NSƯT Hoàng Cúc: Nghệ sĩ là thế đấy!

Thứ Tư, 21/07/2010, 23:45
Đàn bà khi qua tuổi thanh xuân, cập kề tuổi trung niên đã là bi kịch. Với đàn bà đẹp, bi kịch tuổi già lại càng xậm xịt, u tối. Nhưng NSƯT Hoàng Cúc không bị vướng vào nỗi buồn của những nhan sắc đã qua thời thanh tân nhất. Sắp thành mẹ chồng, Hoàng Cúc vẫn đẹp, vẫn hấp dẫn, và có nét quyến rũ tích lũy từ năm tháng, từ những mất mát khổ đau trên đường đời.

Ở chị, vẫn còn ngút ngàn cháy bỏng với người đối diện ấn tượng về một Tám Bính giang hồ đầy thân phận trong "Bỉ vỏ", một cô Thanh - điểm tựa tinh thần của giám đốc Hoàng Việt nức tiếng trong "Tôi và chúng ta" gây "vang bóng một thời".

Chị dẫn tôi vào căn phòng rộng, tiện nghi, những chồng báo đọc dở ở cuối chân giường. Chị thân mật hỏi: "Nhà em có xa đây không?", tôi bảo: "Cách chục cây chị ạ". Chị lại nói: "Thế là xa đấy, khổ thân, làm báo vất vả, hay phải đi. Bây giờ cuộc sống thật bất ổn, tai nạn giao thông khắp nơi, đi nhiều nguy hiểm lắm...".

Ánh mắt xa xăm, chị tư lự: "Sáng nay đọc báo mà buồn, một người mẹ chở đứa con 2 tuổi đi ngoài đường, ôtô rú còi mạnh quá, người mẹ giật mình phanh gấp lại, đứa bé ngã văng xuống đường, đúng lúc đấy xe ôtô lao tới cán phải... Thế là em nhỏ đã không còn. Em chết thảm quá.

Hay vừa mới hôm qua đây thôi, trên phố Đội Cấn ngay gần nhà tôi, một xe ôtô bị kẹt số làm 2 người đi xe máy thiệt mạng ngay tại chỗ đỗ mua xăng. Thật vô lý, tại sao mạng người lại rẻ đến thế. Lúc nào mình cũng có cảm giác sợ hãi mơ hồ, lo lắng cho người thân. Những người thân đi ra ngoài đường, những người bạn đến chơi bao giờ về mình cũng dặn: "Đi cẩn thận nhé".

Lại còn căn bệnh ung thư quái ác nữa chứ. Mà căn bệnh này có thể đến với bất kỳ ai. Bây giờ sự sống và cái chết nó có thể ập đến bất cứ lúc nào và không trừ một ai, nếu là tai nạn xảy đến với người thân thì thật kinh khủng. Mình chỉ mong muốn cuộc sống bình an, không chỉ cho riêng mình mà cả những người xung quanh. Làm sao bình yên đến với mọi người, từ trong gia đình đến ngoài xã hội thì lúc đấy thanh thản mà sống mới vui được".

PV: Một nghệ sĩ như chị thì nhạy cảm lắm, vui buồn, xót xa, thương tiếc... Nhưng cứ đau khổ vật vã với cuộc sống xáo động như vậy thì rất dễ phân tâm trong công việc. Chị học cách thăng bằng cuộc sống như thế nào?

NSƯT Hoàng Cúc: Tôi học cách ngồi thiền, em ạ. Đêm nào cũng vậy, ngồi thiền đến khi thiếp vào giấc ngủ. Em có tin không? Khi thiền mình có thể quên đi thế giới đang sống và có thể cảm nhận được thế giới đang sống. Giờ tôi nhiều bệnh lắm, thiền giúp cho tôi ổn định nhịp tim và huyết áp.

Khi thiền tôi cảm nhận sâu sắc hơn mọi điều, tiếp nhận cuộc sống thanh bình hơn, tôi hiểu rằng nếu con người có tham vọng quá lớn mà không làm được thì khác nào "xây nhà trên cát". Thiền định giúp tôi cân bằng, loại trừ ham muốn và tham vọng quá đáng, cuộc sống cảm thấy bình an, tinh thần thanh thản.

