Mỹ: Cái chết của Thẩm phán Tối cao Pháp viện gây xung đột

Thứ Hai, 22/02/2016, 13:45
Thẩm phán Antonin Scalia đã từ trần ngày 13-2 vừa qua, thọ 79 tuổi. Là thành viên của phe cộng hòa, trong suốt 30 năm và cho đến khi mất, tên tuổi của ông không khác gì một “cột trụ bảo thủ của ngôi đền pháp lý Mỹ” vì là đại diện cho những giá trị của nước Mỹ tại Tối cao Pháp viện; như trong lĩnh vực gia đình (ông kiên quyết chống lại sự phá thai hay hôn nhân đồng tính), trong tôn giáo (ông là người theo Thiên Chúa giáo truyền thống) hay duy trì trật tự xã hội (ủng hộ việc sở hữu vũ khí cá nhân).

Tuy nhiên, việc tìm người thay thế vị thẩm phán Tối cao Pháp viện có thể trở thành trung tâm của một cuộc tranh luận mới giữa Tổng thống Obama và Thượng viện với đa số thành viên theo đảng Cộng hòa ngay vào lúc chiến dịch tranh cử Tổng thống đang bước vào giai đoạn quan trọng.

Vài giờ sau khi tin về cái chết của thẩm phán được công bố, Tổng thống Obama đã dành những mỹ từ ca ngợi "một con người đáng nể", "một nhà luật học sáng chói" đã "dành cả đời cho nền tảng của nền dân chủ Mỹ, cho nhà nước pháp quyền". Tổng thống ban lệnh phải treo cờ rủ trong cả nước cho đến khi kết thúc tang lễ. Đồng thời trong diễn từ trang trọng đọc tại tư dinh ở California, Tổng thống cũng "cam kết hoàn thành trọng trách đúng theo Hiến pháp" để bổ nhiệm một thẩm phán mới kế nhiệm thẩm phán Scalia. "Tôi sẽ dành tất cả thời gian để làm điều đó và Thượng viện sẽ có trách nhiệm lắng nghe người đó trình bày và phê chuẩn kịp thời gian".

Thẩm phán Tối cao Antonio Scalia.

Nhiệm kỳ của Tổng thống Obama sẽ kết thúc vào ngày 20-1-2017. Có điều là với tư cách Tổng thống Mỹ, chính ông bổ nhiệm suốt đời 9 vị thẩm phán Tối cao Pháp viện và Thượng viện sẽ phê chuẩn sự bổ nhiệm đó. Tuy nhiên tiến trình chỉ định và phê chuẩn một thẩm phán mới có lẽ sẽ rất cam go trong thời gian chưa đến một năm, nhất là khi phải đối đầu với một Thượng viện do phe Cộng hòa nắm đa số.

Trong một cuộc tranh luận trước truyền hình hôm 13-2, tất cả các ứng cử viên Cộng hòa đã kêu gọi Thượng viện ngăn chặn mọi sự bổ nhiệm thẩm phán mới của Tổng thống Obama. Thủ lĩnh phe đa số Cộng hòa trong Thượng viện là Mitch McConnell đã tuyên bố trách nhiệm đề cử đó sẽ thuộc về vị tân tổng thống. Theo ông, "dân chúng Mỹ phải có tiếng nói trong sự chọn lựa vị thẩm phán Tối cao Pháp viện mới, và vị trí khiếm khuyết đó sẽ không được bổ sung khi chúng ta chưa có tân tổng thống".

Ngược lại, nghị sĩ Dân chủ Harry Reid đã yêu cầu bổ nhiệm thẩm phán ngay: "Trong lịch sử gần đây của Tối cao Pháp viện chưa hề có một vị trí khiếm khuyết trong suốt một năm. Tổng thống nên bổ nhiệm thẩm phán ngay. Để khiếm khuyết vị trí đó sẽ là sự chối bỏ đáng xấu hổ một trong các trọng trách theo tinh thần Hiến pháp của Thượng viện".

Nữ ứng viên tổng thống Hillary Clinton thì lên án phe Cộng hòa vì hành động này đã "làm ô danh Hiến pháp". Tổng thống Obama bày tỏ sự kiên quyết: "Đó là trách nhiệm mà tôi rất xem trọng cũng như mọi người. Chúng vượt trên mọi đảng phái chính trị. Chúng thuộc về nền dân chủ".

Sự phê chuẩn của Thượng viện cần phải có 60 phiếu, thế nhưng phe Dân chủ chỉ có 46 ghế. Cuộc chiến này làm chiến dịch tranh cử trở nên gay cấn bởi vì Tổng thống Obama có thể làm thay đổi tương quan quyền lực trong Tối cao Pháp viện. Với sự ra đi của thẩm phán Antonin Scalia, các quan tòa bảo thủ và tự do đang ngang bằng nhau. Cho đến nay, phe bảo thủ luôn ở kèo trên cho dù thẩm phán Anthony Kennedy được xem như bảo thủ đôi khi lại đứng về phía phe tiến bộ. Trong năm qua ông đã quyết định cho phép hôn nhân đồng tính, phán quyết này đã khiến phe Cộng hòa cay cú.

Sự bổ nhiệm người thay thế thẩm phán Antonin Scalia có thể làm nghiêng cán cân quyền lực về lâu dài của vị trí thẩm phán cấp tư pháp cao nhất nước Mỹ, nhất là khi các thẩm phán có vai trò chủ đạo từ khi quyền hành pháp và lập pháp bị kiểm soát giữa một bên là vị Tổng thống Dân chủ và bên kia là Thượng viện mà phe Cộng hòa chiếm đa số. Chính họ đã phán quyết chấp thuận chính sách cải cách y tế "Obamacare" của Tổng thống.

Các thẩm phán của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ chụp ảnh hằng năm.

Ứng cử viên Cộng hòa Ted Cruz không ngừng nhấn mạnh tầm quan trọng của Tối cao Pháp viện trong những lần diễn thuyết và đã yêu cầu "Thượng viện làm sao để vị tân tổng thống bổ nhiệm người thay thế thẩm phán Scalia". Chắc hẳn Tổng thống Obama sẽ không bỏ qua cơ hội này để Tối cao Pháp viện nghiêng về phía phe tự do dân chủ.

Có điều là từ đây đến khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào ngày 8-11 năm nay, cái chết của thẩm phán Scalia có nguy cơ làm tê liệt hoạt động của Tối cao Pháp viện, đặc biệt là trong việc ra quyết định đối với các hồ sơ cực kỳ nhạy cảm, như "sự phân biệt tích cực", "phá thai" hay tính hợp pháp của những sắc lệnh Tổng thống nhằm hợp thức hóa tạm thời hàng triệu người di dân.

Mê Linh (theo Nouvel Observateur)
.
.