Mỹ: Vì sao Thứ trưởng Ngoại giao Karen Hughes quyết định từ chức?

Thứ Bảy, 17/11/2007, 09:35
Ngày 31/10/2007, Karen Hughes, một trong những cố vấn còn lại sau cùng của nhóm những người đồng hương Texas với Tổng thống Bush đã nói lời chia tay chính trường vào cuối năm nay, Hughes nói rằng, bà sẽ trở về cuộc sống đời thường ở Austin cùng với gia đình.

Sự ra đi của Hughes diễn ra tiếp bước những trợ lý thân cận của Tổng thống (TT) Bush là Karl Rove và Dan Barlett. Cả 3 người đều là đồng hương Texas với TT Bush, được ông tín nhiệm và cất nhắc vào Nhà Trắng.

Bà Hughes đã từng phục vụ 18 năm tại Nhà Trắng với tư cách là chuyên viên ngoại giao trước khi xin trở về Austin năm 2002. Tháng 7/2005, TT Bush gọi bà trở lại chính trường và bổ nhiệm bà vào chức Thứ trưởng Ngoại giao.

Nhiệm vụ đặt ra cho nhân vật thân cận TT Bush là cải thiện các mối quan hệ quốc tế, sử dụng các chương trình từ giao lưu, trao đổi văn hóa và thể thao đến các món tiền trợ cấp nhỏ để giúp phụ nữ Afghanistan khởi nghiệp làm ăn buôn bán, làm cho người ta tin rằng nước Mỹ có thể “chiếm được trái tim và khối óc” của thế giới Hồi giáo.

Thông báo quyết định ra đi của bà Hughes, Ngoại trưởng C.Rice nói rằng bà chấp nhận sự từ nhiệm “với một nỗi buồn nhiều nhưng cũng rất vui về những gì bà ấy đã làm được” và biết rằng bà Hughes sẽ tiếp tục tham gia nhiều dự án.

Tuy 2 năm làm công việc quan hệ ngoại giao bà Hughes chưa làm nên một sự thay đổi có ý nghĩa nhiều về hình ảnh của nước Mỹ trên cộng đồng quốc tế nhưng cũng đã tạo nên những thay đổi khá quan trọng trong các phương cách quan hệ với cộng đồng của Mỹ, trong đó có việc làm cho các quan chức trong bộ máy chính quyền Mỹ tiếp cận nhiều hơn với báo giới và chuẩn bị tốt để đáp ứng nhanh hơn những diễn biến ở Trung Đông thông qua các thuyết gia nói thông thạo tiếng Arập.

Bà Rice cho rằng Hughes đã làm chuyển được bộ máy quan hệ công chúng của ngành ngoại giao Mỹ từ chỗ trì trệ rối rắm lâu nay thành một dáng vẻ “có sức thu hút” hẳn lên, làm cho nó trở thành nơi ưng ý làm việc của các quan chức ngoại giao.

Bà Rice nói: “Bà ấy (Hughes) đã làm cho các nhà ngoại giao nhiều nước trên thế giới cảm thấy thoải mái ở đây và chuyện trò trao đổi về các thông tin của Mỹ”. Dana Perino, phát ngôn viên Nhà Trắng chuyển lời TT Bush nói rằng bà Hughes đã có những nỗ lực cải thiện hình ảnh nước Mỹ và những gì bà đã làm được chỉ là “những khởi đầu” vì đây là một “dự án lâu dài”.

Bà Hughes đã lập ra được một “đơn vị phản ứng nhanh” giúp ngành ngoại giao Mỹ chuyển tải nhanh chóng những thông điệp của Washington đến thế giới; đẩy mạnh việc dạy tiếng Anh cho các nước phát triển và thúc đẩy các nhân viên ngoại giao tiếp cận nhiều với các phương tiện truyền thông đại chúng.

Hughes cũng nhận được sự hỗ trợ của TT Bush với ngân sách ngoại giao công chúng tăng lên 900 triệu USD hàng năm và chính phủ đã đồng ý gửi các ngôi sao thể thao của Mỹ như Michelle Kwan, người giành huy chương Olympic môn trượt băng nghệ thuật và ngôi sao bóng chày Cal Ripken ra nước ngoài với tư cách là những nhà ngoại giao không chính thức.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm ít ỏi ở nước ngoài, bà Hughes đã không tránh được những chỉ trích cho rằng bà còn thiếu hẳn những khí chất ngoại giao. Những gì bà thật sự  làm được chỉ là có mối quan hệ gần gũi với TT. Chuyến công du đầu tiên với tư cách là Thứ trưởng Ngoại giao, “chuyến đi để lắng nghe” ở Trung Đông của bà chỉ mang lại một đáp ứng lạnh nhạt, như là một thông điệp lạc điệu đến với thế giới phụ nữ Hồi giáo.

Rick Baron, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chiến lược quốc tế gọi những hoạt động của bà là “một chiếc túi hỗn hợp”, tuy có được những thông tin tốt hơn nhưng cái dở chính là bà đang mang nặng hành lý về các chính sách của Mỹ, đặc biệt đối với Iraq, vì thế làm nó thêm khó khăn cho người khác. Nhiều người cho rằng Hughes đã khởi hành trên một đôi chân vụng về.

Giới truyền thông Arập và phương Tây thì chê bai những phát ngôn của bà trong chuyến công du đầu tiên tới Trung Đông vào tháng 9/2005 là “thiếu chiều sâu”. Tờ Washington Post hôm 1/11/2007 dẫn nguồn tin của báo Arab News viết năm 2005: “Hughes hoàn toàn thiếu những khả năng cần thiết”.

Sau 2 năm nỗ lực cải thiện và đánh bóng hình ảnh nước Mỹ với cộng đồng ngoại giao quốc tế, thành công của bà Hughes, theo tờ Arab News, là rất ít ỏi. Kết quả điều tra dư luận cho thấy hình ảnh nước Mỹ vẫn tuột dốc rõ rệt trong thế giới Hồi giáo và các nơi khác trên thế giới.

Hình ảnh vốn không sáng sủa ấy vẫn không cải thiện được trong thời gian tại vị của Hughes và trong nhiều trường hợp càng trở nên tồi tệ hơn. Theo kết luận khảo sát toàn cầu gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew ở Washington, hình ảnh nước Mỹ “vẫn nằm ở mức cực thấp đối với các nước Hồi giáo ở Trung Đông và châu Á".

Cuộc chiến sa lầy ở Iraq liên tục làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh nước Mỹ đồng thời tác động mạnh đến việc đánh giá nước Mỹ của người Hồi giáo. Kết quả điều tra trong 5 quốc gia Hồi giáo chủ yếu cho thấy có ít hơn 33% số người nhìn nhận tốt về hình ảnh nước Mỹ.

Ngay cả ở Thổ Nhĩ Kỳ, một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ trong thế giới Hồi giáo cũng chỉ có 9% dân chúng có quan điểm thuận lợi với Mỹ, giảm sút rất nhiều so với 52% trong năm 2000.

Bà Hughes cho rằng cuộc đấu tranh “ý thức hệ”, cải thiện hình ảnh nước Mỹ không phải là công việc một sớm một chiều mà là mộât quá trình kéo dài hàng chục năm. Thế nhưng, một số quan chức Nhà Trắng đã đổ lỗi cho bà. Vì vậy, bà đã chọn cách ra đi để tìm sự thảnh thơi!

Ánh Vân (tổng hợp)
.
.