Trong cuộc sống người này mắc lỗi, người kia phạm sai lầm, mình có thể cắt nghĩa được hoặc như khi con cháu trong nhà phạm một lỗi nào đó, mình lượng thứ vì tuổi trẻ bồng bột...  Nhờ những suy nghĩ thiện ấy cuộc sống trở nên trong trẻo và có ý nghĩa hơn.

PV: Chị tin vào thế giới tâm linh chứ?

NSƯT Hoàng Cúc: Tin chứ, không tin làm sao mà sống được. Tôi tin vào thế giới đôi khi rất vô hình, mà nhiều khi không giải thích được bằng ngữ nghĩa. Nếu không tin thì con người ta thiện và ác bị lẫn lộn. Hằng ngày, nhìn thấy bà cụ lưng còng, đi bán kẹo chewing gum, đi bán tăm, dáng liêu xiêu trên những con phố, không mua mình cũng đưa tiền. Những đồng bạc nhỏ đó mà các cụ cảm ơn rối rít, mình thấy xót xa, nhưng cuộc đời là như thế, và nghệ sĩ thì thường hay buồn vơ vẩn.

PV: Ngoài trái tim đa cảm, chị còn là một diễn viên có nội lực rất lớn. Thậm chí là "điên quá độ" khi hóa thân vào các vai thuộc dạng “khủng long”...

NSƯT Hoàng Cúc: (cười) Dạng "khủng long" cơ đấy. Tôi chưa nghe thấy ai nói mình như vậy...

PV:  Không đâu, diễn viên diễn hay thì thường phải có lửa. Mà lửa lớn quá thì thường rất dễ "điên". Thậm chí là "điên quá độ", cái điên của người nghệ sĩ nó cũng là sự sáng tạo...

NSƯT Hoàng Cúc: Để tôi kể em nghe một câu chuyện qua cũng đã lâu. Quan điểm của tôi nghệ sĩ thì không thể sống như cây vạn liên thanh, mà phải được chăm chút, có cuộc sống tối thiểu cho bản thân mình để mình còn tái sáng tạo. Tôi làm nhiều nghề tay trái từ mở hiệu quần áo cưới cho đến trang điểm, làm đầu cô dâu, mở quán cà phê... tất cả cũng chỉ nhằm để nuôi nghề tay phải là nghề diễn.

Có những hôm lịch diễn dày đặc, đang diễn trên sân khấu mới chợt nhớ ra rằng: "Trời ơi, thôi chết rồi, hôm nay có lịch đi hóa trang cô dâu, sắp đến giờ nhà trai đến đón dâu rồi". Biết làm sao bây giờ, thật là khủng khiếp. Nhưng cũng chẳng thể khủng khiếp bằng mình theo đoàn làm phim đi đóng phim ở xa, mà ngày đó phương tiện thông tin chưa hiện đại như bây giờ. Lúc đấy ở xa tít mù tắp, không thể nào liên lạc được về với đoàn kịch.

Có hôm, mình đã xin phép nghỉ đi đóng phim ở xa, nhưng nhà hát lại không cho vào lịch, vẫn cứ để lịch diễn. Trời ơi! Lúc đấy mình lo lắng phát sốt, phát rét lên ấy chứ. Mà ngày đó trẻ, máu "điên" lắm, mình nhớ cách đấy không lâu đi dự đám tang của ông Thế Lữ, có một cái phướn thêu chữ: "Chúng ta thà bị lừa còn hơn không tin vào con người". Mình thấy hay quá, tuyệt hay, đến hôm mình về nhà hát, mọi người trong ban lãnh đạo gọi lên để kỷ luật.

Bị lôi ra kiểm điểm, nhớ đến câu đọc trong đám tang cụ Thế Lữ, mình cứ ngỡ mình như hiệp sĩ ấy, đứng lên dõng dạc: "Tôi đã báo cáo xin nghỉ với các đồng chí, nhưng các đồng chí lại không cho vào lịch, vậy không phải lỗi của tôi. Các đồng chí hãy cho tôi tin các đồng chí đối với tôi như con người". Lúc đó mình thấy từ ngữ văn hoa và lãng mạn, mình thấy mình dũng cảm, còn mọi người nhìn mình thấy "rất điên". Điên theo kiểu nghệ sĩ, mọi người lắc đầu bỏ qua, rồi mình lại tiếp tục các vai diễn...

