Mỹ: Để ngỏ khả năng đóng cửa một phần chính phủ

Thứ Tư, 30/01/2019, 15:43
Cuối cùng, sau 35 ngày đóng cửa một phần, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành dự luật tạm thời mở cửa trở lại hoạt động của chính phủ, nhằm cứu vãn tình trạng khốn đốn của hàng triệu người vốn bị tổn thương nặng nề do tình trạng đóng cửa gây ra.

Mặc dù dự luật trên được cả Thượng viện và sau đó là Hạ viện ủng hộ, song một thỏa thuận ngân sách chỉ cho phép các cơ quan liên bang hoạt động trong thời hạn 3 tuần, liệu có cứu vãn được tình thế, khi mà vấn đề mấu chốt là ngân sách xây dựng bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico theo đề xuất của ông chủ Nhà Trắng vẫn chưa được đáp ứng và khả năng chính phủ đóng cửa trở lại, thậm chí ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vẫn đang được để ngỏ.

Trong những ngày qua, bất đồng quan điểm về khoản ngân sách 5,7 tỷ USD dành cho việc xây dựng bức tường tại biên giới với Mexico là nguyên nhân khiến hai phe Dân chủ và Cộng hòa không thể thống nhất về ngân sách chính phủ cho tài khóa 2019, khiến Chính phủ Mỹ bị đóng cửa một phần kể từ ngày 22-12-2018. Cho đến nay, chính quyền Tổng thống Trump và lãnh đạo phe Dân chủ tại Quốc hội đã tiến hành một số vòng đàm phán tháo gỡ bế tắc, song đều không dẫn đến kết quả khả quan.

Đợt đóng cửa chính phủ một phần này đã ảnh hưởng tới 1/4 cơ quan liên bang với khoảng 800.000 nhân viên liên bang phải nghỉ việc hoặc làm việc không lương. Tính tổng thể, nền kinh tế Mỹ đã thiệt hại ít nhất 6 tỷ USD trong 6 tuần chính phủ liên bang phải đóng cửa một phần, nhiều hơn cả số tiền 5,7 tỷ USD mà tổng thống yêu cầu chi cho kế hoạch xây bức tường hoặc hàng rào kiên cố tại vùng biên giới.

Trước các áp lực chính trị, Tổng thống Donald Trump có vẻ như đã chấp nhận chấm dứt tình trạng đóng cửa chính phủ lâu nhất trong lịch sử nước Mỹ. Sau 35 ngày, người đứng đầu Nhà Trắng cuối cùng cũng ủng hộ một thỏa thuận ngân sách cho các cơ quan liên bang trong thời hạn 3 tuần nhưng không bao gồm số tiền mà ông yêu cầu cho việc xây dựng bức tường biên giới Mỹ-Mexico.

Tuy nhiên, sau cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội, ông Trump lại tuyên bố trên trang Twitter cá nhân rằng đây không phải một quyết định “nhân nhượng” mà là lựa chọn vì “hàng triệu người đang bị tổn thương nặng nề vì tình trạng đóng cửa chính phủ”.

Về lý thuyết, với thỏa thuận tài trợ cho chính phủ liên bang cho đến hết ngày 15-2, các nhân viên liên bang bị ảnh hưởng bởi những rối ren về chính trị vừa qua sẽ được nhận tiền lương đầy đủ. Quyết định tạm thời không dùng đến “một sự lựa chọn thay thế uy quyền khác” - ám chỉ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, sẽ cho phép các nghị sĩ và Nhà Trắng thảo luận về vấn đề an ninh biên giới.

Tổng thống Trump thậm chí nói rằng ông hy vọng trong vòng 21 ngày tới, cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa sẽ cùng làm việc một cách tận tụy, chân thành và đây sẽ là cơ hội để mọi đảng phái “cùng nhau phục vụ lợi ích cho đất nước tuyệt vời của chúng ta”.

