Mỹ - LHQ: Căng thẳng chuyện đóng góp tài chính

Thứ Năm, 26/03/2009, 09:55
Việc Washington cứ lần lữa trong nghĩa vụ đóng góp tài chính làm cho Liên Hiệp Quốc (LHQ) gặp nhiều khó khăn trong hoạt động đã khiến Tổng thư ký Ban Ki-moon mới đây đã phải công khai lên tiếng chỉ trích. Được biết là khoản nợ của Mỹ đối với LHQ hiện đã lên tới hơn 1 tỉ USD, và theo khẳng định của quan chức đứng đầu LHQ, vẫn đang tiếp tục tăng lên từng ngày.

Trong khi theo đánh giá của nhiều chuyên gia, tình trạng căng thẳng mới đây rất có thể còn khiến cho Washington đơn phương xem xét lại vị thế của mình tại tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh này, thậm chí còn có nghị sĩ đã công khai đề nghị chính phủ nên rút khỏi LHQ...

Hôm 11/3 vừa qua, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã có cuộc gặp kín kéo dài một tiếng đồng hồ tại đồi Capitol với các thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ. Hai bên đã bàn bạc một loạt các vấn đề quốc tế cấp thiết, trong đó có tình hình tại Sudan và Somali, tình trạng khí hậu nóng lên trên toàn cầu v.v...

Ông Ban Ki-moon ngay sau đó đã đề cập ngay tới vấn đề ngân sách của LHQ phục vụ cho các hoạt động thường xuyên và những chiến dịch gìn giữ hòa bình, cũng như việc thực thi nghĩa vụ đóng góp tài chính của các quốc gia thành viên cho tổ chức này.

Được biết là nghĩa vụ đóng góp tài chính của các nước thành viên LHQ được sử dụng cho 3 lĩnh vực chính: đóng góp cho ngân sách thường xuyên, chi phí cho hoạt động gìn giữ hòa bình và tổ chức các tòa án quốc tế.

Các nguyên tắc tài chính của LHQ đã yêu cầu rõ ràng rằng, các khoản đóng góp trong năm cần phải được nộp cho tổ chức này chậm nhất là vào thời điểm ngày 31 tháng giêng năm đó. Nhưng cho đến đầu tháng 3 này, mới chỉ có 43 quốc gia hoàn thành nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách thường xuyên của LHQ trong năm 2009.

Trong cuộc gặp của ông Ban Ki-moon với Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Howard Berman, Tổng thư ký đã trực tiếp nhắc nhở ông này rằng, Mỹ vẫn còn thiếu LHQ gần 1 tỉ USD đồng thời nhấn mạnh: "LHQ không thể thực thi những công việc mà các ngài yêu cầu nếu không có những nguồn tài chính cần thiết này".

Theo lời ông Ban Ki-moon, ông muốn nhắc các nhà lập pháp hàng đầu của Mỹ cần phải quan tâm tới thực tế cho thấy, mặc dù Mỹ đã đồng ý nhận trách nhiệm đảm bảo 22% ngân sách hoạt động thường xuyên của LHQ (tức là khoảng 4,86 tỉ USD), nhưng việc cung cấp tài chính của họ thường xuyên bị chậm. Tổng thư ký LHQ còn nhấn mạnh thêm, khoản nợ của phía Mỹ "chẳng bao lâu nữa sẽ tăng lên thành 1,6 tỉ USD".

Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ Howard Berman (trái) trong một cuộc gặp với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon.

Theo nhận định của các chuyên gia, tài chính đang dần trở thành một trong những vấn đề gây căng thẳng thực sự trong quan hệ LHQ - Mỹ, vốn đã lâm vào tình trạng có nhiều bất đồng kể từ thời Tổng thư ký Kofi Annan. Thậm chí theo một số dự đoán "táo bạo", không loại trừ khả năng Mỹ sẽ rút khỏi LHQ.

Cần nhớ hồi tháng 3/2005, Ủy ban Quan hệ quốc tế của Hạ viện Mỹ đã từng nhận được một văn kiện đề xuất có tên gọi "Văn kiện về việc khôi phục chủ quyền nước Mỹ", với tác giả là nghị sĩ Ronald Paul từ đảng Cộng hòa.

Trong tuyên bố kèm theo khi đề xuất văn kiện trên, nghị sĩ Paul đã nói rằng, "Mỹ dù đã chi cho LHQ hơn 30 tỉ USD từ tiền của người dân đóng thuế, nhưng để đổi lại chỉ nhận được sự coi thường từ tổ chức này".

Nội dung chính của dự thảo luật trên đề nghị Tổng thống nên chấm dứt sự tham gia của Mỹ trong hoạt động của LHQ, kể cả bất cứ một cơ quan, ủy ban hay chi nhánh nào, cũng như đóng cửa bộ phận đại diện của Mỹ tại LHQ.

Dự thảo còn đề xuất Chính phủ Mỹ nên từ chối cung cấp tài chính cho các sứ mạng gìn giữ hòa bình quốc tế của LHQ, cũng như chấm dứt sự tham gia của quân đội Mỹ vào các sứ mạng trên.

Ông Ronald Paul cho rằng phải đưa Mỹ "ra khỏi tầm ảnh hưởng quyền lực của LHQ", thông qua việc viện dẫn nội dung bản di chúc chính trị nổi tiếng của Tổng thống đầu tiên George Washington, trong đó kêu gọi đồng bào mình "tách rời khỏi những liên minh thường xuyên với bất kỳ một bộ phận nào đó của thế giới bên ngoài".

Mùa hè năm ngoái, Mỹ từng thông báo cho Liên minh châu Âu (EU) về dự định rút khỏi thành phần Ủy ban Nhân quyền của LHQ. Theo lời các nhà phân tích, hành động ngoại giao trên bắt nguồn từ nhiều tuyên bố lâu nay của Chính phủ Mỹ về hoạt động không hiệu quả của LHQ nói chung và Ủy ban Nhân quyền trong thành phần của tổ chức quốc tế này  nói riêng.

Các ý kiến chung đều cho rằng, khả năng Mỹ rút ra khỏi LHQ là chuyện rất khó xảy ra. Đơn giản là nghị sĩ Ronald Paul trong 6 năm gần đây đã cố gắng đề xuất bản dự thảo luật trên tới 4 lần, dù gần như chẳng có được cơ hội đáng kể nào để nhận lấy sự ủng hộ trong Quốc hội.

Trong bối cảnh của một chính sách đối ngoại mang xu hướng "hòa nhập quốc tế" hơn của tân Tổng thống Barack Obama, cơ hội cho dự luật mang tính cực đoan này là gần như không có.

Dù sao, những căng thẳng về tài chính vừa qua một lần nữa lại cho thấy, sẽ còn không ít những bất đồng giữa LHQ với một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của mình trong nỗ lực giải quyết các vấn đề chung của thế giới

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.