PV: Điều chị nói làm cho tôi bất giác nhớ đến câu khi nói về người nghệ sĩ: "Hồn nghệ sĩ ù ù gió thổi, mặt diễn viên trăng gió rọi soi"...  Nghệ sĩ chẳng nhẽ lúc nào cũng trên mây, trên gió hay sao?

NSƯT Hoàng Cúc: Nghệ sĩ không tỉnh táo, không khoa học không thể vào vai nặng được.

PV: Những vai diễn chị thể hiện từ sân khấu đến điện ảnh đa phần đều rất dữ dội, người đàn bà mạnh mẽ và liều lĩnh, một bản năng sống ngùn ngụt, có cảm giác như nếu chỉ thêm một chút lửa nữa thôi nó sẽ đốt cháy tất cả ra tro, như Tám Bính trong "Bỉ vỏ", khôn ngoan quỷ quyệt như Thủy trong "Tướng về hưu", như "Vợ và người tình"...

NSƯT Hoàng Cúc: Ối trời! Thế mà khi mình bắt đầu chập chững bước vào nghề toàn được phân công đóng những vai người đàn bà lành hiền cam chịu, cả tin đến độ ngờ nghệch, khờ khạo thậm chí ngốc nghếch như thể những nhân vật đó chẳng thể có nổi ở cuộc đời thực. Nhưng sau này dấn thân vào nghiệp diễn rồi mình tự khám phá mới thấy một góc khuất nào đó trong con người mình rất dễ để nhập vào vai người đàn bà cá tính, sắc sảo, thậm chí là nổi loạn... --PageBreak--

PV: Quả thật khi xem những nhân vật chị đóng có cảm giác vừa thích thú, mê muội lại vừa ám ảnh, sợ hãi.

NSƯT Hoàng Cúc: Mọi cái không phải tự nhiên mà có. Để được như em nói là tôi phải mất sức kinh khủng. Mất sức, lao lực là do nghề nghiệp. Kinh doanh cũng không làm cho mình mệt đến thế. Có thời gian dài mệt mỏi khủng khiếp, nhiều khi diễn xong có cảm giác không thể thở nổi nữa, bây giờ bị căn bệnh badơđô là cũng vì lẽ đó. Bác sĩ nói người có cảm xúc quá mạnh sẽ dẫn đến căn bệnh này. Mỗi lần diễn là mỗi lần phân thân. Những vai diễn điên cuồng, vật vã, khóc lóc, gào thét, rú rít, chua cay hay cả ngọt ngào, dịu nhẹ trên sân khấu, đều làm cho mình cạn kiệt sức lực. Tôi hằng đêm mất ngủ cũng là vì vai diễn.

PV: Người đàn bà xinh đẹp, gai góc và có số phận đó là những từ chỉ chị trên sân khấu và phim trường cũng thể ở đời thực. Nói công bằng thì chị rất thành công trong nghiệp diễn. Muốn nói gì thì nói, đã là nghệ sĩ thì nhất định phải có danh, có tiếng.

NSƯT Hoàng Cúc: Em ơi! Người ta hay nhìn nghệ sĩ bởi hào quang và danh vọng, nhưng không biết được rằng người nghệ sĩ đối diện với cô đơn khủng khiếp, nếu không đam mê không theo được nghề này. Nếu muốn trở thành người tài thì đối diện với cô đơn ở trên bước đường mình đi có khi rất nhiều chông gai. Có khi không nhìn thấy hoa hồng đâu cả. Có khi chẳng nhìn thấy ánh sáng gì hết. Có khi cũng chả ai đi cùng mình. Chỉ có mình cõng trên vai một núi khổng lồ khó khăn về mọi mặt...

Người nghệ sĩ không những sống đúng mình mà sống đúng với sự cô đơn của mình. Nhưng người ta sung sướng để có sự cô đơn đó, người nghệ sĩ không hòa nhập với ai mà cũng không muốn chia sẻ nỗi cô đơn đó. Nghệ sĩ là như thế đấy.

PV: Và, chị là người như thế.

NSƯT Hoàng Cúc: Tôi là như thế.

Diễn viên Hoàng Dũng và Hoàng Cúc trong phim “Tướng về hưu”.

