Nancy Pelosi - Nữ Chủ tịch Hạ viện đầu tiên ở Mỹ

Thứ Hai, 05/02/2007, 10:00

Năm ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, ông W.Bush đã “chạy” khắp 10 bang ở Mỹ. Tới đâu, ông cũng kêu gọi và cảnh báo dân chúng không được để cho đảng Dân chủ khống chế Hạ viện, nếu không sẽ xuất hiện một “nữ chủ tịch”.

Theo Hiến pháp Mỹ, Chủ tịch Hạ viện là chính khách quan trọng thứ 3 ở nước này sau phó Tổng thống. Sau nhiều nhiệm kỳ Hạ viện Mỹ chọn giới màY râu đảm nhiệm chức vụ đó, thì mới đây, tại kỳ họp đầu tháng 1/2007 đã chọn bà Nancy Pelosi. Bà là người phụ nữ Mỹ đầu tiên đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hạ viện Mỹ.

Một người mẹ tuyệt vời

Bà Pelosi năm nay 67 tuổi, sinh ra trong một gia đình quốc tịch Mỹ gốc Italia. Cha bà là nghị sĩ bang Maryland từng giữ chức thị trưởng thành phố Pandemot trong 12 năm liền. Anh trai của bà cũng đã đảm trách chức thị trưởng thành phố nói trên. Được ảnh hưởng bởi gia đình, ngay từ thời kỳ còn cắp sách tới trường, Nancy đã có chí hướng tham gia chính trường.

Sau khi tốt nghiệp Học viện Washington, Nancy kết hôn cùng Powro Pelosi. Sau đó, hai người chuyển về sinh sống tại thành phố Francisco, quê hương Powro. Powro rất thạo kinh doanh bất động sản và cổ phiếu nên gia đình nhanh chóng trở nên giàu có, sở hữu tài sản trị giá tới 25 triệu USD.

Pelosi sinh được 5 người con. Mặc dù thành tích hoạt động chính trị rất nổi bật, nhưng Pelosi cho rằng đối với phụ nữ, vai trò người mẹ trong gia đình là quan trọng hơn cả.

Tại Francisco, Pelosi là người tạo nguồn tài chính chủ yếu của đảng Dân chủ, vì vậy bà đã nhanh chóng được giữ chức Chủ tịch đảng Dân chủ ở bang California. Năm 1987, bà được bầu vào Quốc hội. Hiện nay, với 6 đứa cháu, Pelosi trở thành bà nghị sĩ theo đúng nghĩa chữ bà trong gia đình.

Cũng như nhiều người phụ nữ khác đã lên chức bà, Pelosi trông rất hiền, luôn tươi cười với mọi người, nhưng có điều khác là bên trong sự hiền dịu ấy là một ý chí kiên cường. Bà công khai tham dự vào các hoạt động của tổ chức đồng tính luyến ái, phản đối dự thảo luật “Cấm phá thai”. Điều ngạc nhiên hơn là mặc dù đã cao tuổi nhưng sức khỏe bà còn dồi dào, tối nào cũng xem các chương trình MTV tới khuya.

Phu quân Powro là người hậu thuẫn kiên định cho sự nghiệp chính trị của bà. Sự giàu có của gia đình bà đứng thứ 8 trong Quốc hội, là điều kiện thuận lợi cho bà Pelosi đứng ra quyên góp, tạo nguồn tài chính cho đảng Dân chủ.

Trong đợt vận động tranh cử giữa nhiệm kỳ 2006, bà đã quyên góp được cho đảng Dân chủ tới 50 triệu USD, vượt kỷ lục trước đây, tạo điều kiện để bà ngồi chắc vào ghế chủ tịch Hạ viện. Về mặt chính kiến, bà luôn kiên định ủng hộ lập trường của các nghiệp đoàn, tổ chức bảo vệ môi trường và tổ chức người tiêu dùng.

