Nam Phi: Đợt “thay máu” lớn nhất trong đảng ANC

Thứ Ba, 26/12/2017, 18:35
Cuộc tranh cử quyết liệt giành quyền lãnh đạo đảng Đại hội dân tộc Phi (ANC) ở Nam Phi đã kết thúc hôm 18-12 với việc một người hùng chống chủ nghĩa Apartheid được bầu lên lãnh đạo đảng, thay thế ông Jacob Zuma đang mất uy tín. Lãnh đạo mới của ANC chắc chắn sẽ là tổng thống kế tiếp của Nam Phi.

Cyril Ramaphosa, thành viên kỳ cựu của đảng ANC, đã giành chiến thắng áp đảo trước đối thủ là bà Nkosazana Dlamini-Zuma, vợ cũ của Tổng thống Zuma, cũng là một chính khách kỳ cựu ở Nam Phi. Tỉ lệ phiếu gần như tuyệt đối (chỉ có 179 phiếu chống trên 4.708 phiếu). Bên cạnh việc bỏ phiếu bầu chủ tịch đảng, các đại biểu ANC còn bầu 5 vị lãnh đạo chủ chốt của đảng. Đây có lẽ là đợt “thay máu” lớn nhất trong đảng ANC giai đoạn gần đây.

Năm nay 65 tuổi, Ramaphosa không là người xa lạ trên sân khấu chính trị Nam Phi. Đương kim Phó Tổng thống Nam Phi được nhiều người nhắc đến như là một trong những người hùng của cuộc chiến chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, giành độc lập cho người châu Phi da màu ở Nam Phi. Ông tham gia cuộc chiến chống chủ nghĩa Apartheid bên cạnh nhà lãnh đạo xuất sắc - lãnh tụ giải phóng dân tộc Nam Phi Nelson Mandela.

Là một người có tài tổ chức, Ramaphosa được ông Mandela tin cậy giao cho vai trò nhà đàm phán chủ chốt trong tiến trình đàm phán dẫn đến thỏa thuận chấm dứt chủ nghĩa Apartheid một cách hòa bình. Cuộc chiến giải phóng dân tộc Phi đã thành công không tiếng súng.

Khi thoái vị vào năm 1999, ông Mandela đã thúc đẩy việc đề cử Ramaphosa làm người kế vị trên cương vị lãnh đạo đảng ANC và Tổng thống Nam Phi nhưng không thành công. Do Ramaphosa khi đó còn khá trẻ, trong khi vẫn còn nhiều thành viên kỳ cựu của đảng ANC, những người từng vào sinh ra tử cùng ông Mandela vẫn đang chờ đến lượt mình lên lãnh đạo đất nước. Vì thế Ramaphosa đã không được chọn, thay vào đó là ông Thabo Mbeki được chọn thay thế ông Mandela lãnh đạo ANC và đất nước Nam Phi.

Sau thất bại này, Ramaphosa kiên nhẫn chờ đợi thời cơ. Ông trải qua một số chức vụ trong đảng ANC, không ngừng theo đuổi mục tiêu giải phóng dân tộc Phi, đấu tranh cho công bằng xã hội. Sau khi được ông Zuma chọn làm Phó Tổng thống vào năm 2014, Ramaphosa đã thể hiện một thái độ kiên nhẫn tuyệt đối, lẳng lặng thực hiện vai trò của mình mà không hé môi lời nào về những việc làm của ông Zuma.

Cuộc bỏ phiếu bầu lãnh đạo mới của đảng ANC lần này diễn ra trong bối cảnh đảng này đang gặp nhiều khó khăn khiến uy tín của đảng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Từ một đảng được hầu hết dân da màu Nam Phi ủng hộ, tôn vinh là đại diện tiêu biểu cho quyền lợi của người da màu Nam Phi sau hàng chục năm lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Phi khỏi ách kỳ thị chủng tộc Apartheid, ANC đang ngày càng mất đi ánh hào quang quá khứ, sự tín nhiệm của công chúng, kể cả những người từng sốntg chết với đảng, cũng sụt giảm nghiêm trọng do bị cáo buộc dung dưỡng cho tệ nạn tham nhũng, bè phái và thiếu năng lực lãnh đạo.