Tuy nhiên, ông tỏ ý cương quyết hơn khi tuyên bố rằng: “Chúng ta thực sự vẫn không có lựa chọn nào khác ngoài việc xây dựng một bức tường hoặc hàng rào thép. Nếu chúng ta không nhận được một thỏa thuận công bằng từ Quốc hội, 15-2 cũng là thời điểm chính phủ sẽ đóng cửa một lần nữa. Hoặc tôi sẽ sử dụng các quyền hạn của tôi theo luật pháp và Hiến pháp Mỹ để giải quyết tình trạng khẩn cấp này”.

Tổng thống Donald Trump phát biểu tại vườn hồng.

Giới phân tích cho rằng nếu Tổng thống Trump ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, ông có thể dùng ngân sách quốc phòng để phục vụ kế hoạch xây dựng bức tường tại biên giới phía Nam và điều này chắc chắn sẽ kéo theo những thách thức về hiến pháp và pháp lý.

Suốt hơn 1 tháng qua, ông Trump vẫn khẳng định sẽ không hỗ trợ mở lại chính phủ liên bang nếu ngân sách không tài trợ cho bức tường biên giới của mình. Tuy nhiên, cuối tuần qua, khi việc đóng cửa một phần chính phủ bắt đầu gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thống hàng không Mỹ, dường như Tổng thống đã phải rút lui.

Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell cho đến nay vẫn khăng khăng rằng không có cách nào để giành chiến thắng trong cuộc đình công với đảng Dân chủ. Báo giới bình luận: “Hẳn không dễ chịu gì đối với những người Cộng hòa khi phải chứng kiến đảng của họ và tổng thống phải chịu trách nhiệm cho tình trạng bế tắc. Giờ họ lại rơi vào guồng đàm phán trong 3 tuần để đạt được thỏa thuận an ninh biên giới”.

Cho đến nay, kịch bản chính phủ đóng cửa trở lại một phần vẫn được nhắc tới khá nhiều khi được hỏi liệu có ủng hộ kế hoạch của lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell và nghị sĩ hàng đầu của đảng Dân chủ Chuck Schumer hay không, ông Trump vẫn đưa ra câu trả lời lấp lửng, rằng ông vẫn muốn cấp ngân sách cho việc xây bức tường biên giới với Mexico. Ông Trump nói: “Nếu họ đi đến một thỏa thuận hợp lý, tôi sẽ ủng hộ”, song cũng nói thêm rằng “chúng ta phải có một bức tường (biên giới)”.

Trong khi đó, lãnh đạo hàng đầu của đảng Dân chủ - Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi - vẫn tỏ ra khá cứng rắn khi tuyên bố bất kỳ thỏa thuận nào bao gồm một khoản ngân sách trả trước một phần cho việc xây bức tường của ông Trump sẽ không có triển vọng thành công. Bà nói: “Tôi hy vọng rằng điều đó không có nghĩa là một số tiền lớn trả trước sẽ được chi cho bức tường và “tôi không biết ông Trump có hiểu ông ấy đang  nói về cái gì không”.

Mặc dù Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham, người thường xuyên cố vấn cho Tổng thống Mỹ, đã tuyên bố rằng ông đã thảo luận với ông Trump về giải pháp cho đề xuất mới: thông qua dự luật cấp ngân sách cho chính phủ trong 3 tuần. “Chúng tôi tin rằng nếu chính phủ được mở cửa trở lại sau 3 tuần, chúng ta có thể tìm giải pháp để tiến tới đưa ra một dự luật mà ông Trump sẽ ký”.

Theo ông Graham, các ưu tiên của đảng Dân chủ cho cứu trợ thiên tai thảm họa cũng được đưa vào dự luật này, cho thấy thiện ý từ cả hai phía”. Song, với tuyên bố vẫn cần thiết phải có ít nhất là một khoản ngân sách cho kế hoạch xây bức tường biên giới của ông Trump, việc chính phủ mở cửa trở lại trong 3 tuần sẽ chỉ có hiệu quả nếu có khoản ngân sách trả trước cho bức tường.

Bảo Trân
.
.