“Mỹ hóa” cuộc vận động bầu cử ở Anh

Thứ Bảy, 17/04/2010, 16:45
Thủ tướng Anh Gordon Brown vừa giải tán Quốc hội sau khi được Nữ hoàng chấp thuận, mở đường cho cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào ngày 6/5 tới. Điều khác biệt trong cuộc bầu cử năm nay ở chỗ, người ta nhận thấy một hiện tượng "Mỹ hóa" trong cuộc vận động của các chính trị gia.

Sự nổi tiếng của đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama không thể nào không gây chú ý cho các chính trị gia tại Anh. Ngay trước khi Thủ tướng Anh Gordon Brown tuyên bố ngày tổng tuyển cử, phu nhân của các lãnh đạo Công đảng và đảng Bảo thủ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc vận động cử tri bầu cho chồng.

Chủ tịch đảng Bảo thủ David Cameron đã gọi vợ ông, bà Samatha Cameron là "vũ khí bí mật" chỉ vì các cuộc vận động bầu cử tại Anh trong lịch sử chưa từng có sự xuất hiện của các "điểm tựa gia đình" như ở Mỹ. Giống như kịch bản của bộ phim: “Americanization of Emily” (tạm dịch Cuộc Mỹ hóa của Emily, sản xuất năm 1964), trong đó mô tả vai trò của các phụ nữ Anh trong việc làm vui lòng các binh sĩ Mỹ thời Chiến tranh thế giới thứ hai khi quân Mỹ chuẩn bị đổ bộ vào Normandy (Pháp).

Giờ đây, các nhà chính trị Anh lại muốn sử dụng lại cách này của quân Mỹ khi vận động phụ nữ vào cuộc để thu hút cử tri. Phu nhân của Thủ tướng Anh, bà Sarah Brown đóng vai trò quan trọng trong việc làm mềm mại hình ảnh của các chính trị gia đảng này vốn được cho là thiếu thân mật và xa cách với cử tri. Trong đại hội của Công đảng Anh năm 2009, bà Sarah giới thiệu Thủ tướng Brown với câu "đây là chồng, người hùng của tôi".

Từng là một nhân viên PR lành nghề nhưng khi lấy ông Brown, bà Sarah chọn cho mình vai trò chăm sóc gia đình và tập trung làm từ thiện. Thế nhưng từ khi bắt đầu cùng chồng tham gia chính trường năm 2009 tới nay, công chúng biết đến bà nhiều hơn thông qua 1 triệu người liên lạc với bà qua mạng xã hội Twitter, gấp 6 lần số thành viên của Công đảng.

Thế nhưng, đảng Bảo thủ cũng không chịu nhường bước khi hy vọng rằng, phu nhân Samatha Cameron có thể xóa nhòa thành tích của Sarah Brown. Lý lịch trích ngang của Samatha không kém gì với Sarah. Bà là giám đốc sáng tạo của một công ty chuyên về xa xỉ phẩm và là người thuộc dòng dõi Vua Charles II.

Từ phong cách, quần áo cho tới những tuyên bố của các quý bà này đã trở thành đề tài không thể thiếu trên các phương tiện truyền thông của Anh đôi khi chẳng làm cho ông Brown hay Cameron phải vội vã ngăn chặn. Điều này cũng dễ hiểu vì các đảng phái ở Anh hiện nay đang muốn thu hút các nữ cử tri.

Trong hai cuộc bầu cử trước, điều tra nhân khẩu học cho thấy nữ cử tri ưa chuộng Công đảng hơn nhưng giờ đây, gió đã đổi chiều khi kết quả các cuộc thăm dò cho thấy 37% nữ cử tri ủng hộ đảng Bảo thủ, chỉ có 29% ủng hộ Công đảng. Sam Baker, chủ biên tạp chí Đỏ (Red Magazine), một trong những tạp chí hàng đầu của phụ nữ tại Anh đồng ý rằng ảnh hưởng của đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama là một yếu tố trong chiến dịch tranh cử tại Anh hiện nay nhưng thêm rằng, chủ trương thu hút các nữ cử tri đã có tại Anh từ giữa thập niên 90.

Tuy nhiên điều khác biệt hiện nay là các chiến dịch vận động tranh cử tại Anh mang tính cách cá nhân hơn là đảng phái. Một biểu hiện giống như kiểu vận động bầu cử tổng thống Mỹ. Ông Baker nói: "Thật tình mà nói là kể từ thời của Thủ tướng Tony Blair về trước, chưa bao giờ có các chiến dịch vận động theo kiểu bầu cử tổng thống Mỹ hay nặng về cá nhân như hiện nay".

Ngoài việc sử dụng các phu nhân vận động, các nhà chính trị Anh cũng đã học tập các chính trị gia Mỹ khi vận dụng Internet. Nếu như Tổng thống Obama trong lúc vận động tranh cử đã thường xuyên dùng e-mail thì nay các chính trị gia Anh cũng được khuyến khích dùng Internet tiếp xúc với cử tri. Theo ông Douglas Alexander, điều phối viên điều hành bầu cử của Công đảng: "Trong quá khứ, Công đảng chỉ sử dụng máy nhắn tin và fax chỉ để tuyên truyền. Giờ đây, chúng tôi sử dụng công nghệ thông tin để làm tăng sức mạnh của cử tri".

Cách sử dụng các phương tiện truyền thông vận động bầu cử của hai đảng lớn tại Anh phản ánh cách tiếp cận của họ với cử tri. Nếu như Công đảng chọn các vấn đề cụ thể để gửi tới cử tri thì đảng Bảo thủ muốn làm đậm nét sự gần gũi của lãnh đạo với cử tri. Một video clip mang tên "Webcameron" được đăng tải trên blog của ông Cameron ghi cảnh ông đang nói chuyện với cử tri trong lúc làm việc nhà.

Truyền hình trực tiếp các cuộc tranh luận từ lâu đã là một phần không thể thiếu trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.  Thế nhưng, giờ đây tại Anh, lần đầu tiên trong lịch sử, sẽ có các buổi truyền hình trực tiếp cuộc tranh luận giữa 3 nhà lãnh đạo của 3 đảng tranh cử gồm Thủ tướng Brown, ông Cameron và ông Nick Clegg, lãnh đạo đảng Dân chủ tự do. Cuộc tranh luận đầu tiên diễn ra vào ngày 15/4.

Hẳn là 3 nhà lãnh đạo này sẽ biết sử dụng các chiến thuật mà ứng viên tổng thống Mỹ Obama từng áp dụng trong các cuộc tranh luận thành công trên truyền hình trước đây. Công đảng đã ký hợp đồng với Joel Benenson, chiến lược gia bầu cử của ông Obama và Michael Sheehan, người chuyên huấn luyện cách đọc diễn văn của ông Obama.

Theo kết quả nhiều cuộc thăm dò cử tri, Công đảng đang đứng sau đảng Bảo thủ. Vì vậy, hơn ai hết, những thành viên Công đảng biết họ phải làm gì để tăng thêm ấn tượng với hình ảnh của ông Brown trong khi nhiều cử tri cho rằng phong cách và tài hùng biện của ông không thể nào sánh bằng người tiền nhiệm Tony Blair

Trương Minh (theo CS Monitor)
.
.