Mỹ - Tưởng: Âm mưu ngăn chặn quan hệ ngoại giao Trung - Pháp

Thứ Năm, 12/01/2006, 15:00

Dù chính quyền Mỹ và Tưởng Giới Thạch đã cố gắng ngăn cản nhưng ngày 18/1/1964, hai nước Trung - Pháp chính thức ký kết văn bản thiết lập quan hệ ngoại giao tại Genève, Thụy Sĩ.

Bước vào những năm 60 của thế kỷ XX, do ảnh hưởng của Nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (CHNDTH) trên trường quốc tế ngày một lớn, nên Chính phủ Pháp, đứng đầu là Tổng thống De Gaulle bắt đầu xem xét đến việc thiết lập quan hệ ngoại giao với nước này. Tổng thống De Gaulle và Chính phủ của ông cũng hiểu rằng, muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Trung Hoa mới, nước Pháp nhất thiết phải cắt đứt mọi quan hệ ngoại giao với tập đoàn Tưởng Giới Thạch tại Đài Loan.

Biết được tin này cả Mỹ và Tưởng Giới Thạch rất tức giận và tìm mọi cách để ngăn chặn cuộc bang giao giữa Pháp và CHNDTH.

Để đảm bảo cho phái đoàn ngoại giao hai nước có thể tiến hành được các cuộc đàm phán về vấn đề thành lập quan hệ ngoại giao Pháp - Trung một cách thuận lợi, và tránh việc “chọc gậy bánh xe” của Mỹ, Tổng thống De Gaulle đã đưa ra một phương án an toàn: Giao cho cựu Thủ tướng Edgar dẫn đầu đoàn ngoại giao Pháp tới Trung Quốc.

Trước khi tới Trung Quốc, Thủ tướng Edgar tuyên bố trước báo chí rằng, chuyến thăm Trung Quốc lần này của ông đơn giản chỉ mang tính cá nhân, không có bất kỳ một sự ràng buộc nào từ phía chính quyền. Nhưng do Thủ tướng Edgar có sức ảnh hưởng rất lớn ở nước Pháp, nên chuyến đi này của ông không tránh khỏi sự nghi ngờ của Mỹ và Tưởng Giới Thạch. Do vậy, Chính phủ Mỹ yêu cầu CIA nhanh chóng vào cuộc, nhằm thăm dò các động thái của Edgar. Thế nhưng, do hai nước Trung - Pháp áp dụng những biện pháp bảo đảm bí mật tốt, nên cuối cùng mật vụ của CIA đành bó tay.

Mỹ tức giận trước cuộc đàm phán Trung - Pháp

Tháng 10/1963, Thủ tướng Pháp Edgar bay đến Bắc Kinh. Mấy ngày sau đó, ông đã có nhiều cuộc hội đàm với các nhân viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đồng thời có cuộc tiếp xúc với một số nhà lãnh đạo cấp cao của nước này như Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai. Sau nhiều cuộc đàm phán, 2 bên đã đạt được những thỏa thuận bước đầu.

Phía Trung Quốc sẽ giao bản “ý kiến nguyên tắc mang tên “Những điểm quan trọng của Thủ tướng Chu Ân Lai về vấn đề ngoại giao 2 nước Pháp - Trung” cho Thủ tướng Edgar mang về trao lại cho Chính phủ Pháp nghiên cứu. Thành công của chuyến đi đã củng cố thêm quyết tâm của Tổng thống De Gaulle và Chính phủ của ông trong vấn đề thiết lập ngoại giao với CHNDTH.

Đầu năm 1964, nhân việc trả lời phỏng vấn của báo chí, Thủ tướng Edgar đã công khai tuyên bố với báo giới nước này rằng, chỉ có nước CHNDTH mới là chính phủ đại diện cho toàn bộ nhân dân Trung Quốc, Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan không thể đại diện được. Do vậy, nước Pháp sẽ tiến hành thiết lập ngoại giao với Trung Quốc.

Lời phát biểu của Thủ tướng Edgar đã khiến cho Chính phủ Mỹ vô cùng tức giận. Quốc vụ khanh Mỹ là Rice và trợ lý Quốc vụ khanh Haryman ba lần bảy lượt hẹn gặp Đại sứ Pháp tại Mỹ, yêu cầu Pháp trì hoãn kế hoạch thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Tiếp đó, Quốc vụ viện Mỹ lại gửi công hàm tới Chính phủ Pháp, phản đối kịch liệt việc Pháp kết giao với Trung  Quốc. Nhưng cũng như lần trước, Tổng thống De Gaulle cũng không để ý đến những công hàm đó.

