Myanmar: Vị tổng thống kín tiếng và một “siêu bộ trưởng”

Thứ Hai, 04/04/2016, 15:45
Ngày 30-3, Quốc hội dân cử đầu tiên của Myanmar sau hơn 50 năm đã tổ chức lễ tuyên thệ nhậm chức cho tân Tổng thống Htin Kyaw - người được xem là trợ thủ thân tín của bà Aung San Suu Kyi.

Cùng thời gian này, Quốc hội Myanmar cũng thông qua nội các chính phủ do ông Htin Kyaw lãnh đạo, trong đó bà Aung San Suu Kyi đóng vai trò một “siêu bộ trưởng” hết sức đặc biệt nhằm thực tiễn hóa sự lãnh đạo của bà đối với đất nước Myanmar sau hàng chục năm đấu tranh bền bỉ.

Nhân tố bí ẩn Htin Kyaw

Cho đến tháng 2-2016, rất ít người ở Myanmar được biết đến người sẽ là tổng thống của họ - ông Htin Kyaw. Nhiều người chỉ biết đến tên ông qua báo chí, và cũng chỉ mới đây thôi, khi tên ông được truyền thông loan báo được đề cử cho chức danh tổng thống.

Win Htoo, một nghị sĩ đảng Dân tộc Ta’ang, nhận xét rằng, những gì ông biết qua thông tin trên báo chí thì Htin Kyaw là một người tốt. Win Htoo rất ngưỡng mộ công tác từ thiện mà ông Htin Kyaw đã làm.

Năm nay 70 tuổi, ông Htin Kyaw là bạn thời thơ ấu của bà Suu Kyi, lãnh đạo đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD). Htin Kyaw là con trai của ông Min Thu Wun, một nhà văn, nhà thơ được nhiều người kính trọng và là bạn thân của cựu Tổng Thư ký LHQ U Thant (điều đặc biệt là hơn chục nghị sĩ đảng NLD trúng cử vừa rồi cũng là nhà thơ). Ông từng tham gia Chính phủ Myanmar, làm việc trong Bộ Công nghiệp và Bộ Kế hoạch và Tài chính.

Bà Aung San Suu Kyi cùng Tổng thống Htin Kyaw tại lễ tuyên thệ nhậm chức ở Quốc hội.

Năm 2000, Htin Kyaw bị chính quyền quân phiệt bắt giam 4 tháng vì đã trợ giúp bà Suu Kyi đi khỏi nơi giam giữ, ra khỏi phạm vi thủ đô (cũ) Rangoon. Trước khi được đề cử làm Tổng thống Myanmar, ông là một quản lý cao cấp của tổ chức từ thiện Daw Khin Kyi do mẹ của bà Suu Kyi sáng lập.

Theo luật bầu cử Myanmar, ông Htin Kyaw không qua việc bầu bằng lá phiếu trực tiếp của cử tri mà được đảng thắng cử trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua đề cử để Quốc hội bỏ phiếu bầu. Theo quy định của hiến pháp, bà Aung San Suu Kyi không được bầu giữ chức tổng thống do bà có chồng và hai con trai mang quốc tịch ngoại quốc (Anh). Hai vị phó tổng thống là các ứng viên đã thua Htin Kyaw trong cuộc bỏ phiếu vừa qua - tướng về hưu Myint Swe và Henry Van Thio, một nghị sĩ người dân tộc Chin cũng thuộc đảng NLD.

Người ta nói nhiều về sự kiện đảng NLD của bà Suu Kyi thắng cử vào tháng 11-2015 và việc ông Htin Kyaw lên làm tổng thống. Đây là một sự kiện rất quan trọng, là cột mốc lịch sử ở đất nước từng là thuộc địa của Anh (cũng chính vì thế mà chồng và hai con trai của bà Suu Kyi đều mang quốc tịch Anh). Alexander Graf Lambsdorff, Phó chủ tịch Nghị viện châu Âu, đã đưa ra nhận xét ngày 30-3 là một ngày lịch sử trọng đại của Myanmar, ngày lịch sử sang trang.

