn dài. Tài năng và kinh nghiệm riêng trên thương trường là thứ tài sản hiếm có của Heidi khiến nhiều người đồn rằng, một ngày kia bà có thể cũng sẽ làm điều tương tự bà Hillary đang làm.

Heidi và Ted Cruz trong chuyến vận động.

Không lâu sau khi ứng viên cựu Thống đốc bang Texas Rick Perry rời cuộc đua, một nhóm nhà tài trợ của Perry đang phân vân không biết quay sang ủng hộ ai giữa Ted Cruz và Jeb Bush, kể cả một số người khác nữa cũng đang phân vân không biết có nên tiếp tục ủng hộ tài chính cho cuộc bầu cử này không. Và họ hẹn nhau họp mặt trong một bữa ăn sáng.

Đó chính là tình huống tốt để Ted Cruz nhảy vào tranh thủ sự ủng hộ. Nhưng một trở ngại bỗng nảy sinh: Ông có việc phải lên Washington DC vào phút chót để dự một cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện. Túng thế, Mica Mosbacher, chủ trì cuộc gặp bèn gọi điện thoại cho Heidi.

Heidi xuất hiện như một làn gió tươi mát ùa đến, bằng tài ăn nói vừa thân mật vừa trịnh trọng, nói chuyện riêng tư pha lẫn vấn đề chiến lược, bà đã hoàn toàn thuyết phục những nhân vật máu mặt dự bữa ăn sáng đó, khiến tất cả họ đều quay sang ủng hộ tài chính cho Ted.

Bà Mosbacher kể rằng, có một nữ doanh nhân dự bữa sáng đó đang phân vân không biết “liệu mình có thích Ted Cruz không”, sau khi nghe Heidi nói chuyện, đã lập tức viết ngân phiếu ủng hộ ngay.

Welcome Wilson Sr, một nhà tài trợ giàu có của Cruz, biết Heidi từ trong cộng đồng doanh nghiệp ở Houston, hai người từng làm việc chung với nhau. Wilson kể có một lần Heidi gọi điện cho ông để nói cho ông biết lý do bà nghĩ chiến dịch của chồng bà sẽ thành công.

Heidi bảo Wilson rằng, ông Cruz “sẽ dẫn đầu cuộc  bỏ phiếu tại bang Iowa vào tháng 12-2015”. Wilson cảm thấy “bị sốc” với tuyên bố đó, nhưng thực tế đã chứng minh đó là sự thật.

Nuôi ước mơ vào trường doanh thương Havard từ khi học… lớp 5

Heidi năm nay 44 tuổi, tên cúng cơm là Heidi Nelson, sinh ra và lớn lên ở San Luis Obispo, bang California, là con gái của một nha sĩ chuyên về vệ sinh răng miệng, một người theo giáo phái Adventist Ngày thứ Bảy. Khi Heidi lên 5 tuổi, cha mẹ cho bà theo học các lớp đàn piano và bà phải tập luyện đều đặn một hoặc hai tiếng đồng hồ mỗi buổi tối. Lên 8 tuổi, Heidi được cha mẹ ghi danh đi học ở trường. Năm học lớp 5, Heidi đã tuyên bố muốn đi học Trường Doanh thương Harvard.

Mối quan tâm của Heidi với chính trị có từ rất sớm, nhân một chuyến cùng gia đình đến Washington DC khi bà lên 8 tuổi. Bà Suzanne Nelson, mẹ của Heidi kể: “Tôi còn chưa biết làm thế nào mà nó biết về Trường Doanh thương Harvard. Trường đó chưa từng tồn tại trong thế giới của chúng tôi”.

Heidi Cruz có thể tự mình tổ chức các sự kiện để vận động thay cho chồng.

Theo bà Nelson, ở Heidi có một tố chất rất quan trọng, một nhân tố hiếm người có: động lực tiến lên phía trước.

Kể cũng do cái cách người Mỹ giáo dục con người tinh thần cạnh tranh chính trị ngay từ khi còn là học sinh phổ thông. Thời đó, Heidi theo học trung học ở một trường theo giáo phái Adventist ở Bắc California, ngôi trường nổi tiếng về kỷ luật nghiêm khắt. Heidi chăm học, lại ngoan ngoãn nên khá nổi tiếng trong trường.

Travis Romero, một bạn học cũ kể rằng, có một lần Heidi tranh cử chủ tịch hội học sinh của trường. Tấm băng rôn vận động tranh cử của bà có một chữ mà nhiều học sinh trong trường chưa hiểu hết. Romero hỏi sao lại dùng chữ đó, nó có nghĩa là gì? Heidi trả lời “Thế không tuyệt sao?” Cuối cùng Heidi thất cử, dù khẩu hiệu tranh cử của bà gây ấn tượng tốt.

Sau đó, Heidi học ở Trường Cao đẳng Claremont McKenna và tham gia hoạt động với tổ chức đảng Cộng hòa trong trường, có xu hướng quan tâm các chức vụ bầu cử. Nhưng trước tiên, Heidi muốn phát triển sự nghiệp kinh doanh trước khi làm chính trị. Vậy là sau khi tốt nghiệp, Heidi đến New York để làm việc ở mảng các thị trường mới nổi trong Ngân hàng J.P. Morgan, được giao phụ trách châu Mỹ Latinh. Heidi đã phải vừa làm việc 18 tiếng mỗi ngày, vừa phải tự học tiếng Tây Ban Nha để phục vụ cho công việc.

