Mỹ: Kiềm chế nghề lobby để loại bỏ các lợi ích ngầm trong điều hành của chính phủ

Thứ Sáu, 11/12/2009, 14:47
Hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn người vận động hành lang (lobby) có thể bị  loại khỏi các ủy ban tư vấn trên phạm vi toàn nước Mỹ. Theo một số quan chức Nhà Trắng cũng như các chuyên gia vận động hành lang, đây được coi là một phần của chương trình hành động của chính quyền Obama trong việc kiềm chế ảnh hưởng của "Phố K." (tên một con phố thuộc thủ đô Washington - chỉ ngành công nghiệp "vận động hành lang" ở Mỹ - ND) lên hệ thống cơ quan Nhà nước.

Chính sách mới này được một nhóm cố vấn nội vụ của Nhà Trắng soạn thảo và thông qua một cách lặng lẽ là "đòn đau" nhất đối với nhóm người vận động hành lang ngay trong thời kỳ đầu nhiệm kỳ của ông Obama. Tổng thống Obama cũng đang yêu cầu cấp dưới tìm cách hạn chế khả năng để cho những người vận động hành lang làm việc cho bất kỳ cơ quan nhà nước nào.

Động thái này của chính quyền Obama nhắm đến những người vận động hành lang trong hệ thống các ủy ban tư vấn - vốn nhiều như sao sa, đến mức các quan chức liên bang cũng không nắm nổi số lượng. Một điều tra gần đây cho thấy có khoảng 1.000 ủy ban như thế với con số thành viên vượt quá 60.000 người.

Theo tính toán, với việc thực hiện chính sách này trong những tháng tới, khoảng 13.000 người vận động hành lang tại Washington không còn cơ hội tham gia các ủy ban vốn có nhiệm vụ cố vấn các vấn đề luật lệ thương mại, quy tắc về môi trường, bảo vệ người tiêu dùng cũng như hàng ngàn chính sách công khác.

Eisen, thành viên nhóm cố vấn nội vụ của Nhà Trắng, người tiết lộ chính sách mới này trên blog tại website của Nhà Trắng, nhận xét: Một số người vừa làm trong các ủy ban tư vấn vừa thực hiện việc vận động hành lang đối với chính phủ. Những lợi ích đặc thù mà những người này đeo đuổi nhiều khi không phù hợp với lợi ích quốc gia.

Sự thực là, phần lớn những người tham gia các ủy ban tư vấn không được trả thù lao. Họ thường được các công ty, tập đoàn, nghiệp đoàn "trải thảm đỏ" chỉ nhằm gây ảnh hưởng lên các quyết sách của chính phủ theo hướng có lợi cho doanh nghiệp hay tổ chức đó.

Các luật sư của chính phủ lo ngại rằng, chính phủ không thể "sa thải" những người làm nghề vận động hành lang ra khỏi các ủy ban tư vấn bởi lẽ các ủy ban này thường do các tổ chức tư nhân điều hành chứ không phải cơ quan trực thuộc hệ thống hành pháp. Tuy nhiên, các quan chức chính phủ cũng cho rằng, đa số bộ trưởng trong nội các đã bắt đầu để ý đến vấn đề này qua việc không phục hồi cũng như chấp nhận những người vận động hành lang tham gia các ủy ban tư vấn.

Phản ứng mạnh  mẽ nhất trước quyết định của Nhà Trắng là Ủy ban Tư vấn công thương (ITAC). ITAC đổ lỗi cho chính phủ đã ban hành một chính sách sai lầm và có hại đối với các lợi ích kinh tế của Mỹ.

Một lá thư do lãnh đạo các ủy ban này gửi cho Tổng thống Obama nhận được sự ủng hộ của nhiều quan chức tại các tập đoàn lớn như Boeing, IBM, Harley-Davidson, Công ty Giấy quốc tế (International Paper)... "Chính sách của Nhà Trắng phá hủy lợi ích mà các ủy ban tư vấn đem lại", lá thư này nhấn mạnh - "Chính quyền đã dùng chính những thế mạnh của các chuyên gia tư vấn để loại họ ra khỏi hệ thống các ủy ban tư vấn".

Ví dụ, Ủy ban Tư vấn về thiết bị và vốn cho ngành công nghiệp ôtô đã khoanh tay đứng nhìn khoảng hơn 20 thành viên (bao gồm nhiều người vận động hành lang) bị "mất việc" khi ủy ban này tái cấu trúc vào đầu năm tới. Các nhà phân tích cho rằng, sự ra đi này bắt nguồn từ cuộc đấu tranh để tồn tại của các nhà sản xuất ôtô trong nước cũng như những nỗ lực của chính quyền Obama trong việc tái khởi động các cuộc thương thảo với Hàn Quốc và một số nước khác.

Brian T. Petty, Chủ tịch  Ủy ban Tư vấn về thiết bị và vốn cho ngành công nghiệp ôtô kiêm Phó chủ tịch cao cấp nhóm làm việc của Chính phủ Mỹ trong Hiệp hội Quốc tế các nhà thầu, nói: "Chính phủ đang tự kiềm chế ý kiến của các doanh nhân Mỹ trong các cuộc thương thảo này bằng cách loại bỏ những người xuất sắc nhất".

Phía các nhà hành pháp nhấn mạnh rằng, các cố vấn từ khối doanh nghiệp có thể tham gia các ủy ban tư vấn nếu họ không làm nghề vận động hàng lang. Eisen, thành viên nhóm cố vấn nội vụ của Nhà Trắng, trong lá thư trả lời lãnh đạo ITAC, viết rằng: "Những lập luận rằng chỉ có những người vận động hành lang mới có đủ kinh nghiệm để tư vấn đúng đắn là không thuyết phục".

"Nếu kết quả của chính sách mới (loại bỏ tiếng nói của người vận động hàng lang) dẫn tới việc các doanh nhân tham gia nhiều hơn vào các cuộc thảo luận về những chính sách liên quan tới họ (thay vì thông qua những người vận động hành lang), thì đó là điều tốt chứ. Những cố vấn chuyên nghiệp phục vụ những lợi ích đặc thù không cần thiết có mặt trong các ủy ban tư vấn. Hãy để những “giọng nói” mới lên tiếng".

Và mặc dầu những người vận động hành lang không vui lắm thì một số cố vấn có uy tín cho chính quyền lại cho rằng chính sách này rất đúng đắn. "Chính phủ cũng có thể mất nhiều chuyên gia giỏi nhưng các chuyên gia này cũng đã được trả công xứng đáng cho công việc của mình trong thời gian qua, họ đã có nhiều ảnh hưởng trong chính trường", Mary Boyle, Phó chủ tịch Common Cause (tổ chức đấu tranh nhằm lành mạnh hóa các cơ quan chính phủ đáp ứng yêu cầu của nhà nước và công dân - ND) nói. Chuyên gia này cũng bày tỏ sự "ủng hộ việc các cơ quan hành pháp đang làm nhằm loại bỏ các lợi ích ngầm ra khỏi công việc điều hành chính phủ"

Anh Tú (theo Washingtin Post)
.
.