PV: Nhìn ngôi nhà khang trang và những vật dụng rất đắt tiền, thì biết rằng chủ nhân là một người kiếm tiền giỏi. Không thể nói rằng những gì có được ở đây là bằng tiền cátsê dù rằng chị là solits của Nhà hát kịch Hà Nội.

NSƯT Hoàng Cúc: Đã có thời tôi kinh doanh bất động sản, nhưng tôi chỉ mua đất khi họ đã có sổ đỏ.  Tôi thích sự chắc chắn. Từ cái thời đất rẻ như bèo tôi rủ nghệ sĩ hài Minh Vượng và một số diễn viên ở nhà hát mua đất nhưng chả ai chịu mua cả. Tôi thấy tiền sinh ra từ đất ấy, dễ lắm, nhưng nói thật là đến giờ nhiều khi tôi nghĩ kiếm lắm tiền cũng chả để làm cái gì cả.  Đúng đấy, em cứ viết nguyên văn như thế, đôi khi nghệ sĩ kiếm tiền không biết để làm gì, như tôi đây...

PV: Thế là sao? Kiếm tiền mà lại không biết để làm gì ư?

NSƯT Hoàng Cúc: Vì máu nghệ sĩ ăn vào con người mình đến độ mình nghĩ làm kinh doanh cũng chẳng để làm cái gì. Nhiều người họ làm kinh doanh không mệt mỏi nhưng với tôi, tôi tự nhủ thế này là mình kiếm tiền ổn rồi, không phải kiếm thêm nữa, mặc dù mình biết chắc là có rất nhiều cái lời. Như giai đoạn gần đây người ta hay chơi cổ phiếu và lợi nhuận mang đến cho nhiều người, nhưng vì mình là nghệ sĩ nên mình không có ham muốn lên sàn lướt sóng. Nhiều khi tôi không thích, tôi chán, tôi không có khái niệm mình sống là để kiếm tiền, đời việc gì phải khổ thế, tôi đi chơi ngay. Tôi nghĩ mình chỉ cần như thế là đủ rồi bởi vì có được từng này là đã giúp được gia đình mình, họ hàng, cháu chắt...

PV: Khi em đến có thấy mấy cô gái ở dưới nhà là...

NSƯT Hoàng Cúc: Là hai đứa cháu gái tôi đấy. Tôi nuôi tất cả ba đứa cháu cho vui cửa vui nhà, nhưng bây giờ còn có hai. Một đứa nuôi từ nhỏ, lớn lên mình gả chồng cho, bây giờ mới hơn 30 tuổi, sinh được 3 đứa con, vừa rồi phát hiện ung thư mà con nó thì còn nhỏ quá. Sáng nay tôi vừa vào bệnh viện thăm con bé, nhìn cháu mà ứa nước mắt, tóc nó rụng đi nhiều rồi, sắp tới đây lại chạy xạ trị, không biết có còn sức mà chịu được không?!

Kia kìa, tôi mua tóc giả mang vào để cho nó đội. Con bé thích làm đẹp, giờ lại bị bệnh như vậy. Còn hai đứa cháu gái ở dưới gác kia, hôm qua mình vừa bảo: "Cô cho tiền hai đứa nhuộm tóc đi cho xinh gái. Cô thích nhìn chúng mày xinh". Đấy, niềm vui bây giờ của mình là con trai, là họ hàng, là bạn bè thân thiết. Như em, em có con chưa?

PV: Em có một cậu con trai.

NSƯT Hoàng Cúc: Đấy chị em mình giống nhau, có con trai là có cả thiên đường rồi, không cần gì khác nữa.

Chị âu yếm kể về cậu con trai vừa mới tốt nghiệp ra đi làm, trong niềm tự hào của người mẹ lại pha chút âu lo về cuộc sống nhiều bất trắc của tật bệnh và giao thông, và cả ô nhiễm nữa. Nỗi lo của chị là nỗi lo của tất cả các bà mẹ, trong đó có tôi. Tám Bính thuở xa xưa, cô Thanh của "Tôi và chúng ta" và bông cúc vàng miền gái đẹp Hoàng Cúc luôn ẩn hiện một vẻ đằm thắm, sâu lắng và day dứt trong cuộc sống đương thời

Trần Mỹ Hiền
.
.