Cuối cùng Heidi cũng đạt được ước mơ theo học Trường Doanh thương Harvard. Tuy nhiên, khi ra trường, bà lại từ chối lời mời làm việc cho Goldman Sachs, mà quay sang tham gia chiến dịch vận động tranh cử của ông George W. Bush vào năm 2000. Bà nói với tờ báo New York Times vào năm 2001 rằng bà vừa mới chia tay bạn trai đã quen nhau hai năm, và đang có kế hoạch “quên bọn con trai” và “tự dìm mình trong chiến dịch”.

Một hình mẫu phu nhân hoàn hảo

Nhưng, duyên số một khi đã kết không ai có thể chạy trốn được. Heidi gặp Ted Cruz, một người luôn tỏ ra không quan tâm đến những người xung quanh. Nhưng với Heidi thì anh chàng không thể không chú ý. Còn đối với Heidi, Ted đã phá vỡ kế hoạch “quên bọn con trai”.

Bà nói rằng, Ted đã làm cho bà nhớ lại một ngôi sao màn bạc thập niên 1950. Ted đã phá lệ, bỏ thói quen “phớt tỉnh” trước mọi cô gái. Ngay trong ngày đầu hẹn hò, Ted đã chất vấn Heidi quyết liệt quanh những vấn đề như cô hy vọng gì trong cuộc sống, niềm cảm hứng và ước mơ của cô là gì? Một năm sau, năm 2001, hai người cưới nhau.

Sau đó, khi hai người đến Washington, Heidi đã tỏa sáng như một ngôi sao, được trao cho việc làm ở Bộ Tài chính, sau đó vào Nhà Trắng làm Giám đốc khu vực Mỹ Latinh trong Hội đồng An ninh Quốc gia. Ngược lại, Ted lại có vẻ lu mờ đi, và vì thế ông quay trở về Texas làm Tổng cố vấn pháp luật bang với hy vọng khởi nghiệp chính trị.

Hai người sống cách xa nhau hơn một năm cho đến khi Heidi bỏ công việc ở Washington DC để về Texas với Ted. Sau chuyến về Texas, Heidi bị trầm cảm một thời gian. Heidi kể rằng, chuyến về Texas đó làm bà không thoải mái, dẫn đến trầm cảm.

Cả gia đình Ted Cruz lên sân khấu vận động tranh cử.

Để thoát khỏi tình trạng này, Heidi bắt đầu thay đổi cách sống, ra ngoài đi chơi thoải mái với bạn bè, trò chuyện một cách thân mật với những người phụ nữ không quen biết như thể đã thân quen với họ lâu lắm rồi, chào hỏi thân thiện với bất cứ ai bà gặp trên đường. Hình ảnh này trái ngược hoàn toàn với phong cách đường bệ xa cách của Ted. Và Heidi đã tự nhận mình góp phần làm mềm hóa hình ảnh xơ cứng của Ted.

Trong chiến dịch tranh cử hiện tại, Heidi tự mình tổ chức những sự kiện riêng để vận động giúp chồng. Có thể xem Heidi như một kênh vận động thứ hai của Ted Cruz. Trong các sự kiện do mình tổ chức, Heidi luôn đề cao các giá trị của ông Cruz và bày đặt ra một con đường đi đến chiến thắng cho ông, trong đó bà xây dựng các mối quan hệ chằng chịt với các tầng lớp cử tri.

Trong các phát biểu của mình, Heidi phát ngôn rõ ràng từng tiếng, nhưng đôi khi cũng tỏ ra ngập ngừng một cách tự nhiên. Bà hòa đồng một cách thoải mái trong đám đông, bay bổng tự nhiên trong bộ áo cánh bướm trông nhí nhảnh như một cô gái trẻ khi đi vận động ở Missouri.

Heidi hiện vẫn là người vận động tài chính nhiều nhất cho chồng, luôn tất bật gọi điện thoại khi ngồi trên xe chạy suốt thay vì ngồi trong văn phòng tổng hành dinh ở Houston. Heidi bảo rằng, bà đặt mục tiêu thực hiện 30 cuộc gọi mỗi ngày, nhưng thực tế bà chỉ thực hiện khoảng 20-25 cuộc. Bà cày xới trong danh bạ điện thoại của các “siêu PAC” (siêu ủy ban hành động chính trị) để tìm kiếm những cái tên mới để thuyết phục họ tài trợ với mức cao nhất mà pháp luật cho phép. Bà cố gắng tận dụng tối đa tất cả cơ hội có được để vận động cử tri ủng hộ chồng, dù bằng tiền hay bằng lá phiếu ủng hộ, và xem đó như một “cơ hội đầu tư” - nói theo quan điểm kinh doanh của bà.

Ted Cruz xác nhận với báo chí rằng, khi vợ chồng ông quyết định tranh cử tổng thống, ông biết rằng đó là một quyết định hết sức khó khăn đối với vợ ông, Heidi Nelson. Nhưng bà đã dành trọn thời gian cho điều mình đã quyết định thực hiện. Điều đó xuất phát từ bản chất “luôn có động lực tiến lên phía trước” của Heidi, và chính nó làm nên một hình mẫu phu nhân chính trị gia hoàn hảo nhất.

An Châu (tổng hợp)
.
.