Mỹ đau đầu vì Pakistan

Thứ Bảy, 09/10/2010, 12:35
Một lời "cảnh cáo" từ phía Pakistan đối với lực lượng NATO do Mỹ cầm đầu trong cuộc chiến chống phiến quân Taliban và khủng bố Al-Qaeda, kèm theo đó là nguy cơ bất ổn định chính trị ở Pakistan đang khiến cho chính quyền Mỹ lo sốt vó vì sự trở chứng của "đồng minh" ở Islamabad có thể gây khó khăn không nhỏ cho cuộc chiến ở Afghanistan.

Trục trặc trong quan hệ Mỹ - Pakistan

Trong một động thái cứng rắn đầu tiên sau nhiều lần "cảnh báo", Pakistan hôm 30-9 vừa qua đã tạm thời đóng cửa khẩu Torkham. Islamabad đưa ra giải thích duy nhất cho quyết định này là để trả đũa việc máy bay trực thăng của liên quân NATO đã phóng tên lửa san bằng một đồn biên phòng ở Mandata Kandaho làm chết 3 lính biên phòng Pakistan. NATO đang tiến hành điều tra vụ việc.

Việc đóng cửa khẩu Torkham đang gây khó khăn không nhỏ cho hoạt động chống Taliban và khủng bố Al-Qaeda, bởi đây là cửa khẩu quan trọng nhất nằm trên tuyến đường từ Pakistan sang Afghanistan được NATO sử dụng để vận chuyển nguyên - nhiên liệu tiếp tế cho cuộc chiến ở Afghanistan. Hàng hóa, quân nhu, nguyên - nhiên liệu chuyển từ Mỹ và các nước NATO đến cảng Karachi, Pakistan sẽ theo đường bộ băng qua cửa khẩu Torkham để đến các căn cứ của liên quân NATO ở Afghanistan. Ngày 30/9, do cửa khẩu Torkham bị đóng cửa, nhiều chuyến hàng tiếp vận cho chiến trường Afghanistan đã bị ách lại.

Hành động đóng cửa khẩu Torkham của Pakistan không chỉ gây khó khăn cho công tác tiếp vận hậu cần nhất thời của NATO mà còn phản ánh những khó khăn khác trong việc phối hợp với "đồng minh" Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố Al-Qaeda và lực lượng Taliban. Thái độ "nước đôi" của nước này đã khiến Washington không ít lần phải lên tiếng.

Trong một lần hội đàm với nhà lãnh đạo Pakistan hồi tháng 11/2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đưa ra một lời vừa đề nghị vừa "răn đe" với Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari rằng, nếu Pakistan không dứt khoát trong lập trường quan điểm của mình về quan hệ đối với phiến quân Taliban và khủng bố Al-Qaeda thì "Washington sẽ phải hành động" để bảo đảm cuộc chiến được tiến hành theo đúng kế hoạch.

Thời gian gần đây, có vẻ như lời "đe dọa" đó của ông Obama đã được thực hiện, với việc liên quân NATO, mà chủ yếu là quân Mỹ, đã mở rộng các chiến dịch oanh kích bằng máy bay trực thăng và máy bay không người lái thọc sâu vào lãnh thổ Pakistan nhằm truy đuổi và tiêu diệt phiến quân Taliban và Al-Qaeda, gây phản ứng mạnh mẽ ở Islamabad. Đợt oanh kích mới nhất hôm Chủ nhật 3/10 đã tiêu diệt 17 phiến quân. Những đợt oanh kích như thế đang được tiến hành với mật độ ngày càng dày đặc hơn, gây thương vong nhiều hơn và đồng thời cũng làm cho quan hệ giữa Mỹ và Pakistan cũng ngày càng "nóng" hơn.

Mặc dù Chính phủ Pakistan đã ngầm có sự đồng ý riêng với Mỹ về việc tiến hành các chiến dịch oanh kích nêu trên, nhưng điều đó không được chính thức công nhận và vì vậy dư luận chung ở Pakistan xem các chiến dịch oanh kích như thế là xâm phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia, cho dù mục đích là tiêu diệt khủng bố Al-Qaeda và Taliban. Một quan chức quân đội Pakistan cho báo chí biết, giải pháp ổn thỏa nhất để xoa dịu dư luận ở Pakistan là NATO phối hợp cùng quân đội Pakistan điều tra vụ oanh kích ngày 30/9.

Lính Mỹ trong một trận truy lùng quân Taliban ở Afghanistan.