Sau khi Miến Điện (tên cũ của Myanmar) giành độc lập từ thực dân Anh vào năm 1962, quân đội trao quyền lãnh đạo đất nước cho đảng Chương trình xã hội Miến Điện theo đường lối xã hội chủ nghĩa, thiết lập nền kinh tế kế hoạch tập trung. Nhưng đến năm 1988, sau cuộc nổi dậy của sinh viên, quân đội đã nắm lại quyền lãnh đạo đất nước cho đến năm 2015, khi cuộc bầu cử Quốc hội dân chủ thực chất đầu tiên được tổ chức kể từ năm 1962.

Tiền đề cho việc đảng NLD lên nắm quyền đã được tạo ra khi lãnh đạo đảng này, bà Suu Kyi được trả tự do vào năm 2010, và tiếp sau đó là việc quân đội đưa ông Thein Sein lên làm tổng thống. Chính Thein Sein đã thúc đẩy mạnh mẽ cải cách chính trị, dân chủ tại Myanmar, hạn chế dần sự nắm quyền của quân đội, trao quyền nhiều hơn cho các đảng phái dân chủ ở Myanmar, đặc biệt là sự vươn lên của đảng NLD của bà Suu Kyi.

Vai trò đặc biệt của bà Aung San Suu Kyi

Trong chính phủ mới của Myanmar, nữ chính khách đoạt giải Nobel Hòa bình Suu Kyi đảm nhiệm những vai trò vô cùng đặc biệt. Ngoài chức Bộ trưởng Ngoại giao, bà còn đảm nhận các chức Bộ trưởng Giáo dục, Năng lượng và Điện năng và chức Chánh Văn phòng Tổng thống. Trong đó, việc việc đảm nhiệm chức Bộ trưởng Ngoại giao, bà Aung San Suu Kyi sẽ có vị trí trong Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia cùng với Tổng thống, hai Phó Tổng thống và người đứng đầu các lực lượng vũ trang.

Một vai trò đặc biệt nữa đang được đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi chuẩn bị cho bà thông qua con đường pháp lý. Đảng này đang soạn thảo và trình Quốc hội xem xét vào ngày 1-4 dự luật đặc biệt, trong đó ghi rõ tên bà Aung San Suu Kyi là đối tượng trực tiếp của dự luật. Dự luật được xây dựng nhằm lách hiến pháp hiện hành không cho phép bà làm Tổng thống Myanmar do chồng và các con bà đều là công dân mang quốc tịch Anh.

Theo Reuters, dự luật mới sẽ tạo nên chức danh đặc biệt gọi là Cố vấn Tổng thống quốc gia. Dự luật cho phép người cố vấn này có đầy đủ quyền hành như một tổng thống, có quyền trực tiếp làm việc với các bộ ngành, tổ chức và hiệp hội, các cá nhân. Tổng thống Myanmar Htin Myaw và người trong đảng NLD đều hiểu rằng, việc bà Aung San Suu Kyi được giao đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng trong chính phủ, được quyền tham gia các công việc điều hành đất nước trên cả tổng thống cũng là vì thế.

Bà Aung San Suu Kyi năm nay 71 tuổi (sinh tháng 6-1945), là con gái út của ông Aung San, nhà sáng lập nước Myanmar hiện đại. Sau khi tốt nghiệp Đại học Oxford năm 1968, bà làm việc cho Liên Hiệp Quốc trong 3 năm và sau đó lấy chồng sinh con.

Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb đến thăm bà Aung San Suu Kyi năm 2009.

