Mỹ: Lịch sử cuộc chiến giành ghế Chủ tịch Hạ viện

Thứ Năm, 08/10/2015, 16:45
Khi ông John Boehner quyết định sẽ từ chức Chủ tịch Hạ viện Mỹ vào cuối tháng 10 này, ông sẽ để lại sau lưng một Hạ viện trong đó các nghị sĩ Cộng hòa bị chia rẽ sâu sắc.

Hố sâu ngăn cách giữa các phe phái trong đảng Cộng hòa sẽ khiến cuộc chiến giành giật chiếc ghế của ông Boehner trở nên quyết liệt. Cách đây 160 năm, nước Mỹ đã từng trải qua một tình huống tương tự khi đảng Cộng hòa mất hàng tháng trời mới tìm được Chủ tịch Hạ viện.

Bối cảnh lịch sử

Hạ viện do đảng Cộng hòa chiếm đa số hiện nay bị tách thành hai phe: Một bên là những nghị sĩ theo tư tưởng của Tổng thống Ronald Reagan - bảo thủ mạnh mẽ nhưng ý thức được trách nhiệm lập pháp, quản lý và thỏa hiệp của mình, một bên là phe đảng Trà ngày càng lớn mạnh muốn "đốt cháy Hạ viện".

Để trở thành Chủ tịch Hạ viện, một ứng cử viên phải giành được đa số tuyệt đối phiếu bầu trong mọi cuộc bỏ phiếu, chứ không chỉ là đa số tương đối.

Đây không phải là lần đầu tiên Quốc hội Mỹ đối mặt với bế tắc trong bầu lãnh đạo. Năm 1855, Hạ viện nhiều phe phái đã mất gần hai tháng để chọn chủ tịch mới. Thời đó, đảng Cộng hòa non trẻ vừa giành đa số tuyệt đối trong Quốc hội, sắp bước vào nhiệm kỳ mới với hừng hực quyết tâm ngăn chặn chế độ chiếm hữu nô lệ nhưng vị tân chủ tịch phải vượt qua một trở ngại lớn: hàn gắn các phe phái trong đảng.

Ông Boehner sẽ để lại sau lưng một Hạ viện bị chia rẽ sâu sắc.

Trước đó, vào mùa xuân năm 1854, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Kansas-Nebraska - một đạo luật gây chia rẽ có nội dung về tổ chức khu vực lãnh thổ của Kansas và Nebraska - những lãnh thổ mà Mỹ đã sáp nhập nhiều thập kỷ trước đó trong khuôn khổ vụ sáp nhập bang Louisiana từ Pháp.

Tinh thần chủ đạo của dự thảo đạo luật là cấm chủ nghĩa nô lệ. Nhưng do vấp phải sự phản đối kịch liệt của các thượng nghị sĩ miền Nam mà đa số thuộc đảng Dân chủ, Thượng nghị sĩ Dân chủ Stephen Douglas vốn là Chủ tịch Ủy ban Lãnh thổ và là tác giả của đạo luật nói trên đã thêm một điều khoản vào dự luật. Theo đó, người dân của hai vùng lãnh thổ Kansas và Nebraska có thể tự quyết có chấp nhận chủ nghĩa nô lệ hay không. Ông Douglas biết rằng điều khoản này sẽ gây ra một cơn cuồng phong nhưng ông không ngờ rằng cơn cuồng phong này lại đến nhanh và mạnh đến vậy.

Với quyết định của mình, ông Douglas đã làm xáo trộn những gì mà miền Bắc và miền Nam nước Mỹ thỏa thuận bấy lâu nay và lại đưa vấn đề nô lệ vào chính trường Mỹ. Đạo luật này đã đẩy hệ thống chính trị Mỹ vào khủng hoảng trong nhiều tháng trời. Hàng trăm cuộc họp diễn ra trên khắp cả nước, các nhà hoạt động chống chủ nghĩa nô lệ từ bỏ đảng phái của mình để tham gia các phe phái khác có chung quan điểm.

Vấn đề trên chính trường Mỹ càng thêm phức tạp, rối rắm khi giữa những phe phái phản đối Đạo luật Kansas-Nebraska lại trùng quan điểm đáng kể với những người vốn theo đường lối ủng hộ dân bản xứ, phản đối người nhập cư.

Liên minh lỏng lẻo

Trong bối cảnh đó, ở thành phố Ripon, bang Wisconsin, ngày 28/2/1854, hàng chục người phản đối chủ nghĩa nô lệ thuộc các phe phái nói trên đã tập hợp trong một ngôi trường nhỏ ở thành phố để thành lập một đảng chính trị mới. Họ gọi đảng của mình là Cộng hòa - cái tên còn đến tận ngày nay. Mùa thu năm đó, các ứng cử viên có tư tưởng phản đối Đạo luật Kansas-Nebraska đã hạ bệ hàng chục ứng cử viên Dân chủ ở miền Bắc.

Dù chiến thắng nhưng lực lượng của đảng Cộng hòa gồm các thành viên phản đối Đạo luật Kansas-Nebraska chỉ là một liên minh lỏng lẻo. Ngoài điểm chung là phản đối chủ nghĩa nô lệ, họ mâu thuẫn ở hầu hết các điểm khác.

Hồi thế kỷ XIX, tại Mỹ khoảng thời gian từ lúc bầu cử Quốc hội cho tới khi Quốc hội mới tuyên thệ kéo dài tới 13 tháng. Do đó, những nghị sĩ trúng cử từ năm 1854 mãi đến tháng 12/1855 mới triệu tập phiên họp đầu tiên ở thủ đô nên họ có rộng thời gian để huy động sự ủng hộ. Có hai ứng cử viên hàng đầu là Lewis Campbell - một cựu thành viên đảng Whig ở Ohio - và Nathaniel Banks - cựu thành viên đảng Dân chủ ở bang Massachusetts.

Hạ viện Mỹ sẽ khó khăn trong bầu chủ tịch mới.

Ông Campbell bị coi là người đến sau trong phong trào phản đối chủ nghĩa nô lệ và ngay cả bạn bè ông cũng cho rằng ông quá mạnh mẽ và độc đoán nên không thể đoàn kết nhiều phe phái trong đảng Cộng hòa - một liên minh lỏng lẻo. Còn ông Bank lại là một người hay thay đổi quan điểm và từng thừa nhận với một người bạn thân rằng ông ta không ủng hộ cũng không phản đối chủ nghĩa nô lệ.

Trong vòng bỏ phiếu lần đầu tiên ngày 3/12, có 17 ứng cử viên giành được phiếu ủng hộ, trong đó ông Campbell mất thế đa số tuyệt đối. Sau đó, các nghị sĩ phải trải qua nhiều cuộc bỏ phiếu trong vòng 2 tháng ròng rã, cộng với sự thỏa hiệp, nhượng bộ của một số nghị sĩ hàng đầu, ông Nathaniel Banks mới giành được đủ số phiếu cần thiết để trở thành Chủ tịch Hạ viện.

Việc thỏa hiệp để đưa ông Banks lên làm Chủ tịch Hạ viện đã tạo nền tảng cho đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống sau này, trong đó ông Abraham Lincoln đã trở thành Tổng thống đầu tiên là người của đảng Cộng hòa.

Dư luận Mỹ đang chờ đợi thời điểm tháng 11/2015 tới đây để xác định xem đảng Cộng hòa - vốn nổi lên sau cuộc chiến bầu chủ tịch Hạ viện - còn có khả năng để lãnh đạo và liệu lịch sử có lặp lại.

Nhật Minh (tổng hợp)
.
.