Mật vụ của Mỹ tới Đài Loan và thất bại của Mỹ và Tưởng Giới Thạch

Cũng trong tháng 10/1963, trợ lý Quốc vụ khanh Haryma gửi điện khẩn cho Trạm trưởng Trạm Tình báo CIA tại Đài Loan trước đây là Stilewell, yêu cầu ông ta phải nhanh chóng trở lại Đài Loan, khuyên Tưởng Giới Thạch phối hợp cùng với Mỹ để phá vỡ kế hoạch kết giao giữa Pháp và Trung Quốc.

Nhận được điện khẩn của Haryman, Stilewell lập tức đến Nhật Bản. Tại sân bay Tokyo, ông ta nhận ngay nhiệm vụ cụ thể từ một quan chức trong Đại sứ quán Mỹ tại Đài Loan. Theo đó, Stilewell có 3 nhiệm vụ chính trong chuyến đi. Thứ nhất, thuyết phục cha con Tưởng Giới Thạch ủng hộ việc kết giao giữa Pháp và Trung Quốc, không vội vàng cắt đứt ngoại giao với Pháp khiến cho Chính phủ Pháp phải gánh lấy trách nhiệm đạo lý và áp lực của dư luận quốc tế.--PageBreak--

Thứ hai, khuyên Tưởng Giới Thạch khi bàn về vấn đề cắt đứt quan hệ ngoại giao với Pháp, cố gắng yêu cầu phía Pháp để lại một số cơ quan và nhân viên ngoại giao tại Đài Loan, nhằm gây khó khăn cho Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Thứ ba, ngăn chặn các quốc gia phương Tây trong khối Pháp ngữ thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Nhận xong 3 nhiệm vụ cụ thể, Stilewell  được lệnh phải đi ngay tới Đài Loan. Ở Tokyo lúc đó đã quá nửa đêm không còn chuyến bay nào về Đài Loan nữa. Quốc vụ viện Mỹ lập tức cho một chiếc máy bay vận tải quân sự C-130 đưa Stilewell đến Đài Loan (điều đó đủ thấy Mỹ quan tâm tới vấn đề ngoại giao Pháp - Trung như thế nào).

Sáng sớm hôm sau, Stilewell tới Đài Bắc. Tưởng Kinh Quốc đích thân ra sân bay đón ông ta và ngay sau đó, 2 người tiến hành cuộc hội đàm bí mật  với nhau.

Sau cuộc hội đàm, Stilewell được sắp xếp nghỉ ngơi tại một khách sạn, còn Tưởng Kinh Quốc thì đi gặp Tưởng Giới Thạch để thông báo tình hình về cuộc nói chuyện giữa ông ta và Stilewell.

Trước sức ép của Mỹ, Tưởng Giới Thạch phải đành thỏa hiệp, với những yêu cầu mà Mỹ đưa ra. Thế nhưng lịch sử đã không chiều theo ý muốn của họ Tưởng bởi vào ngày 18/1/1964, hai nước Trung - Pháp chính thức ký kết văn bản thiết lập quan hệ ngoại giao tại Genève, Thụy Sĩ. Ngày 27/1/1964, hai bên cũng gửi công báo thiết lập quan hệ ngoại giao cho các nước trên thế giới.

Sau đó, Mỹ và chính quyền Tưởng Giới Thạch còn tiến hành nhiều biện pháp nhằm gây khó khăn cho việc tiến hành quan hệ ngoại giao Trung Quốc và Pháp nhưng không thực hiện được.

Không lâu sau, Đại sứ quán nước CHNDTH tại Pháp chính thức được thành lập. Đầu tháng 6/1964, Đại sứ đầu tiên của Pháp tại Trung Quốc cũng đến Bắc Kinh nhậm chức. Hai sự kiện trên đồng nghĩa với việc đặt một dấu chấm hết cho âm mưu “chọc gậy bánh xe” hòng phá hoại việc thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước Trung - Pháp của Chính phủ Mỹ và tập đoàn Tưởng Giới Thạch

Vũ Anh Tiến (theo Bí ẩn lịch sử)
.
.