Sự nghiệp chính trị của bà Suu Kyi bắt đầu nổi bật từ năm 1988 trong cuộc nổi dậy của sinh viên mang tên 8888 (ngày 8-8-1988) lan khắp đất nước. Khi đó bà lãnh đạo đảng NLD đấu tranh cho quyền lợi của mọi tầng lớp nhân dân Myanmar. Với vai trò thủ lĩnh nổi bật, Aung San Suu Kyi trở thành biểu tượng quốc gia thời bấy giờ. Khi chính phủ quân phiệt Myanmar tổ chức cuộc bầu cử vào năm 1990, đảng NLD của bà giành đến 80% phiếu bầu, chiếm đa số tuyệt đối trong Quốc hội. Nhưng giới lãnh đạo quân đội đã làm mọi cách để dìm sự trỗi dậy của đảng NLD, hủy bỏ kết quả bầu cử và từ chối chuyển giao quyền lực. Bản thân bà Suu Kyi bị giam lỏng tại nhà.

Từ đó cho đến khi được trả tự do vào năm 2010, bà Suu Kyi đã bị giam lỏng rồi thả ra và bắt giam trở lại ít nhất vài lần vào các năm 1995, 2000 và 2002. Năm 2003, bà bị biệt giam 4 tháng do bị cáo buộc có liên quan trong vụ thảm sát 70 người thuộc đảng NLD ở Tapayin do một nhóm du đãng được chính phủ bảo trợ thực hiện. Sau đó bà bị trả về giam lỏng tại nhà cho đến năm 2009 lại bị đưa ra tòa xét xử tội “phản quốc”, bị tuyên án 3 năm tù khổ sai.

Cuộc đấu tranh đòi quyền dân chủ của bà Suu Kyi được cả thế giới biết đến. Trong thời gian bị giam lỏng tại nhà, bà vẫn được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 1991. Sau khi bà Suu Kyi bị tuyên án tù khổ sai, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã lên tiếng can thiệp, gây sức ép với chính quyền Myanmar đòi thả bà ra. Nhờ thế bà vẫn bị giam lỏng tại nhà.Chính phủ Mỹ và Liên Hiệp Quốc đã áp đặt lệnh trừng phạt toàn diện đối với Myanmar do việc giam giữ bà quá lâu và không tôn trọng tự do, dân chủ.

Trước sức ép của quốc tế, Chính phủ Myanmar đành phải nhượng bộ. Năm 2010, Chính phủ Myanmar đã trả tự do cho bà Suu Kyi trước khi cuộc bầu cử diễn ra cùng năm. Tuy nhiên, bà Suu Kyi vẫn bị cấm tham gia ứng cử. Phải hai năm sau, bà mới được bầu vào Quốc hội trong một cuộc bầu cử bổ sung vào tháng 11-2012.

Chuyển biến theo chiều hướng thuận lợi cho đảng NLD và bà Suu Kyi bắt đầu khi quân đội Myanmar tuyên bố chuyển giao quyền điều hành đất nước cho chính quyền dân sự, tạo điều kiện cho bầu cử tự do. Và bà Suu Kyi đã dẫn dắt đảng NLD giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tháng 11-2015. Việc bà Suu Kyi được phép tham gia Chính phủ Myanmar với vai trò đặc biệt thể hiện ý muốn của bà.

Việc đã đề cử người bạn thân thiết, ông Htin Kyaw làm tổng thống được nhìn nhận là nước cờ khôn ngoan nhằm tạo cơ hội cho bà thực hiện ý định của mình. Mặc dù vậy, bà Suu Kyi vẫn phải tiếp tục “sống chung” với quân đội ít nhất thêm một nhiệm kỳ nữa, bởi quân đội vẫn chưa hoàn toàn “buông tay”, vẫn tiếp tục tham gia vào guồng máy chính trị đất nước.

Theo hiến pháp, dù cho đảng dân sự giành chiến thắng áp đảo, Quốc hội vẫn phải dành 25% số ghế đại biểu cho quân đội. Đây là vấn đề chính trị - pháp lý gay cấn mà bà Suu Kyi sẽ phải đối mặt và xử lý, sẽ khó tránh khỏi đụng chạm với quân đội một khi bà quyết tâm sử đổi hiến pháp để xóa bỏ những điều bất hợp lý, đưa trở lại những điều mà bà xem là hợp lý, có lợi cho bà.