Năm 1985, sau khi bà Pelosi được bầu vào chức Chủ tịch Ủy ban toàn quốc của đảng Dân chủ, một quan chức trong đảng nhận xét bà là một người “yếu về tri thức” nhưng bà Pelosi không vì thế mà nản lòng. Ngược lại, bà vẫn kiên trì lập trường của mình. Bà Pelosi đấu tranh mạnh với các phần tử bè phái, duy trì sự “kỷ cương” trong đảng Dân chủ, yêu cầu mọi đảng viên phải hành động thống nhất, lên án mạnh mẽ những đảng viên hành động tự do và không theo sự chỉ đạo của tổ chức đảng.

Đối thủ của Tổng thống W.Bush

Trên chính trường nước Mỹ, bà Pelosi là đối thủ của Tổng thống đương nhiệm W.Bush và đảng Cộng hòa. Bà luôn đả kích chính sách của đảng Cộng hòa rằng, người của đảng Cộng hòa “thiếu đạo đức” và “tham nhũng”, công khai chỉ trích Tổng thống W.Bush là “người lãnh đạo kém năng lực”, từ khi làm chủ Nhà Trắng đến nay nước Mỹ không có chuyển biến gì. Đảng Cộng hòa rất bực tức, các cố vấn của Nhà Trắng và các nhân vật “chóp bu” của đảng này dường như ngày đêm tìm cách trả đũa bà Pelosi.

Năm ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, ông W.Bush đã “chạy” khắp 10 bang ở Mỹ. Tới đâu, ông cũng kêu gọi và cảnh báo dân chúng không được để cho đảng Dân chủ khống chế Hạ viện, nếu không sẽ xuất hiện một “nữ chủ tịch”.

Trước đây, “nữ nhân vật này từng phản đối thành lập Bộ An ninh nội địa, phản đối việc lật đổ Saddam Hussein, phản đối việc giám sát các phần tử khủng bố, phản đối CIA thẩm vấn các phần tử khủng bố, rằng có bắt được Bin Laden hay không, nước Mỹ cũng chẳng được an ninh hơn...”. Người phụ nữ mà Tổng thống Mỹ ám chỉ đó là bà Pelosi.

Trong đợt vận động tranh cử, đảng Cộng hòa còn vẽ tranh châm biếm đả kích bà. Mặc những lời chỉ trích, bà Pelosi vẫn chĩa mũi dùi vào Tổng thống W.Bush.

Bà Pelosi và W.Bush như “mặt trăng và mặt trời”, dư luận quan ngại rồi đây không biết hai người sẽ cộng tác với nhau ra sao? Trước công việc của đất nước, có thể 2 người sẽ gượng cười và bắt tay nhau.

Những thách thức cần phải vượt qua

Lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, đảng Dân chủ giành được quyền kiểm soát cả Thượng viện lẫn Hạ viện. Một số nhà phân tích dự đoán: Pelosi cùng Bộ trưởng Ngoại giao đương nhiệm, bà Rice và bà Hillary, nghị sĩ bang New York. Có thể sẽ đưa nền chính trị nước Mỹ vào “triều đại nữ quyền” chưa từng có ở nước Mỹ.

Tuy đạt tới đỉnh cao trong sự nghiệp hoạt động của mình, nhưng đối mặt với bà Pelosi không phải chỉ có hoa hồng. Nhiều nghị sĩ bên ngoài tỏ ra ủng hộ bà nhưng bên trong lại muốn cạnh tranh chức vụ với bà. Các phương tiện truyền thông cho rằng: đó không chỉ là một đòn đánh vào bà mà còn là mầm mống gây chia rẽ trong nội bộ đảng Dân chủ, là cơ hội để đảng Cộng hòa chỉ trích.

Hợp tác với đảng Cộng hòa như thế nào? Cũng là một đề tài hóc búa đối với bà chủ tịch, mặc dù bà tuyên bố 2 đảng cùng hợp tác nhưng vẫn nói: “Nếu ý kiến 2 đảng trái ngược nhau, chúng tôi sẽ kiên trì quan điểm của chúng tôi”. Xem ra, đối với người phụ nữ ở vị trí thứ 3 của nước Mỹ này, sức ép về chính trị, quyền lực còn rất lớn. Nhưng bà vẫn tỏ ra vững vàng, kiên định quan điểm chính trị của mình

Phạm Xuân Tiến (tổng hợp)
.
.