Ông Cyril Ramaphosa (đứng giữa) tại Hội nghị bầu lãnh đạo của ANC ở Johannesburg hôm 18-12.

Đặc biệt nghiêm trọng là tình trạng nội bộ đảng ngày càng chia rẽ giữa một bên là phái cải cách, những người trẻ tuổi muốn thúc đẩy nhanh tiến trình đổi mới sự lãnh đạo của đảng, đổi mới đời sống chính trị, cải thiện tình hình kinh tế, xã hội của đất nước sau nhiều năm trì trệ dưới sự lãnh đạo của ông Zuma. Vì vậy, các quan chức đảng ANC hy vọng với việc lên thay ông Zuma lãnh đạo đảng ANC, ông Ramaphosa sẽ giúp đảng này từng bước lấy lại uy tín, vị thế như từng có trước đây.

Một biểu hiện cho thấy niềm tin đang bắt đầu nhen nhóm ngay sau khi Ramaphosa được bầu lãnh đạo ANC: Thái độ phấn khởi của giới doanh nghiệp làm cho đồng tiền Nam Phi, đồng rand, tăng giá mạnh.

Chiến thắng của ông Ramaphosa cũng là sự thể hiện thái độ chống lại ông Zuma, bởi bà Dlamini-Zuma được ông Zuma giới thiệu ra ứng cử và ủng hộ hết mình từ đầu đến cuối. Uy tín của đương kim Tổng thống Zuma hiện đang giảm sút rất nhiều do những bê bối liên quan cá nhân ông. Đầu năm 2017, một loạt quan chức trong đảng ANC và chính quyền, nhân dân Nam Phi đồng loạt lên tiếng kêu gọi ông Zuma từ chức do bê bối tình ái, bê bối tham nhũng và những mối quan hệ cá nhân thiên vị cho những người thân quen, đặc biệt là với tỉ phú Gupta, gây bất bình trong công chúng.

Đám tang của ông Ahmed Kathrada, một thành viên cốt cán của ANC, đồng đội cũ của Zuma trong cuộc chiến chống chủ nghĩa Apartheid đã trở thành diễn đàn kêu gọi Zuma từ chức.

Chưa hết, Tổng thống Zuma đã đẩy tình trạng khủng hoảng lên đỉnh điểm bằng nước cờ sai lầm nghiêm trọng đầu tháng 4-2017: Cách chức Bộ trưởng Tài chính Pravin Gordhan do những bất đồng về quản lý tài chính, về việc xử lý các vấn đề liên quan đến giới doanh nghiệp, trong đó có gia đình tỉ phú Gupta. Cung cách điều hành đất nước yếu kém, cộng với những bê bối cá nhân của Tổng thống Zuma đã khiến cho đảng ANC phải trả giá bằng chính uy tín của mình.

Các thành viên cốt cán, ban lãnh đạo ANC nhận thấy nếu không cấp bách tìm người mới thay thế ông Zuma, nếu để tình trạng uy tín sụt giảm kéo dài, đảng ANC sẽ có nguy cơ mất thế cầm quyền. Đó là lý do khiến ông Zuma phải chọn phương án “ra đi trong danh dự”, để ANC có cơ hội sửa chữa những sai lầm do ông gây ra trong thời gian qua.

Với chiến thắng hôm 18-12, gần như chắc chắn ông Ramaphosa sẽ trở thành Tổng thống kế nhiệm ông Zuma. Nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều vấn đề ông Ramaphosa phải xử lý cho xong. Trước hết đó là việc phải thu xếp hài hòa mối quan hệ chính trị từ nay cho đến khi lên thay ông Zuma làm tổng thống, vì cho dù không còn lãnh đạo đảng nhưng nhiệm kỳ tổng thống của ông Zuma vẫn còn cho đến năm 2019 mới kết thúc.

Nhiệm vụ nặng nề nhất của Ramaphosa có lẽ sẽ bắt đầu sau khi ông lên thay ông Zuma làm Tổng thống Nam Phi.

An Châu (tổng hợp)
.
.