Những thách thức đối với tân chính quyền dân chủ

Trong bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội, ông Htin Kyaw cam kết chính phủ của ông sẽ nỗ lực vì hòa bình, hòa giải dân tộc và nâng cao mức sống của người dân. Tân Tổng thống cũng nhấn mạnh nội các Myanmar có trách nhiệm đáp ứng những nguyện vọng của người dân để soạn ra một bản hiến pháp phù hợp với chế độ dân chủ của nước này.

Trong lúc 51 triệu người dân Myanmar đang đặt nhiều kỳ vọng vào chính quyền mới, giới phân tích cho rằng, Tổng thống Htin Kyaw trên thực tế phải đối mặt với nhiều nhiệm vụ khó khăn như căng thẳng và mâu thuẫn sắc tộc vẫn diễn ra ở khu vực biên giới, tình trạng nghèo đói tràn lan và quân đội thao túng nhiều quyền lực chính trị cũng như kinh tế.

Đặc biệt trong vài năm trở lại đây, căng thẳng phe phái và làn sóng chống Hồi giáo đã bắt đầu bùng lên mạnh mẽ trong nhiều cộng đồng dân cư tại Myanmar. Cụ thể là căng thẳng nhen nhóm ngay từ khi chuẩn bị diễn ra các cuộc bầu cử hồi tháng 11 năm ngoái và khi NLD sắp lên nắm quyền.

Người dân Myanmar vui mừng chào đón chiến thắng của bà Aung San Suu Kyi và đảng NLD của bà.

Bà Suu Kyi muốn phi quân sự hóa chính trường Myanmar, song để làm được điều này, bà cần phải có được sự đồng thuận từ phía quân đội, lực lượng đang nắm giữ 3 bộ quan trọng và nghiễm nhiên kiểm soát 1/4 số ghế Quốc hội - đủ để họ phủ quyết dự luật sửa đổi hiến pháp và tạo ra những cản lực không nhỏ đối với các cải cách của bà Suu Kyi.

Trước đó, quân đội Myanmar tổ chức cuộc diễu binh lớn nhân ngày thành lập quân đội (27-3), Tổng thống mới được bầu Htin Kyaw và Chủ tịch NLD Aung San Suu Kyi đều không có mặt trong buổi lễ này. Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Min Aung Hlaing thậm chí công khai bày tỏ lập trường tiếp tục tham gia vào các vấn đề đất nước, khi nhấn mạnh quân đội sẽ tiếp tục giữ vai trò dẫn đầu trong nền chính trị và duy trì hiến pháp.

Các nhà phân tích cho rằng, lập trường cứng rắn của quân đội rõ ràng là đáng lưu ý. Việc chuyển từ chính quyền quân sự sang chính phủ dân cử cho thấy sự tiến bộ đáng kể trong quá trình phát triển chính trị ở Myanmar, song đây mới là sự khởi đầu của một tiến trình. Nếu chính phủ mới không sớm đạt được những thành tựu, một sự thụt lùi về chính trị là có thể xảy ra.

Chính phủ mới có sự tham gia của những đại diện các dân tộc thiểu số, đã từng đấu tranh vũ trang và bị quân đội đàn áp trước đây. Xét từ góc độ ý nghĩa chính trị, sự sắp xếp này có thể giúp cho quá trình hòa giải, nhưng khi xét từ các hoạt động chính trị thực tế, điều này có thể ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành của chính phủ.    

Nhìn chung, nền chính trị hiện nay ở Myanmar là kết quả của sự thỏa hiệp. Chính phủ mới của NLD mặc dù có sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân, song những lợi ích thâm căn cố đế, cùng với ý chí và mong muốn duy trì các lợi ích của phe quân đội vẫn còn đó. Bất kỳ cải cách nào của chính phủ mới, một khi vấp phải các lợi ích này, sẽ dẫn tới những mâu thuẫn và căng thẳng mới về chính trị.

An Châu - Bảo Trân (tổng hợp)
.
.