Nguy cơ bất ổn định chính trị ở Pakistan

Vấn đề không chỉ là sự trục trặc trong quan hệ với Islamabad mà còn là tình hình chính trị bất ổn trong nội bộ Pakistan có thể ảnh hưởng xấu đến cuộc chiến chống khủng bố Al-Qaeda và phiến quân Taliban ở Afghanistan.

Báo chí Pakistan hôm 28/9 đã đưa tin đậm nét về một cuộc họp giữa chính phủ và quân đội Pakistan hôm 27/9, trong đó tướng Ashfaq Parvez Kayani - Tổng tư lệnh quân đội Pakistan đã thẳng thắn yêu cầu Tổng thống Asif Ali Zardari phải cải tổ nội các chính phủ theo hướng trong sạch hơn và có năng lực hơn, hoạt động hiệu quả hơn nhằm cải thiện tình hình kinh tế đất nước đang trên đà tiến tới... phá sản!?

Theo đề nghị của tướng Kayani, ít nhất gần một nửa số bộ trưởng trong nội các (tổng cộng 60 người) - những người đã và đang bị điều tra tham nhũng, kể cả Tổng thống Zardari. Trong một tuyên bố sau đó, Chính phủ Pakistan cho biết sẽ không "tuân theo" các yêu cầu của tướng Kayani, nhưng xem ra động thái này không đảm bảo hiệu quả. Mặc dù đã tuyên bố không tham gia chính trường, nhưng quân đội vẫn được xem là một định chế hùng mạnh nhất Pakistan, có khả năng làm thay đổi tình hình chính trị trong nước.

Nguyên nhân khiến quân đội phải lên tiếng đòi cải tổ chính phủ được giải thích phổ biến trên báo chí Pakistan là do năng lực lãnh đạo yếu kém của chính phủ trước tình hình kinh tế khó khăn cộng với trận lũ kinh hoàng vừa qua (khiến hàng ngàn người chết, hàng chục triệu người bị ảnh hưởng).

Theo nhiều chuyên gia, những sai lầm trong quản lý kinh tế của Chính phủ Pakistan đã đẩy nền kinh tế đi dần đến bờ vực phá sản, lạm phát tăng chóng mặt, giá cả nhiều mặt hàng tăng gấp đôi, gấp 3 lần trong 2 năm qua, cộng hưởng với tình trạng thâm hụt ngân sách, phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài để "sống qua ngày". "Bệnh" càng trở nặng thêm bởi trận lũ kinh hoàng vừa qua.

Không chỉ quân đội đòi "cải tổ chính phủ", Tòa án Tối cao Pakistan hôm 27/9 cũng ra trát yêu cầu chính phủ viết một công hàm gửi đến Chính phủ Thụy Sĩ yêu cầu mở lại cuộc điều tra chống tham nhũng, rửa tiền đối với Tổng thống Zardari. Theo báo chí Pakistan, yêu cầu này chẳng khác nào lời đe dọa truất phế Tổng thống Zardari và làm sụp đổ chính phủ đương nhiệm được bầu lên cách đây 2 năm rưỡi.

Nếu đáp ứng yêu cầu của tòa án, ông Zadari sẽ phải hầu tòa và khi đó nhiều khả năng ông sẽ lại ngồi tù vì tội rửa tiền và việc bầu ông lên làm Tổng thống năm 2008 sẽ bị tuyên là "bất hợp pháp", do đó chính phủ do ông thành lập cũng sẽ phải giải tán. Bằng không tuân lệnh tòa án thì ông cũng có nguy cơ đối mặt việc bị Tòa án tối cao tước quyền miễn tố dành cho tổng thống, khi đó chính phủ vẫn có nguy cơ sụp đổ.

Đứng trước tình hình rối rắm tại Pakistan, giới chức chính quyền Mỹ đang tiên liệu một kịch bản xấu nhất có thể xảy ra khi chính phủ Zardari sụp đổ, Mỹ chưa nhìn thấy ai “sáng giá” khác lên thay. Khả năng quân đội trở lại cầm quyền là rất ít, vì tướng Kayani đã khẳng định "không muốn tham gia chính trường", trong khi Mỹ lại không "khoái" ông Nawaz Sharif trở lại lãnh đạo Pakistan - nhân vật này từng bị cáo buộc tham nhũng và thiếu năng lực, tương tự như ông Zardari

An Châu (tổng hợp)
.
.